Ban vàng mí mắt

1. Đại cương

     Xanthelasma palpebrum (ban vàng vàng mí mắt), là những u nhỏ lành tính thường có màu vàng hoặc những mảng thâm nhiễm màu vàng phẳng không nổi cao lên mặt da, vị trí ở các mô liên kết xung quanh vùng mắt. Thương tổn được hình thành bởi các mô bào, các đại thực bào mà trong nguyên sinh chất của chúng có chứa lipit, thường là cholestetol.

     Bệnh có thể gặp ở những người có tăng lipid máu mắc phải hoặc người bị đe dọa xơ vữa động mạch. Cho nên ban vàng có thể là mặt biểu hiện của sự rối loạn chuyển hóa lipit.

     Ban vàng mí mắt thường thấy ở những người tuổi trung niên, một số trường hợp tổn thương lan tỏa thấy nhiều ở độ tuổi trước 25, chiếm 2/3 số trường hợp.

     Một số yếu tố liên quan đến bệnh ban vàng như: rối loạn lipoprotein máu có tính chất gia đình, tăng triglycerit máu, và thiếu hụt lipoprotein lipase.
2. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

     Chất mỡ không tan trong nước, vì vậy trong máu chúng sẽ được vận chuyển dưới dạng là lipoprotein. Các loại lipoprotein gồm: chylomicrons, lipoprotein trọng lượng rất thấp (VLDL), lipoprotein có trọng lượng thấp (LDL), lipoprotein có trọng lượng cao (HDL). Tất cả các lipoprotein có vai trò gây nên các bệnh rối loạn chuyển hóa lipit trong đó có bệnh u vàng. 

     Sự biến đổi của các lipoprotein có thể là do khiếm khuyết di truyền như bệnh tăng mỡ máu tiên phát hoặc xảy ra thứ phát sau các bệnh đái tháo đường, suy giáp, hoặc hội chứng thận hư, nghiện rươu..

     Tuy nhiên, một số trường hợp xuất hiện ban vàng ở mí mắt nhưng hàm lượng mỡ trong máu vẫn bình thường. Người ta cho rằng có thể là do sự rối loạn chuyển hóa tại chỗ. Các phản ứng viêm và tăng tính thấm thành mạch được coi là nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này.
3. Lâm sàng

     Thương tổn cơ bản: Ban vàng ở mắt là loại hay gặp nhất của u vàng. Các tổn thương xuất hiện không có triệu chứng tiền triệu, bản đầu có thể là một vết sưng nhỏ, sau đó tiến triển trong vài tháng. Tổn thương mềm, mịn, màu vàng, bằng phẳng, có thể có hình mảng sẩn đa giác. Vị trí thường xảy ra nhất ở mí mắt trên gần khóe mắt trong, đối xứng. Các ban vàng mí mắt khổng lồ  có thể thấy ở tất cả bốn mí mắt.

     

    Xanthelasma  có thể liên quan  đến rối loạn Betalipoprotein máu gia đình, khuyết apoA-I đồng hợp tử, tăng Cholesterol máu gia đình đồng hợp tử, tăng Cholesterol máu gia đình, rối loạn betalipoprotein máu.
4. Cận lâm sàng

      – Xét nghiệm máu và nước tiểu, chụp XQ để xác định nguyên nhân của nồng độ liporotein (tương ứng với nguy cơ các bệnh lý tim mạch, dột quỵ..)

     – Mô bệnh học: tế bào bọt là các đại thực bào có chứa lipid. Đây là những tế bào đặc trưng, ngoài ra còn có các tế bào lympho, mônô, bạch cầu trung tính, và  lipid tự do trong lớp hạ bì. Ban vàng ở mí mắt có một số đặc điểm khác với các u vàng ở vị trí khác là ngoài đại thực bào gắn lipid còn có cơ vân, nang tóc, và/ hoặc một lớp thượng bì mỏng.

5. Chẩn đoán

5.1 Chẩn đoán xác định: chẩn đoán xác định chủ yếu dựa vào thương tổn lâm sàng

5.2 Chẩn đoán phân biệt

 + U tuyến mồ hôi

 + Quá sản tuyến bã
6. Điều trị

6.1 Mục đích:

– Tại chỗ: loại bỏ tổn thương, cải thiện vấn đề thẩm mỹ.

– Toàn thân: điều chỉnh các rối loạn chuyển hóa lipit, nhằm giảm tái phát và hạn chế các biến chứng do tăng lipit máu gây nên  (giảm nguy cơ bệnh tim mạch, và điều trị tăng triglyceride sẽ ngăn ngừa viêm tụy)

–  Điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống .

6.2 Cụ thể

– Điều chỉnh chế độ sinh hoạt ăn uống: ăn uống điều độ

•         Chế độ ăn nhiều rau xanh, ngũ cốc và cá

•         Giảm chất béo bão hòa (có trong thịt, bơ, các sản phẩm từ sữa khác, dầu dừa, dầu cọ)

•         Giảm lượng đường trong đồ uống có ga, kẹo, bánh quy và bánh ngọt

•         Nếu béo phì, thừa cân, giảm cân bằng cách giảm lượng calo và tăng tập thể dục.

– Điều trị toàn thân: Khi có tăng mỡ máu khi xét nghiệm. Các thuốc có thể sử dụng điều trị: Statins (HMG CoA reductase) như là simvastatin và atorvastatin; Fibrate (bezafibrate); Ezetimibe; Nicotinic acid.

 – Điều trị tại chỗ: Phẫu thuật hoặc phá hủy tổn thương được thực để loại bỏ ban vàng có ảnh hưởng đến chức năng hoạt động hay ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

+ Phẫu thuật cắt bỏ thẩm mỹ: Đây là phương pháp cho kết quả điều trị cao nhất về loại bỏ tổn thương ban vàng, đồng thời đạt kết quả cao về thẩm mỹ. Thời gian thực hiện nhanh từ 15-30 phút, phương pháp gây tê tại chỗ để giảm đau. Sau 1 tuần có thể cắt chỉ và trở lại sinh hoạt bình thường.

+ Ngoài ra có thể đốt điện cao tần (plasma), laser CO2 đốt tổn thương, chấm tricloroacetic acid (TCA) tuy nhiên chỉ thực hiện khi không có điều kiện phẫu thuật.

Bệnh có thể tái phát khoảng 15-30%, đặc biệt ở những thể đối xứng cả hai bên và trên dưới mí.

Tin bài và ảnh: Ths.Bs. Nguyễn Quang Minh
Đăng tin: Phòng CNTT & GDYT

TÀI LIỆU THAM KHÁO

1. Ernst J. Schaefer & Raul D. Santos.   Xanthomatoses and Lipoprotein Disorders. In Fitzpatrick’s Dermatology in General Medicine, 8th Edition. p1600 – 1612.

2. Kim YR, Han KH. Familial hypercholesterolemia and the atherosclerotic disease. Korean Circ J. 2013 Jun. 43(6):363-7.

3. Brown CA, Lesher JL Jr, Peterson CM. Tuberous and tendinous xanthomata secondary to ritonavir-associated hyperlipidemia. J Am Acad Dermatol. 2005 May. 52(5 Suppl 1):S86-9.

4. Corradino B, Di Lorenzo S, Triolo A, Moschella F. Laser treatment of giant xanthelasma palpebrarum. Lasers Med Sci. 2014 Sep 25.

5. Kim WJ, Ko HC, Kim BS, Kim MB. Successful treatment of xanthoma disseminatum with combined lipid lowering agents. Ann Dermatol.2012 Aug.24(3):380-2