Báo Bà Rịa Vũng Tàu
Lâu nay, Minh Đạm đã trở thành địa chỉ quen thuộc của không chỉ những cựu chiến binh từng đóng quân, tham gia kháng chiến tại đây mà còn đối với đông đảo du khách. Tuy nhiên, Minh Đạm hiện vẫn chưa được đầu tư bài bản để trở thành một khu di tích lịch sử có tính kết nối, là địa chỉ du lịch kỳ thú.
Du khách về nguồn, thăm quan Khu di tích lịch sử Minh Đạm. Ảnh: BẢO KHÁNH
Toàn bộ các khu căn cứ kháng chiến năm xưa trên địa bàn tỉnh đều được bố phòng rất chặt chẽ, đa dạng, bí hiểm, tạo nên thế phòng thủ rất vững chắc, nằm dưới các khu rừng liên hoàn. Tỉnh ta nên tập trung đầu tư để có một công trình di tích lịch sử chung và là điểm nhấn cho du lịch cội nguồn.
Nói đến căn cứ Minh Đạm phải hiểu là bao gồm cả vùng Long Mỹ, Tam Phước, Phước Trinh và núi Châu Long, Châu Viên chứ không riêng khu di tích hiện tại ở núi Minh Đạm. Trước đây, phía trước núi là biển, phía sau núi là rừng hoang vu. Trên núi có nhiều chùa, am cốc…, trong đó có chùa Thiên Thai ở Dinh Cố (An Ngãi) do Hòa Thượng Huệ Đăng một người yêu nước trong phong trào Cần Vương vào đây xây dựng “Chùa một cột” để tu hành. Chùa Thiên Thai là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc ghé lại gặp sư Huệ Đăng đàm đạo trước khi đến Đồng Tháp. Sau này, sư Huệ Đăng cũng đã căn dặn các đệ tử: “Khi Nguyễn Ái Quốc về nước lãnh đạo kháng chiến các con nên theo”. Và thực tế sau Cách mạng Tháng Tám, các vị hòa thượng và phần lớn sư, tăng ni, phật tử của chùa Thiên Thai đều đi theo kháng chiến, một số người đã tích cực chiến đấu và trưởng thành. Chính Long Mỹ, chùa Thiên Thai là chỗ dựa, nơi đứng chân, là nguồn cung cấp nhân lực nòng cốt cho kháng chiến lúc bấy giờ.
Sau Cách mạng Tháng Tám, khu vực Long Mỹ, Phước Trinh, Tam Phước, núi Châu Long, Châu Viên đã trở thành căn cứ cách mạng đầu tiên của Tỉnh ủy Bà Rịa. Nơi đây được nhân dân đặt cho cái tên là căn cứ Minh Đạm (lấy tên 2 đồng chí cán bộ lãnh đạo của tỉnh là Bùi Công Minh và Mạc Thanh Đạm đã anh dũng hy sinh tại đây). Với hang động chằng chịt của dãy núi, đã tạo cho Minh Đạm trở thành một căn cứ có địa hình bố phòng vững chắc của cách mạng. Kẻ địch đã tìm mọi cách tàn bạo, thâm độc, kể cả sử dụng nhiều loại khí tài hiện đại nhất lúc bấy giờ để hủy diệt Minh Đạm nhưng đều thất bại, Minh Đạm vẫn hiên ngang đứng vững trước kẻ thù đầy hung bạo.
Sau khi miền Nam Việt Nam được giải phóng, Nhà nước đã có quy hoạch sơ bộ Minh Đạm, đầu tư xây dựng một số đường nhựa và đường lên đỉnh núi, xây dựng Đền thờ Liệt sĩ Minh Đạm khang trang, một số ngôi chùa cũ được Nhà nước cho phép xây dựng, tu bổ lại. Tuy chỉ mới vài nét chấm phá thôi, nhưng Minh Đạm đã bắt đầu thu hút đông đảo khách các nơi về nguồn, tham quan, cắm trại, du lịch tâm linh…
Do đó, để phát huy tiềm năng, trong quy hoạch xây dựng khu di tích Minh Đạm chúng ta nên chọn một khu vực có diện tích vừa phải dưới hoặc trên núi, thuận lợi cho việc hướng dẫn tham quan. Từ đó, tạo nên một khu trưng bày giới thiệu các hình ảnh truyền thống, đắp nổi lên mô hình lớn giới thiệu các khu căn cứ kháng chiến của toàn tỉnh, các phù điêu diễn đạt về các hình ảnh đa dạng, độc đáo trong xây dựng, bảo vệ của từng căn cứ, xây dựng một vài thước phim về hình ảnh hoạt động ấn tượng của mỗi căn cứ. Đền thờ liệt sĩ Minh Đạm, khu di tích các căn cứ kháng chiến, chùa Thiên Thai… sẽ mang đến cho du khách những hình ảnh truyền thống kiên trung, bất khuất anh dũng tuyệt vời của mảnh đất và con người Minh Đạm và các khu căn cứ của Bà Rịa-Vũng Tàu, mở ra các hình thức sinh hoạt hấp dẫn, sống động, phát huy truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho hôm nay và mai sau. Để thực hiện ý tưởng này, cần phát huy sức mạnh Nhà nước và nhân dân cùng tập trung đầu tư xây dựng, để Minh Đạm nhanh chóng trở thành một khu du lịch có sức hấp dẫn với nhiều dịch vụ khác kèm theo như tắm biển, cắm trại, leo núi, khám phá hang động,…
Song song với việc xây dựng, tỉnh cần đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên chuyên nghiệp để chuyển tải hết ý nghĩa, sự độc đáo, vĩ đại của nội dung công trình với du khách.
TRẦN VĂN KHÁNH
(Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu)