Bản quyền với quyền tác giả có phải là một không?

1. Bản quyền, quyền tác giả

Ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể về khái niệm bản quyền. Tuy nhiên bản quyền có thể được hiểu là một thuật ngữ pháp lý được sử dụng để miêu tả quyền tác giả có, đối với các tác phẩm văn học và nghệ thuật của người đó. Các tác phẩm thuộc phạm vi bản quyền bao gồm từ sách, nhạc, điêu khắc, phim chuyện, các dữ liệu máy tính, quảng cáo hay những bản vẽ kỹ thuật…

Ở nhiều quốc gia, khi một người sáng tạo một tác phẩm nguyên gốc, cố định trong một phương tiện hữu hình, thì người này nghiễm nhiên sở hữu bản quyền đối với tác phẩm đó. Với tư cách là chủ sở hữu bản quyền, chỉ riêng người này mới có quyền sử dụng tác phẩm. Trong hầu hết các trường hợp, chỉ chủ sở hữu bản quyền mới có thể cho phép người khác sử dụng tác phẩm đó.

Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 quy định quyền tác giả như sau:

“2. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.”

Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

2. Mối quan hệ giữa bản quyền và quyền tác giả

Thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, thuật ngữ quyền tác giả nhiều khi còn được gọi là bản quyền và giữa hai khái niệm này không có bất cứ sự khác nhau nào. Mặc dù cùng là khái niệm dùng để chỉ các quyền của tác giả, chủ sở hữu đối vối tác phẩm của mình thế nhưng có người gọi là quyền tác giả, có người gọi là bản quyền. Còn trong các văn bản pháp luật chính thức của Việt Nam như Bộ luật dân sự 2015, Bộ luật hình sự 2015… thì thuật ngữ quyền tác giả là thuật ngữ chính thức được sử dụng.

Tuy nhiên, việc sử dụng thuật ngữ quyền tác giả và thuật ngữ bản quyền lại có sự khác nhau cơ bản về cơ sở hình thành, gắn liền với sự khác nhau giữa hệ thống pháp luật châu Âu lục địa và hệ thông pháp luật Anh-Mỹ. Các nước thuộc hệ thống luật châu Âu lục địa (trong đó tiêu biểu là Pháp) sử dụng thuật ngữ quyển tác giả xuất phát từ quan điểm gắn chặt mối quan hệ giữa tác giả với tác phẩm, chú trọng đến việc bảo hộ quyền của tác giả, đặc biệt là các quyền tinh thần của người sáng tạo ra tác phẩm. Các nước thuộc hệ thống pháp luật Anh – Mỹ sử dụng thuật ngữ bản quyền lại xuất phát từ khía cạnh thương mại, nhấn mạnh đến quyền sao chép, nhân bản tác phẩm, tức là chú trọng đến giá trị kinh tế của tác phẩm, chứ không phải là nhân thân tác giả, do đó quyền tinh thần của tác giả không mấy được coi trọng.

Khi so sánh giữa bản quyền với quyền tác giả thì chủ thể được bảo hộ là tương đối khác nhau. Trong khi quyền tác giả coi người sáng tạo ra tác phẩm – tác giả là trung tâm và bảo hộ tất cả các quyền về cả quyền nhân thân và quyền tài sản thì Bản quyền lại chỉ bảo vệ quyền lợi kinh tế của người sở hữu quyền tác giả hơn là chính tác giả. Người sở hữu quyền tác giả được Bản quyền bảo vệ thường là những người khai thác các quyền tác giả về mặt kinh tế ví dụ như nhà xuất bản… Trong hệ thống Common law, những người này sẽ được có các quyền sử dụng và quyền định đoạt đối với tác phẩm. Còn tác giả chỉ là người giữ lại các quyền phủ quyết có giới hạn để ngăn cản việc lạm dụng của Bản quyền từ phía những người khai thác các quyền này.

Hơn nữa, luật về Quyền tác giả còn bảo vệ cả những quyền nhân thân của tác giả trong khi các nước thuộc hệ thống Anh – Mỹ khi đưa ra quy định về Bản quyền hầu như không có những quy định bảo hộ các quyền về nhân thân của tác giả cho đến thời gian gần đây mới bổ sung các quy định này.

Bên cạnh đó, giữa hai khái niệm này cũng có một số điểm khác biệt nữa, nhưng theo thời gian, do sự hội nhập của các quốc gia và các tổ chức quốc tế, pháp luật của các nước giao thoa với nhau nên những khác biệt này cũng dần được thay đổi, hoà hợp với nhau hơn.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Luật sở hữu trí tuệ.

Luật Hoàng Anh