Báo Đà Nẵng điện tử

Thú chơi cổ vật không chỉ là một nghệ thuật mà còn là một khoa học; bởi nó mở ra một sân chơi tao nhã tùy theo năng lực, tài lực, đam mê của mỗi người và đòi hỏi người chơi phải biết phân biệt được chân/giả, cổ/kim để xác định giá trị thật của cổ vật.

Nhiều người quan tâm đến các món đồ giao dịch tại Chợ phiên đồ xưa Đà thành.Ảnh: NGỌC HÀ

Nhiều người quan tâm đến các món đồ giao dịch tại Chợ phiên đồ xưa Đà thành.Ảnh: NGỌC HÀ

1. Theo Luật Di sản văn hóa (ban hành năm 2000), cổ vật là các giá trị văn hóa vật thể ghi dấu ấn văn hóa của con người, là sản phẩm của con người tạo ra và có tuổi từ 100 năm trở lên.

Ông Trịnh Tấn Liêm, một nhà sưu tập đồ cổ trú ở thành phố Hội An, từng 4 lần tham gia “Chợ phiên đồ xưa Đà thành” tại Bảo tàng Đà Nẵng, đưa thêm một số khái niệm khác. Theo đó, các vật dụng có tuổi từ 20 năm đến dưới 50 năm gọi là đồ cũ, có tuổi từ 50 năm đến dưới 100 năm gọi là đồ xưa.

Nhiều người, nhất là những người ít có điều kiện về kinh tế, đã cất công săn lùng đồ xưa có tuổi đời ngấp nghé ngưỡng trăm năm, biết đâu mai mốt chúng trở thành những cổ vật vô giá. Đó là một trong những nguyên nhân khiến các tiệm bán đồ xưa, những quán cà-phê “hoài cổ” ra đời trên đất Đà Nẵng.

Hôm 28-4 vừa rồi, lần thứ tư mang các hiện vật từ Hội An ra tham gia chợ phiên đồ xưa tại Bảo tàng Đà Nẵng, ông Liêm trả lời câu hỏi của phóng viên bằng một… câu hỏi: “Chơi để làm gì? Sao lại chơi cổ mà lại không chơi mới? Bởi có người chơi đồ cổ mới lưu giữ được giá trị văn hóa dân tộc, gợi cho công chúng ý thức bảo tồn, thưởng ngoạn giá trị văn hóa”. Ban tổ chức chợ phiên họp một năm hai kỳ này cũng xác định là không gắn cho hoạt động của chợ những mục tiêu lớn lao mà chỉ đơn thuần là hoạt động mang tính văn hóa tích cực, thực sự có nhu cầu và thực sự có công chúng, là hoạt động mang tính văn hóa lành mạnh và hữu ích.

Chiếc đèn thủy tinh có chữ ký Gallé là cổ vật quý hiếm của nhà sưu tập Dương Thái Bình. Ảnh: V.T.L

Chiếc đèn thủy tinh có chữ ký Gallé là cổ vật quý hiếm của nhà sưu tập Dương Thái Bình. Ảnh: V.T.L

2. Mỗi người có thể có riêng một cách chơi đồ cổ nói chung, nhưng tựu trung, ai cũng phải say như điếu đổ. Ông Đinh Ngọc Ý (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) trước năm 1975 mày mò học “nghề” chơi đồ cổ nơi ông chủ hiệu vàng Kim Chi khét tiếng ở chợ Hàn, ông này buôn vàng đã giỏi mà chơi đồ cổ cũng không thua ai. Ông Ý chẳng mấy chốc đã “say nghề”, lục lạo tìm mua được chiếc bình ngọc bích men da rạn cao 50cm, được giới chơi đồ cổ bấy giờ đánh giá là “có đẳng cấp”.

Men da rạn, theo một giai thoại dân gian, xuất hiện rất ngẫu nhiên trong quá trình chế tác đồ sành sứ. Một người thợ đốt lò ngủ quên, thức dậy thấy lửa tàn, liền đốt thêm một lần nữa. Sản phẩm ra lò, xuất hiện những vết rạn ngang dọc đều khắp mình, tạo thành một phong cách mới. Tùy kỹ thuật, người ta có thể cho ra nhiều loại men da rạn như rạn hạt muối, rạn chân chim, rạn da rắn. Tuy mỗi loại có mỗi vẻ đẹp riêng tùy theo người chơi, nhưng rạn da rắn được nhiều người biết tiếng với tên gọi chữ Hán là “xà văn khai phiến”.

Trong cổ vật, da không chỉ biểu hiện phần kỹ – mỹ thuật tạo hoa văn, họa tiết, nét chạm khắc… mà còn là “màu thời gian” để lại tự nhiên (không do tác động của con người) trên mặt ngoài. Độc đáo là thế, nhưng da chỉ xếp thứ hai, theo “thang điểm” của giới chơi cổ vật.

Người xưa đánh giá cổ vật bằng một câu ngắn gọn: “Nhất dáng, nhì da, tam toàn (còn nguyên vẹn), tứ tuổi (niên đại)”. Song, Chủ tịch Hội Cổ vật Thăng Long (Hà Nội) Đào Phan Long trong một bài viết quảng bá về cổ vật cho rằng thế vẫn chưa đủ, cần thêm hai tiêu chí nữa là “độc” và có “thân phận” rõ ràng. “Độc” là quý hiếm. “Thân phận” là xuất xứ từ đâu, thời xa xưa ai đã sử dụng? Các cổ vật của vua quan, danh nhân, nhà giàu đặt làm hoặc mua, tặng để sử dụng (thường gọi là đồ quan) thường có giá trị kinh tế cao hơn hẳn những cổ vật của dân chúng bình thường sử dụng (thường gọi là đồ phố). Các cổ vật có xuất xứ cụ thể qua hiệu đề, tên lò sản xuất, minh văn cung tiến… sẽ quý hơn các cổ vật không rõ “thân phận”.

Nhà sưu tập Dương Thái Bình, nhà trên đường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, có gần 2/3 quãng đời đã qua theo “nghiệp” đồ cổ, là một trong những cây đa cây đề trong làng chơi cũng lắm công phu này. Về giá trị cổ vật, ông đưa ra 3 tiêu chí: quý hiếm, “tuổi” cao và là đồ dùng của vua chúa. Trong các bộ sưu tập của ông, độc nhất có một cổ vật phát ánh sáng, đó là chiếc đèn để bàn hình cây nấm, có chữ ký Gallé bên dưới những bông hoa được vẽ tỉ mẩn. Đây là chiếc đèn thủy tinh Gallé đã bị làm giả, tuy vậy, giá cũng phải 15 triệu đồng; nếu hàng thiệt thì phải trăm triệu.

3. Nói chung, “đồ cổ” là một khái niệm chỉ đồ vật người xưa đã sử dụng, giờ không còn sản xuất hay không còn dùng nữa. Tuy nhiên, đồ cổ chỉ có giá trị khi chúng đại diện cho một nền văn hóa hay mang tính lịch sử. Đôi khi chúng chưa “cổ”, không được “toàn” mà mắc lỗi và chính cái sự “không hoàn hảo” kỳ lạ này khiến chúng trở nên quý hiếm.

Năm 1982, nước Anh đưa vào lưu hành đồng tiền xu mệnh giá 20 pence (bằng 1/5 bảng Anh), sau đó nó bị phát hiện không ghi ngày tháng phát hành và bị thu hồi. Đồng 20 pence mắc lỗi đó không còn sản xuất cũng không còn dùng nữa, nhưng một lượng đồng xu có hình đường cong đều 7 cạnh này đã “một đi không trở lại” ngân hàng và trở thành đối tượng săn lùng của giới sưu tầm. Tháng 6-2009, nó được bán với giá kỷ lục 7.100 bảng Anh (gần 210 triệu đồng) trên eBay – một công ty của Hoa Kỳ, quản lý trang eBay.com chuyên đấu giá trực tuyến.

Thế mới biết, chơi cổ vật là một thú chơi đòi hỏi lắm công phu. Từ một tay chơi a-ma-tơ, người chơi nếu thừa đam mê và đủ điều kiện sẽ dần dần nhặt nhạnh từ “thân phận” cổ vật các kiến thức cơ bản về lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội, mỹ thuật… Mong sao Đà Nẵng có nhiều chợ phiên hay triển lãm về cổ vật hơn nữa, để các nhà sưu tập có dịp kể với khách thưởng ngoạn gần xa về “thân phận” của từng cổ vật. Những câu chuyện nhiều lúc nhuốm màu liêu trai ấy sẽ níu chân khách và biết đâu từ đó sẽ có thêm những người vì yêu cổ vật mà sẵn lòng đi theo tiếng gọi của một thú chơi công phu cũng lắm…

VĂN THÀNH LÊ