Bánh hỏi

BÁNH HỎI BÌNH ĐỊNH

Ai đã từng một lần ăn bánh hỏi ở Bình Định thì sẽ không thể quên hương vị đặc biệt của nó. Bánh hỏi không giống như bún, cũng không giống bánh cuốn. Nó mang cái vị vùng quê miền Trung rất lạ. Ăn một bữa mà mê, vào Sài Gòn cứ đi tìm quán bánh hỏi, tìm hoài chẳng thấy… 


Là món ăn phổ biến ở Bình Định, người ta ăn sáng, ăn trưa bằng bánh hỏi trừ cơm. Bánh hỏi làm bằng bột gạo, mà phải là gạo cũ mới ngon. Sau một đêm ngâm cho mềm, gạo được đem xay thành bột. Người làm bánh sẽ nhồi bột thành những “vặn” lớn, sau đó cho vào khuôn nhôm. Khuôn nhôm hình trụ, đáy có đục nhiều lỗ nhỏ. Sợi bột sẽ theo lỗ đổ ra thành sợi bánh. Người vắt bánh sẽ trải đều sợi bánh trên những tấm nan tre hình chữ nhật rồi đem hấp chín.

Người làm bánh hỏi chuyên nghiệp một ngày bán cả trăm ký. Bánh được xếp vào giỏ lót lá chuối, có vỉ buồm đậy lại nhưng không được quá kín, bánh sẽ mau chua. Bánh hỏi cũng như bún, không kén món ăn kèm. Nếu muốn đơn giản, có thể chan mắm chanh ớt hoặc mắm cái vào rồi ăn liền. Nhưng thường thì người ta ăn bánh hỏi kèm thịt heo và dưa leo thái mỏng. Cầu kỳ hơn, bạn có thể vào nhà hàng chuyên phục vụ món bánh hỏi ở thị trấn Phù Mỹ, có đến hơn 10 món để bạn chọn lựa: bánh hỏi chả giò, bánh hỏi lòng heo, bánh hỏi thịt nướng, bánh hỏi chạo tôm, bánh hỏi tôm càng, bánh hỏi thịt bò nướng, bánh hỏi bò lụi, bánh hỏi gà lụi… Xem ra thì món bình dân nào vào nhà hàng cũng trở nên “đặc sản” hấp dẫn, phong phú…

Ăn bánh hỏi mà không có lá hẹ thì coi như mất ngon. Người dân Bình Định có thói quen phết lá hẹ lên từng tấm bánh trước khi ăn. Lá hẹ thái nhỏ, xào qua  dầu ăn cho thơm. Hương vị chính của món bánh hỏi là do lá hẹ khử dầu tạo nên, vừa thơm vừa bùi mà không cần đến bất kỳ thứ rau thơm nào ăn kèm.

Có một vài nơi dùng món bánh hỏi như một món cuốn. Họ cho bánh hỏi, thịt heo luộc, rau sống vào một miếng bánh tráng mỏng rồi cuốn lại chấm mắm lạt, ăn thế cũng ngon nhưng không đúng kiểu. Ngon nhất là cho từng tấm bánh vào đĩa, phết dầu lá hẹ lên, thêm vào thức ăn kèm dùng ngay. Đây không phải là món bánh dùng nóng nên bạn có thể ăn bất kỳ lúc nào tùy thích. Ngày Tết, đám cưới, đám hỏi, giỗ chạp ở Bình Định cũng không bao giờ thiếu món bánh truyền thống này.

Món bánh hỏi bình dị của quê thế mà có sức níu giữ đến lạ kỳ. Ai đã ăn một lần sẽ không sao quên được vị ngọt thơm của sợi bánh, vị bùi the của lá hẹ, vị béo của dầu, vị chua của mắm chanh. Để mỗi lần ghé Bình Định chơi trên chặng đường dài vào Nam lại có dịp được bạn mời: “Bánh hỏi nhé!”.