Bảo đảm an sinh xã hội – Một quyền mới của công dân
(HNM) – Hiến pháp 2013 có những điều khoản, quy định thể hiện bước phát triển về quyền của công dân ở nước ta.
Ví dụ Điều 41 quy định: Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa; Điều 42: Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, sử dụng ngôn ngữ giao tiếp; Điều 43: Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường… Đặc biệt, Hiến pháp 2013 ghi nhận việc công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội tại Điều 34 là quyền mới chưa được ghi nhận trong các bản Hiến pháp trước đây.
Có thể thấy, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì việc ghi nhận công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội là tất yếu. Đây chính là cơ sở hiến định để công dân bảo đảm có được thu nhập tối thiểu nhằm thoát khỏi tình trạng nghèo đói khi không có việc làm, không có thu nhập. Theo TS Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, thực hiện chính sách an sinh xã hội là sự cung cấp phúc lợi cho các hộ gia đình và cá nhân thông qua cơ chế của Nhà nước hoặc tập thể nhằm ngăn chặn sự suy giảm mức sống hoặc cải thiện mức sống thấp (định nghĩa của Tổ chức Lao động quốc tế). Chính sách an sinh xã hội bao gồm chính sách thị trường lao động và việc làm, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chính sách trợ giúp xã hội… Và trong chính sách an sinh xã hội còn có chương trình lưới an toàn xã hội (có tính chất tạm thời) – đây là khái niệm theo nghĩa rộng được đưa ra tại Hội nghị trù bị về an sinh xã hội ASEAN năm 2001.
Trên lý thuyết, hệ thống các chính sách an sinh xã hội được phân thành 3 nhóm. Đầu tiên là nhóm mang tính chất chủ động phòng ngừa rủi ro, tập trung vào các chính sách tạo việc làm bền vững và phát triển thị trường lao động. Tiếp đến là nhóm chính sách giảm thiểu rủi ro tập trung vào các chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT). Và cuối cùng là nhóm chính sách nhằm khắc phục các rủi ro là toàn bộ các chính sách về trợ cấp xã hội.
Để tạo việc làm và phát triển thị trường lao động, tại Điều 57, Hiến pháp 2013 đã nêu: Nhà nước khuyến khích tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động; Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. Đặc biệt, Hiến pháp nêu rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động là phải bảo đảm điều kiện việc làm công bằng, an toàn, được hưởng lương và chế độ nghỉ ngơi cho người lao động; nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu… Như vậy, để hiện thực hóa vấn đề này Nhà nước cần có chính sách khuyến khích và phát huy vai trò của các chủ thể trong kinh tế thị trường, đột phá vào phát triển các loại hình doanh nghiệp, tạo động lực mới cho tăng trưởng. Bên cạnh đó phải xây dựng và hoàn thiện chính sách nhằm giải phóng triệt để sức lao động, đột phá vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động.
Về chính sách BHXH và BHYT, Nghị quyết 21-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 22-11-2012 đã khẳng định, đây là hai chính sách xã hội đặc biệt quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị và phát triển KT-XH. Ngay tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật BHXH và BHYT đã được các đại biểu đóng góp ý kiến để khẩn trương hoàn thiện. Cụ thể, Luật BHXH được sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng tham gia (kể cả người lao động và chủ sử dụng lao động) đối với cả hai loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; bảo đảm an toàn và phát triển bền vững quỹ BHXH; điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH theo cơ chế tạo nguồn, độc lập tương đối với chính sách tiền lương; giảm dần phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước… Với Luật BHYT, việc sửa đổi hướng tới mục tiêu là hình thức bắt buộc để đẩy nhanh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân; tăng hỗ trợ chi trả đối với người bệnh hiểm nghèo; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh nhằm bảo đảm mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế… Đó cũng là hiện thực hóa những quy định tại các điều 34, 38, 58… của Hiến pháp 2013.
So với các quyền khác của công dân, thì quyền được bảo đảm an sinh xã hội chỉ trở thành hiện thực khi Nhà nước khẳng định được vai trò và trách nhiệm trong việc xây dựng hệ thống chính sách và bảo đảm các điều kiện để công dân được hưởng quyền về an sinh xã hội. Đây cũng chính là nội dung được khẳng định tại Điều 59 của Hiến pháp. Tuy nhiên trên thực tế, theo nhận xét của TS Bùi Sĩ Lợi, hiện nội dung bảo đảm an sinh xã hội đã được thể chế hóa trong nhiều luật, pháp lệnh như: Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Người khuyết tật, Luật Người cao tuổi, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng… Điều đó dẫn đến sự tản mạn, thiếu tính hệ thống, không tập trung được nguồn lực đầu tư, pháp luật về bảo đảm an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu bảo đảm an sinh xã hội ngày càng được mở rộng của người dân. TS Bùi Sĩ Lợi đề xuất ban hành một đạo luật về an sinh xã hội nhằm hình thành một hệ thống duy trì thu nhập do Nhà nước quản lý để bảo đảm công dân thụ hưởng được quyền này. Ý tưởng này cần được xem xét thấu đáo vì như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị toàn quốc triển khai Hiến pháp 2013, các luật, pháp lệnh và văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày 1-1-2014 phải được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, phù hợp quy định của Hiến pháp, tránh xáo động và xung đột về mặt pháp luật trong giai đoạn giao thời giữa pháp luật cũ và pháp luật mới.