Bàn về khái niệm “Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa“ | Tiếng Dân

Đỗ Kim Thêm

10-2-2022

Thuật ngữ

Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa (NNPQXHCN) là một khái niệm chỉ có ở Việt Nam sau ngày Đổi Mới năm 1986, và cho đến nay vẫn còn gây nhiều tranh luận về nội dung và dịch thuật, trong khi tinh thần thượng tôn luật pháp là một thuật ngữ được phổ biến sâu rộng ở miền Nam trước năm 1975 và không có liên hệ đến nhà nước pháp quyền.

Về nội dung, khái niệm nhà nước pháp quyền (Rechtsstaatsbegriff) là một học thuyết thuộc luật hiến pháp của Đức mà Liên Xô đã vận dụng và dịch thành Pravovoe gosudarstvo.

Theo trào lưu Đổi Mới, Việt Nam du nhập khái niệm của Liên Xô rồi cải biên thành NNPQXHCN, vì vẫn kiên định tiếp tục theo đuổi con đường XHCN. Do bối cảnh này mà khái niệm đó thành hình.

Về dịch thuật, giới luật người Việt lại dùng “Rule of Law“, một khái niệm của Anh và Mỹ, một bối cảnh văn hoá, lịch sử và truyền thống khác, để dịch thành NNPQXHCN. Rule of Law là một tinh thần thuộc luật hiến pháp và xã hội học luật pháp, không liên hệ đến ý thức hệ XHCN.

Do đó, dịch Rule of Law là NNPQXHCN là không phù hợp, mà có thể tạm dịch là tinh thần thượng tôn pháp luật như miền Nam trước đây.

Lý thuyết

Đảng chủ trương xây dựng một nhà nước chuyên chính của liên minh công nông và tầng lớp trí thức, quản lý và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Pháp chế XHCN là một công cụ mà Đảng dùng để lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối nhà nước và tam quyền phân lập chỉ là phối hợp và phân công trong nội bộ.

Thực tế

Cho đến nay, các nỗ lực lý luận của Đảng để cổ vũ cho khái niệm NNPQXHCN vẫn chưa hoàn chỉnh. Đảng chỉ lo nâng cao vai trò của tư bản thân tộc và tạo thành nhóm lợi ích chi phối toàn bộ các hoạt động kinh tế, một hình thức tư bản nhà nước.

Nhìn chung, khái niệm NNPQXHCN có các điểm nghịch lý chủ yếu:

Đảng đứng trên và đứng ngoài Hiến pháp và luật pháp để điều khiển toàn bộ mọi hoạt động của nhà nước. Đảng tuyên bố là người dân có thẩm quyền tối thượng để quyết định vận mệnh của đất nước, nhưng Đảng lại nhân danh dân chúng mà sử dụng quyền này. Người dân chưa lần nào tham gia một cuộc trưng cầu dân ý mà chỉ đi bầu Quốc hội theo đúng thủ tục Đảng cử Dân bầu.

Hiến pháp là một bản sao nghị quyết của Đảng. Nhà nước cũng không tự đặt mình trong khuôn khổ của luật pháp. Lòng dân, ý chí của nhà nước và quyền tối thượng của Quốc hội phải tùng phục với ý chí lãnh đạo độc tài của Đảng.

Toàn dân có nhiệm vụ phải tuân thủ Hiến pháp, mà không có quyền phản biện như một tố quyền hiến định vì Hiến pháp không công nhận vai trò đối lập trong sinh hoạt chính trị.

Nhiệm vụ của người dân không gì khác hơn là phải đóng thuế cho Đảng và nhà nước sử dụng. Vì không có luật Đảng, nên Đảng không cần đăng ký sinh hoạt theo luật định, nhưng lại có được một số lượng kinh phí khổng lồ để nuôi bộ máy và không ai có quyền kiểm soát.

Trong hoàn cảnh hỗn loạn của một xã hội vô luật pháp hiện nay, khái niệm NNPQXHCN chỉ mang lại một thực trạng thương đau và ô nhục.

Thương đau vì Việt Nam không có biểu tượng tiến bộ nào trong việc xây dựng dân chủ mà tự do báo chí là thí dụ. Ngày nay, toàn bộ hệ thống báo chí cách mạng không thể hiện được quyền tự do ngôn luận tối thiểu, còn thua xa thời Pháp thuộc, mà không ai dám công khai so sánh.

Nhưng thương đau hơn là dân trí. Hãy nhìn hình ảnh người dân quỳ lạy cảnh sát giao thông ngay trên đường phố để xin được chạy về quê trốn dịch bịnh là điển hình. Khi cảnh sát địa phương tự quyền xâm nhập gia cư dân chúng và cưỡng ép xét nghiệm là một thực tế trái ngược cho việc thực thi dân quyền.

Còn ô nhục nào hơn cho sự công minh của luật pháp khi 3000 cảnh sát cơ động được huy động giữa đêm khuya ở Đồng Tâm để công khai sát hại một đảng viên trung kiên trong một vụ tranh tụng đất đai mà chưa có án tòa?

Các thực trạng này chưa hề xảy ra tại bất cứ một nước nào trên thế giới, nhưng chứng minh cho thấy là trong ánh sáng văn minh của thế kỷ XXI, bạo lực cách mạng Việt Nam toàn thắng và hệ thống pháp luật là không hiệu lực. Còn có mấy ai hy vọng được gì về việc cải cách luật pháp cho đất nước?

Vẫn còn có một số người, dù không phải là toàn dân, nhưng luôn tự hào với những thành tựu Đổi mới, trong đó có việc xây dựng hệ thống luật pháp XHCN.

Dĩ nhiên, trong việc xây dựng nền tảng, Việt Nam đã có những thành tích nhất định, đáng kể nhất là 95 trường Luật và các học viện ra đời và cho đến nay đào tạo được 11.607 luật sư đang hành nghề và 4.000 đang thực tập. Luật sư đoàn đã đi vào hoạt động kể từ năm 2009.

Theo kế hoạch dự trù, Việt Nam sẽ hợp tác các đại học quốc tế để đào tạo 10.000 tiến sĩ Luật và 3.000 tiến sĩ Luật trong nước cho tương lai.

Nếu so với các nước phương Tây, trong một đất nước với hơn 94 triệu dân, thì một đội ngũ như vậy cho Việt Nam là còn quá khiêm tốn, nhưng cũng là một hy vọng khởi đầu, nhất là khi luật giới đang từng bước trưởng thành và đóng góp tích cực về chuyên môn.

Nhưng thực tế gây thất vọng hơn vì có nhiều lý do khác.

Một là, về cơ chế tổ chức, Bộ Giáo dục và Đào tạo độc quyền quản lý và kiểm soát mọi hoạt động. Các đại học không có quyền soạn thảo các chương trình giảng dạy cho phù hợp với thực tế, điển hình là học thuyết Mác Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh không còn có thể áp dụng cho môi trường luật pháp đang được toàn cầu hoá và cần hợp tác quốc tế.

Hai là, các đại học thu lệ phí của sinh viên, nguồn thu nhập đạt đến khoảng 70%, do đó, không đáp ứng nhu cầu trang trải cho nghiên cứu học thuật và trang bị công nghệ hiện đại.

Ba là, tinh thần Đảng trị toàn diện trong các sinh hoạt đại học, mà hậu quả nghiêm trọng là kềm hãm mọi tiềm năng phát triển.

Ba lý do này giải thích tại sao các trường đại học luật Việt Nam không thể lọt vào các bảng danh mục 1000 các đại học tên tuổi quốc tế, không có các công trình nghiên cứu gây được tiếng vang, các luật sư không tham gia được các vụ tranh tụng quốc tế và các học giả không có mặt tại các diễn đàn quốc tế.

Nếu đã không phát triển ảnh hưởng trong các phạm vi quốc tế, thì ngay trong nước, các luật sư đang hành nghề cũng không gây được thành tích.

Ở đâu cũng vậy, luật sư là một nghề cao quý trong xã hội vì đem lại công bình cho người dân cô thế. Thật ra, ở Việt Nam, đấu tranh chống độc tài và mang lại công lý cho xã hội không phải là lý tưởng cao cả và mục tiêu trực tiếp mà toàn thể các luật sư hằng ấp ủ.

Cụ thể là trong 11.607 luật sư đang hành nghề, có mấy người can đảm biện minh cho tính cách vi hiến của điều 4 HP và các điều 79, 88, 258 BLHS? Đa số còn im lặng vì muốn yên thân và tham gia tranh tụng là để chạy án cho thân chủ được “tai qua nạn khỏi”, một thủ thuật mà không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng chuyên môn.

Dù dễ dàng như vậy mà các luật sư cũng còn gặp khó khăn vì không có tự do cho mọi hoạt động nghề nghiệp. Một số vẫn còn bị công an địa phương cản trở khi tiếp xúc thân chủ, bị dùng súng kè ra khỏi phòng xử án, tịch thu máy vi tính và không cho phép tranh tụng trước toà. Đó là một thực trạng quen thuộc mà luật sư còn không dám công khai tranh đấu cho chính mình, thì làm sao họ tìm ra ánh sáng công lý cho dân chúng.

Còn Luật sư đoàn, một tổ chức lo bảo vệ quyền lợi nghề nghiệp, làm gì trước tình huống này?

Đoàn là một loại mô hình trang sức tốn kém, nhưng bị Đảng khống chế toàn diện, nên không thể hỗ trợ cho các luật sư tranh đấu. Trong các buổi họp của Đoàn, lãnh đạo Đảng đến để tôn vinh “Bác Hồ“ và dạy dỗ về uy lực của Đảng quyền cho các luật sư phải tuân phục. Đặc điểm này không thể tìm thấy bất cứ nơi Đoàn nào trên thế giới.

Triển vọng

Do đó, một triển vọng để thay đổi là Đảng và Bộ phải chấp nhận quy chế tự trị cho Luật sư đoàn, đại học và tự do cho hoạt động nghề nghiệp.

Nếu cải cách đạt được, đại học sẽ có tự do giảng dạy, tạo điều kiện phát triển bộ máy, gia tăng phẩm chất đào tạo và nghiên cứu học thuật.

Vì thiếu can đảm tranh đấu cho chính mình, nên các Luật sư cũng không có thể làm được gì nhiều cho dân trí tiến bộ hơn. Do đó, thảm cảnh của dân chúng quỳ lạy cảnh sát và công an vi phạm nhân quyền sẽ còn tiếp tục.

Nhờ “chiến công hiển hách“ trong hai vụ Trịnh Xuân Thanh và Lê Đình Kình, việc sử dụng bạo lực cách mạng của Đảng sẽ luôn “ổn định và toả sáng“.

Tóm lại, hy vọng về việc một nhà nước pháp quyền nghiêm minh, một chính quyền liêm chính và một đội ngũ luật sư tận tụy để cùng chung lo xây dựng cho một Việt Nam tương lai, là quá mong manh.

Bài liên quan: Tinh thần thượng tôn luật pháp; Hiến pháp Việt Nam: Thực trạng, nguyên nhân vả giải pháp