Báo chí là “cầu nối” cải cách chính sách bảo hiểm xã hội

Bài, ảnh: Quốc Huy

DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên

http://dic.gov.vn/assets/images/logo.png

DIC – Để Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đi vào cuộc sống. Trong những năm qua, cùng với các cấp, các ngành, các cơ quan báo chí trong tỉnh đã tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; từ đó, góp phần đưa chính sách BHXH ngày càng đi vào cuộc sống với diện bao phủ được mở rộng và tạo động lực tốt hơn trong việc chăm lo an sinh xã hội tới mỗi người dân, người lao động.

 

Cán bộ bộ phận một cửa BHXH huyện Mường Nhé giải quyết thủ tục kết hợp công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân về lợi ích của chính sách bảo hiểm.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, về công tác phát triển người tham gia BHXH, nếu như năm 2018 khi triển khai Nghị quyết, số người tham gia 41.382 người (trong đó, BHXH bắt buộc hơn 39.000 người, bảo hiểm tự nguyện hơn 2.300 người) đạt 12% so với lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, thì đến năm 2021, số người tham gia là 52.714 người, tăng 2,3% so với năm 2018. Công thác thu BHXH, bảo hiểm thất nghiệp luôn hoàn thành và đạt kế hoạch; năm 2018 số thu gần 550 tỷ đồng, thì sau 3 năm số thu đạt gần 668 tỷ đồng (tăng hơn 118 tỷ đồng).

Mặc dù từ năm 2020 đến nay do ảnh hưởng dịch COVID-19, song việc triển khai thực hiện cấp sổ BHXH, thực hiện chính sách an sinh xã hội; công tác chi trả, giải quyết các chế độ chính sách BHXH không ngừng được quan tâm, đổi mới, công tác tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ, đảm bảo kịp thời, khách quan, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân các dân tộc. Đặc biêt, triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, BHXH tỉnh đã thực hiện giảm đóng vào quỹ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp cho 758 đơn vị, hơn 8.700 lao động, với số tiền 1,8 tỷ đồng. Rà soát cho 682 đơn vị với hơn 12.000 người lao động, số tiền giảm đóng hơn 1,7 tỷ đồng…

Để đạt được những kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của ngành BHXH tỉnh, phải kể đến sự đóng góp rất lớn của các cơ quan báo chí, truyền thông.

Với vai trò truyền thông đi trước một bước, trong thời gian qua

các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối tuyên truyền đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT vào cuộc sống; góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của các tầng lớp Nhân dân vào hệ thống chính sách an sinh xã hội của đất nước. Báo chí, truyền thông đã đưa những thông điệp về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, cũng như tuyên truyền, giải thích cho Nhân dân hiểu sâu sắc hơn những quan điểm và mục tiêu trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Báo chí, truyền thông cũng là kênh tiếp nhận những phản hồi từ người dân về bất cập, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong quá trình triển khai các chính sách tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Từ đó, đề xuất những giải pháp, chính sách phù hợp, cụ thể nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác BHXH, BHYT.

 Bên cạnh đó, từ thực tiễn hoạt động của mình, báo chí đã tích cực biểu dương những tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách pháp luật về bảo hiểm; phản ánh việc ứng dụng CNTT, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH; phản ánh nguyện vọng, dự báo tác động của chính sách đến quyền lợi, tâm lý của người lao động, người sử dụng lao động thông qua các sản phẩm báo chí, góp phần nâng cao hiệu quả quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT theo hướng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và người lao động. Đặc biệt, báo chí cũng trở thành kênh thông tin quan trọng trong việc phát hiện, cảnh tỉnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT và phòng chống tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH, Quỹ BHYT, thông qua hàng loạt các bài viết, phóng sự phản ánh về tình hình trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, lợi dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT, quỹ ốm đau, thai sản, thu mua sổ BHXH của người lao động để trục lợi… Qua đó, giúp các cơ quan chức năng có thêm thông tin để xử lý kịp thời và mang lại hiệu ứng tích cực trong việc tổ chức, thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT; từ đó, nâng cao uy tín, khẳng định vị thế của ngành BHXH trong việc tổ chức thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, người lao động.

Xác định được vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông trong tuyên truyền cải cách chính sách BHXH; trong thời gian qua, BHXH tỉnh đã chủ động ký kết chương trình phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan báo chí, các sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, chính sách BHXH đến cán bộ viên chức, đoàn viên, hội viên và người dân. Xác định đặc thù địa bàn tỉnh có hơn 80% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu dân tộc Thái, Mông, vì vậy BHXH tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên mục tuyên truyền về chính sách BHXH, BHTN, với thời lượng phát 30 phút/ chuyên mục và được biên dịch ra 2 thứ tiếng Mông và Thái phủ sóng đến các xã, bản. Trong giai đoạn này, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh đã xây dựng và phát sóng 72 chuyên mục truyền hình, 435 tin, bài, phóng sự liên quan đến chính sách bảo hiểm và đều được biên dịch sang 2 thứ tiếng trên.

Có thể nói, sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần quan trọng đưa chủ trương, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đi vào cuộc sống, đặc biệt trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần quan trọng cùng ngành BHXH thực hiện thắng lợi mục tiêu “kép”: vừa hoàn thành các nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, thách thức, vừa thực hiện thành công, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Qua tuyên truyền, phổ biến, nhận thức của các bộ, đảng viên và người dân đã có chuyển biến tích cực, cơ bản hiểu đúng và đầy đủ quan điểm của Đảng về BHXH là chính sách quan trọng trong công tác an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị và phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới để tuyên truyền hiệu quả Nghị quyết 28, ngành BHXH tỉnh sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông để công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH được tiến hành một cách đồng bộ hơn, khoa học hơn và bài bản hơn; gắn kết chặt chẽ hơn công tác tuyên truyền với hiệu quả, kết quả đạt được. Trong đó đặc biệt, tăng cường tuyến bài viết chuyên sâu phản ánh về ý nghĩa, tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt là chính sách BHXH tự nguyện cho đối tượng lao động khu vực phi chính thức; lợi ích của người lao động và nhân dân khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN./.