Bảo quản cam tươi ngon trong 3 tháng
Thứ Tư 28/10/2015 , 08:47 (GMT+7)
Sau 3 tháng được bảo quản bằng công nghệ cao, vỏ quả cam vẫn tươi, bóng, có màu vàng sáng đặc trưng của cam tươi, bề mặt cắt mịn, mọng nước, vị đậm, chua ngọt hài hòa…
Sau khi xuất khẩu thành công 10 tấn vải thiều bằng công nghệ CAS (công nghệ bảo quản tế bào sống) sang Nhật Bản vào tháng 7/2014, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ KH-CN) tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật bảo quản quả cam V2 Cao Phong (được trồng tại huyện Cao Phong, Hòa Bình).
Kết quả thật đáng mừng. Sau 3 tháng, quả cam vẫn tươi ngon, chất lượng tốt, không chỉ góp phần nâng cao giá trị, phát triển thương hiệu mà còn mở ra hướng xuất khẩu cam Cao Phong sang các thị trường khó tính.
Công nghệ CAS
Định hướng của Hòa Bình là mở rộng diện tích trồng cam lên 5.000 ha cam đến năm 2020, sản lượng ước đạt 90 – 100 nghìn tấn/năm. Trong đó, diện tích cam của huyện Cao Phong sẽ tăng từ 100 – 200 ha/năm. Việc tiêu thụ một sản lượng cam lớn trong thời gian ngắn ở kỳ thu hoạch rộ là không hề đơn giản.
Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, hiện nay, những công nghệ bảo quản thường dùng là bảo quản bằng nhiệt độ thấp, phương pháp khí quyển cải biến, bảo quản bằng chiếu xạ, bằng màng chistosan…
Các phương pháp trên chỉ kéo dài thời gian bảo quản nhất định và tùy thuộc vào từng loại quả, chất lượng của quả không đảm bảo khi để thời gian dài.
CAS là công nghệ do Nhật Bản chuyển giao. Nó có tính vượt trội hơn hẳn so với các công nghệ khác. Đó là không sử dụng hóa chất, mà thực hiện khâu làm lạnh nhanh kết hợp với hệ thống tạo trường điện từ và sóng âm để bảo quản quả tươi. Sản phẩm luôn giữ ở nhiệt độ – 35 độ C trở lên nhưng vẫn không phá vỡ các màng và thành tế bào, duy trì được yếu tố quan trọng cấu thành hương vị trong thực phẩm. Nhờ đó giúp thực phẩm được bảo quản tốt hơn, tươi lâu hơn so với công nghệ đông lạnh truyền thống. Thời gian bảo quản thực phẩm có thể kéo dài tới 1 năm, thậm chí là 5 – 10 năm.
Quả vải đi Nhật và cánh cửa cho quả cam
Hệ thống máy bao gồm 1 tủ đông lạnh nhanh CAS, 1 kho đông lạnh CAS, công suất tùy thuộc nhu cầu. Tháng 7/2014, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng đã xuất khẩu thành công 10 tấn vải sang thị trường Nhật Bản. Viện cũng đang thử nghiệm bảo quản trên đối tượng là cam, nhãn, xoài…, đặc biệt là quả cam V2 Cao Phong (Hòa Bình).
Những quả cam không hạt V2 ngon, sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được tuyển chọn và đóng gói cẩn thận trong túi ni lông và bảo quản bằng công nghệ CAS. Sau 3 tháng, đánh giá bước đầu cho thấy chế độ công nghệ CAS phù hợp với cam V2 Cao Phong là: thời gian lạnh đông 1 giờ, nhiệt độ bảo quản -30 độ C, nhiệt độ đông kết -30 độ C, lượng gió bảo quản 80% và dung gió bảo quản 80%.
Vỏ quả cam vẫn tươi, bóng, có màu vàng sáng đặc trưng của cam tươi, bề mặt cắt mịn, mọng nước, vị đậm, chua ngọt hài hòa, không có mùi vị lạ. Về chất lượng, hầu hết hàm lượng chất khô hòa tan, hàm lượng đường có xu hướng tăng, hàm lượng acid tổng số và hàm lượng vitamin C có xu hướng giảm nhẹ.
Như vậy, khi ứng dụng công nghệ CAS để bảo quản cam sẽ nâng cao giá trị thương phẩm, mở ra thị trường xuất khẩu cho vùng cam Cao Phong, góp phần phát triển nông nghiệp hàng hóa và kinh tế – xã hội cho vùng.
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư
Từ kết quả nghiên cứu trên, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng đề nghị Sở KH&CN Hòa Bình và huyện Cao Phong cần đề xuất với tỉnh đầu tư mua dây chuyền công nghệ CAS để bảo quản, theo hướng kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp bảo quản, chế biến và xuất khẩu nông sản. UBND tỉnh, các sở, ban, ngành phối hợp tìm đối tác ở các thị trường nước ngoài.
Doanh nghiệp cần có đủ năng lực, cơ sở vật chất phù hợp cho bảo quản công nghệ CAS, có quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm HACCP. Công nghệ CAS không chỉ bảo quản được trái cây mà còn bảo quản được các nông sản thực phẩm khác, nên các doanh nghiệp có thể tính toán sử dụng công nghệ CAS với một chuỗi các loại sản phẩm thời vụ khác, không chỉ khấu hao được hết công suất của máy mà nếu mang bán sản phẩm tại các thời điểm khan hiếm khác trong năm sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao.