Bản đồ Hành chính TP Thủ Đức & Thông tin quy hoạch đến năm 2040
Bản đồ Thành phố Thủ Đức hay bản đồ hành chính các Phường tại TP Thủ Đức, giúp bạn tra cứu thông tin về vị trí tiếp giáp, ranh giới, địa hình thuộc địa bàn khu vực TP Thủ Đức TPHCM.
Chúng tôi BANDOVIETNAM.COM.VN tổng hợp thông tin quy hoạch Thành phố Thủ Đức tại TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, được cập nhật mới năm 2023.
Giới thiệu vị trí địa lý Thành phố Thủ Đức
Thành phố Thủ Đức thành lập cuối năm 2020. Cụ thể, ngày 12/11/2020, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đề án thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM trên cơ sở sáp nhập 3 quận cũ là Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức. Ngày 1/1/2023, Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 chính thức có hiệu lực.
TP Thủ Đức được đánh giá là khu vực hạt nhân dẫn đầu, thúc đẩy TPHCM và vùng Đông Nam Bộ phát triển. Dự kiến Thành phố Thủ Đức góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.
Trên địa bàn Thành phố Thủ Đức có các tuyến đường giao thông huyết mạch như Xa lộ Hà Nội, Đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 13, Đại lộ Phạm Văn Đồng – Quốc lộ 1K. Đặc biệt, tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023.
Thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 03 quận
Tiếp giáp địa lý: Thành phố Thủ Đức nằm ở phía Đông của TPHCM được xem là Đô thị sáng tạo tương tác cao, có vị trí địa lý:
- Phía Đông giáp thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) bởi ranh giới là sông Đồng Nai
- Phía Tây giáp với 04 quận, gồm Quận 12, quận Bình Thạnh, Quận 1 và Quận 4 bởi ranh giới là sông Sài Gòn
- Phía Nam giáp huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) qua sông Đồng Nai và Quận 7 qua sông Sài Gòn
- Phía Bắc giáp 02 thành phố của tỉnh Bình Dương, gồm TP Thuận An và Dĩ An.
+ Diện tích và dân số: Tổng diện tích đất tự nhiên của Thành phố Thủ Đức là 211,56 km², dân số hơn 1,5 triệu người (Tính đến năm 2022).
Thành phố Thủ Đức gồm những quận nào? Thành phố Thủ Đức có 34 đơn vị hành chính, gồm 34 phường trực thuộc: An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Hiệp Phú, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tam Bình, Tam Phú, Tân Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Thạnh Mỹ Lợi, Thảo Điền, Thủ Thiêm, Trường Thạnh, Trường Thọ.
Nguồn gốc tên gọi: Địa danh Thủ Đức được cho là lấy từ tên hiệu “Thủ Đức” của ông Tạ Dương Minh (còn gọi là Tạ Huy). Ông là người Hoa nằm trong phong trào “phản Thanh phục Minh”, bị truy đuổi phải di cư sang Việt Nam và thần phục nhà Nguyễn. Người ta cho rằng ông có công lao với vùng đất này thời mới khai hoang lập ấp khoảng năm 1679–1725.
Bản đồ hành chính thành phố Thủ Đức khổ lớn
Bản đồ toàn cảnh thành phố Thủ Đức
Thông tin quy hoạch thành phố Thủ Đức mới nhất
Mục Lục
Phê duyệt quy hoạch Thành phố Thủ Đức đến năm 2040: Sẽ là trung tâm kinh tế tri thức, tài chính của TP.HCM và cả nước.
Ngày 16/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1538/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung TP Thủ Đức thuộc TPHCM đến năm 2040 với mục tiêu Thành phố Thủ Đức trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học – công nghệ, tài chính quan trọng của TPHCM và quốc gia.
Theo Quyết định, phạm vi nghiên cứu trực tiếp gồm toàn bộ địa giới hành chính Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) với tổng diện tích khoảng 211,56 km2. Phạm vi nghiên cứu gián tiếp gồm các quận huyện thuộc TPHCM và 2 tỉnh giáp ranh là tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương.
Mục tiêu lập quy hoạch của TP Thủ Đức là nhằm đề xuất định hướng phát triển phù hợp với cấu trúc, định hướng phát triển không gian của TPHCM và vùng TPHCM; đáp ứng mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học – công nghệ, tài chính quan trọng của TPHCM và quốc gia.
Theo phê duyệt, TP Thủ Đức là đô thị loại I trực thuộc TPHCM, phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao; trung tâm phía đông của TPHCM về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo.
- Thành phố Thủ Đức là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học – công nghệ và hợp tác phát triển;
- Tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, tài chính và thương mại – dịch vụ;
- Có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số của thành phố và vùng TPHCM;
- Thành phố Thủ Đức là đầu mối kết nối khu trung tâm hiện hữu TPHCM với cảng hàng không quốc tế Long Thành và các đô thị, khu chức năng trọng điểm phía đông của vùng TPHCM.
Dự kiến đến năm 2030 dân số toàn Thành phố Thủ Đức đạt khoảng 1.500.000 người; năm 2040 đạt khoảng 2.200.000 người, hướng đến 3.000.000 người sau năm 2040.
Từ mục tiêu trên, yêu cầu trọng tâm đối với công tác lập quy hoạch TP Thủ Đức là rà soát quy hoạch chung TPHCM và các quy hoạch chuyên ngành đã được triển khai thực hiện trên địa bàn TP Thủ Đức.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá việc triển khai thực hiện quy hoạch chung TPHCM năm 2010 trên địa bàn, tập trung vào việc thực hiện các định hướng phát triển tại khu đô thị hướng đông TPHCM với vai trò là trung tâm mới mở rộng của thành phố (Khu đô thị mới Thủ Thiêm) và là Khu đô thị khoa học công nghệ, hạt nhân là Khu Công nghệ cao và Khu Đại học quốc gia.
Đồng thời, dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, trong bối cảnh phát triển của TPHCM và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển, bám sát các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, định hướng phát triển không gian TPHCM, chủ trương phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao, đô thị thông minh, đô thị phát triển bền vững.
Thủ Thiêm trở thành trung tâm tài chính – Quy hoạch Thành Phố Thủ Đức
Quy hoạch đô thị sáng tạo tương tác cao
Năm 2018, thành phố đã tổ chức cuộc thi tuyển quốc tế “Ý tưởng quy hoạch phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh”, thu hút nhiều chuyên gia quốc tế tham dự.
Ngày 23 tháng 11 năm 2019, UBND TP.HCM đã trao giải nhất cho đề án của liên danh hai công ty Sasaki – enCity đến từ Mỹ và Singapore.
Cùng với việc thành lập thành phố Thủ Đức, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã phối hợp với đơn vị tư vấn (liên danh công ty Sasaki – enCity) hoàn chỉnh dự thảo của đề án hình thành và phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM.
Theo ý tưởng quy hoạch của đội Sasaki – enCity thì khu đô thị này sẽ bao gồm 6 trọng điểm sáng tạo, cụ thể:
- Khu công nghệ cao (SHTP) với định hướng trở thành trung tâm sản xuất tự động hóa, ngôi nhà của nền công nghiệp thế kỷ 21 tại Việt Nam
- Khu Đại học Quốc gia TP.HCM: trong đó Đại học Quốc gia TP.HCM cung cấp một quần thể giáo dục đào tạo trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về ngành công nghệ thông tin, cùng với một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, từ đó mở rộng khả năng hợp tác liên ngành trong nghiên cứu, thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng.
- Khu tài chính Thủ Thiêm với tầm nhìn trở thành trung tâm công nghệ tài chính của khu vực: hạ tầng giao thông sẽ ưu tiên người đi bộ và tàu điện ngầm kết nối tất cả các khu vực quan trọng; lối đi ở bờ sông và sân các nhà thờ kết nối đường phố, thông suốt cho các hoạt động nghệ thuật, văn hóa, mua sắm.
- Rạch Chiếc – trung tâm thể thao và sức khỏe của Đông Nam Á: sẽ hình thành khu sản xuất đồ thể thao, các trung tâm sáng tạo, chăm sóc sức khỏe và kiến tạo một không gian rộng lớn xung quanh sân vận động để hội tụ; nhắm tới việc khai thác xu hướng ngày càng phổ biến của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và kinh doanh thể thao tại Đông Nam Á
- Khu Tam Đa – trung tâm công nghệ sinh thái và khu đô thị có khả năng chống chịu cao: là trung tâm sáng tạo trong thiết kế và vận hành công nghệ sinh thái, cũng như thúc đẩy du lịch sinh thái; những khu vườn mưa, khu trường đại học, các trục chính phát triển và khu vực ven biển ngập mặn tạo môi trường phù hợp cho đổi mới nông nghiệp cũng như du lịch sinh thái.
- Khu Trường Thọ – nơi định hình như một đô thị tương lai: áp dụng những ý tưởng độc đáo và có tính cách mạng nhất về công nghệ, với tầm nhìn trở thành một mô hình cho sự tích hợp công nghệ vào đời sống thường nhật và phòng trưng bày đô thị của tương lai; được cải tạo từ khu cảng hiện hữu với hệ thống không gian mở có nhiều chức năng đa dạng; tại đây cũng sử dụng vành đai giao thông khép kín để kết nối các khu vực khác nhau, dễ tiếp cận đến từng ngóc ngách, ưu tiên người đi bộ.
Theo đó, đề án xác định các trung tâm đổi mới sáng tạo gồm:
- Khu đô thị mới Thủ Thiêm – Trung tâm công nghệ tài chính;
- Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc – Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc;
- Khu công nghệ cao – Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học;
- Khu Đại học Quốc gia thành phố – Trung tâm công nghệ thông tin và công nghệ giáo dục;
- Khu Tam Đa, Long Phước – Trung tâm công nghệ sinh thái;
- Khu Trường Thọ – Đô thị tương lai; Trung tâm kết nối giao thông Vùng Đông Nam Bộ,
- Khu cảng quốc tế Cát Lái; Trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam
Với hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ, thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận, khu vực này được đánh giá rất thuận lợi để phát triển hệ thống mới hạ tầng đô thị, hạ tầng dịch vụ, đặc biệt là ngành logistics phân phối, vận chuyển hàng hóa bằng cách kết nối luồng vận chuyển đa phương thức bao gồm hàng hải (cụm cảng Cái Lái – Phú Hữu), đường sắt, đường bộ (cảng ICD Long Bình đang thực hiện, bến xe miền Đông mới) và đường thủy nội địa.
Hệ sinh thái khởi nghiệp tại khu vực đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, có sự tham gia của nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, Khu công nghệ cao và Khu Đại học Quốc gia TP.HCM có vị trí chủ đạo, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của Khu đô thị sáng tạo.
Khu công nghệ cao hiện đã thu hút thành công hơn 10 tập đoàn, công ty công nghệ vào đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao như Intel, Nidec, Jabil, Sonion, Sanofi, Nanogen, FPT, Nipro, Datalogic, Samsung… với hàm lượng giá trị tạo ra từ nghiên cứu và phát triển trong cơ cấu giá trị sản phẩm vượt gấp nhiều lần so với sản phẩm từ các khu công nghiệp cả nước.
Khu Đại học Quốc gia TPHCM có cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá hiện đại, tập trung 12 trường đại học, Viện nghiên cứu, cũng là nơi thu hút nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ trên địa bàn TP.HCM mà còn kết nối với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Hiện nay, khu vực này đã cơ bản hình thành khu Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. Mặt bằng hạ tầng đã sẵn sàng cho đầu tư quy mô lớn với chức năng chính là trung tâm thương mại – tài chính quốc tế, dịch vụ và dân cư hiện đại.
Thông tin quy hoạch giao thông tại Thành phố Thủ Đức
Theo đề án phát triển hạ tầng giao thông của Tp.HCM từ 2023 đến 2030, nhiều công trình hạ tầng lớn ở phía Đông sẽ tiếp tục được đầu tư.Các công trình giao thông trọng điểm, là xương sống của nền kinh tế như:
• Tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên dự kiến được đi vào hoạt động từ cuối năm 2023.
• Đường Vành đai 3 (Mỹ Phước – Tân Vạn – Nhơn Trạch) đang được bàn giao mặt bằng và thi công một số đoạn.
• Mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, QL1A, QL1K, XLHN, đường Vành đai 2…
• Những tuyến giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn, Đồng Nai cũng được đầu tư phát triển.
Bản đồ giao thông Thành phố Thủ Đức hiện nay
Ngoài ra, trong giai đoạn 2020 – 2023 quy hoạch Thành Phố Thủ Đức tiếp tục hưởng lợi do hàng loạt dự án do Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông phía Đông như:
- Mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 4m;
- Xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái);
- Xây dựng đường nối từ cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2;
- Nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định lên 77m (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy) với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng từ ngân sách, riêng tiền giải phóng mặt bằng là hơn 850 tỷ đồng
Cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây (đoạn 4km đầu)
Đường cao tốc này bắt đầu tại điểm giao cắt với Đại lộ Mai Chí Thọ tại Quận 2 (Tp.HCM) chạy về hướng đông 4 km và cắt đường Vành đai II tại nút giao lớn. Qua khỏi Cầu Long Thành con đường tiếp tục chạy về hướng đông đông nam và giao cắt với Quốc lộ 51 (AH17) tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Tuyến đường giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa Tp.HCM với các vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Thời gian từ Tp.HCM đi Phan Thiết còn 3 giờ thay vì 5 giờ như trên quốc lộ 1; từ Tp.HCM đi Vũng Tàu còn 1,5 giờ, nhanh hơn một giờ so với quốc lộ 51.
Mới đây, Đơn vị khảo sát thuộc Bộ GTVT kiến nghị mở rộng cao tốc Tp.HCM – Long Thành lên 8 làn xe vào năm 2025 với vốn đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng. Đây được xem là tuyến đường huyết mạch mà khu Đông Sài Gòn đang sở hữu đã từng tác động rất lớn đến thị trường BĐS khu vực này.
Tuyến metro số 1 ( Bến Thành – Suối Tiên)
Đây là động lực lớn cả về kinh tế lẫn thị trường Bất động sản mà “Thành phố Thủ Đức” đang có. Tuyến tàu điện ngầm này được khởi công xây dựng trong năm 2012 và dự kiến hoàn thành năm 2019. Nhưng hiện công trình đội vốn nên dự kiến thời gian hoàn thành vào năm 2023.
Dù chưa hoàn thành nhưng trước đó, dự án giao thông này đã tác động rất lớn đến thị trường Bất động sản quanh tuyến hoặc cách tuyến khoảng 2.5km. Giá đất tăng liên tục, các dự án Bất động sản bùng nổ là hiện tượng dễ thấy trên thị trường Bất động sản những năm về trước khi ăn theo tuyến metro này.
Theo các chuyên gia trong ngành, dự án giao thông này được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ mang lại diện mạo tích cực cho “Thành phố Thủ Đức”.
Bến xe Miền Đông mới
Bến xe này đi vào hoạt động tạo thêm cú hích động lực phát triển của “Thành phố Thủ Đức”. Bến xe miền Đông là bến xe có quy mô lớn nhất cả nước với quy mô 16ha, lớn gấp 4 lần bến xe cũ. Có tổng vốn đầu tư lên đến 4.000 tỉ đồng.
Bến xe miền Đông mới có tổng diện tích là 160.370,2m2 trong đó diện tích bãi đỗ ôtô chờ vào vị trí đón khách là 29.880m2, diện tích bãi đỗ xe dành cho các phương tiện khác là 21.000m2, diện tích phòng chờ của khách là 1.152m2.
Đại lộ Phạm Văn Đồng
Đây là tuyến đường huyết mạch kết nối toàn bộ khu vực Đông Bắc với Trung tâm Thành phố. Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Đông Bắc, kết nối toàn bộ khu vực Đông Bắc với trung tâm TP HCM và đi qua các quận Thủ Đức, Bình Thạnh Gò Vấp, đại lộ Phạm Văn Đồng được đánh giá là đại lộ giao thông huyết mạch với chiều dài 13,6km, rộng 30-65m với 12 làn xe.
Sau khi được đưa vào hoạt động, đại lộ Phạm Văn Đồng đã góp phần quan trọng làm giảm ùn tắc giao thông, đồng thời kết nối và làm giảm thời gian di chuyển với các khu vực trọng điểm của thành phố như Quận 1, Quận 2, Quận Phú Nhuận và sân bay Tân Sơn Nhất cũng như các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu thông qua quốc lộ 1A.
Hầm chui Mỹ Thủy
Dự án nút giao thông này là dự án giao thông trọng điểm của Tp.HCM với tổng số vốn gần 2.400 tỉ đồng. Một khi dự án được hoàn thiện sẽ giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải hàng hóa vào cảng Cát Lái và kết nối với đường Vành đai 2 từ cầu Phú Mỹ lên đường cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Đồng thời, dự án này cũng góp phần tăng cường an toàn giao thông trên tuyến, từng bước đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông và hoàn chỉnh quy hoạch tại khu vực này.
Hầm Thủ Thiêm
Đây là hạng mục công trình quan trọng bậc nhất đại lộ Đông Tây đồng thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển khu Đông mà trong tương lai “Thành phố Thủ Đức” tiếp tục được hưởng lợi từ công trình này, đặc biệt hầm sông Sài Gòn còn tạo động lực to lớn cho sự phát triển khu đô thị Thủ Thiêm.
Cầu Thủ Thiêm 2
Cầu Thủ Thiêm 2 nối khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với khu trung tâm Tp.HCM (quận 1) đang dần đến ngày “về đích”. Điều này sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trục chính tại Thành phố, đồng thời giải tỏa áp lực giao thông ở khu Đông.