Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Cứu cánh cho người lao động tự do

Hiện nay, bên cạnh một bộ phận cán bộ, công nhân viên chức có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng từ nguồn ngân sách Nhà nước (lương) thì vẫn còn những người không có thu nhập ổn định (lao động tự do) chiếm tỷ lệ khá lớn trong xã hội. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn trong cuộc sống khi họ mất sức lao động hoặc gặp rủi ro, bệnh tật. Vì vậy, bảo hiểm xã hội tự nguyện chính là điểm tựa, là “cứu cánh” cho những người không có lương hoặc thu nhập thấp.

BH1.jpg

Dù được sự quan tâm của con cháu nhưng nhiều người cao tuổi không lương vẫn mong muốn được tham gia BHXH tự nguyện để ổn định cuộc sống lâu dài

Bảo hiểm xã hội tự nguyện – mong muốn của nhiều người

Ở khu 15, xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng, gia đình ông Trương Văn Lễ là một trong những hộ điển hình trong diện người cao tuổi phát triển kinh tế giỏi, kinh tế gia đình thuộc diện vững mạnh trong xã. Năm nay gần 70 tuổi, gia tài của ông cũng thuộc diện có của ăn của để. Tuy nhiên, ông vẫn lo lắng trong trường hợp cây bưởi mất mùa hoặc mất giá khi diện tích trồng bưởi trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng nên mong muốn được tham gia BHXH tự nguyện để ổn định cuộc sống lâu dài.

Ông Nguyễn Huy Thản ở xóm Ro Lục, xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê, năm nay hơn 60 tuổi, có tới 7 đứa con, trong đó 4 người đã lập gia đình. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, 2 người con ông đã phải vay ngân hàng để đi xuất khẩu lao động ở xứ người. Gia đình ông hiện giờ có 3 cặp vợ chồng, gồm ông và 2 gia đình của 2 người con trai, tất cả là 11 người ở chung trong một căn nhà lụp xụp, diện tích chỉ hơn trăm m2. Thu nhập của đại gia đình ấy cũng chỉ trông vào gần chục sào ruộng và hơn sào vườn. Có tay nghề thợ nề nhưng sức khỏe yếu, không đi làm ăn xa được, chỉ đợi người xung quanh thuê vài việc lặt vặt nên cuộc sống càng bí bách, khó khăn.

Ông Nguyễn Trọng Bút, khu 11, xã Phượng Vỹ, huyện Cẩm Khê thuộc diện “nghèo nhất xã”. Thu nhập của cả nhà chỉ trông vào hơn 3 sào ruộng và khoảng trăm m2 vườn tạp. Bản thân ông Bút sức khỏe yếu, chỉ thỉnh thoảng đi làm thuê lặt vặt quanh xóm, thời gian chủ yếu là trông mấy đứa nhỏ. Mấy đứa con đã lập gia đình nhưng hoàn cảnh cũng khó khăn nên không hỗ trợ được gì cho cha mẹ. Cứ hoàn cảnh như hiện nay, khi hết tuổi lao động thì gia đình ông không biết lấy gì nuôi thân nếu như không có nguồn thu ổn định như tham gia BHXH tự nguyện.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, nhiều người có hoàn cảnh như các gia đình trên, đặc biệt là các hộ ở nông thôn khi đã qua tuổi lao động rất mong muốn được tham gia BHXH tự nguyện để đảm bảo có nguồn thu nhập ổn định. Lý do của họ đưa ra rất hợp lý: Hiện giờ còn có sức khỏe, có thể sản xuất hoặc được con cháu chu cấp, có nguồn tích lũy, nhưng nếu khi mất sức lao động hoặc không may gặp phải bệnh tật, nằm viện lâu dài thì có một nguồn thu nhập ổn định hàng tháng sẽ giúp họ phần nào ổn định được cuộc sống. Còn đối với những người cao tuổi lý do họ muốn tham gia BHXH tự nguyện là để có thể chủ động về kinh tế, không phải phụ thuộc vào con cháu trong sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, mong muốn được tham gia BHXH tự nguyện đã trở thành nhu cầu bức thiết của không ít người dân.

Tuy nhiên, nhu cầu về BHXH tự nguyện trong nhân dân hiện nay, đặc biệt là đối với người lao động tự do thực sự rất cao nhưng họ lại chưa có điều kiện tìm hiểu rõ về BHXH tự nguyện do thiếu thông tin. Trong khi đó, nguồn cung là BHXH lại chưa có những giải pháp tuyên truyền phù hợp để có thể đáp ứng được yêu cầu về thông tin của người dân. Điều cần thiết nhất hiện nay giữa 2 bên là làm sao kết nối cung – cầu, giải quyết tốt nhu cầu của cả 2 bên, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động tự do khi hết tuổi lao động hoặc gặp rủi ro.

BH2.jpg

Tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ giúp người nông dân có khoản thu nhập ổn định khi hết tuổi lao động, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống

“Cứu cánh” cho người lao động tự do

Khi tham gia BHXH tự nguyện, người lao động tự do được hưởng những lợi ích thiết thực như được chi trả lương hàng tháng như cán bộ công nhân viên chức; được hưởng lương hưu ngay khi nộp đủ số tháng theo thời gian quy định; có Nhà nước đảm bảo, tránh được nhiều rủi ro so với bảo hiểm của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người lao động tự do còn có cơ hội tiếp cận với các chính sách khác như bảo hiểm y tế; chăm sóc sức khỏe; vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất. Hiện nay, rất nhiều ngân hàng có chính sách cho vay vốn với cơ chế thoáng, chỉ cần người lao động tham gia đóng BHXH là được vay, thuận lợi hơn nhiều so với việc thế chấp sổ đỏ hoặc tài sản khác.

Mặc dù vậy, như đã nói ở trên, nhu cầu của người dân về BHXH tự nguyện rõ ràng là rất lớn nhưng trên thực tế lại chưa thực sự thu hút được người lao động tự do tham gia vào loại hình BHXH này. Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 10 năm 2018, toàn tỉnh mới chỉ có 6.862 người tham gia BHXH tự nguyện, quá thấp so với nhu cầu thực tế hiện nay.

Vậy làm thế nào để khắc phục các rào cản, thu hút được đông đảo người dân tham gia BHXH tự nguyện, nhất là người lao động tự do đang là câu hỏi đặt ra hiện nay. Thiết nghĩ, trước hết ngành bảo hiểm cần đẩy mạnh, đổi mới công tác, phương thức tuyên truyền để người dân hiểu và tự nguyện tham gia BHXH, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi trình độ dân trí còn chưa cao cần có các biện pháp tuyên truyền thích hợp, dễ hiểu, dễ làm. BHXH nên nghiên cứu việc phối hợp với chính quyền địa phương để có những giải pháp giải thích, thu hút người lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện bằng cách lồng ghép vào các chương trình hội nghị, liên hoan văn hóa, văn nghệ, thể thao ở khu dân cư. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền đưa chỉ số phát triển đối tượng tham gia BHXH, trong đó có BHXH tự nguyện vào chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm, coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành việc thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. 

BHXH cũng có thể nghiên cứu để mở rộng độ tuổi đóng bảo hiểm, có thể từ tính từ khi người muốn tham gia đến độ tuổi lao động (không phải theo quy định là từ 30 tuổi trở lên); có thể chia thời gian nộp BHXH tự nguyện trong tháng từ 2 đến 3 lần bởi nhiều khi người nông dân không sẵn tiền mặt trong khi đã có chính sách cho đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần; nghiên cứu có thêm chế độ khác để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện. BHXH cũng cần mở rộng mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, có chế độ hỗ trợ, khuyến khích người đứng ra làm đại lý thu bởi hầu hết đại lý là người cùng làng, xóm, hiểu rõ hoàn cảnh của từng gia đình, sẽ có phương pháp vận động phù hợp. Ngoài ra, có thể cho phép những cá nhân có điều kiện kinh tế hoặc ngoài 60 tuổi đóng một lần 20 năm (có thể tính trượt giá) bởi hiện nay đã cho phép đóng 1 lần thời gian tối đa là 5 năm và 10 năm cho những người đã tham gia nhưng còn thiếu thời gian đóng.

Nên chăng, các nhà làm chính sách cần nghiên cứu làm sao để phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người lao động tự do (đối tượng chính) để BHXH tự nguyện thực sự trở thành điểm tựa vững chắc cho người lao động tự do đang phải mang gánh nặng cuộc sống khi thu nhập không có.

Nguồn: Báo Phú Thọ điện tử