Bàn về khái niệm tội phạm về chức vụ trong Bộ luật Hình sự 2015 | VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Sau khi đọc bài viết “Bàn về khái niệm tội phạm về chức vụ trong Bộ luật Hình sự 2015” của tác giả Nguyễn Văn Vĩnh- Phòng 3, Viện KSND tỉnh Bắc Giang ngày 17/3/2022, tôi xin có ý kiến trao đổi như sau:
>>> Bàn về khái niệm tội phạm về chức vụ trong Bộ luật Hình sự 2015
Trong BLHS 2015, khái niệm tội phạm về chức vụ đã được mở rộng về phạm vi. Cụ thể phạm vi các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ đã được mở rộng sang khu vực ngoài nhà nước.
Trước đây, BLHS 1999 chỉ xác định bản chất tham nhũng đối với các hành vi tham nhũng trong khu vực công mà không xác định bản chất này đối với các hành vi có tính chất và đặc điểm tương tự trong khu vực tư và vì vậy, chưa có các quy định pháp luật tương ứng, phù hợp. Mặc dù theo quy định của BLHS 1999, một số hành vi tham nhũng trong khu vực tư vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, ví dụ: hành vi của người điều hành hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp thuộc khu vực tư chiếm đoạt tài sản được giao quản lý tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 140 – Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc theo Điều 139 – Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng việc chưa phản ánh đúng bản chất nguy hiểm của các hành vi này, chưa giúp cho xã hội nhận diện và ngăn ngừa được nguy cơ của những tiêu cực trong khu vực tư, chưa phản ánh đúng mức tầm quan trọng của việc bảo vệ tính liêm chính, minh bạch của khu vực tư và chưa có đường lối xử lý thích đáng đối với các hành vi đó khiến cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong tình hình mới chưa bảo đảm tính toàn diện.
Trong bối cảnh khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đang ngày càng phát triển và dần dần đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, để giải quyết được những bất cập nêu trên, cũng như nhằm đáp ứng những đòi hỏi từ đường lối, chính sách của Đảng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, việc hình sự hóa các hành vi tham nhũng trong khu vực tư là hết sức cần thiết. Theo BLHS 2015, người có chức vụ, quyền hạn thuộc các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà thực hiện hành vi tham ô, nhận hối lộ hoặc người khác tác động đến hoạt động thực thi nhiệm vụ của những người này vì vụ lợi (đưa hối lộ, môi giới hối lộ) được xác định là những hành vi phạm tội về chức vụ. Quy định này cũng có ý nghĩa để chính sách xử lý hình sự đối với hành vi tham nhũng xảy ra ở khu vực trong và ngoài Nhà nước được thống nhất và phù hợp./.
Nguyễn Tiến Đạt- VKSND huyện Tân Yên