Báo Đà Nẵng điện tử

* Trong bài viết “Trên trời có ông sao Thần” đăng trên Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 15-6 vừa rồi có nói về sao Thần Nông. Xin cho hỏi, đây có phải là sao Bọ Cạp trong cách gọi của người phương Tây? Vì sao lại có cách gọi khác biệt này? (Nguyễn Hòa, Hòa Vang, Đà Nẵng)

 

– Sao trên trời hiện ra như nhau đối với mọi người trên Trái đất, nhưng tùy vào trí tưởng tượng và tập quán của vùng miền mà có các tên gọi khác nhau.

Ví như chòm sao nổi tiếng gồm 7 ngôi dùng để định vị phương Bắc, được phương Tây hệ thống hóa trên bản đồ thiên văn, gọi tên khoa học thiên văn theo tiếng La-tinh là chòm sao Ursa Major (Gấu Lớn), bởi trông nó giống như chú gấu to con để phân biệt với sao Ursa Minor là chú gấu nhỏ hơn cũng gồm 7 ngôi, trong đó có một ngôi gần như đứng nguyên một chỗ trên Bắc thiên cầu, gọi là sao Bắc cực.

Người Mỹ thấy hai chòm sao này giống cái muỗng nên gọi luôn là Muỗng Lớn/ Nhỏ (Big/Small Dipper). Trong mắt người Ireland, chòm sao giống hình dạng một cỗ xe, bèn gọi ngay King David’s Chariot, nghĩa là “Cỗ xe chiến mã của vua David” – một trong những vị vua đầu tiên của hòn đảo này. Người Anh gọi chòm sao 7 ngôi sao này là The Plough (Cái Cày). Người Trung Hoa gọi là Bắc Đẩu tinh vì trông nó giống cái đấu (vật dụng để đong lường) nằm ở phương Bắc. Người Việt gọi là sao Cán Gáo vì nó giống cái gáo múc nước, 4 sao hợp thành thân gáo và 3 sao là cán gáo.

Sao Thần Nông, gọi thế vì người Việt tưởng tượng chòm sao này có hình dáng như một ông thần cần mẫn cày cấy trên… trời, thường xuất hiện trên Nam thiên cầu vào thời điểm nông dân gieo mạ, và xuống giống một số hoa màu khác (từ tháng 5 đến tháng 8 Âm lịch). Bài viết đã dẫn ở trên đã dẫn bài ca dao xưa, có đoạn Sang xuân Thần cúi lom khom/ Là mùa trồng đậu, dân làng biết chăng? chỉ việc ông Thần Nông khom “lưng” trên bầu trời, báo hiệu nông dân dưới đất vào vụ mùa. Đến bao giờ Thần hơi thẳng “lưng” trên trời là đến mùa thu hoạch: Bước sang tháng chín rõ trăng/ Lưng thần hơi đứng là đang gặt mùa.

Người phương Tây không trồng lúa nước, thấy chòm sao này có dáng hùng dũng như chú bọ cạp (còn gọi là bò cạp, hổ cáp) nên gọi chết tên là Scorpius, nghĩa là bọ cạp. Giữa chòm sao này có một ngôi sao sáng màu đỏ nhạt rất dễ nhận thấy, phương Tây gọi là sao Antares, Việt Nam gọi là sao Tâm.

Thực ra, giữa hai chòm sao Thần Nông và Bọ Cạp có sự khác biệt theo quan niệm của Việt Nam và phương Tây. Với người Việt, Thần Nông là một chòm gồm 10 ngôi, 5 ngôi xếp theo hình chữ M tượng trưng cho chiếc mão cánh chuồn, 5 sao còn lại xếp theo hình chữ C tượng trưng cho cái lưng của Thần Nông. Trong khi đó, phương Tây “nối” vào phía “lưng” Thần Nông thêm khoảng 6 ngôi nữa để hình thành cái đuôi con bò cạp (xem ảnh). Nếu theo cách của Phương Tây, có thể hình dung chòm sao này có dạng chữ S của hình thể đất nước Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Nói thêm, Thần Nông (Hổ Cáp, Bò Cạp) là một trong 12 chòm sao có thể được nhìn thấy từ mọi nơi trên thế giới, được người Tây phương sử dụng để lập thành bản tử vi, gọi là tử vi phương Tây, gồm: 1. Bạch Dương (Aries) 2. Kim Ngưu (Taurus) 3. Song Nam (Gemini) 4. Cự Giải (Cancer) 5. Sư Tử (Leo) 6. Xử Nữ (Virgo) 7. Thiên Bình (Libra) 8. Thần Nông (Scorpius, cũng gọi là Hổ Cáp) 9. Nhân Mã (Sagittarius) 10. Mã Kết (Capricornus) 11. Bảo Bình (Aquarius) 12. Song Ngư (Pisces).

ĐNCT