Bạo hành học đường giữa giáo viên và học sinh
Thời gian gần đây, nhiều vụ bạo hành học sinh xảy ra gây ảnh hưởng xấu đến chuẩn mực đạo đức nhà giáo và khiến dư luận bất bình, phụ huynh hoang mang. Những vụ bạo lực học đường, sự vô trách nhiệm của giáo viên đặt ra yêu cầu phải tăng cường giám sát xã hội đối với môi trường giáo dục.
Những năm gần đây, bạo hành học đường gây nhiều chú ý từ truyền thông cũng như những ấn phẩm học thuật. Tuy phía truyền thông, giáo dục đào tạo và nghiên cứu đã cố gắng tìm hiểu và phân tích tình trạng và hậu quả của bạo lực học đường giữa học sinh, một mảng gần như chưa được khám phá và không hề được chú ý tới trong bạo hành học đường là hiện tượng giáo viên bạo hành học sinh.
Một trong những nghiên cứu hiếm hoi về đề tài giáo viên bạo hành học sinh đã phân tích những điểm tương đồng của hiện tượng này với những dạng bạo hành công khai khác, và báo cáo về tình trạng thực tế qua số liệu được thu thập từ những cuộc phỏng vấn với cán bộ và học sinh trung học, cao đẳng.
Ảnh: White Heather VN
Mục Lục
Những điểm tương đồng với bạo hành giữa học sinh
Giống như bạo hành giữa học sinh, bạo hành từ giáo viên cũng bắt nguồn tự sự lạm dụng quyền lực, xảy ra trong khoảng thời gian dài, và thường mang cách thức công khai. Đây là một dạng lăng nhục nhằm gây chú ý từ tập thể để hạ phẩm giá của học sinh trước mặt những người khác. Về mặt hiệu ứng, sự bạo hành này có thể diễn ra như một nghi thức làm nhục – năng lực của học sinh bị phỉ bang và nhân cách bị chế giễu.
Tương tự, hành động này thường có chủ ý, làm nạn nhân thấy căng thẳng và thường tái diễn. Giáo viên bạo hành cũng thường không phải hứng chịu hậu quả tiêu cực nào. Lớp học là địa điểm bạo hành xảy ra thường xuyên nhất, mặc dù bạo hành cũng có thể xảy ra ở bất cứ môi trường nào mà học sinh chịu sự quản thúc của người lớn.
Quá trình lựa chọn đối tượng bạo hành và hậu quả bạo hành cũng giống như trong trường học bạo hành giữa học sinh. Nạn nhân được chọn thường là những đối tượng yếu thế (không thể hoặc không muốn chống cự lại), hoặc là những đối tượng có vẻ như sẽ không được tập thể bênh vực (đồng tính nam hoặc nữ), hoặc có những điểm không hoàn hảo (học kém hoặc quậy phá). Một khi được lựa chọn, nạn nhân sẽ bị đối xử hoàn toàn khác so với đồng bạn. Tập thể sẽ thường xuyên được nhắc về việc học sinh này cá biệt như thế nào so với chúng bạn được cho là giỏi giang hơn. Hậu quả là học sinh này cũng sẽ bị hàm oan giữa đồng bạn.
Giáo viên bạo hành cảm thấy hành vi bạo hành của mình là chính đáng, và khẳng định mình bị học sinh khiêu khích. Họ thường che đậy hành vi của mình dưới mác “nói khích để học sinh cố gắng” hoặc là một phần trong cách thức sư phạm của họ. Họ cũng thường trá hình bạo hành như một hình thức kỉ luật thích đáng cho hành vi khó chấp nhận của đối tượng. Đối tượng, tuy nhiên, thường phải chịu bị làm nhục công khai có chủ đích – một hành động không phục vụ bất cứ mục đích giáo dục hợp lí nào.
Học sinh bị bạo hành bởi giáo viên thường cảm thấy rối loạn, tức giận, sợ hãi, tự ti và tự nghi hoặc bản thân, và cực kì lo âu về năng lực học tập và xã hội của mình. Điểm gây căng thẳng nhất với học sinh là không biết vì sao mình bị nhắm làm mục tiêu, và làm gì để chấm dứt tình trạng bị bạo hành. Dần dần, nếu tình trạng không được can thiệp bởi bên chức trách, đối tượng sẽ tự trách cứ bản thân và để cho cảm giác bất lực và vô dụng ngấm sâu trong nội tâm.
Tương tự như bạo hành giữa học sinh, giáo viên bạo hành có một số cách thức để đánh lạc hướng những khiếu nại về hành động phản cảm của mình. Một phương thức phổ biến là thuyết phục nạn nhân rằng nạn nhân bị hoang tưởng hoặc tâm lí không ổn định, rằng nạn nhân nhận lầm hoặc hiểu sai hành động của mình, hoặc tất cả đều do nạn nhân tưởng tượng. Giáo viên cũng thường công kích động cơ của người khiếu nại. Chẳng hạn, giáo viên bạo hành có thể lí luận rằng học sinh khiếu nại chỉ đơn thuần là đang tìm cách viện cớ cho kết quả học tập bết bát của mình. Điều này chuyển hướng cuộc nói chuyện từ hành vi không thích đáng của giáo viên sang việc bàn luận về “tiêu chuẩn” hay “trình độ” và nguyên do khiếu nại của học sinh. Việc này cũng có tác dụng gợi ý cho người ngoài rằng sự khiếu nạn chỉ mang tính chất “bất đồng giữa cá nhân”, thay vì là một sự lạm dụng quyền lực có hệ thống.
Những điểm tương đồng với những dạng bạo hành công khai khác
Bạo hành từ giáo viên dẫn đến không khí thù địch nơi học đường, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh, và không phù hợp với bất cứ tôn chỉ đào tạo nào. Những thuộc tính cốt yếu của bạo hành từ giáo viên cũng giống những dạng lạm dụng quyền lực và ngược đãi khác như quấy rối tình dục, bám đuôi (stalking), và tội hình sự do kì thị (hate crimes). Nếu dùng ngôn ngữ phân tích, quấy rối tình dục là dạng bạo hành với hàm ý dâm đãng, tội hình sự do kì thị là dạng bạo hành mà đối tượng được chọn vì lí do chủng tộc, xu hướng tính dục, hoặc những đặc điểm không thể thay đổi khác.
Bám đuôi
Luật lệ về stalking thường dựa vào mức độ đe dọa đối với nạn nhân để phân biệt giữa hành động bám đuôi (nhưng không hành hung) với những hành vi vô hại khác. Nói cách khác, điều luật đặt câu hỏi: một người ở vị trí của nạn nhân liệu có cảm thấy lo ngại cho thân thể và tính mạng của mình hay không? Trong khi đó, bạo hành từ giáo viên tuy không gây mối đe dọa về thân thể, nhưng vẫn chấn động sâu sắc. Trong xã hội, con người mang nỗi sợ bị xa lánh và làm nhục, gần bằng (hoặc có khi còn hơn) với nỗi sợ tổn hại cơ thể. Mối đe dọa của sự sỉ nhục có thể bị lợi dụng như một món vũ khí.
Giống như nạn nhân bị bám đuôi, học sinh bị giáo viên bạo hành cảm thấy mình bị giam giữ trong một tình huống mà kẻ bạo hành chiếm mọi quyền thế. Đôi khi nạn nhân thực sự bị giam giữ theo nghĩa đen (như trong lớp học hoặc văn phòng), và phải hứng chịu những hành vi công kích mà không có lối thoát hay phương cách giải tỏa nào. Mọi phản ứng từ học sinh đều có thể dẫn đến việc bị giáo viên trả thù, bao gồm việc dùng điểm số làm hình phạt. Quan trọng hơn, chỉ có học sinh, thay vì giáo viên, phải chịu thiệt thòi khi học sinh trốn học, bỏ học, hay lảng tránh một vài bộ môn của giáo viên bạo hành.
Tội hình sự do kì thị
Đối tượng thường được chọn dựa trên những điểm khác biệt không thể thay đổi – chẳng hạn như cơ thể, cử chỉ hay trí tuệ không được đánh giá cao. Nếu đối tượng bị lựa chọn vì một điểm khác biệt thường thấy (ví dụ như cân nặng), hành động này thường được cho là kì thị, và bạo hành trong trường hợp này được cho là tội hình sự do kì thị. Thật trớ trêu là nếu rơi vào nhóm bị kì thị này, nạn nhân thật ra lại có lợi hơn so với những nạn nhân khác, vì trên lí thuyết thì nạn nhân sẽ được cộng đồng bị kì thị của họ ủng hộ. Khi nạn nhân bị chọn lựa vì những điểm không nổi bật, cơ may được ủng hộ giảm đáng kể. Cũng như tội hình sự do kì thị, hành vi ngược đãi trong học đường khiến tập thể nói chung cảm thấy lo ngại và bất an, và mất niềm tin vào sự công bằng của những tổ chức giáo dục.
Nạn nhân bị giáo viên bạo hành thường cảm thấy quấn trí và sợ hãi, không có ai giúp đỡ. Nạn nhân càng cảm thấy căng thẳng khi tập thể khoanh tay làm ngơ hoặc trắng trợn vào hùa. Sự làm ngơ của tập thể tạo điều kiện để kẻ bạo hành tự do sử dụng “thẩm quyền” nghề nghiệp một cách bừa bãi. Không bênh vực nạn nhân, những người ngoài cuộc vô tình xác nhận nạn nhân là đối tượng xứng đáng bị ngược đãi, và hợp lí hóa hành vi bạo hành. Dù không phải ai trong tập thể cũng có cùng quan điểm với kẻ bạo hành, một số sẽ tán thành hành vi bạo hành. Những thành phần trung lập còn lại thường im lặng hoặc thuận theo để tránh bị nhắm thành mục tiêu mới.
Ảnh: Mitsuhiro Kurano
Kết quả sơ khảo thực tế
Nghiên cứu sơ khảo thực tế thu thập thông tin từ hai nguồn. Thứ nhất, thảo luận bàn tròn với giáo viên và ban giám hiệu trường học cung cấp những câu chuyện về đồng nghiệp họ, được cho là có yếu tố bạo hành với học sinh. Thứ hai, 236 học sinh và cựu học sinh, độ tuổi từ 15 – 23, được phỏng vấn về trải nghiệm và nhận thức liên quan đến bạo hành từ giáo viên khi còn học ở trường cũ.
93% học sinh trả lời “Có” khi được hỏi “Bạn có cho rằng phần lớn học sinh trong trường sẽ có cùng câu trả lời khi được hỏi giáo viên nào bạo hành học sinh?” Kết quả này cũng tương ứng với kết quả thảo luận bàn tròn khi giáo viên cũng tin rằng có thể dễ dàng nhận diện giáo viên nào bạo hành học sinh trong trường.
19% học sinh nêu tên một giáo viên có hành vi bạo hành, 23% nêu tên hai giáo viên, 25% nêu tên ba giáo viên, 11% nêu tên 5 hoặc nhiều hơn, và 11% không nêu rõ số lượng. Thảo luận bàn tròn cũng đồng tình rằng một trường học có thể có nhiều hơn một giáo viên có thái độ và hành động ác ý với học sinh.
30% học sinh báo cáo rằng hành vi bạo hành chỉ có ở giáo viên nam, 12% báo cáo chỉ có ở giáo viên nữa, 57% báo cáo cả hai giới đều có hành vi bạo hành.
Kết quả cũng cho thấy sự tương quan giữa thâm niên nghề nghiệp và hành vi bạo hành. 6% học sinh nêu tên giáo viên bạo hành có ít hơn 5 năm kinh nghiệm. 89% học sinh nêu tên giáo viên bạo hành có trên 5 năm kinh nghiệm. (6% không có ý kiến.)
Khi được hỏi nếu họ có nghĩ rằng giáo viên có thể bạo hành học sinh mà không phải chịu hậu quả, 77% trả lời “Có” và 21% trả lời “Không”. Khi được hỏi nếu họ từng chứng kiến giáo viên bạo hành bị khiển trách vì ngược đãi học sinh, 20% trả lời “Có” và 80% trả lời “Không”. (Chú thích: Có khả năng là hành động khiển trách xảy ra nhưng học sinh không biết tới.) Trong số học sinh báo cáo có từng biết về hành vi khiển trách, giáo viên gần như không bao giờ bị đình chỉ hay đuổi việc. Thay vào đó, giáo viên vi phạm thường chỉ “bị nói chuyện” với ban giám hiệu. (Không có thông tin gì được thu thập về hành vi bạo hành của ban giám hiệu.)
Tường thuật của học sinh cho thấy phần lớn tin rằng giáo viên bạo hành sẽ không phải chịu trách nhiệm gì. Học sinh cũng bày tỏ sự bất lực và chán nản khi không có động thái can thiệp nào. Học sinh cũng miêu tả sự phức tạp của tình huống, chẳng hạn: việc cấp trên che trở giáo viên bạo hành, không thể nêu chứng cứ cụ thể nếu học sinh không bị tổn thương về cơ thể, hay đổ lỗi cho học sinh quậy phá.
Học sinh cũng được hỏi nếu đã từng báo cáo với trường khi bạn bè hoặc chính mình bị giáo viên bạo hành, và chuyện gì xảy ra sau khi báo cáo. Học sinh cho rằng chẳng có gì thay đổi sau khi việc bạo hành được thông báo cho ban giám hiệu, hoặc ban giám hiệu khuyên học sinh “cố mà chịu” và tự tìm cách giải quyết với giáo viên. Học sinh đôi khi chọn cách không thông báo vì đằng nào cũng không có tác dụng gì, mà lại cảm thấy sợ nếu việc đến tai giáo viên bạo hành. Học sinh cũng lo rằng sẽ bị cho là “mách lẻo”, hoặc cảm thấy vô ích vì những học sinh khác đã từng báo cáo trước đó, hoặc cho rằng đối tượng bị bạo hành cũng không hẳn không có lỗi.
Đa số học sinh kể về những tình huống bị giáo viên sỉ nhục và đối xử bất công. Một số nói về việc bị cho điểm kém một cách không thích đáng. Thông tin không ngờ tới từ khảo sát này là việc những câu chuyện này vẫn còn rất rõ ràng và kích động, mặc dù đã xảy ra cách đó rất lâu. Học sinh bày tỏ nỗi bất lực cùng cực khi hành vi bạo hành cứ tiếp diễn mà kẻ bạo hành không chịu hậu quả gì. Điểm chung trong những câu chuyện này là sự thiếu vắng công lí khi nhân vật ở vị trí có quyền thế cố tình hành động tàn nhẫn.
Sự bất lực này cũng được những giáo viên từ thảo luận bàn tròn chia sẻ. Đa số nói về những hành vi khó chập nhận của đồng nghiệp. Họ cảm thấy nản lòng khi ban giám hiệu và đồng nghiệp không có khả năng đầy lùi một hiện tượng thiếu chuyên nghiệp nghiệp vụ. Đáng tiếc là không nhiều người đề xuất phương án cụ thể để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
Kết luận
Một số khái quát từ nghiên cứu được tóm tắt như sau:
- Học sinh và giáo viên trong trường thường ngầm hiểu những cán bộ nào có hành vi bạo hành, và đều bày tỏ sự bất lực khi không thể ngăn chặn những hành vì này.
- Giáo viên bạo hành thường có thâm niên. Thói quen phớt lờ hành vi bạo hành trong một thời gian dài khiến ban giám hiệu cảm thấy miễn cưỡng, không muốn can thiệp.
- Giáo viên bạo hành thường không chịu hậu quả gì, vì họ có thể dùng lí lẽ để bao biện, vì trường không có những chính sách để giải quyết những tình huống này, và vì thiếu phản ứng từ tổ chức đào tạo.
- Trường học được cho là không có động thái giải quyết hiệu quả nào khi có khiếu nại về bạo hành.
Kết quả đáng phiền nhất trong khảo sát này có lẽ là tình trạng thông đồng có tổ chức trong trường học, qua hành động làm ngơ khi tình trạng ngược đãi học sinh diễn ra. Sự thiếu vắng chính sách và phương giải quyết cho vấn đề này nên khiến cộng đồng phải suy nghĩ. Những nhà giáo có tâm huyết phải gánh vác hậu quả từ những đồng nghiệp bạo hành. Những hành vi tàn nhẫn nếu không được kiểm soát sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và không khí trường học. Đáng tiếc là sự thiếu phản ứng hệ thống từ các tổ chức sẽ xúc tác cho một vài hành vi bạo hành nhỏ gây ra tác hại rất lớn.
Nguồn tham khảo: “Teachers who bully students: Patterns and policy implications” by Alan McEvoy (giáo sư xã hội học)
Link bài viết gốc: https://beautifulmindvn.com/20…
*** Thời gian qua tại một số trường học đã liên tiếp xảy ra những vụ giáo viên có hành vi bạo lực đối với học sinh. Hiện tượng này không chỉ báo động về sự xuống cấp đạo đức của người thầy mà còn khiến nhiều phụ huynh và học sinh cảm thấy bất an. Nếu con bạn đang là nạn nhân của một vụ bạo hành học đường do giáo viên gây ra, hãy Gọi thoại – Gọi video khám trực tuyến với bác sĩ chuyên khoa Tâm lý và Tâm thần học trên hệ thống Khám từ xa Wellcare để được tư vấn, chia sẻ và giải tỏa sự lo lắng về tình trạng bạo hành học đường giữa giáo viên và học sinh.