Bàn về chủ đề và tư tưởng trong tác phẩm văn học
Văn học bao giờ cũng mang tính khuynh hướng. Tính khuynh hướng trong tư tưởng của tác giả sẽ quyết định tính khuynh hướng trong nội dung tác phẩm. Tính khuynh hướng này bộc lộ ở cách thức lựa chọn đề tài và sau đó là cách xử lý, cách triển khai đề tài bằng việc đặt ra những vấn đề cụ thể của tác phẩm. Nếu theo quan điểm truyền thống thì vấn đề là đề mục tự nó đặt ra một câu hỏi cần phải trả lời còn Tố Hữu cho rằng: “Vấn đề của nghệ thuật chính là chủ đề, nói nôm na cho dễ hiểu là câu hỏi – câu hỏi của cuộc đời”. Trong AQ chính truyện, thông qua việc phản ánh cuộc sống hiện thực ở một cái làng Mùi xa xăm nào đó trên lục địa Trung Hoa, Lỗ Tấn đã đặt ra một vấn đề mà ý nghĩa vượt ra ngoài đất nước và thời đại của ông, đó là vấn đề: Những biểu hiện của phép thắng lợi tinh thần và những tác hại của nó trong cuộc sống con người. Trong truyện ngắn Chí Phèo, với việc miêu tả những kiếp người vật vờ, khổ nhục ở cái làng Vũ Đại hẻo lánh, xa tỉnh lỵ, Nam Cao muốn đặt ra vấn đề: Sự tha hóa, biến chất của một bộ phận nông dân Việt Nam dưới ách áp bức bóc lột cùng cực của bọn thực dân – phong kiến. Những vấn đề ấy chính là chủ đề của tác phẩm. Có thể nói khái quát: Chủ đề là vấn đề chủ yếu, vấn đề trung tâm được đặt ra từ toàn bộ hiện thực mà tác phẩm thể hiện. Như vậy, sự hình thành chủ đề của tác phẩm có mối liên hệ mật thiết với hiện thực đời sống và với ý đồ sáng tác của nhà văn. Những tác phẩm có giá trị bao giờ cũng lấy thực tế khách quan làm cơ sở, từ đó phát hiện một cách kịp thời và chính xác những vấn đề quan trọng nhất, cấp thiết nhất của đời sống và lí giải những vấn đề đó một cách đúng đắn. Nói cách khác, chủ đề của tác phẩm được hình thành từ những vấn đề đặt ra trong đời sống thông qua sự khái quát hóa của chủ quan nhà văn. M. Gorki đã rất có lí khi ông viết: “Chủ đề là cái tư tưởng nảy sinh trong kinh nghiệm của nhà văn, do cuộc sống gợi ra, nhưng còn ẩn náu trong kho tàng ấn tượng của nhà văn dưới dạng thức chưa thành hình; nó đòi hỏi được thể hiện thành hình tượng, nó thức tỉnh nhà văn, kêu gọi anh ta lao động để tạo dựng hình thức cho nó”.
Chủ đề có một vai trò rất quan trọng. Nó thể hiện bản sắc tư duy, chiều sâu tư tưởng, khả năng thâm nhập vào bản chất đời sống của nhà văn. Chính nó đã bước đầu tạo ra tầm khái quát rộng lớn của tác phẩm đối với hiện thực xã hội, từ đó tác phẩm tác động sâu sắc vào nhận thức tư tưởng của người đọc. Có được điều đó bởi vì hiểu một cách rộng rãi về khái niệm “tư tưởng tác phẩm” thì chủ đề chính là một bộ phận của nó; trong trường hợp này khi phân tích tác phẩm có thể chấp nhận khái niệm ghép chủ đề – tư tưởng. Nhưng nhìn chung, do vị trí và sự thực hiện những chức năng cụ thể (chức năng khái quát, phát hiện và đặt vấn đề), nên chủ đề cũng tự xác định cho mình một phạm vi rõ rệt trong tác phẩm như một nhân tố quan trọng có tính độc lập tương đối đối với tư tưởng tác phẩm. Như vậy, một mặt cần tránh xu hướng tách chủ đề ra khỏi tư tưởng tác phẩm, xem đó là hai nhân tố hoàn toàn độc lập với nhau; mặt khác cần tránh xu hướng đồng nhất chủ đề và tư tưởng tác phẩm làm một. Mối quan hệ của hai khái niệm này là mối quan hệ gắn bó thống nhất với nhau.
Chủ đề không phải là chất liệu trực tiếp tạo thành tác phẩm. Nó là một nhân tố thuộc nội dung khái quát của tác phẩm, nó được thực hiện, được cụ thể hóa qua những chất liệu trực tiếp khác. Trước hết, dấu hiệu về chủ đề hay được bộc lộ qua tên gọi (nhan đề, đầu đề) của tác phẩm. Điều này có cơ sở ngay trong tâm lí sáng tạo của nhà văn: Sao cho tên gọi của tác phẩm có thể bao quát một cách cô đọng nhất toàn bộ hiện thực được thể hiện. Có thể kể ra hàng loạt tác phẩm mà tên gọi đã mang tính vấn đề rất rõ: Làm gì? của Secnưsepxki, Tội ác và trừng phạt của Fyodor Dostoevsky, vở kịch Âm mưu và tình yêu của Sinle, các bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, Thử nói về hạnh phúc của Thanh Thảo v.v… Chủ đề cũng có thể được bộc lộ trực tiếp trong những lời phát biểu của tác giả. Một trong những trường hợp như vậy ở tác phẩm Cố hương, Lỗ Tấn đã phát biểu: “Kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Đôi khi chủ đề của tác phẩm được đặt ra qua việc miêu tả các biến cố, các cảnh ngộ dữ dội, khác thường. Trong Chiến tranh và hòa bình qua việc miêu tả những trận giao chiến đẫm máu ở chiến trường Bôrôđinô và Aosteclich, L.Tolstoy muốn đặt một loạt vấn đề: Số phận của con người trong chiến tranh; sức mạnh của chính nghĩa, của tinh thần dân tộc chân chính trong chiến tranh. Nhưng về cơ bản, chủ đề thường được biểu hiện qua hệ thống hình tượng, hệ thống nhân vật, nhất là qua hình tượng chính, nhân vật chính. Ở những tác phẩm có giá trị, hình tượng chính (hoặc nhân vật chính) bao giờ cũng có “sức tải vấn đề” rất lớn. Trong Truyện Kiều, qua nhân vật Thúy Kiều, Nguyễn Du muốn nêu bật vấn đề số phận bi thảm của con người trong xã hội phong kiến. Trong truyện ngắn Đôi mắt, qua hai nhân vật Hoàng và Độ, Nam Cao đặt ra vấn đề cách nhìn, cách cảm nghĩ của văn nghệ sĩ đối với quần chúng cách mạng, đối với kháng chiến. Cũng từ đó cần chú ý một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng người đọc khái quát không đúng vấn đề mà nhà văn định đặt ra trong tác phẩm, là vì nhà văn chưa lựa chọn được nhân vật phù hợp với chủ đề, nên khi câu chuyện diễn biến thì nhân vật đi chệch khỏi ý định thể hiện của nhà văn. Vì thế việc lựa chọn và thể hiện nhân vật sao cho phù hợp với chủ đề là một yêu cầu rất quan trọng đối với tác phẩm.
Chủ đề thường đi liền với tư tưởng tác phẩm, điều đó có cơ sở ngay từ bản chất của văn học. Dù là nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh, dù nhà văn có ý thức hay không trong quá trình sáng tạo, tác phẩm văn học vẫn hàm chứa một khuynh hướng tư tưởng nhất định trong sự tồn tại khách quan của nó. Cụ thể hơn, tư tưởng tác phẩm là sự đánh giá và bộc lộ ý nghĩa của những gì đã được thể hiện, là cách giải quyết vấn đề đã đặt ra trong tác phẩm theo một khuynh hướng nhất định vốn có ở lập trường, quan điểm của tác giả. Như vậy, tư tưởng tác phẩm chính là sự bộc lộ tư tưởng tác giả bằng tác phẩm văn học. Ở đó tác giả có thể bộc lộ sự nhận thức sâu sắc hay đơn giản, phiến diện; có thể bày tỏ quan điểm khẳng định hoặc phủ định, ca ngợi hoặc phê phán; có thể bộc lộ sự đánh giá công bằng hoặc không công bằng, hợp lí hoặc phi lí; có thể đưa ra cách giải quyết vấn đề đúng hoặc sai… Tư tưởng của bài thơ Đồng chí (Chính Hữu) là ca ngợi tình cảm gắn bó thắm thiết của những người nông dân mặc áo lính cùng chiến đấu vì lí tưởng độc lập – tự do. Tư tưởng của truyện ngắn Đôi mắt (Nam Cao) là phê phán cách nhìn thiển cận, lạc hậu của một số văn nghệ sĩ xa rời cuộc kháng chiến của dân tộc, là khẳng định cách nhìn đúng đắn, tiến bộ của những văn nghệ sĩ yêu nước quyết tâm đi theo cách mạng, phục vụ kháng chiến.
Trong tất cả các yếu tố tạo thành tác phẩm, tư tưởng có vai trò quan trọng nhất vì nó có tác dụng chỉ đạo đối với toàn bộ tác phẩm. Tư tưởng quy định phạm vi của đề tài; tạo ra ý nghĩa của chủ đề; chi phối sự hoạt động và mối liên hệ giữa các nhân vật; dẫn dắt quá trình phát triển của cốt truyện và tứ thơ; lựa chọn hình thức kết cấu, ngôn ngữ, loại thể và các biện pháp thể hiện sao cho thật phù hợp với nó…, tất cả được thực hiện thông qua ý thức năng động, tích cực của tác giả trong qúa trình sáng tạo. Nói một cách hình ảnh, tư tưởng tác phẩm giống như một thứ trung tâm bên trong mà mọi chất liệu, mọi yếu tố tạo thành tác phẩm đều bị hút vào đó như những mảnh sắt bị hút vào một thanh nam châm; đồng thời, nó tổ chức các chất liệu, các yếu tố đó thành một khối hoàn chỉnh, thống nhất cùng hướng về một mục tiêu nhất định – đó là ý nghĩa xã hội của tác phẩm (tác phẩm muốn nhắn gửi người đọc điều gì? Điều đó có tác động như thế nào đối với đời sống của toàn xã hội và cuộc sống của từng con người?). Thấu hiểu sâu sắc điều đó, Belinsky đã viết: “Trong những tác phẩm nghệ thuật chân chính, tư tưởng đâu phải là một khái niệm trừu tượng được thể hiện một cách giáo điều, mà nó là linh hồn của chúng, nó chan hòa trong chúng như ánh sáng chan hòa trong pha lê”. Nhà văn Korolenko nói một cách ngắn gọn hơn: “Tư tưởng là linh hồn của tác phẩm văn học”.
Tư tưởng tác phẩm chủ yếu được biểu hiện bằng hình tượng, hay có thể nói: Đặc điểm của tư tưởng trong tác phẩm văn học là tư tưởng – hình tượng. Nhà văn Gôntsarốp đã nói rất đúng: “Nếu chỉ bằng trí tuệ không thôi thì dù bạn có viết tới mười tập sách cũng chẳng nói nổi những điều do một chục nhân vật trong vở Quan thanh tra nào đấy nói lên”. Trong các tác phẩm thơ ca tư tưởng thường được biểu hiện thông qua sự vận động của cảm xúc và suy nghĩ, thông qua hệ thống hình tượng thơ. Còn trong các tác phẩm văn xuôi và kịch, tư tưởng tác phẩm được biểu hiện một cách tập trung qua hệ thống nhân vật: từ những khái quát hóa riêng biệt của từng nhân vật chính, tác phẩm sẽ dẫn người đọc đến một khái quát chung rộng lớn cho toàn tác phẩm – đó chính là tư tưởng của nó. Nhìn chung, trong đa số các trường hợp, tư tưởng hình tượng của tác phẩm thường thống nhất với tư tưởng chủ quan của tác giả, nhưng đôi khi chúng khác hẳn nhau hoặc mâu thuẫn với nhau. Trong Truyện Kiều, tư tưởng chủ quan của Nguyễn Du cho cuộc đời con người đau khổ là do số mệnh (Ngẫm hay muôn sự tại trời/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau…), nhưng tư tưởng hình tượng của tác phẩm lại khẳng định rõ chính xã hội phong kiến tàn bạo mới là thủ phạm chính vùi dập cuộc đời con người. Và ngay bản thân tư tưởng hình tượng của tác phẩm cũng không phải là một cái gì khép kín, có giá trị cố định. Cuộc hành trình của tác phẩm qua các thời đại lịch sử khiến nó ngày càng cũ đi về chữ nghĩa nhưng cũng có thể ngày càng mới hơn về nội dung. Tương ứng với những hệ tư tưởng khác nhau của thời đại, mỗi người đọc đều có thể có một cách cắt nghĩa mới về tư tưởng tác phẩm. Do vậy tác phẩm văn học luôn luôn là một hệ thống mở.
Thường mỗi tác phẩm văn học chỉ nhằm khẳng định một tư tưởng nào đó. Nhưng cũng có trường hợp một tác phẩm có nhiều mạch tư tưởng. Trường hợp này hay xuất hiện ở những tác phẩm có quy mô lớn, có sự hoạt động của nhiều chủ đề, ở đó gần như mỗi chủ đề đều gắn bó và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của một tư tưởng nhất định. Trong Chiến tranh và hòa bình, tương ứng với vấn đề vai trò của quần chúng Nhân dân trong lịch sử là tư tưởng khẳng định sức mạnh vô địch của chiến tranh Nhân dân; tương ứng với vấn đề sự thử thách tính cách và số phận của con người trong chiến tranh là tư tưởng ca ngợi những người quý tộc yêu nước “đi chân đất” trở về với nhân dân; tương ứng với vấn đề vai trò cá nhân trong lịch sử là tư tưởng ca ngợi Kutuzov, người anh hùng của Nhân dân, là tư tưởng phê phán Napoleon, kẻ thù của Nhân dân… Nhưng dù tác phẩm có nhiều mạch tư tưởng đến đâu chăng nữa, tất cả vẫn xoay quanh một trục trung tâm, tất cả đều phục vụ cho một tư tưởng lớn nhất, quan trọng nhất, thường được gọi là tư tưởng chủ đạo của tác phẩm. Trong Chiến tranh và hòa bình, tư tưởng chủ đạo là sự ca ngợi sức mạnh vô địch và chính nghĩa của Nhân dân Nga trong cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1812.
Gần như ngược lại với trường hợp trên là hiện tượng nhiều tác phẩm có một dòng tư tưởng chung thống nhất. Hiện tượng này cũng thường xuất hiện trong những tác phẩm có quy mô lớn, nói đúng hơn, đó là một bộ tác phẩm, một tổng thể hợp thành của nhiều tác phẩm nhỏ, ví dụ bộ ba tự thuật của M.Gorki với các tác phẩm Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trường đại học của tôi hay bộ Cửa biển của Nguyên Hồng với các tác phẩm Sóng gầm, Thời kì đen tối, Cơn bão đã đến, Khi đứa con ra đời… Nhìn chung, ở mỗi bộ tác phẩm ấy, từng tác phẩm nối tiếp nhau ra đời, mỗi tác phẩm là một giai đoạn nhất định của một hiện thực cụ thể, mỗi tác phẩm có một dòng tư tưởng chủ đạo của riêng nó, tư tưởng ấy có sắc thái khác hẳn tư tưởng của các tác phẩm khác trong cùng hệ thống. Nhưng từ sâu xa bên trong, chúng vẫn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và tư tưởng của một tác phẩm riêng biệt chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được đặt trong sự chi phối của một tư tưởng chung thống nhất cho toàn hệ thống. Trong bộ Tấn trò đời của Balzac, tư tưởng chung thống nhất cho các tác phẩm là tư tưởng phê phán, tố cáo sự mục ruỗng, thối nát của xã hội tư sản Pháp ở thế kỉ XIX.
Tư tưởng tác phẩm rõ ràng có vai trò rất quan trọng đối với toàn bộ cơ cấu của tác phẩm, nhưng nó lại được quyết định bởi tư tưởng của tác giả. Như vậy, muốn có tác phẩm hay/tốt thì điều kiện tiên quyết là tư tưởng tác giả phải đúng đắn, tiến bộ. Đến đây, có thể kết luận bằng ý kiến sâu sắc của Lỗ Tấn: “Làm một người thầy thuốc kê đơn bậy chỉ giết chết có một người, làm một viên võ tướng điều binh khiển tướng bậy chỉ nướng hết có một đạo quân, còn làm một nhà văn viết bậy sẽ gây tác hại đến hai, ba thế hệ”.