Bản đồ quy hoạch TP Thủ Dầu Một – Bình Dương cập nhật mới nhất 2021
Mục Lục
Mimhouse – Thủ Dầu Một là thành phố đô thị loại I và một trong 7 thành phố không có xã trực thuộc (cùng với Bắc Ninh, Dĩ An, Đông Hà, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Thủ Đức (thành phố).
Bản đồ hành chính các phường tại TP Thủ Dầu Một
Vị trí địa lý và đơn vị hành chính Thành phố Thủ Dầu Một
+ Vị trí: Thủ Dầu Một là thành phố đô thị loại I, thuộc trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, chính trị của tỉnh Bình Dương, có sông Sài Gòn chảy qua TP và bao quanh Thủ Dầu Một là Phía đông giáp thị xã Tân Uyên; Phía tây giáp huyện Củ Chi, TPHCM; Phía nam giáp thành phố Thuận An; Phía bắc giáp thị xã Bến Cát.
+ Diện tích và dân số: Diện tích tự nhiên 118,67 km² và 351.893 người có đăng ký cư trú (năm 2020)
+ Đơn vị hành chính: 14 phường gồm: Chánh Mỹ, Chánh Nghĩa, Định Hòa, Hiệp An, Hiệp Thành, Hòa Phú, Phú Cường, Phú Hòa, Phú Lợi, Phú Mỹ, Phú Tân, Phú Thọ, Tân An, Tương Bình Hiệp.
Quá trình hình thành và phát triển Thành phố Thủ Dầu Một
Dưới thời nhà Nguyễn, vùng đất Thủ Dầu Một ngày nay là trung tâm huyện Bình An, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa. Lỵ sở huyện Bình An khi đó đặt tại thôn Phú Cường thuộc tổng Bình Điền.
Đến thời Pháp thuộc, huyện Bình An tách khỏi tỉnh Biên Hòa để thành lập tỉnh Thủ Dầu Một. Tỉnh Thủ Dầu Một được chia thành 3 quận: Châu Thành, Hớn Quản, Bù Đốp. Lúc này, làng Phú Cường vừa đóng vai trò là quận lỵ quận Châu Thành và tỉnh lỵ tỉnh Thủ Dầu Một. Dân số vào thập niên 1930 là 6.700 người.
Tháng 8 năm 1948, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ quyết định tách 2 xã Chánh Hiệp và Phú Cường thuộc huyện Châu Thành để thành lập thị xã Thủ Dầu Một. Thị xã được chia thành 3 hộ trung tâm và 2 xã.
Năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chia tỉnh Thủ Dầu Một thành 3 tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long. Tỉnh lỵ tỉnh Bình Dương đặt tại Thủ Dầu Một nhưng lúc này đổi tên thành Phú Cường, về mặt hành chính thuộc xã Phú Cường, quận Châu Thành.
Tháng 2 năm 1976, 3 tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long hợp nhất thành tỉnh Sông Bé. Thị xã Thủ Dầu Một trở thành tỉnh lỵ tỉnh Sông Bé, gồm 3 phường: Chánh Nghĩa, Hiệp Thành, Phú Cường và 2 xã: Chánh Mỹ, Phú Thọ.
Ngày 11 tháng 3 năm 1977, chuyển 5 xã: Định Hòa, Phú Hòa, Phú Mỹ, Tân An, Tương Bình Hiệp thuộc huyện Châu Thành vừa giải thể về thị xã Thủ Dầu Một quản lý.
Ngày 6 tháng 11 năm 1996, tỉnh Bình Dương được tái lập, thị xã Thủ Dầu Một trở lại là tỉnh lỵ tỉnh Bình Dương.
Ngày 28 tháng 5 năm 1997, chuyển 2 xã Phú Thọ và Phú Hòa thành 2 phường có tên tương ứng.
Ngày 10 tháng 12 năm 2003:
- Chia phường Phú Hòa thành 2 phường Phú Hòa và Phú Lợi
- Thành lập xã Hiệp An trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích, dân số của các xã Tương Bình Hiệp và Tân An.
Ngày 23 tháng 1 năm 2007, Bộ Xây dựng ra Quyết định công nhận thị xã Thủ Dầu Một là đô thị loại III.
Ngày 9 tháng 6 năm 2008, chuyển 3 xã Hiệp An, Định Hòa, Phú Mỹ thành 3 phường có tên tương ứng.
Ngày 11 tháng 8 năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 36/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Bến Cát và Tân Uyên để mở rộng thị xã Thủ Dầu Một.Theo đó:
- Điều chỉnh một phần diện tích, dân số của xã Hòa Lợi thuộc huyện Bến Cát về thị xã Thủ Dầu Một quản lý.
- Điều chỉnh một phần diện tích, dân số của các xã Phú Chánh, Tân Vĩnh Hiệp và Tân Hiệp thuộc huyện Tân Uyên về thị xã Thủ Dầu Một quản lý.
- Thành lập 2 phường Hòa Phú và Phú Tân trên cơ sở phần diện tích, dân số của các xã Hòa Lợi, Phú Chánh, Tân Vĩnh Hiệp, Tân Hiệp và điều chỉnh một phần diện tích, dân số của các phường Định Hòa, Phú Mỹ.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thị xã Thủ Dầu Một có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 11 phường và 3 xã.
Ngày 2 tháng 5 năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP. Theo đó, thành lập thành phố Thủ Dầu Một trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Thủ Dầu Một.
Ngày 29 tháng 12 năm 2013, chuyển 3 xã Chánh Mỹ, Tương Bình Hiệp, Tân An thành 3 phường có tên tương ứng.
Thành phố Thủ Dầu Một có 14 phường trực thuộc như hiện nay.
Ngày 8 tháng 7 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1120/QĐ-TTg công nhận thành phố Thủ Dầu Một là đô thị loại II.
Ngày 6 tháng 12 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1959/QĐ-TTg công nhận thành phố Thủ Dầu Một là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bình Dương. Như vậy tính đến thời điểm này, Thủ Dầu Một là đô thị loại I thứ ba của khu vực Đông Nam Bộ, sau Vũng Tàu và Biên Hòa.
Quy hoạch định hướng không gian đô thị Thành phố Thủ Dầu Một
Theo Quyết định số 1702/QĐ-UBND Bình Dương, Thủ Dầu Một được chia làm 3 khu vực chính:
+ Khu vực phía Nam Thủ Dầu Một (quanh Đại lộ Bình Dương và đường Phú Lợi), gồm các phường: Phú Cường, Hiệp Thành, Chánh Nghĩa, Phú Thọ, Phú Hòa, Phú Lợi. Đay là khu vực dịch vụ kinh doanh tài chính thương mại cấp tỉnh, là trung tâm hành chính, chính trị của Thủ Dầu Một
+ Khu vực phát triển Đông – Bắc Thủ Dầu Một gồm các phường: Phú Mỹ, Hòa Phú, Phú Tân và 1 phần xã Tân Vĩnh Hiệp – Huyện Tân Uyên hiện nay. Trung tâm của khu vực này là Phú Tân. Đây là khu vực trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và công nghiệp của tỉnh Bình Dương
+ Khu vực phía Tây Thủ Dầu Một: gồm các phường: Hiệp An, Định Hòa và các xã: Chánh Mỹ, Tương Bình Hiệp, Tân An và một phần xã Tân Định – huyện Bến Cát hiện nay. Đây là Khu vực được khuyến khích phát triển biệt thự vườn, du lịch sinh thái.
Thông tin quy hoạch giao thông tại Thủ Dầu Một
Về đường bộ
+ Phát huy thế mạnh kết nối của đại lộ Bình Dương với trục Quốc Lộ 13
+ Đầu tư xây dựng thêm tuyến đường trên cao, gia tăng năng lực lưu thông.
+ Đầu tư Đường Mỹ Phước – Tân Vạn nối từ Bàu Bàng (Thị xã Bến Cát) đi qua Thủ Dầu Một theo hướng Bắc – Nam
+ Đầu tư xây dựng Đường vành đai 3 trùng với đường Mỹ Phước – Tân Vạn đoạn ngã tư Bình Chuẩn và đi theo hướng Đông – Tây qua địa bàn Thủ Dầu Một, khi tuyến đường hoàn thành, góp phần rút ngắn khoảng cách từ Bình Dương đến TP.HCM, Đồng Nai, Long An…
+ Cao tốc Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành dài 60km: Điểm đầu giao đường Xuyên Á tại giao lộ ngã tư Gò Dưa (điểm cuối đường Vành đai 2), điểm cuối tại Chơn Thành, Bình Phước. Quy hoạch với đường cao tốc với 6-8 làn xe, triển khai sau năm 2020
Hiện nay, TP Thủ Dầu Một có các đầu mối giao thông huyết mạch của tỉnh Bình Dương như: Quốc lộ 13 (Đại lộ Bình Dương), Mỹ Phước – Tân Vạn, ĐT741, ĐT742, ĐT743, ĐT744, ĐT745 tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển mọi mặt của thành phố.
Về đường thủy
+ Cải tạo, nâng cấp cảng Bà Lụa trên sông Sài Gòn thành cảng phục vụ du lịch và các ghe tàu tải trọng nhỏ.
+ Phát triển hệ thống taxi nước với cụm bến tại khu vực chợ Thủ Dầu Một, khu Đại Nam…
Về đường sắt
+ Tuyến xuyên Á với 2 trạm xe lửa tại khu vực đô thị Thủ Dầu Một là trạm Bình Chuẩn và trạm Phú Tân
+ Tuyến số 2 (Thủ Dầu Một – Hồ Chí Minh) dài 21,4 km: kết nối với tuyến số 1 theo đường Phạm Ngọc Thạch và đi dọc Theo Quốc lộ 13 qua Vĩnh Bình kết nối với tuyến metro số 3 trong tương lai của TP HCM tại khu vực ngã tư Bình Phước. Tuyến đi trên cao, triển khai sau năm 2020
+ Tuyến số 4 (thành phố mới Bình Dương – Uyên Hưng – Tân Thành) dài 22,3 km: Từ ga trung tâm tại thành phố mới theo đường đường ĐT746B, Tạo lực 5, đại lộ Thủ Dầu Một – Uyên Hưng tới Uyên Hưng, theo đường ĐT.746B tới Tân Thành. Tuyến này đi trên cao, triển khai sau năm 2020.
Bản đồ hành chính Thành phố Thủ Dầu Một:
Bản đồ kế hoạch sử dụng đất thành phố Thủ Dầu Một năm 2021:
Bên trên là tất tần tật thông tin về Bản đồ hành chính Thành phố Thủ Dầu Một và Thông tin quy hoạch mới nhất được Mimhouse cập nhật.