Bàn về hình phạt tử hình được quy định BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017

Bàn về hình phạt tử hình được quy định BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017

Trong các hình phạt được quy định trong pháp luật Hình sự, tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất đối với người phạm tội. Lịch sự phát triển pháp luật hình sự từ BLHS năm 1985 đến nay, các quy định tội phạm và hình phạt được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở […]

Trong các hình phạt được quy định trong pháp luật Hình sự, tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất đối với người phạm tội. Lịch sự phát triển pháp luật hình sự từ BLHS năm 1985 đến nay, các quy định tội phạm và hình phạt được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở sự thay đổi của kinh tế xã hội và trên cơ sở thực tiễn của tình hình tội phạm của thời kì đó. BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015) đã có những sửa đổi, bổ sung, quy định mới nói chung, hình phạt tử hình nói riêng. Bài viết phân tích những điểm mới của BLHS năm 2015 về hình phạt tử hình.

       1. Khái niệm

BLHS năm 2015 quy định về hình phạt tử hình như sau:

Điều 40. Tử hình

1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.

2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

b) Người đủ 75 tuổi trở lên;

c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

4. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.”

2. Nhận thức chung về hình phạt tử hình

Trong Luật Hình sự Việt Nam, tử hình là loại hình phạt đặc biệt và nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, tước đi quyền sống của người bị kết án và chỉ được áp dụng đối với người phạm tội có tính chất nguy hiểm đặc biệt cao cho xã hội. Hình phạt tử hình được quy định trong BLHS và do Tòa án quyết định. Tuy nhiên, với tư cách là một hình phạt đặc biệt, hình phạt tử hình có những đặc điểm riêng, đó là:

Thứ nhất, tử hình là một loại hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, nó tước đi quyền sống của người bị kết án, vì thế nó chỉ được quy định áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Thứ hai, hình phạt tử hình có mục đích phòng ngừa tái phạm tội mới một cách triệt để từ phía người bị kết án. Hình phạt này không có mục đích cải tạo, giáo dục người bị kết án, như vậy nó tước bỏ cơ hội tái hòa nhập và phục thiện của họ.

Thứ ba, hình phạt tử hình đồng thời có khả năng đạt được nhiều hiệu quả cao trong phòng ngừa chung;

      Thứ tư, hình phạt tử hình có tính chất không thay đổi, nó tước đi khả năng khắc phục sai lầm trong hoạt động tư pháp. 

3. Những điểm mới của quy định hình phạt tử hình

So với quy định về hình phạt tử hình tại Điều 35 BLHS năm 1999, Điều 40 BLHS năm 2015 quy định những điểm mới cơ bản sau:

3.1. Thu hẹp phạm vi áp dụng tử hình

 Điều 40 BLHS năm 2015 quy định:

– Chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định;

– Loại bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội danh trong BLHS năm 2015, đó là: Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), Tội chiếm đoạt trái phép chất ma túy (Điều 252); Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); Tội chống mệnh lệnh (Điều 394) và Tội đầu hàng địch (Điều 399).

Việc thu quy định  thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình của BLHS năm 2015 là cần thiết, thể hiện tính nhân văn của pháp luật hình sự xã hội chủ nghĩa, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và hội nhập quốc tế.

3.2. Không áp dụng hình phạt tử hình  không thi hành án tử hình đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên

Điều 35 của BLHS năm 1999 quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội; không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử. Thực tiễn thi hành những quy định này thời gian qua đã phát huy tính tích cực trong việc thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước ta. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng BLHS năm 2015, qua thảo luận và lấy ý kiến Nhân dân, nhiều ý kiến đề nghị và tán thành với việc cần mở rộng chế định này theo hướng: bổ sung quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với những người này.

Thực tiễn xử lý cho thấy, các trưởng hợp này là rất ít, mặt khác, việc tiếp tục cho áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội từ đủ 75 tuổi trở lên là không nhân đạo và làm giảm ý nghĩa giáo dục. Do vậy, để góp phần thể hiện sâu sắc tính nhân đạo và chính sách khoan hồng của pháp luật hình sự nước ta, BLHS năm 2015 đã bổ sung quy định mới:không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với họ (các khoản 2, 3 Điều 40 về hình phạt tử hình).

 3.3. Không thi hành án tử hình trong một số trường hợp khác

Ngoài việc bổ sung quy định không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên phạm tội, Bộ luật BLHS năm 2015 cũng bổ sung mới quy định: không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn(điểm c khoản 3 Điều 40).

Cơ sở của quy định này là: người phạm tội mang tính vụ lợi thì yếu tố khắc phục hậu quả, thu hồi lại tài sản chiếm đoạt cần được xem là một tình tiết đặc biệt khi thi hành án. Thực tế công tác thu hồi tài sản tham nhũng của nước ta hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Trong điều kiện nền kinh tế nước ta còn nghèo, tài sản tham nhũng lại vô cùng lớn. Vì vậy, quy định mới này vừa mang tính nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước, vừa giúp cho công tác thu hồi tài sản được khả thi, giảm gánh nặng cho nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, để bảo đảm sự công bằng, người phạm tội ngoài việc nộp lại tài sản tham ô, nhận hối lộ thì còn phải có đủ những điều kiện nhất định mang yếu tố tích cực như trên mới có thể được xem xét không thi hành án tử hình.

3.4. Quy định xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân

BLHS năm 2015 đã bổ sung trường hợp giảm mức hình phạt đã tuyên: “Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm” (khoản 6 Điều 63) mà BLHS năm 1999 không quy định.

Thực tế thi hành án hình sự đối với phạm nhân tử hình được ân giảm thành  tù chung thân, nếu không quy định họ được tiếp tục xét giảm án sẽ phát sinh một loại hình phạt mới: tù chung thân không giảm án, họ phải chấp hành án đến khi chết. Việc thi hành án vô thời hạn đối với các phạm nhân tạo gánh nặng cho Nhà nước khi phải bảo đảm các điều kiện để thi hành án phạt tù suốt đời đối với những người này trong trại giam. Mặt khác, việc thi hành án suốt đời sẽ làm cho người bị kết án không có động lực để phấn đấu, cố gắng trở thành người có ích, nảy sinh tâm lý cực đoan, tiêu cực, có thể dẫn đến việc họ thực hiện các hành vi nguy hiểm khác như: gây rối, chống phá trại giam, tự vẫn hoặc bỏ trốn, đánh nhau … 

Vì vậy, BLHS năm 2015 bổ sung quy định cho phép người bị kết án tử hình được ân giảm tiếp tục được xét giảm là hết sức đúng đắn, cần thiết. Tuy nhiên, điều kiện để xét giảm án của những người này chặt chẽ hơn so với người bị kết án tù chung thân khác, đó là: thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần thì vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm.  

Quy định trên đây thể hiện sâu sắc tính nhân đạo, dân chủ, ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta; chú ý đến những đặc điểm, sinh lý của người chưa thành niên và phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ, ảnh hưởng của những đặc điểm đó đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ thời điểm phạm tội.

4. Áp dụng hình phạt tử hình

Trước đây, chúng ta thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn. Thực tiễn thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn tồn tại nhiều hạn chế như: chi phí thi hành án lớn, việc thi hành án cần tổ chức Hội đồng thi hành án với nhiều người tham gia, hình ảnh xử bắn gây áp lực, ám ảnh tâm lý cho những người thực hiện thi hành án, thân nhân của người bị xử bắn khi nhận lại xác người thân về tiến hành mai táng theo phong tục, …

Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng thi hành án tử hình cho phạm nhân bằng phương pháp tiêm thuốc độc vào cơ thể theo quy định tại Nghị định số 47/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 82/2011).

Nguyễn Thị Hồng Loan – vkshanoi.gov.vn