Bàn về khái niệm chất lượng cuộc sống

 

Vấn đề chất lượng cuộc sống (CLCS) và nâng cao CLCS dân cư là nội dung chủ yếu trong chiến lược phát triển con người, đã trở thành mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của mọi quốc gia, là vấn đề được nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam hết sức quan tâm. Việc cải thiện, nâng cao CLCS, trong đó có Việt Nam. CLCS với tư cách là một khái niệm khoa học đã được đề cập trong nhiều tác phẩm. Có rất nhiều lý thuyết khác về CLCS, tùy thuộc vào trình độ phát triển, quan niệm văn hóa xã hội, truyền thống của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng. Bài này chỉ đề cập tới một số quan điểm chủ yếu. Từ đó, nêu ra một khái niệm chung về CLCS.

Trong các tác phẩm của C.Mác, và các nhà kinh tế chính trị cổ điển khác như A.Smith, D.Ricardo, R.Malthus, J.S.Mill v.v… người ta thấy tư tưởng mở rộng và đề cao các giá trị về CLCS của con người, như là mục đích giúp con người có một cuộc sống vật chất và tinh thần phong phú.

Theo R.C.Sharma, tác giả của cuốn sách nổi tiếng: “Dân số, tài nguyên, môi trường và chất lượng cuộc sống”. thì CLCS là một khái niệm phức tạp, nó đòi hỏi sự thỏa mãn cộng đồng chung xã hội, cũng như những khả năng đáp ứng được nhu cầu cơ bản của chính bản thân xã hội. Ông đã định nghĩa: “Chất lượng cuộc sống là sự cảm giác được hài lòng (hạnh phúc) hoặc (thỏa mãn) với những nhân tố của cuộc sống, mà những nhân tố đó được coi là quan trọng nhất đối với bản thân một con người. Thêm vào đo, chất lượng là sự cảm giác được hài lòng với những gì mà con người có được.

 

Dù sự thỏa mãn, niềm hạnh phúc hay sự hài lòng là những nhân tố trung tâm trong định nghĩa này, nhưng chúng ta không nên xem chúng như là một sự khẳng định mang tính chất nhất thời về niềm hạnh phúc hay sự hài lòng, mà ta nên xem chúng là kết quả sau cùng trong sự cảm giác của niềm hạnh phúc. Có thể ta có cách giải tốt hơn, thì nó như là cảm giác của sự đầy đủ hay là sự trọn vẹn của cuộc sống”. Định nghĩa này về CLCS của Ông đã được chấp nhận rộng rãi1. Theo đó, mức sống của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội được coi là yếu tố quan trọng để tạo ra CLCS.

Trong xã hội hiện đại, khái niệm CLCS thường đồng nhất với khái niệm thoải mái tối ưu. Trong đó, mối quan tâm chính của việc nâng cao CLCS là tạo ra một trạng thái thoải mái về vật chất và tinh thần, là tăng cường thời gian nghỉ ngơi. Sự tối ưu hóa mức độ thoải mái được thể hiện trong sự đa dạng hóa các sản phẩm tiêu dùng mà mỗi cộng đồng xã hội, mỗi gia đình hay mỗi cá nhân có được. Sự “thoải mái tối ưu” đó “không có sự phân biệt mức độ giữa các tầng lớp người có sự ngăn cách bởi sự sang hèn, hay địa vị trong xã hội”2.

Nội dung khái niệm CLCS đã được Wiliam Bell mở rộng toàn diện hơn, như gắn quan niệm CLCS với các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, sinh thái… Theo Ông, CLCS được đặc trưng bởi 12 điểm: “(1) An toàn thể chất cá nhân; (2) Sung túc về kinh tế; (3) Công bằng trong khuôn khổ pháp luật; (4) An ninh quốc gia; (5) Bảo hiểm lúc già yếu và đau ốm; (6) Hạnh phúc tinh thần; (7) Sự tham gia vào đời sống xã hội; (8) Bình đẳng về giáo dục, nhà ở, nghỉ ngơi; (9) Chất lượng đời sống văn hóa; (10) Quyền tự do công dân; (11) Chất lượng môi trường kỹ thuật (giao thông vận tải, nhà ở, thiết bị sinh hoạt, thiết bị giáo dục, y tế); (12) Chất lượng môi trường sống và khả năng chông ô nhiễm”3. Trong đó, Ông đã nhấn mạnh nội dung “An toàn” và đã khẳng định CLCS được đặc trưng bằng sự an toàn của môi trường (nhân tạo) trong môi trường tự nhiên trong lành và môi trường xã hội lành mạnh. Tuy nhiên, vai trò của môi trường tự nhiên, môi trường xã hội còn chưa được rõ nét.

Chính trên cơ sở những đặc trưng CLCS, Liên hợp quốc đưa ra 12 chuẩn mực sống được nhiều quốc gia tán thành.

Để định lượng khái niệm CLCS, Thái Lan xây dựng hệ thống chỉ tiêu dựa vào các nội dung cốt lõi của CLCS là ăn, mặc, nhà ở và môi trường, sức khỏe, giáo dục và thông tin, an toàn, việc làm. Trên cơ sở những khảo sát và xác định 37 chỉ số theo các nhóm nhu cầu cơ bản của CLCS. Người ta đưa ra những biện pháp thực hiện gắn liền với địa bàn dân cư, với trách nhiệm các ngành và vai trò cung cấp thông tin, kết cấu hạ tầng xã hội của Nhà nước. Từ đó, đưa ra tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cuộc sống theo 3 mức yếu kém (một sao), trung bình (hai sao), khá (ba sao).

 

Trong 9 chuẩn mực sống: ăn đủ, nhà ở thích hợp, dịch vụ xã hội, an toàn, thu nhập đầy đủ, kế hoạch hóa gia đình, tham gia phát triển công cộng, giữ gìn những giá trị tinh thần, bảo vệ môi trường. Các chỉ tiêu CLCS ở Thái Lan rất coi trọng chuẩn mực các dịch vụ xã hội cơ bản cần thiết. Có 10 chỉ tiêu để đánh giá mức độ phát triển của CLCS thuộc lĩnh vực dịch vụ xã hội cơ bản. Đồng thời, các chỉ tiêu đánh giá CLCS rất phù hợp với đặc điểm của một quốc gia đang phát triển. Và những vấn đề xã hội như kế hoạch hóa gia đình, tham gia phát triển công cộng, giữ gìn những giá trị tinh thần được coi như là một chuẩn mực quan trọng của CLCS.

Như vậy, có thể hiểu CLCS là sự phản ánh, sự đáp ứng những nhu cầu xã hội, trước hết là những nhu cầu vật chất cơ bản tối thiểu của con người. Sau đó, là điều kiện nảy sinh các nhu cầu tinh thần. Mức đáp ứng đó càng cao thì CLCS càng cao.

Theo chúng tôi, nói tới CLCS là phải nói tới sự tổng hợp của cả bốn nhân tố: một là, nhân tố kinh tế (GDP – tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người); hai là, giáo dục thông qua các tiêu chí về xóa nạn mù chữ và số năm học bình quân; ba là, sức khỏe con người thông qua tuổi thọ bình quân và bốn là, nhân tố môi trường (bao gồm, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và môi trường kỹ thuật).

 

Như vậy, bốn nhân tố kinh tế – giáo dục – sức khỏe – môi trường là hạt nhân cơ bản để tạo nên CLCS của mổi cộng đồng, quốc gia và dân tộc. Điểm chung dễ nhận thấy trong các quan niệm về CLCS đều gắn liền với yếu tố tăng trưởng kinh tế. Việc nâng cao CLCS của con người trong bất cứ xã hội nào luân gắn với một quan hệ trực tiếp giữa phát triển kinh tế, sản xuất hàng hoá với phúc lợi cộng đồng một quốc gia. Và do vậy, CLCS thường được xác định thông qua các chỉ tiêu kinh tế.

Mặt khác, khái niệm CLCS còn được mở rộng hơn. Nó chính là “Điều kiện sống được cung cấp đầy đủ nhà ở, giáo dục, dịch vụ y tế, lương thực, vui chơi giải trí cho nhu cầu của con người. Điều kiện này dễ làm cho con người đạt được hạnh phúc, an toàn gia đình, khỏe mạnh về vật chất và tinh thần”4. Ở đây, có vấn đề mới đặt ra: Phải chăng học vấn, sức khỏe và mức sống đã đủ để hợp thành “bộ chất liệu” cho việc đánh giá CLCS?

 

Nếu học vấn cao, sức khỏe dồi dào và mức sống no đủ, giàu có là nội dung phát triển, thì phải chăng tội phạm, tệ nạn xã hội là phản phát triển? Rõ ràng, trong chỉ số phát triển con người, mới chỉ tính đến “phần dương”, “phần âm”, mới chỉ có “dấu cộng” mà chưa có “dầu trừ”. Điều này cho thấy, CLCS không những đòi hỏi làm cho kinh tế, giáo dục, y tế phát triển, môi trường tự nhiên trong lành, mà còn phải đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội, tạo sự lành mạnh cho xã hội. Chúng tôi thấy cần mở rộng khái niệm CLCS theo hướng này.

Trong xã hội hiện đại, CLCS còn được gắn liền với môi trường và sự an toàn của môi trường. Một cuộc sống sung túc là cuộc sống được đảm bảo bởi những nguồn lực cần thiết, như cơ sở hạ tầng hiện đại, các điều kiện vật chất và tinh thần đầy đủ. Đồng thời, con người phải được sống trong một môi trường tự nhiên trong lành, bền vứng, không bị ô nhiễm; một môi trường xã hội lành mạnh và bình đẳng, không bị ảnh hưởng bởi các tệ nạn xã hội.

Từ sự phân tích trên chúng ta có thể đi đến một khái niệm tổng quát: Chất lượng cuộc sống thể hiện ở mức sung túc về kinh tế, con người có giáo dục, sống khỏe mạnh và trường thọ, được sống trong môi trường tự nhiên, xã hội, nhân tạo an toàn, bình đẳng và được tôn trọng.

Theo

ThS. Nguyễn Kim Thoa

(Tạp chí Dân số và Phát triển, số 6/2003, Website Tổng cục DS-KHHGĐ)