Bàn về quyền lực nhà nước trong khoa học pháp lý hiện nay | TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẾN TRE

Thạc sĩ Võ Thái Bình

                                                Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật

 

Các học thuyết về nhà nước thường chỉ đề cập đến nguồn gốc ra đời, bản chất của nhà nước mà ít khi nghiên cứu sâu về nguồn gốc của quyền lực nhà nước – một yếu tố “cơ bản” bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển (yếu tố đảm bảo khả năng duy trì sự tồn tại của nhà nước) của bất cứ nhà nước nào. Chính quan điểm về nguồn gốc của quyền lực nhà nước sẽ định hình cho các cách thức tổ chức nhà nước để bảo đảm thực thi quyền lực nhà nước. Trong bài viết này tác giả không có ý định đào sâu nghiên cứu các cách thức tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước mà chỉ gắng sức làm rõ về các nội dung: Quyền lực, quyền lực nhà nước và nguồn gốc thật sự của quyền lực nhà nước.

Thứ nhất, bàn về quyền lực.

Quyền lực là một yếu tố gắn liền với quản lý, nó là điều kiện phát sinh và duy trì các quan hệ xã hội, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý. Vì vậy, quyền lực là khái niệm được các nhà tư tưởng quan tâm nghiên cứu từ rất sớm.

Hiện nay có rất nhiều quan niệm khác nhau về quyền lực và chưa có một khái niệm thống nhất về quyền lực. Tuy nhiên, có thể tạm hiểu quyền lực với nghĩa đơn giản nhất đó là khả năng mà chủ thể này có thể áp đặt ý chí và buộc chủ thể khác phải thực hiện theo ý chí của mình bằng một sức mạnh cưỡng chế nào đó. Hay nói cách khác “quyền lực” là cái mà nhờ nó chủ thể này (chủ thể có quyền lực) có thể áp đặt ý chí của mình lên chủ thể khác (chủ thể bị quyền lực chi phối). Vì vậy, khi nói đến quyền lực là chúng ta nói đến mối quan hệ quyền lực, trong đó:

+ Trong mối quan hệ quyền lực, có ít nhất là hai chủ thể bao gồm chủ thể có “quyền lực” đóng vai trò áp đặt ý chí lên chủ thể còn lại (chủ thể bị quyền lực chi phối). Ví dụ, trong mối quan hệ giữa A và B thì A là chủ thể có quyền lực nhưng trong mối quan hệ giữa A và C thì A lại là chủ thể bị chi phối bởi quyền lực của C.

 + Mối quan hệ quyền lực ấy tồn tại trong điều kiện lịch sử cụ thể. Trong điều kiện tồn tại khác nhau, mức độ thực hiện quyền lực sẽ khác nhau, thậm chí có sự hoán đổi vị trí của các chủ thể tham gia quan hệ quyền lực đó. Ví dụ, tại thời điểm này A là chủ thể có “quyền lực” tuyệt đối với B nhưng tại thời điểm khác hoặc không gian khác A có mức độ thực hiện quyền lực với B thấp hơn hoặc thậm chí B mới là chủ thể có “quyền lực” với A.

+ Ngoài ra khi bàn về quyền lực, các nhà nghiên cứu đã thống nhất rằng không chỉ có “quyền lực tuyệt đối” mà “mức độ” thực hiện quyền lực phụ thuộc vào “mức độ” của sức mạnh (sức mạnh này có thể là sức mạnh bạo lực, sức mạnh về tài lực hay sức mạnh của trí tuệ) mà chủ thể có quyền lực sử dụng để áp đặt ý chí lên chủ thể bị chi phối bởi quyền lực.

Thứ hai, quyền lực nhà nước.

Quyền lực trong xã hội, xét về nội dung, phạm vi, chủ thể,… có cấu trúc phức tạp được hình thành từ nhiều loại quyền lực khác nhau. Các loại quyền lực này cùng tồn tại, đan xen và tác động lẫn nhau tạo thành một chỉnh thể của quyền lực trong xã hội. Trong đó, đáng chú ý nhất chính là quyền lực chính trị và quyền lực công, trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến quyền lực công (quyền lực nhà nước).

Nhà nước là một tổ chức pháp lý của một cộng đồng dân cư trên phạm vi lãnh thổ quốc gia, ngoài trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nhà nước còn có trách nhiệm quản lý dân cư, bảo vệ công dân của mình, đồng thời phải thiết lập và duy trì trật tự xã hội. Muốn vậy, nhà nước phải có “quyền lực nhà nước” và quyền lực ấy phải được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước. Nghĩa là, quyền lực đó phải mang tính pháp lý và phải được bảo đảm thực hiện bằng hệ thống các thiết chế bạo lực của nhà nước.

Xét dưới góc độ bản chất, nhà nước luôn mang tính giai cấp, nhà nước là công cụ mà giai cấp thống trị xã hội thiết lập để truyền tải quyền lực chính trị của giai cấp thống trị lên nhà nước, biến thành quyền lực nhà nước để thực thi trong thực tiễn. Vì vậy, nhà nước phải thực hiện chức năng giai cấp, nghĩa là phải phục vụ và bảo vệ cho lợi ích của giai cấp thống trị xã hội.

Với tư cách là một bộ máy công quyền (bộ máy tổ chức thực thi quyền lực công), nhà nước không chỉ phải thực hiện chức năng giai cấp mà còn phải thực hiện chức năng xã hội. Do đó, nhà nước phải sử dụng tổng hợp các nguồn lực, kể cả quyền lực nhà nước để thiết lập và bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển và nhất là bảo vệ và phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội, trong đó có lợi ích của tất cả các giai cấp, tầng lớp, các nhóm người trong xã hội.

Tóm lại, Quyền lực nhà nước là quyền lực chung của cộng đồng, được tổ chức thành nhà nước nằm trong tay một giai cấp, lực lượng nhất định trong xã hội. Khi nói đến quyền lực nhà nước là nói đến khả năng, năng lực của nhà nước để nhà nước áp đặt ý chí (ý chí này vừa mang tính giai cấp vừa mang tính xã hội như đã phân tích) của mình lên các chủ thể trong xã hội trên phạm vi lãnh thổ quốc gia nhằm thực hiện các chức năng vốn có của nhà nước. Quyền lực nhà nước mang tính pháp lý và được bảo đảm thực hiện bằng hệ thống các công cụ bạo lực của nhà nước.

Thứ ba, nguồn gốc của quyền lực nhà nước.

Các quan điểm trước C.Mác khi nghiên cứu về nguồn gốc của nhà nước chủ yếu luận giải về nguồn gốc ra đời của nhà nước mà chưa luận giải nhiều về nguồn gốc của quyền lực nhà nước – một yếu tố cơ bản của nhà nước, gắn liền với tổ chức và hoạt động của nhà nước. Khái lược một số luận điểm trước C.Mác về nguồn gốc của nhà nước và của quyền lực nhà nước như sau:

+ Thuyết thần quyền cho rằng thượng đế là người sắp đặt trật tự của xã hội, nhà nước là do thần thánh tạo ra để thay mặt thần thánh quản lý xã hội. Nhà vua là “con trời”, đại diện cho “trời” để quản lý xã hội. Do đó, quyền lực của nhà nước xuất phát từ quyền lực của thần thánh được tập trung trong tay nhà vua để nhà vua thay mặt thần thánh cai trị xã hội.

+ Thuyết gia trưởng cho rằng, nhà nước hình thành trên cơ sở sự phát triển tự nhiên của các gia đình, là sản phẩm của tự nhiên. Thực chất nhà nước chính là mô hình gia tộc mở rộng và quyền lực nhà nước chính là quyền gia trưởng được đề lên cao hình thành nên quyền lực nhà nước. Do đó, nhà nước là hình thức tổ chức tự nhiên của xã hội loài người.

+ Thuyết bạo lực cho rằng, nhà nước xuất hiện trực tiếp từ các cuộc chiến tranh xâm chiếm đất đai của bộ tộc này đối với bộ tộc khác. Trong đó, bộ tộc thắng trận sẽ thiết lập một tổ chức đặt biệt để nô dịch những kẻ chiến bại, tổ chức đặc biệt đó chính là nhà nước. Vì vậy, quyền lực của nhà nước thực chất là quyền lực mang tính bạo lực của những kẻ thắng trận (thực chất là kẻ thống trị trong xã hội).

Các học thuyết trên đã luận giải sai lầm về nguồn gốc ra đời của nhà nước và do đó, tất yếu đã luận giải sai về nguồn gốc của quyền lực nhà nước và bản chất của quyền lực nhà nước.

Khi chủ nghĩa tư bản ra đời, các nhà tư tưởng tư sản đã phát triển thuyết “khế ước xã hội” để luận giải cho nguồn gốc ra đời của nhà nước và của quyền lực nhà nước. Thuyết khế ước xã hội cho rằng trước đó, con người sống trong trạng thái tự nhiên không có nhà nước, họ có đầy đủ những quyền tự nhiên vốn có. Nhưng bản chất của con người là tham lam và ích kỷ nên tất yếu sẽ dẫn đến xung đột lợi ích. Nghĩa là, nếu phát huy hết những quyền tự nhiên vốn có của người này tất yếu sẽ xâm phạm đến quyền tự nhiên vốn có của người khác trong xã hội. Vì vậy, họ cần tự nguyện tham gia ký kết một “Khế ước – Hợp đồng” để trích một phần quyền tự nhiên vốn có của mình cho nhà nước, hình thành nên nhà nước và nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm trật tự xã hội, bảo đảm cho con người thực hiện được các quyền tự nhiên vốn có (phần quyền còn lại) mà không xâm phạm đến quyền tự nhiên vốn có của người khác. Vì lẽ đó, nhà nước là sản phẩm của khế ước xã hội, nhà nước ra đời từ chính nhu cầu của nhân dân và phục vụ nhân dân, quyền lực nhà nước có nguồn gốc từ quyền lực của nhân dân.

Thuyết khế ước xã hội có ý nghĩa to lớn là đã luận giải về sự ra đời của nhà nước và nguồn gốc thật sự của nhà nước một cách duy lý: Bản chất của khế ước là sự liên kết của các thành viên trong cộng đồng, với mục đích bảo vệ con người, hướng con người tới một cuộc sống nhân bản, tốt đẹp hơn. Nhà nước ra đời là do được người dân ủy quyền, chứ không tự nhiên mà có. Người dân ủy quyền cho nhà nước, nhưng đồng thời người dân cũng có quyền giới hạn, khống chế, giám sát nhà nước. Xét dưới góc độ lịch sử, thuyết khế ước xã hội là bệ đỡ tư tưởng cho cách mạng tư sản lật đổ ách thống trị phong kiến trong thời kì cận đại.

Tuy nhiên, thuyết khế ước xã hội có một hạn chế lớn là không chỉ ra được bản chất giai cấp của nhà nước. Che đậy các mâu thẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp trong tiến trình của lịch sử và vì vậy, nhà nước và quyền lực nhà nước là sản phẩm của “nhân dân”, có nguồn gốc từ “nhân dân”. Tuy nhiên, “nhân dân” thật sự ở đây chỉ là thiểu số những người có của (giai cấp tư sản).

C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin trong nhiều tác phẩm của mình như: Nguồn gốc của gia đình, chế độ sở hữu và của nhà nước, bàn về nhà nước,… đã làm sáng tỏ về nguồn gốc ra đời của nhà nước và nguồn gốc của quyền lực nhà nước:

+ Nhà nước xuất hiện trực tiếp từ sự tan rã của chế độ cộng sản nguyên thủy. Trong đó, tiền đề kinh tế cho sự xuất hiện của nhà nước là sự xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Tiền đề xã hội cho sự ra đời của nhà nước là sự phân chia xã hội thành các giai cấp mà lợi ích cơ bản giữa các giai cấp và tầng lớp này là đối kháng nhau đến mức không thể điều hòa được.

+ Chính từ nguồn gốc ra đời của nhà nước đã chứng minh rằng: Về bản chất, nhà nước là bộ máy của một giai cấp này dùng để trấn áp một giai cấp khác. Nhà nước là tổ chức chính trị của giai cấp thống trị về kinh tế nhằm bảo vệ trật tự hiện hành và đàn áp sự phản kháng của các giai cấp khác. Nhà nước chỉ là công cụ chuyên chính của một giai cấp, không có và không thể có nhà nước đứng trên giai cấp và nhà nước của mọi giai cấp. Tuy nhiên, bên cạnh bản chất giai cấp, nhà nước còn thực hiện chức năng xã hội với tư cách là bộ máy công quyền. Thực hiện quyền lực công để bảo đảm duy trì và phát triển của xã hội, bảo đảm cho cuộc đấu tranh giai cấp “diễn ra trong vòng trật tự”.

+ Nguồn gốc của quyền lực nhà nước xuất phát từ quyền lực chính trị bao gồm: Quyền lực chính trị của giai cấp thống trị xã hội (mang tính quyết định) và quyền lực chính trị của các giai cấp, tầng lớp khác (mức độ thực hiện quyền lực chính trị của các giai cấp, tầng lớp phụ thuộc vào tương quan lực lượng của giai cấp, tầng lớp đó trong xã hội). Đồng thời, quyền lực nhà nước còn xuất phát từ các “nhóm” người trong xã hội với tư cách nhà nước là thiết chế công quyền, nơi phải thực thi quyền lực công.

Tóm lại, quyền lực nhà nước là bộ phận quan trọng nhất của quyền lực chính trị (xuất phát từ quyền lực chính trị). Sử dụng một loạt các biện pháp cưỡng chế để thực thi quyền lực trên quy mô toàn xã hội. Có 3 nhánh chủ yếu là quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Việc nhận diện chính xác về quyền lực, quyền lực nhà nước và nhất là nguồn gốc của quyền lực nhà nước sẽ có ý nghĩa to lớn trong việc xác định bản chất của nhà nước ta, nguồn gốc thật sự của quyền lực nhà nước xã hội chủ nghĩa là từ Nhân dân, thống nhất từ Nhân dân. Nhân dân thật sự với nghĩa là tuyệt đại đa số trong xã hội. Qua đó, xác định chính xác nguyên tắc tổ chức thực thi quyền lực nhà nước là: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Đồng thời, xác định cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước phù hợp để tiến hành thực thi nguyên tắc thực hiện quyền lực một cách hiệu quả nhất./.