Bạn biết gì về hội chứng đàn ông ốm nghén thay vợ?
Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Như Thu Trúc – Bác sĩ Sản phụ khoa – Khoa Sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Khi vợ mang thai và nghén nặng, nhiều người chồng cũng có biểu hiện tương tự như ốm nghén, chẳng hạn như lo lắng, thay đổi tâm trạng, buồn nôn, tăng cân, đau nhức cơ thể. Triệu chứng này ở đàn ông được gọi là hội chứng chồng nghén thay vợ.
Mục Lục
1. Hội chứng chồng nghén thay vợ
Hội chứng chồng nghén thay vợ, hay mang thai đồng cảm là khái niệm mô tả tình trạng trong đó những người đàn ông khỏe mạnh có vợ đang mang thai, cũng trải qua các triệu chứng liên quan đến thai kỳ, tương tự như ốm nghén. Một số nghiên cứu cho thấy, chồng nghén thay vợ tương đối phổ biến đối với cánh mày râu, tuy nhiên đây không phải là một triệu chứng tâm thần hoặc một loại bệnh được công nhận. Mặt khác, nhiều nghiên cứu cho rằng hội chứng này bắt nguồn từ các nguyên nhân tâm lý, stress, hoặc tác động từ hormon trong cơ thể.
2. Biểu hiện chồng nghén thay vợ
Các triệu chứng liên quan đến hội chứng chồng nghén thay vợ đã được báo cáo ở nhiều quốc gia và tổ chức. Tuy nhiên, những biểu hiện này không giống nhau ở tất cả các ông chồng và thường chỉ xảy ra trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba đối với thai kỳ của vợ bầu.
2.1. Bồn chồn lo lắng
Hội chứng chồng nghén thay vợ khiến cho ngay cả các ông chồng lạnh lùng nhất cũng có thể trải qua những đêm trằn trọc, biểu hiện ợ nóng và cảm giác mệt mỏi bất thường trong thời kỳ mang thai của vợ. Dường như “bố của bé” có khả năng chia sẻ nỗi niềm lo lắng bồn chồn trong khi “mẹ của bé” đang mang thai.
Để khắc phục triệu chứng này, hãy đi gặp các “ông bố” khác vì rất có thể nhiều người trong số họ đang gặp phải tình trạng bứt rứt giống như bạn và sẽ tỏ ra đồng cảm. Việc này sẽ giúp mang lại cảm giác tốt hơn và kiểm soát triệu chứng hiệu quả hơn.
2.2. Buồn nôn ói mửa
Thật kỳ lạ nếu bắt gặp một người đàn ông ốm nghén nặng vào vào buổi sáng, triệu chứng vốn chỉ có ở các bà bầu. Tuy nhiên, điều đó thật sự xảy ra đối với những ai mắc hội chứng ốm nghén thay vợ, mặc dù nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ sự gia tăng của nội tiết tố nữ estrogen khi mang thai. Song thủ phạm không phải là estrogen, cánh nam giới biểu hiện nghén nặng có khả năng là kết quả của sự lo lắng bồn chồn đã đề cập ở trên, hoặc là do sự thay đổi bất hợp lý trong chế độ ăn uống.
Thực tế nhiều ông chồng thường ăn nhiều hơn để giảm thiểu căng thẳng khi thấy vợ bị nghén trong thai kỳ. Trong trường hợp này, các quý ông hãy duy trì hoạt động thể chất đều đặn, chú ý ăn uống đúng cách và tránh tìm đến rượu bia để xả stress.
2.3. Tâm trạng thay đổi thất thường
Không chỉ có ở những bà bầu, triệu chứng thay đổi tâm trạng thất thường cũng diễn ra ở các ông chồng có vợ đang mang thai. Thực tế, sự thay đổi này là do tác động từ hormon trong cơ thể, nguyên nhân cơ bản cũng giống nhau ở cả nam và nữ, đều do hoạt động từ các dây thần kinh.
Có con là một vấn đề rất lớn. Cảm giác “sắp làm bố” gần như sẽ thay đổi cuộc sống của các ông chồng có vợ đang ốm nghén. Hậu quả có thể dẫn đến việc ngủ ít hơn vào ban đêm, suy nghĩ nhiều hơn và thậm chí có nhiều cảm xúc lẫn lộn trong tâm trí của những người được xem là “trụ cột gia đình”. Tất cả những lo ngại này đều là phản xạ tự nhiên, và việc cân bằng lại cuộc sống là điều thật sự cần thiết. Quý ông cần hiểu rằng, không cần phải trở thành một người bố thật sự hoàn hảo, và đơn giản là hãy học cách chấp nhận điều đó.
2.4. Thay đổi ham muốn tình dục
Khi mang thai, người phụ nữ thường có sự thay đổi nhất định đối với ham muốn tình dục. Tuy nhiên, cả các ông chồng cũng trải qua điều tương tự. Một số nam giới vô cùng thích thú đối với thân hình của vợ bầu, trong khi những người khác lại tỏ ra e dè.
Một số người đàn ông cảm thấy mình tràn đầy cảm hứng khi nghĩ đến việc có con, trong khi những người khác lại mệt mỏi khi nghĩ về điều đó. Vài trường hợp bố mẹ lo lắng nguy cơ làm tổn thương em bé nên thậm chí không nghĩ đến việc quan hệ tình dục. Tuy nhiên, đối với hầu hết các cặp vợ chồng mang thai, sinh hoạt tình dục hầu như không có rủi ro nào cả.
Nếu việc mang thai ảnh hưởng đến ham muốn tình dục, ít nhất các cặp đôi nên cố gắng duy trì sự thân mật. Tuy nhiên, tình dục chỉ là một cách để thể hiện sự thân mật và “hâm nóng” tình cảm, song có rất nhiều cách khác để gần gũi nhau hơn mà không cần đến quan hệ tình dục. Điều quan trọng là tìm cách tiếp xúc thật nhiều với người bạn đời và chia sẻ những cảm xúc chân thật của cả hai trong và ngoài phòng ngủ.
2.5. Tăng cân là dấu hiệu chồng nghén thay vợ
Phụ nữ bụng to hơn có thể là dấu hiệu mang thai, cân nặng càng tăng khi càng về cuối thai kỳ. Thế nhưng, một nghiên cứu cho thấy người đàn ông cũng tăng trung bình 14 pound (tương đương 6kg) trong suốt quá trình mang thai của vợ. Thực tế, hầu như cánh máy râu sẽ ăn nhiều hơn bình thường khi dùng bữa với vợ bầu. Tuy nhiên, một thủ phạm nhiều khả năng hơn là cortisol, được mệnh danh là “Hormone gây căng thẳng”, vì nó được tiết ra nhiều mỗi khi ta bị stress, nhất là khi chứng kiến vợ ốm nghén nặng. Cortisol sẽ điều chỉnh lượng insulin và do đó ảnh hưởng đến tiêu thụ đường trong máu. Vì vậy, cơ thể bạn có thể cảm thấy đói trong khi thực tế không phải như vậy.
Để khắc phục tình trạng này, cánh mày râu nên thiết lập chế độ ăn vừa phải, chuẩn bị đồ ăn nhẹ tốt cho sức khỏe để đối phó mỗi khi lên cơn đói. Bên cạnh đó, nên tăng cường tập thể dục để giảm cân và hạn chế căng thẳng.
2.6. Đau nhức ở nhiều nơi trên cơ thể
Các triệu chứng của hội chứng chồng nghén thay vợ có thể xuất phát từ nguyên nhân rõ ràng, nhưng số khác lại khó lý giải. Điển hình như, người chồng liên tục bị đau răng, đau lưng, nhức đầu, chuột rút ở chân và các cơn đau khác, được báo cáo trong các nghiên cứu khác nhau về hội chứng mang thai đồng cảm. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy bất kỳ lời giải thích nào cho những cơn đau nhức đồng thời này, tuy nhiên rất có thể nguyên nhân là do vấn đề về tâm lý. Trong trường hợp này, người đàn ông có thể phải cần đến thuốc giảm đau hoặc liệu pháp tâm lý, tùy theo nhận định của bác sĩ điều trị.
3. Cách điều trị hội chứng chồng ốm nghén thay vợ
Các bác sĩ và chuyên gia tâm lý học đều đồng ý rằng, các cặp vợ chồng nên trao đổi về tương lai của con thường xuyên, nhằm làm giảm áp lực về vai trò làm bố, làm mẹ. Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến khích các ông chồng nên nhìn nhận vai trò và trách nhiệm của mình một cách tích cực hơn khi vợ mang thai.
Một phương thức điều trị hiệu quả đối với tình trạng chồng nghén thay vợ là làm cho người chồng cảm nhận được vai trò quan trọng của mình bằng cách tham gia các lớp học đặc biệt về nuôi dạy con hoặc hỗ trợ khi vợ sinh và sau sinh. Đặc biệt hơn, việc dành thời gian để chuẩn bị cho quá trình sinh nở của vợ, chăm nom vợ bầu, cũng như tìm hiểu cách trở thành một ông bố tốt có thể giúp tránh đi phần nào cảm giác lo lắng sợ hãi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic