Bàn về quan niệm giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật
TÓM TẮT:
Việt Nam hiện nay, lực lượng lao động khuyết tật chiếm tỷ lệ không nhỏ. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật, đến đầu năm 2018, cả nước hiện có khoảng 8 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, bằng 7,8% dân số. Nguyên nhân khuyết tật là do bẩm sinh, di truyền, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, thương tật do chiến tranh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai địch họa… Dự báo trong những năm tới, số lượng người khuyết tật sẽ tiếp tục gia tăng. Trong số người khuyết tật, có 58% là phụ nữ, 42% là nam giới. Đa số người khuyết tật trong độ tuổi lao động sống ở nông thôn, công việc của họ chủ yếu là phụ giúp gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp, công việc không ổn định, thu nhập thấp. Có 40% người khuyết tật ở độ tuổi lao động và còn khả năng lao động, trong đó chỉ có 30% số người này là có việc làm, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội. Bài viết này sẽ làm rõ hơn quan niệm việc làm cho người khuyết tật để góp thêm tiếng nói đối với các nhà quản lý và Nhà nước trong quá trình nghiên cứu ban hành các chính sách giải quyết việc làm đối với người khuyết tật ngày càng ưu việt hơn, qua đó thể hiện sự quan tâm chia sẻ của Nhà nước và cộng đồng xã hội với người khuyết tật.
Từ khóa: việc làm, giải quyết việc làm, người lao động khuyết tật, quyền con người.
1. Đặt vấn đề
Trong xã hội ngày nay, để tìm được công việc ổn định và phù hợp rất khó khăn, đặc biệt đối với người khuyết tật bởi họ luôn phải chịu thiệt thòi về thể chất, tinh thần hơn những người khác. Bên cạnh đó, người khuyết tật còn chịu nhiều bất lợi khác như thường xuyên bị tách biệt khỏi xã hội bởi những phản ứng tiêu cực từ xã hội. Vì vậy, giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật không chỉ là một vấn đề kinh tế, mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Khi người lao động khuyết tật được tạo điều kiện tiếp cận cơ hội việc làm, họ sẽ có thêm tự tin để cống hiến những năng lực của mình cho xã hội. Việc làm giúp người lao động khuyết tật tạo ra của cải vật chất cho xã hội, có thu nhập nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình. Qua đó, người khuyết tật không còn tâm lý phải sống dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác, sống hòa nhập hơn với cộng đồng, xã hội và được mọi người thừa nhận.
Đời sống của người khuyết tật vô cùng khó khăn cả về sinh hoạt, tâm lý lẫn tài chính. Hỗ trợ giải quyết việc làm, nhằm tìm cho người khuyết tật một công việc phù hợp không chỉ giúp nhóm lao động này tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội,… mà còn khẳng định vai trò của họ, giúp họ tham gia đóng góp vào các hoạt động xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước. Là một quốc gia đang phát triển cùng với những định hướng phát triển kinh tế bền vững, giải quyết việc làm cho người khuyết tật ngày càng được quan tâm nhiều hơn ở Việt Nam. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều đề án, chính sách về an sinh xã hội, tạo việc làm, dạy nghề cho người khuyết tật. Nhiều văn bản đã ban hành như Bộ luật Lao động, Luật Người khuyết tật,… Đặc biệt, ngày 20/6/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành theo Quyết định số 899/QĐ-TTg “Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 – 2020”. Trong đó, “Hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật” là một nội dung quan trọng thuộc Dự án Phát triển thị trường lao động và việc làm của Chương trình này.
2. Quan niệm giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật
Có thể nói quyền làm việc của người khuyết tật là một quyền cơ bản, tạo tiền đề để người khuyết tật có cơ hội tiếp cận và thực hiện các quyền khác của mình. Khi người khuyết tật được học nghề và làm việc phù hợp với khả năng, tự tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân, không phải phụ thuộc vào gia đình và xã hội thì tự bản thân người khuyết tật sẽ cảm thấy tự tin trong cuộc sống, tiếng nói của họ trong gia đình và xã hội sẽ có trọng lượng hơn. Từ đó, người khuyết tật mạnh dạn tham gia các hoạt động xã hội khác trong khu dân cư nơi họ sinh sống, cơ quan làm việc, các quyền về văn hóa xã hội của người khuyết tật vì thế mà được đảm bảo hơn. Từ việc có thể tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nâng cao hơn nữa, người khuyết tật có thể tiếp cận các quyền dân sự chính trị như ứng cử, bầu cử, tự do ngôn luận,… Rõ ràng, khi có thể tự chủ về kinh tế, tìm được chỗ đứng trong xã hội, người khuyết tật mới có tiếng nói và có cơ hội thực hiện các quyền văn hóa xã hội, dân sự chính trị1.
Tương tự như vậy, khi có quyền làm việc, có khả năng tự tạo thu nhập các quyền về kinh tế của người khuyết tật mới có cơ hội được đảm bảo tốt hơn. Ví dụ khi chứng minh được năng lực của mình người khuyết tật có thể tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để tự sản xuất-kinh doanh, thành lập công ty,… Do đó, cùng với việc làm, giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật là vấn đề quan trọng, thậm chí là rất quan trọng. Bởi vì, vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ thuộc bình diện kinh tế – xã hội, mà còn thuộc bình diện chính trị – pháp lý. Hơn nữa, giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật không chỉ là vấn đề bức xúc trước mắt, mà còn là vấn đề chiến lược lâu dài; không chỉ đối với một quốc gia mà còn mang tính quốc tế, tính toàn cầu sâu sắc.
Có thể hiểu, giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật gắn liền với quá trình tạo việc làm. Thực chất của tạo việc làm là trạng thái phù hợp giữa 2 yếu tố sức lao động và tư liệu sản xuất, cả về số lượng và chất lượng. Hay nói cách khác, những điều kiện về sức lao động và tư liệu sản xuất mới tồn tại như là một khả năng để tạo việc làm, muốn biến khả năng này thành hiện thực (việc làm), phải có môi trường thuận lợi cho sự kết hợp hai yếu tố này. Tuy sức lao động và tư liệu sản xuất kết hợp với nhau trong điều kiện nhất định mới tạo ra việc làm song việc làm có được duy trì hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng quản lý, thị trường,… Thực tế cho thấy, khi không có thị trường hoặc trình độ quản lý yếu kém, nhiều việc làm được tạo ra nhưng không duy trì được. Do vậy, tạo việc làm là một quá trình trong đó, việc tạo ra chỗ làm việc và thu hút lao động vào làm việc mới chỉ là khâu đầu tiên của quá trình đó. Chính vì vậy, để có thể khái quát một cách đầy đủ về tạo việc làm cần phải hiểu tạo việc làm là một quá trình mà làm sao kết hợp được hai yếu tố về sức lao động và tư liệu sản xuất, tức là phải tạo ra được những điều kiện cần thiết để 2 yếu tố này phù hợp với nhau và tạo điều kiện cho nhau phát triển, ở đây bao gồm các hoạt động như:
+ Tạo ra số lượng và chất lượng tư liệu sản xuất: số lượng và chất lượng tư liệu sản xuất phụ thuộc vào vốn đầu tư và tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng trong sản xuất và khả năng quản lý, sử dụng đối với các tư liệu sản xuất đó.
+ Tạo ra số lượng và chất lượng sức lao động: số lượng của lao động phụ thuộc vào quy mô của dân số, các quy định về độ tuổi lao động và sự di chuyển của lao động. Chất lượng của lao động phụ thuộc vào sự phát triển về y tế, thể thao và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
+ Hình thành môi trường thuận lợi cho sự kết hợp của hai yếu tố sức lao động và tư liệu sản xuất. Môi trường cho sự kết hợp hai yếu tố này bao gồm hệ thống các chính sách phát triển kinh tế – xã hội, chính sách khuyến khích, thu hút người lao động, chính sách bảo hộ sản xuất, chính sách thất nghiệp, chính sách khuyến khích đầu tư,…
+ Thực hiện các giải pháp nhằm duy trì việc làm ổn định và có hiệu quả cao. Các giải pháp có thể kể tới trong nhóm này là các giải pháp về quản lý điều hành, về thị trường các yếu tố đầu vào và đầu ra của sản xuất, các biện pháp khai thác có hiệu quả các nguồn lực, duy trì và nâng cao chất lượng của sức lao động, kinh nghiệm quản lý của người sử dụng lao động,…
Bốn khâu này có liên quan chặt chẽ với nhau và hễ trục trặc ở một khâu nào là ảnh hưởng tới tạo việc làm. Giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật là vấn đề kinh tế – xã hội tổng hợp và phức tạp không chỉ là vấn đề “kinh tế” hay “xã hội” đơn thuần. Vì vậy, nó phải được hiểu theo nội dung mới, bao hàm cả phạm vi rộng và phạm vi hẹp.
Trên phạm vi rộng, giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật bao gồm những vấn đề liên quan đến phát triển nguồn nhân lực và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực. Tức là quá trình đó diễn ra bắt nguồn từ vấn đề giáo dục, đào tạo và phổ cập nghề, chuẩn bị cho người lao động bước vào cuộc đời lao động (lập thân lập nghiệp), đến vấn đề tự do lao động và hưởng thụ xứng đáng giá trị mà lao động sáng tạo ra, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Với nội dung này, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật gắn rất chặt và được thực hiện thông qua các chương trình phát triển kinh tế. Do đó, giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật theo nghĩa này mang nội dung kinh tế là chính.
Còn theo nghĩa hẹp, giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật chủ yếu hướng vào đối tượng và mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp (chống thất nghiệp), khắc phục tình trạng thiếu việc làm, nâng cao hiệu quả việc làm và tăng thu nhập. Tức là, chỉ giới hạn nội dung giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật trong khuôn khổ và phạm vi của chính sách xã hội. Ở đây, mục tiêu của việc làm là để giải quyết vấn đề xã hội, góp phần ổn định và an toàn xã hội. Giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật theo phạm vi rộng và hẹp trên đây có quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung và đan xen vào nhau, đều hướng vào mục tiêu hàng đầu là sử dụng tối đa tiềm năng lao động xã hội. Song xét về mặt xã hội, đối tượng giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật mà chúng ta cần đặc biệt quan tâm chính là những người lao động do hậu quả của lựa chọn và áp dụng công nghệ tầng cao gây nên và những người chưa có việc làm, cũng như hiệu quả việc làm kém, thu nhập thấp. Tức là nhấn mạnh tính chất xã hội, khía cạnh xã hội của nó, để không dẫn đến những điểm nóng, điểm gay cấn về mặt xã hội. Giải quyết việc làm cho người khuyết tật là tạo ra các cơ hội để người lao động khuyết tật có việc làm phù hợp với khả năng của họ, phù hợp với lợi ích của bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Là tổng thể những biện pháp, chính sách kinh tế – xã hội của nhà nước, cộng đồng và bản thân người lao động tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo cho lao động khuyết tật có việc làm. Từ đó có thể rút ra, giải quyết việc làm cho người khuyết tật bao gồm những nội dung sau:
Thứ nhất, tạo ra số lượng và chất lượng tư liệu sản xuất để phục vụ cho sản xuất, tức là tăng cầu về việc làm cho nền kinh tế.
Thứ hai, tạo ra số lượng và chất lượng sức lao động, tức là tạo sức cung lao động cho thị trường.
Thứ ba, các giải pháp để duy trì việc làm ổn định và đạt hiệu quả cao, các giải pháp về quản lý thị trường, kỹ thuật,… nhằm nâng cao hiệu quả của việc làm. Tức là các giải pháp để tạo sự gặp nhau giữa cung – cầu sức lao động trên thị trường2.
Từ sự phân tích trên, có thể hiểu khái quát về giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật như sau: Giải quyết việc làm cho người khuyết tật là việc thông qua các chính sách và sự hỗ trợ từ phía xã hội để người khuyết tật có cơ hội tìm được việc làm giúp cho bản thân, và gia đình cải thiện thu nhập. Để làm được điều đó cần phải tăng cầu việc làm, tăng cung lao động và tạo sự gặp gỡ giữa cung và cầu lao động. Và để bảo đảm việc làm cho người khuyết tật, Nhà nước đã có một số quy định của pháp luật về giải quyết việc làm cho người khuyết tật với mong muốn mang lại sự bình đẳng việc làm giữa người khuyết tật trong xã hôi nói chung.
3. Kết luận
Qua phân tích làm rõ nét về quan niệm giải quyết việc làm cho người khuyết tật, tác giả rút ra một số ý kiến như sau:
– Việc thực hiện các chính sách việc làm và giải quyết việc làm đối với người khuyết tật có tác động rất to lớn đối với cuộc sống của người khuyết tật. Điều này, được thể hiện qua cách nhìn nhận, đánh giá của chính bản thân người khuyết tật trong dạng thụ hưởng chính sách.
– Tiếp cận chính sách việc làm và giải quyết việc làm đối với người khuyết tật là một trong những chính sách xã hội thuộc hệ thống chính sách an sinh xã hội có vai trò quan trọng trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính sách việc làm và giải quyết việc làm đối với người khuyết tật ban hành phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời được triển khai hiệu quả đã có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1Nguyễn Hữu Minh chủ nhiệm đề tài (2005). Những vấn đề đặt ra về hệ thống việc làm và giải quyết việc làm của người khuyết tật ở Việt Nam. Đề tài tiềm năng năm 2005, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, tr.23.
2Tô Duy Hợp (2011). Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản của việc kiến tạo hệ thống việc làm và giải quyết việc làm của người khuyết tật tam nông ở Việt Nam – Tầm nhìn 2020. Đề tài nghiên cứu khoa học Viện Xã hội học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, tr.45.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Hoàng Tuyết (2019). TP. Hồ Chí Minh: Dạy nghề, giải quyết việc làm cho người khuyết tật. Truy cập tại http://vieclamnkt.vn/thong-tin-chi-tiet/tp-hcm-day-nghe-giai-quyet-viec-lam-cho-nguoi-khuyet-tat-6057
- Nguyễn Đình Liêu (2017). Trợ cấp xã hội trong hệ thống việc làm và giải quyết việc làm của người khuyết tật ở Việt Nam. Tạp chí Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 1, 1-6.
DISCUSSING THE CONCEPT
OF CREATING JOBS FOR PEOPLE WITH DISABILITIES
IN VIETNAM
• Ph.D TRAN VAN DUY
Vietnam Academy of Social Sciences
ABSTRACT:
In Vietnam, the number of disabled workers accounts for a quite large proportion of the workforce. According the National Committee for Persons with Disabilities of Vietnam, at the begining of 2018, Vietnam had about eight million disabled people aged 5 years and older, equalling to 7.8 percent of the total country’s population. Causes of disability are congenital, genetic, traffic accidents, labor accidents, war-related injuries, environmental pollution, climate change, natural disasters, etc. The number of disabled people in Vietnam is forecasted to increase in the coming time. The majority of people with disabilities of working age live in rural areas and their works are mainly to help their families in agricultural, forestry and fishing activities with low and unstable incomes. This paper is to clarify the concept of creating jobs for people with disabilities. This pape is expected to help state management agencies better research and promulgate employment policies for people with disabilities.
Keywords: employment, job creation, disabled worker, human rights.
[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2022]