{Bánh trung thu} Cách làm bánh nướng – Savoury Days

Tiêu chuẩn cho bánh nướng ngon chắc là có rất nhiều. Tùy theo khẩu vị mà có người thích vỏ dày mềm, có người lại thích vỏ mỏng, mềm, người khác lại muốn vỏ cứng và giòn hơn một chút. Mình thì thích bánh có lớp vỏ mềm, ẩm vừa, không khô bở, không quá ngọt. Vỏ không nên quá dày đến mức tạo cảm giác ăn chỉ toàn thấy vỏ, nhưng cũng không quá mỏng vì nhân nhiều quá dễ gây cảm giác ngán.

Ngoài ngon ra, yếu tố “ngoại hình” của bánh trung thu có lẽ cũng rất quan trọng. Bánh nướng  sẽ hấp dẫn hơn nếu như có một lớp vỏ màu vàng nâu bóng, với phần mặt bánh với nhiều  hoa văn đẹp, sắc nét, không bị rạn nứt, không bị một lớp trứng phủ dày che bớt hoa văn, hay có các bọt khí li ti. Thành bánh phải thẳng, không bị cong vẹo, không bị phù hay phồng ở gần chân hay mặt bánh (mình hay để ý chi tiết này vì thường các bánh trung thu hay chỉ để ý phần mặt bánh đẹp mà bỏ qua thành bánh).

IMG_8252-1

Nghe thì có vẻ phức tạp, nhưng thực ra nếu đã có nước đường ngon, nhân ngon, thì chúng mình đã gần đến “đích” rồi. Những công việc còn lại thật ra không quá “khó nhằn” đâu. Với các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm bánh và thử làm lần đầu tiên thì có lẽ sẽ hơi lóng ngóng hơn một chút. Nhưng sau khi đã làm quen với các thao tác rồi thì sẽ ổn thôi. Nên bạn nào muốn làm mà vẫn còn ngại ngùng sợ hỏng thì cứ mạnh dạn lên nhé. Năm nay thật ra cũng là năm đầu tiên mà mình làm bánh trung thu, nên nếu mình làm được thì các bạn cũng sẽ làm được thôi 🙂

Cũng như nước đường hay nhân bánh, với vỏ bánh, mình có thử khá nhiều công thức khác nhau, và công thức mà mình giới thiệu dưới đây là công thức mà mình ưng ý nhất. Vỏ bánh làm theo công thức này, khi còn là bột thì dẻo mịn và không quá dính, rất dễ cán và bọc nhân. Khi thành bánh thì mềm, bùi chứ không bở, thơm mùi mật pha chút the mát của chanh từ nước đường, và cả vị thơm ngậy từ bơ đậu phộng nữa, vị ngọt rất vừa phải, chắc sẽ hợp với các bạn nào thèm ăn bánh trung thu nhưng lại chần chừ với độ ngọt đến mức khé cổ thường gặp ở bánh trung thu truyền thống.

Nguyên liệu

  • 240 gram bột mì (mình dùng 120 gram bột làm bánh ngọt/ protein 8% và 120 gram bột làm bánh mì/ protein 11%)
  • 160 gram nước đường bánh nướng
  • 30 gram dầu đậu phộng (peanut oil) hoặc dầu ăn thông thường
  • 1 lòng đỏ trứng gà (18 – 20 gram)
  • 10 gram (khoảng 2 thìa café đầy) bơ đậu phộng (peanut butter)
  • ¼ thìa café (teaspoon) ngũ vị hương (five-spice powder)

(*) Ghi chú:

– Một công thức bột trên làm được khoảng 450 gram bột vỏ bánh. Tùy theo loại khuôn và sở thích về độ dày của vỏ mà các bạn có thể tính lượng bánh tương đương. Thường mình làm vỏ bằng 1/3 trọng lượng bánh. Ví dụ nếu là bánh 75 gram thì vỏ sẽ là 25 gram và nhân 50 gram. Như vậy 450 gram bột vỏ sẽ làm được: 450 : 25 = 18 bánh trọng lượng 75 gram. Nếu thích vỏ dày hơn, các bạn có thể tăng tỉ lệ này thêm một chút.

– Bột mì có quyết định rất lớn đến chất lượng của vỏ bánh. Bột càng ngon thì bánh càng ngon. Bột làm bánh ngọt (cake flour/ bột mì số 8) sẽ cho vỏ bánh mềm hơn. Ngược lại, bột mì đa dụng hay bột làm bánh mì (bread flour/ bột mì số 11) cho vỏ bánh khô và cứng hơn.

– Một số công thức có dùng thêm nước tro tàu và/ hoặc baking soda để làm cho bánh mềm và có màu nâu vàng hơn. Tuy nhiên mình không dùng cả hai loại này và thấy không có vấn đề gì về cả màu sắc lẫn độ mềm của vỏ bánh.

– Nếu có thắc mắc về việc dùng trứng, bơ đậu phộng và không dùng nước tro/  baking soda, các bạn có thể xem thêm giải thích trong bài viết này.

– Có thể bỏ qua bơ đậu phộng (peanut butter) nếu không tìm mua được. Ngũ vị hương mình thường chỉ cho vào phần vỏ khi làm bánh nhân mặn.

(*) Lưu ý: Công thức này cho vỏ bánh khá mềm. Nếu vỏ bánh của bạn bị khô hoặc cứng, cần xem lại một số điểm sau:

  • Nước đường mới nấu hay nấu đã lâu (nước đường mới nấu có thể là nguyên nhân)
  • Bột mì cũ, protein cao sẽ cho vỏ bánh khô và cứng hơn bột mới, protein thấp
  • Nướng ở nhiệt độ cao trong thời gian dài, hoặc nướng nhiều lần

Ngược lại, nếu cảm thấy vỏ bánh quá mềm, muốn cứng hơn; hoặc trong trường hợp làm bánh với nhân nhuyễn, nhiều dầu như nhân sen hay nhân đậu, khi để qua ngày dầu tiết ra làm vỏ bánh mềm và hơi dính -> Các bạn có thể khắc phục bằng một trong những cách sau:

  • Bỏ lòng đỏ trứng khỏi công thức, tăng thêm 10 gram dầu ăn nếu bột khô, nướng bánh cao hơn bình thường 10 độ C.
  • Dùng bột mì có hàm lượng protein cao như bột mì đa dụng, bột làm bánh mì (số 11)
  • Sau khi nướng xong bánh, bật lò ở 110 độ C, cho bánh vào nướng thêm trong 5 – 10 phút, bánh sẽ khô và có phần vỏ cứng giòn hơn.

Cách làm

(*) BỔ SUNG: tháng 8/2016 mình đã quay lại video cách làm bánh nướng dựa theo công thức này.

Video đã được đăng tại kênh YouTube của Savoury Days. Các bạn có thể xem tại blog hoặc trực tiếp trên Youtube theo link này. Video có chế độ bản đẹp HD. Các bạn có thể xem hướng dẫn cách chỉnh chế độ HD ở cuối bài viết cách làm bánh flan này nhé.

 

Công thức dưới đây là công thức gốc và đầy đủ, viết từ năm 2014, đã được rất nhiều anh chị em thử nghiệm và chứng nhân chất lượng ^.^

A. Trộn vỏ bột

1. Rây bột vào âu (hình 1)

2. Dùng thìa vét bột, tạo một lỗ trống ở giữa âu (hình 2). Cho lần lượt các nguyên liệu còn lại vào phần trống này (hình 3).

3. Nhẹ nhàng dùng thìa quấy đều theo vòng tròn hay xoắn ốc từ phần chất lỏng ở giữa ra ngoài, để bột khô dần hòa quyện với các nguyên liệu còn lại (hình 4).

Vo banh nuong 1

4. Quấy đến khi các nguyên liệu hòa quyện (hình 5) thì dùng tay nhẹ nhàng nhào đều để bột tạo thành một khối mịn dẻo và đồng nhất (hình 6). Bột mới trộn xong sẽ hơi ướt một chút. Nếu bột khô và bở, có thể bẻ vụn dễ dàng, nên thêm dầu ăn hoặc nước đường.

Vo banh nuong 2

5. Dùng nilon bọc thực phẩm  (cling firm) hoặc giấy nến nướng bánh bọc kín cả khối bột để bột không bị khô (hình 7). Để bột nghỉ ở nhiệt độ phòng trong khoảng 30 – 45 phút.

B. Chuẩn bị nhân và các dụng cụ đóng bánh

Trong lúc đợi vỏ bột nghỉ thì chuẩn bị nhân và các dụng cụ để đóng bánh:

1. Dùng cân chia nhân thành các phần nhỏ, vo tròn. Nếu có dùng trứng muối thì tính cả phần trứng trong trọng lượng nhân. Xem thêm cách xử lí trứng muối và cách bọc nhân bánh với trứng muối mình trong bài viết này.

Nhân lá dứa, đậu xanh và sữa dừa

IMG_5924

2. Chuẩn bị các dụng cụ để đóng bánh gồm:

  • Cân để tính trọng lượng vỏ bánh
  • Khuôn đóng bánh
  • Mặt phẳng sạch để cán bột và đóng bánh
  • Cây cán bột (có thể dùng chai thủy tinh sạch để cán nếu không có cây cán bột chuyên dụng)
  • Một bát nhỏ đựng khoảng 1 thìa canh bột mì (15 gram)
  • Một bát nhỏ đựng chút xíu dầu ăn để chống dính khuôn & chổi quét dầu ăn
  • Khay nướng có lót tấm nướng silicon hoặc giấy nến nướng bánh.

Đa phần mọi người dùng bột để chống dính khuôn khi đóng bánh nhưng mình dùng dầu ăn. Dầu ăn chống dính rất tốt, bánh lấy ra khỏi khuôn cực kì dễ dàng. Dùng bột áo không chỉ khó hơn ở khâu phủ bột mỏng, mà bột áo còn dễ bị dính lại ở các khe rãnh ở mặt khuôn, làm cho các bánh đóng sau kém sắc nét hoặc mất thời gian cọ rửa. Ngoài ra, bánh chống dính bằng dầu ăn cũng nở đều hơn, ít bị cong vẹo thành bánh hoặc bị phồng thành bánh như khi chống dính bằng bột mì.

Mọi thứ đã sẵn sàng để bọc nhân và đóng bánh 🙂

IMG_5926

C. Bọc nhân và đóng bánh:

Bột sau khi nghỉ khoảng 30 – 40 phút là sẵn sàng cho khâu đóng bánh. Lúc này bột sẽ khá dẻo và ít dính hơn như khi mới trộn xong. Lưu ý là mỗi loại bột hút nước khác nhau, nên có thể khối bột của bạn sẽ hơi ướt hoặc hơi khô so với bột của mình trong hình. Nếu bột quá khô, bạn có thể cho thêm chút nước đường, mật ong, hoặc dầu ăn. Nếu bột quá ướt, thì cho thêm ít bột mì rồi trộn đều nhé.

1. Dùng cân để chia bột thành các phần nhỏ tương ứng với số nhân đã chuẩn bị. Nếu làm nhiều bánh, nên chuẩn bị khăn ẩm hoặc nilon để đậy bột trong khi nặn và đóng bánh, tránh để bột bị khô (do làm nhiều và thao tác không đủ nhanh).

Cân cả nhân và vỏ sao cho vừa với khuôn

IMG_6009

2. Bọc nhân bánh: Rửa sạch tay và lau khô. Lấy một chút bột mì xoa đều vào hai tay rồi phủi bớt bột. Dùng tay vừa được “bao” bột để lấy một viên vỏ bột và vê thành hình tròn. Bột áo từ tay sẽ dính ra bên ngoài viên bột giúp cho bột bớt dính và dễ cán hơn. Cách làm này giúp các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm có thể bao bột áo cho vỏ bột dễ dàng, mà không lo bao quá nhiều bột (làm cho vỏ bánh bị khô).

3. Dùng cây cán bột (đã phủ một lớp bột áo mỏng) nhẹ nhàng cán miếng vỏ thành hình tròn, phần mép bột hơi dày hơn so với phần giữa một chút. Không nên cán quá rộng, làm sao để vỏ vừa đủ bao khoảng 2/3 khối nhân. Vỏ cán rộng quá sẽ khó ôm sát vào nhân, tạo ra lớp khí rỗng giữa nhân và vỏ.

Nhẹ nhàng cán một đường theo chiều dọc

IMG_5928

thêm một đường theo chiều ngang là chúng ta có miếng bột tròn đều, rìa miếng bột nên dày hơn phần giữa một chút nhé

IMG_5931

so với nhân thì độ rộng của phần vỏ như thế này là vừa phải, không bị rộng quá 

IMG_5932

4. Đặt viên nhân vào giữa, nhẹ nhàng áp vỏ bột với nhân, bắt đầu từ phần dưới đáy của viên nhân lên trên. Thường thì vỏ sẽ không bao hết mà chỉ một phần nhân. Miết và kéo cho phần bột ở mép vỏ bao kín hết viên nhân.

Sau khi phần vỏ đã áp sát phần đáy của nhân, để dễ bao phần mặt trên viên nhân, các bạn có thể đặt viên bánh vào giữa ngón trỏ và ngón cái của một bàn tay (nên là bàn tay thuận). Dùng khoảng trống giữa hay ngón tay này để ép và vuốt cho vỏ sát với nhân. Đồng thời dùng ngón cái và ngón trỏ của bàn tay còn lại vuốt cho phần mép bột bao đều hết phần nhân ở trên.

IMG_5933

IMG_5930

Sau khi bao đều vỏ quanh nhân thì miết cho kín và làm mờ các vết dính mép bột. Nếu có không khí giữa nhân và vỏ (vỏ sẽ hơi phồng và mềm ở nơi có không khí) thì dùng tăm chọc cho phần khí này thoát ra rồi miết kín lại.

Làm tương tự đến khi bọc hết nhân. Nếu làm nhiều, cần chuẩn bị nilon hoặc khăn ẩm sạch để phủ các viên bánh vừa gói xong, tránh cho bánh bị khô sẽ khó đóng sắc nét. Hoặc có thể đóng bánh ngay sau khi bọc nhân xong.

(*) Xem thêm video cách bọc vỏ bánh nướng trung thu tại đây.

5. Bật lò nướng ở nhiệt độ 180 – 190 độ C (hai lửa). Chuẩn bị khay nướng có lót tấm nướng silicon hoặc giấy nướng. Tốt nhất là nướng trên rack hoặc khay nướng riêng vì nướng trực tiếp trên khay đen từ lò sẽ dễ làm đế bánh bị cháy.

6. Đóng khuôn: Nhúng phần đầu chổi vào dầu ăn, quét một lớp rất mỏng quanh thành trong của khuôn (dùng rất rất ít dầu ăn để tráng khuôn, quá nhiều  dầu sẽ tạo 1 lớp dầu ăn lõng bõng trên mặt bánh).

Cho viên bánh vào khuôn, ép nhẹ cho viên bánh dàn đều. Xoa thêm bột áo ở đế bánh (để giúp bánh không bị dính vào mặt bàn khi đóng bánh). Có thể dùng tăm chọc vài lỗ ở đáy bánh, giúp bánh thoát khí khi nướng (mình không làm khâu này).

Nếu dùng khuôn lò xo thì đặt khuôn ngay ngắn trên mặt bàn (có phủ bột áo mỏng). Tay trái giữ chặt khuôn, tay phải ép mạnh xuống rồi nhẹ nhàng nhấc khuôn ra khỏi bánh. Làm cách này sẽ giúp cho khuôn không bị dịch chuyển, bánh đóng ra được vuông vắn và sắc nét.

Một tay giữ chặt khuôn, tay còn lại nhấn lò xo, “ép” ra chiếc bánh đẹp 

IMG_6011

IMG_6012

Dùng khuôn nhựa không lò xo thì dễ hơn, chỉ cần ấn cho bánh đầy chặt khuôn rồi lấy bánh ra là ổn

IMG_6015

Chuyển bánh lên khay nướng. Lưu ý chuyển bánh nhẹ tay, tránh làm méo thành bánh vì bánh lúc này rất mềm.

(*) Xem video cách đóng bánh với khuôn lò xo ở đây.

D. Nướng bánh

Lò đã được làm nóng trước 10 – 15 phút để khi đưa bánh vào thì nhiệt trong lò đạt mức cần thiết. Lò cần có đủ hai lửa trên và dưới. Những dụng cụ như lò nướng thủy tinh, nồi nướng, lò vi sóng.. thường chỉ có một lửa nên sẽ dễ làm cho bánh chín không đều, một mặt cháy trong khi một mặt còn sống.

1. Nướng bánh ở nhiệt độ 180 – 190 độ C. Thời gian nướng tùy theo kích thước bánh. Mình nướng bánh 50 – 75 gram (khay đặt dưới nấc giữa 1 nấc) trong khoảng 5 – 7 phút, bánh 100 – 125 gram trong khoảng 8 – 10 phút. Đến khi bánh chuyển màu trắng đục thì lấy ra. Xịt nước lên khắp mặt bánh, để khoảng 5 – 10 phút cho bánh nguội bớt và hơi nước bay hết rồi quét trứng.

Nhiều công thức nướng bánh ở nhiệt độ rất cao, từ 200 – 220 độ C trở lên. Mình có thử nướng với nhiệt độ này thì thấy phần chân và mặt bánh bị phù rất nhanh và thành bánh cũng dễ bị cong lõm vào. Nướng ở 180 – 190 độ C thì ổn, và giữ form bánh tốt. Nhưng nhiệt độ nướng này có thể thay đổi tùy theo lò. Các lò nhỏ có thể sẽ cần chỉnh nhiệt độ thấp hơn một chút. Tốt nhất là các bạn nên có một chiếc nhiệt kế để theo dõi nhiệt trong lò.

2. Trong khi đợi bánh nguội thì chuẩn bị hỗn hợp để quét bên ngoài bánh gồm

  • 1 lòng đỏ trứng gà (giúp mặt bánh nâu vàng)
  • ½ lòng trắng trứng gà (giúp mặt bánh bóng hơn)
  • 1 – 2 thìa café sữa tươi không đường (giúp mặt bánh nâu và hỗn hợp lỏng, dễ quét, ít bị rạn mặt bánh hơn)
  • ½ – 1 thìa café dầu vừng (tạo mùi thơm và giúp mặt bánh bóng)
  • 1 – 2 giọt màu thực phẩm màu đỏ (tạo màu nâu vàng) hoặc 1/2 thìa cafe mật ong hoặc nước đường bánh nướng

Mật ong hay nước đường giúp mặt bánh nâu vàng hơn, nhưng không nên dùng quá nhiều vì khi bánh nguội hay dễ tạo cảm giác dính ướt.

Ngoài các nguyên liệu trên, để mặt bánh có màu nâu sậm, các bạn có thể dùng một số nguyên liệu như dầu mè đen, một chút nước cà phê hoặc một vài giọt nước tương/ xì dầu.

Trộn đều tất cả các nguyên liệu trên, lọc qua rây.

3. Sau khoảng 5 – 10 phút từ khi xịt nước, bánh đã nguội bớt và khô, thì dùng chổi mềm, nhẹ nhàng quét phần hỗn hợp trứng lên mặt và thành bánh.

Cách quét trứng như sau: nhúng đầu chổi vào bát đựng hỗn hợp trứng, không cần nhiều, chỉ cần vừa đủ để trứng bao một lớp bóng và rất mỏng quanh bánh là được. Không phải quét càng nhiều thì mặt bánh càng nâu hơn, mà tác dụng sẽ ngược lại vì quét trứng nhiều sẽ dễ tạo một lớp trứng dày trên mặt, làm mất hoa văn bánh.

Dùng chổi mềm, sợi lông nhỏ sẽ quét dễ hơn chổi cứng hay chổi silicon. Quét nhẹ nhàng và đều khắp để trứng phủ đều, không bị chỗ dày chỗ mỏng, không bị đọng trứng giữa các khe rãnh trên mặt bánh. Nếu có bọt khí thì dùng chổi (không còn trứng) quét qua để bọt khí vỡ hết.

Mình thích cả phần mặt và thành bánh vàng đều nên thường quét trứng cả hai phần. Khi quét thành bánh có thể dùng chổi to và quét theo chiều dọc từ dưới lên, trên xuống.

(*) Xem video cách quét trứng mặt bánh nướng tại đây.

4. Cho bánh vào lò nướng lần 2 ở nhiệt độ 190 – 200 độ C trong khoảng 5 – 7 phút (nhiệt độ cao hơn một chút và thời gian ngắn hơn một chút so với lần nướng đầu tiên). Khi mặt bánh đã khô se và chuyển vàng thì lấy ra, lặp lại các thao tác xịt nước, đợi khô, quét trứng.

Có thể quét trứng từ 2 – 3 lần, nhưng không nên quét quá nhiều, sẽ dễ làm mặt bánh kém sắc nét.

Bánh sau khi nướng xong đợi nguội bớt rồi chuyển qua rack cho nguội hẳn. Để bánh nguội trên rack sẽ tốt hơn trên khay vì tránh được hiện tượng bí đọng dầu ở đế bánh.

Bánh chuẩn bị nướng lần 1 

IMG_5939

Sau khi đã nướng xong lần 1 (vỏ bánh đã chín và chưa quét trứng)

IMG_5942

sau khi nướng lần 2 (đã quét 1 lượt trứng)

IMG_5945

Bánh mới nướng xong sẽ có màu hơi hanh vàng, nhưng để qua ngày hôm sau sẽ trở nên vàng và nâu bóng hơn. Các hoa văn trên mặt bánh cũng sắc nét hơn. Sau khoảng 2 – 3 ngày, đường xuống màu và dầu từ nhân bánh thấm ra ngoài sẽ giúp cho vỏ bánh có màu nâu vàng sậm và bóng. Bánh nhân đậu (nhiều dầu) thường sẽ mềm nhanh hơn bánh nhân thập cẩm hay nhân sữa dừa (ít dầu).

Ngay khi bánh nguội, cho bánh vào túi hoặc hộp có kèm theo túi chống ẩm. Hoặc bảo quản bánh ở nơi thoáng mát. Bánh tự làm nên ăn càng sớm càng tốt, ngon nhất là trong khoảng 3 ngày đầu tiên, nếu muốn để lâu hơn 5 ngày, nên bảo quản trong tủ lạnh, nhưng vị bánh có thể sẽ kém ngon so với ngày đầu.

(*) Các vấn đề thường gặp với bánh nướng trung thu (vỏ bánh quá mềm, quá cứng, mất vân trên mặt bánh, nhão ướt nhanh, tách nhân với vỏ…) được giải đáp trong hai bài viết sau:

———

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ TRUNG THU

A. Kiến thức chung

B. Cách làm bánh nướng trung thu

C. Cách làm bánh dẻo trung thu