Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì? Quyền lợi của người tham gia
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì? Quyền lợi của người tham gia
Bởi ebh.vn
– 07/04/2022
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chế độ bảo hiểm được Nhà nước bảo hộ, do cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) thực hiện. Những người lao động không thuộc cơ quan, đoàn thể nào, không tham gia BHXH bắt buộc hoàn toàn có thể lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của người tham gia.
Người dân không tham gia BHXH bắt buộc có thể tham gia BHXH tự nguyện
Tham gia BHXH tự nguyện là nhu cầu chung của nhiều người dân nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về quy định liên quan đến loại hình bảo hiểm xã hội này.
1. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?
Bảo hiểm xã hội tự nguyện (Viết tắt: BHXH tự nguyện) là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia bảo hiểm được quyền lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với tài chính của mình.
Căn cứ theo Khoản 4, Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ban hành ngày 20/11/ 2014 quy định công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không nằm trong nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Và khi nào cần tham gia BHXH tự nguyện thì người lao động căn cứ theo đúng quy định nêu trên xem mình thuộc nhóm đối tượng nào để có thể đóng BHXH.
2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm những chế độ nào?
Căn cứ tại Khoản 2 Điều 4, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng quyền lợi từ 02 chế độ hưu trí và tử tuất như đối với người tham gia BHXH bắt buộc.
Theo đó người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng quyền lợi và các khoản tiền trợ cấp sau:
-
Hưởng tiền lương hưu hằng tháng.
-
Nhận tiền trợ cấp một lần.
-
Tiền trợ cấp mai táng.
-
Tiền trợ cấp tuất một lần.
-
Quyền lợi về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Như vậy, so với chế độ BHXH bắt buộc, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng ít quyền lợi hơn khi người tham gia sẽ không được hưởng các chế độ ốm đau, chế thai sản và chế độ TNLĐ-BNN. Tuy nhiên, với hình thức đóng BHXH tự nguyện cũng mang lại một số lợi ích nhất định cho người tham gia như:
– Phương thức, mức đóng BHXH tự nguyên linh hoạt
– Giúp người dân không đủ điều kiện tham gia BHXH bắt buộc có thể tiếp tục đóng bảo hiểm để hưởng lương khi về già.
3. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Căn cứ Điều 87, Luật BHXH Việt Nam 2014 quy định chi tiết mức đóng bảo hiểm xã hôi tự nguyện cho người lao động như sau: Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Người tham gia được chọn một trong các phương thức đóng sau đây:
1. Hằng tháng.
2. 03 tháng một lần.
3. 06 tháng một lần.
4. 12 tháng một lần.
5. Đóng 1 lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc 1 lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định.
Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định về chuẩn nghèo của khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/tháng trong giai đoạn 2022 – 2025. Do đó mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất và mức hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao tham gia BHXH tự nguyện như sau:
(Đơn vị tính: đồng)
TT
Người tham gia
Mức đóng thấp nhất hàng tháng
Nhà nước chưa hỗ trợ
Tỷ lệ (%)
Nhà nước hỗ trợ
Số tiền
Nhà nước hỗ trợ hàng tháng
Mức đóng thấp nhất
hàng tháng sau khi Nhà nước hỗ trợ
1
Người thuộc hộ nghèo
330.000
30%
99.000
231.000
2
Người thuộc hộ cận nghèo
330.000
25%
82.500
247.500
3
Người thuộc đối tượng khác
330.000
10%
33.000
297.000
Như vậy, có thể thấy người lao động được tự do lựa chọn mức đóng BHXH tự nguyện cho mình và có sự hỗ trợ từ Nhà nước tạo điều kiện tốt nhất để người lao động có hoàn cảnh khó khăn cũng có thể tham gia đóng BHXH, hướng đến mục tiêu an sinh xã hội toàn dân ở mức cao hơn.
Quyền lợi hưởng chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện
4. Mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Căn cứ Chương IV, Luật BHXH Việt Nam 2014 quy định chi tiết về mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện, cụ thể như sau:
4.1. Mức hưởng chế độ hưu trí
Người tham gia đóng BHXH bao nhiêu năm thì được hưởng lương hưu? Theo quy định mức hưởng lương hưu hàng tháng bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH, trong đó:
– Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là được tính là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm.
– Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm đến năm 2023 là đủ 20 năm.
Sau đó cứ mỗi năm thì tỷ lệ hưởng lương hưu được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Như vậy, người tham gia bảo hiểm xã hội đóng từ đủ 20 năm trở lên sẽ được hưởng chế độ hưu trí và không phân biệt là người tham gia đóng theo hình thức bắt buộc hay tự nguyện.
Do đó, đối với trường hợp cá nhân tham gia BHXH bắt buộc chưa đóng từ đủ 20 năm đã đến tuổi về hưu có thể tiếp tục đóng bảo hiểm theo hình thức tự nguyện đến đủ 20 năm để được hưởng lương hưu theo quy định.
Quyền lợi và các khoản tiền trợ cấp được nhận từ chế độ hưu trí gồm có:
4.1.1 Mức hưởng lương hưu hằng tháng
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, mức lương hưu hàng tháng được tính theo công thức:
Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng * Bình quân thu nhập tháng đóng BHXH
4.1.2 Nhận tiền trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu
Căn cứ theo khoản 2 Điều 74 của Luật BHXH 2014. Mỗi năm người tham gia BHXH tự nguyện đóng cao hơn số năm tương ứng tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
4.1.3. Rút bảo hiểm xã hội 1 lần
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 01 năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
4.2. Mức hưởng chế độ tử tuất
Quyền lợi và các khoản tiền trợ cấp được nhận từ chế độ tử tuất gồm:
4.2.1 Trợ cấp mai táng
Bằng 10 lần mức lương cơ sở dành cho người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 60 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu.
4.2.2 Trợ cấp tuất
Đối với thân nhân của người đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng, cứ mỗi năm:
-
1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng trước năm 2014);
-
02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng từ năm 2014 trở đi);
-
Tối đa 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH nếu đóng chưa đủ 01 năm;
-
Tối thiểu 03 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH nếu tham gia cả BHXH bắt buộc và tự nguyện.
Đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu:
-
48 tháng lương hưu đang hưởng nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu;
-
Cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng nếu chết vào những tháng sau đó.
4.3 Đóng BHXH tự nguyện có được hưởng chế độ thai sản không?
Liên quan đến quyền lợi hưởng BHXH tự nguyện, như đã đề cập bên trên thì tính nay người tham gia sẽ chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất theo quy định tại Luật BHXH 2014
Trước thông tin cho rằng, người dân khi tham gia bảo hiểm tự nguyện được hưởng chế độ thai sản là không có căn cứ và chưa có bất cứ quy định cụ thể nào.
Do đó, người tham gia khi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ không được hưởng chế độ thai sản BHXH bắt buộc.
Như vậy, trong bài viết trên đây Bảo hiểm xã hội điện tử eBH đã gửi đến bạn đọc những thông tin cơ bản về chế độ BHXH tự nguyện tại Việt Nam. Mong rằng những chia sẻ trên có thể mang lại cho bạn đọc những thông tin cần thiết và hữu ích nhất.