Ban hành quy chế soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng
Ngày 15/7/2022, Bộ Xây dựng đã có Quyết định 619/QĐ-BXD về việc ban hành quy chế soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Quy chế này quy định trình tự, thủ tục, trách nhiệm trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (gọi tắt là văn bản QPPL) do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Một số quy định tại Quy chế này được dẫn chiếu thực hiện theo quy định tại văn bản liên quan. Trường hợp văn bản được dẫn chiếu trong Quy chế này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung.
Văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định tại Quy chế này bao gồm: Luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước (được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì soạn thảo); Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Nguyên tắc phân công, phối hợp, trách nhiệm trong soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Bộ trưởng chỉ đạo chung công tác xây dựng văn bản QPPL của Bộ Xây dựng; theo lĩnh vực phụ trách, chỉ đạo đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản QPPL (sau đây gọi tắt là đơn vị chủ trì) và tổ chức việc soạn thảo, ban hành văn bản QPPL bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Lãnh đạo Bộ phụ trách theo lĩnh vực có trách nhiệm chỉ đạo đơn vị chủ trì và tổ chức việc soạn thảo, ban hành văn bản QPPL bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập có trách nhiệm cùng với đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo văn bản QPPL theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trường hợp không thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập thì Thủ trưởng đơn vị chủ trì phải phân công cụ thể lãnh đạo đơn vị chỉ đạo trực tiếp và chuyên viên trực tiếp soạn thảo; các đơn vị tham gia phối hợp cũng phải phân công cụ thể 01 lãnh đạo đơn vị và 01 chuyên viên trực tiếp tham gia. Khi tổ chức các cuộc họp góp ý cho dự thảo thì giấy mời được gửi trực tiếp tới các cá nhân được cử tham gia.
Đơn vị chủ trì có trách nhiệm:
Lập đề nghị, soạn thảo văn bản QPPL phải thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, tuân thủ, bám sát chủ trương của Đảng; rà soát để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Xin ý kiến Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng đối với đề nghị xây dựng văn bản QPPL, dự thảo văn bản QPPL thuộc phạm vi của Quy chế làm việc của Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng.
Lấy ý kiến của các Thứ trưởng và các đơn vị thuộc Bộ đối với những nội dung có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đó trước khi trình Bộ trưởng.
Xin ý kiến Bộ trưởng trước khi gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, gửi thẩm định, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ý kiến phản ánh của dư luận xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, kết quả tổng hợp của: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Văn phòng Bộ, Trung tâm thông tin hoặc được gửi trực tiếp đến Bộ Xây dựng.
Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản QPPL.
Đối với dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo thì các Lãnh đạo Bộ phải tham dự 02 buổi họp sau: (1) thông qua đề cương dự thảo và (2) thông qua dự thảo chi tiết trước khi trình Chính phủ.
Đối với các thông tư có nội dung phức tạp, các Lãnh đạo Bộ phải tham dự 02 buổi họp sau: (1) thông qua đề cương dự thảo và (2) thông qua dự thảo chi tiết trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành.
Đối với dự án (dự thảo) văn bản QPPL có các quy định tác động lớn (trực tiếp) đến xã hội, doanh nghiệp, người dân hoặc liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành khác, địa phương thì đơn vị chủ trì có trách nhiệm báo cáo đầy đủ, chi tiết với Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ phụ trách trước khi phát hành văn bản.
Đối với văn bản QPPL được xây dựng, ban hành để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung trong nhiều văn bản QPPL do cùng cơ quan ban hành: đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ đầu mối tổng hợp; đơn vị chuyên môn đã được giao soạn thảo đối với văn bản QPPL được đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ chịu trách nhiệm soạn thảo các nội dung liên quan trong dự thảo văn bản QPPL, hồ sơ dự án, dự thảo văn bản QPPL và chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng, tiến độ, tuân thủ quy trình soạn thảo văn bản tại pháp luật về ban hành văn bản QPPL và Quy chế này.
Việc xây dựng văn bản QPPL có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước và danh mục bí mật nhà nước ngành Xây dựng phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm bổ sung tiêu chí về kết quả thực hiện Chương trình xây dựng văn bản QPPL và triển khai xây dựng văn bản quy định chi tiết của Bộ trong đánh giá, xét thi đua khen thưởng, xử lý trách nhiệm, kỷ luật đối với cá nhân, tập thể, cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2022 và thay thế Quyết định số 1212/QĐ-BXD ngày 18/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy chế soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Quyết định 619/QĐ-BXD.