Bản chất của câu vọng cổ là buồn, vậy anh hề phải làm sao cho vui?

Bản chất của câu vọng cổ là buồn, vậy anh hề phải làm sao cho vui? - Ảnh 1.

Những tình huống hài duyên dáng trong vở Mút chỉ Mút Cà Tha khiến khán giả có những giây phút giải trí vui vẻ, sảng khoái – Ảnh: GIA TIẾN

Chợt nhớ lại những chia sẻ của ông khi xưa và liên hệ chuyện diễn hài bây giờ, thấy sao vẫn còn nóng hổi…

Bản chất của câu vọng cổ là buồn, vậy anh hề phải làm sao cho vui? Sau nhiều năm làm nghề bản thân tôi mới rút ra được cách hát nhấn nhá, biến đổi dấu của vài từ… để tạo sự hài hước. Cải lương lại có bài bản riêng khó “phăng” như tấu hài, đòi hỏi nghệ sĩ phải rất tinh tế, duyên dáng để tạo ra từng mảng miếng hài!

NSƯT Bảo Quốc

1. Khoảng năm 2008, Câu lạc bộ Sân khấu cải lương hài được thành lập tại rạp Hưng Đạo cũ (nay là Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang), đạo diễn Huỳnh Nga được mời đến góp ý cho câu lạc bộ, ông đã rút ruột rút gan bày tỏ:

“Làm cải lương hài rất khó. Khó từ kịch bản đến dàn dựng. Từ những ngày đầu học đạo diễn, tôi đã chọn học dựng theo phong cách hài. Qua mấy chục năm trong nghề tôi chưa dám nhận đã dựng một vở cải lương nào hoàn toàn theo phong cách hài mà chỉ nhặt nhạnh từng miếng hài nhỏ trong cuộc sống đưa vào vở diễn để tạo ra tiếng cười”.

Ông tâm sự thêm anh hề có vai trò quan trọng trong một vở diễn, một đoàn hát. Ngày xưa, các đoàn hát cạnh tranh nhau rất dữ nên đoàn nào cũng phải tự phát hiện và tìm kiếm một anh hề làm trụ cột cho đoàn mình.

Anh hề trên sân khấu cải lương đôi khi chỉ là nhân vật phụ (thường là vai ác, vai nịnh…) nhưng góp phần tô đậm thêm xung đột giữa các nhân vật, dẫn dắt khán giả đi từ câu chuyện này đến câu chuyện khác, làm không khí vở diễn sinh động, hài hòa hơn.

Khán giả ngày xưa đi xem cải lương không chỉ coi tên đào, kép chính mà còn phải để ý có hề nào hát mới chịu móc tiền mua vé. Vậy mới thấy anh hề trong làng cải lương ngày xưa có uy cỡ nào!

Bản chất của câu vọng cổ là buồn, vậy anh hề phải làm sao cho vui? - Ảnh 3.

Những tình huống hài duyên dáng trong vở Kỳ án xứ Mặt Trời – Ảnh: LINH ĐOAN

2. Những điều đạo diễn Huỳnh Nga nói chuyên sâu về cải lương hài, thế nhưng đối chiếu ra làng hài nói chung ngày nay thì những chia sẻ của ông cách đây mười mấy năm có vẻ vẫn còn giá trị.

Sân khấu cải lương giờ đìu hiu, các anh hề cải lương dần vắng bóng. Vì làm anh hề cải lương đâu dễ, phải phối hợp ca diễn nhịp nhàng, duyên dáng.

Trong khi hề cải lương kiếm không ra, hài sân khấu kịch nở rộ, khởi điểm từ thời tấu hài lên ngôi. Đến hiện tại vì nhu cầu muốn cười của khán giả nên các vở chủ lực của các sân khấu đều nghiêng về hài. Không chỉ vậy, các game show trên truyền hình cũng tràn ngập hài. Nghệ sĩ hài xuất hiện trên các “mặt trận”, thi thố là phụ, giễu hài là chính.

3. Kịch bản yếu và thiếu, thời gian tập kịch lại không nhiều, diễn viên sở trường hay không sở trường cứ “mạnh dạn” diễn hài. Chẳng cần xây dựng tình huống, cứ trên cái sườn mỏng manh của vài trang giấy kịch bản, mạnh diễn viên nào diễn viên nấy “phăng”.

Diễn viên có chút duyên còn đỡ, diễn viên kém duyên dễ khiến người xem… ức chế. Cứ vậy, đường dây vở diễn bị phá hỏng, kịch thì dông dài, lan man làm người xem ngao ngán.

Cách đây vài năm, Hội Sân khấu TP.HCM có trình làng vở Kỳ án xứ Mặt Trời, một kịch bản hiếm hoi có yếu tố hài đậm đặc, phản ánh chuyện tham nhũng, những vấn đề thời sự qua lăng kính hài hước, châm biếm sâu cay.

Vở làm khán giả cười… đau cả ruột nhưng chỉ sau suất ra mắt đã bặt tăm. Có vẻ những chủ đề nóng như vậy thường “không ăn” với thị hiếu số đông?

Những kịch bản hài đúng nghĩa cứ khan hiếm dần. Trong khi đó, sân khấu vẫn phải ưu tiên hài, vì vậy đạo diễn và diễn viên cứ… liều, kịch bản, tình huống có phù hợp hay không cũng phải cố nhét hài vô, diễn viên nhiều khi “bay” ra khỏi tuyến kịch vì cứ quăng bắt như kiểu tấu hài. Để rồi, sau khi xem xong vở diễn khán giả chẳng còn gì đọng lại.

Từ xưa đến nay, các bậc tiền bối đã khẳng định: Diễn hài không phải dễ! Nhưng có lẽ vì chạy theo thị hiếu, vì tình hình sân khấu khó khăn, vì diễn viên kẹt lịch… nên hậu quả là thay vì mang đến tiếng cười sảng khoái thì có những vở diễn khiến người xem như… chịu trận.

Sân khấu đã mất không ít khán giả từ những kiểu làm hài dễ dãi như thế!

NSND Huỳnh Nga, đạo diễn vở NSND Huỳnh Nga, đạo diễn vở ‘Đời cô Lựu’, qua đời

TTO – Bà Hồng Dung – phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM – cho biết nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga, đạo diễn kỳ cựu của làng sân khấu, vừa qua đời tại nhà riêng lúc 8h5 ngày 21-2.