Bạn biết gì về bão?
1. Khu vực tây bắc Thái Bình dương (bao gồm cả Biển Đông Việt Nam) mỗi năm bình quân hình thành khoảng 30 cơn bão. Như vậy, đây chính là vùng nhiều bão nhất trong các khu vực đông dân cư, và tác hại của nó là rất to lớn. Cho tới nay, tại khu vực này, người ta xác nhận năm 1967 vùng biển này có tới 40 cơn bão- đây là năm có nhiều bão nhất trong lịch sử. Còn năm ít bão nhất là năm 1951, với 20 cơn bão.
Người ta cũng đã tính ra, khu vực đông bắc Thái Bình Dương mỗi năm có 14 cơn bão, chiếm 17% tổng số cơn bão trên toàn thế giới. Bắc Đại Tây dương (bao gồm cả vùng biển Caribe và Vịnh Mexico) bình quân mỗi năm có 9 cơn bão. Vịnh Bengal bình quân chỉ có 4 cơn bão trong một năm, còn biển Ả Rập rất ít khi có bão: Khoảng 1 trận bão/năm. Vì thế, đây được coi là khu vực “lành” nhất trên thế giới.
Bão cũng không xuất hiện cùng một thời kỳ trong năm với các vùng, như thể bão “chia nhau” đổ bộ vào các vùng khác nhau. Ví dụ, ở Bắc bán cầu, bão thường xuất hiện vào tháng 8, 9. Nhưng tại vịnh Bengal, biển Ả Rập bão lại thường xuất hiện nhiều nhất vào tháng 5. Còn Nam bán cầu, bão lại xuất hiện từ tháng 1 đến tháng 3. Đặc biệt, tại đây, bão tập trung trong tháng 1, đôi khi với cường độ rất dữ dội.
Trên phạm vi toàn cầu, những nước chịu ảnh hưởng nhiều bão hàng đầu thế giới là Philippines, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Bangladesh, Úc, Mỹ, Mexico và một số nước khác thuộc vùng biển Caribe. Việt Nam cũng là 1 trong những quốc gia hứng chịu nhiều bão.
Trận bão Haiyan tàn phá Nhật Bản.
2. Một cơn bão bình thường tốc độ gió từ 35 đến 55m/giây. Khi gọi là bão mạnh, sức gió của nó vào khoảng 80m/giây.
Tuy nhiên, người ta cũng đã ghi nhận những siêu bão vô cùng dữ tợn, đạt tốc độ 91m/giây, như cơn bão đổ bộ vào Nhật Bản (tháng 9-1966), hay là cơn bão đổ bộ vào nước Mỹ (tháng 8-1969), tốc độ gió lên tới 95m/giây.
Chỉ tính từ năm 2007 tới nay, người ta cũng đã ghi nhận nhiều cơn bão cực lớn, với sức tàn phá mạnh khủng khiếp.
Ngày 15-11-2007, cơn bão Sidr tấn công Bangladesh, làm 4.100 người chết, mất tích. Khi cơn bão chấm dứt 3 tháng, những người gặp nạn vẫn còn bàng hoàng. Nói như một người dân vùng bão thì “điều khủng khiếp đó sẽ theo tôi cho đến khi xuống mồ”. Người này kể lại trên tờ Thời báo Bangladesh, khi bão tràn đến, không khác gì cơn giận dữ của Thượng đế. Trên những con đường, xác người nằm la liệt. Còn trong những ngôi nhà sập đổ là tiếng gào thét rợn người. “Cho đến mấy ngày sau, vẫn nghe tiếng người hấp hối rên rỉ trong những ngôi nhà sập”- người này kể.
Nhưng còn kinh hoàng hơn, vào ngày 3-5-2008, bão Nargis đổ bộ vào miền nam Myanmar, cướp đi sinh mạng của 138.000 người.
Còn tại Philippines, trung tuần tháng 12- 2011, siêu bão Washi tàn phá đảo Mindanao, hơn 1.000 người chết, hơn 700.000 người mất nhà. “Đây là 1 trong khoảng 20 cơn bão đổ bộ vào đất nước chúng tôi mỗi năm. Nhưng nó là cơn bão tệ hại bậc nhất mà tôi được chứng kiến”- một người đàn ông trung niên đảo Midanao thoát chết trong trận bão, cho dù bị gẫy cả hai chân nói.
3. Người ta vẫn đặt câu hỏi: Bão hình thành và hoạt động như thế nào? Phải chăng đó là sự giận dữ của Thượng đế?
Tuy nhiên, khoa học đã chỉ rõ, bão chỉ hình thành ở khu vực đại dương nhiệt đới ấm áp, nơi nhiệt độ nước ít nhất là 26 độ C. Một cơn bão hình thành bao giờ cũng xuất hiện những cơn mưa dông và những trận gió lốc rất mạnh do sự chênh lệch áp suất không khí giữa áp cao lạnh giữa những đám mây mưa và bầu không khí nóng xung quanh: khí lạnh bị đẩy xuống thấp và khí nóng bị đẩy lên cao. Khi lực xoay của hai luồng khí này đủ lớn thì một cơn bão sẽ hình thành.
Thật ghê sợ là trong quá trình di chuyển, nó được tiếp năng lượng từ chính mặt nước biển. “Cơn bão hút không khí nóng, ẩm từ bề mặt và nhả ra không khí lạnh ở trên cao như đang thở”- Charles Miranda, một nhà khí tượng học Úc nói. “Nó chỉ chịu giảm cường độ khi đổ bộ vào đất liền, do không được tiếp năng lượng từ mặt nước biển”- C.Miranda nói.
Bão không chỉ đem đến những trận cuồng phong chết chóc, mà ghê gớm không kém chính là những trận mưa như trút nước, có thể gây ra lũ lụt tại khu vực ở gần tâm bão. “Hoàn lưu bão”- thuật ngữ chuyên môn ấy chính là để chỉ những trận mưa gây lũ lớn và kéo dài khi cơn bão đã đi qua, người ta chủ quan tưởng chừng bình yên đã tới.
Lúc này, hai khu vực có nguy cơ chịu nhiều thiệt hại nhất chính là vùng núi cao và vùng đồng bằng trũng. Với miền núi, mưa kéo dài, nước lũ từ các dòng suối khiến các triền núi bị sạt lở. Nhiều người không chết vì bão mà lại bị chết sau bão do nước lũ cuốn trôi, nhấn chìm hoặc bị đất đá đè. Còn với vùng đồng bằng trũng, nước lũ sau bão cộng với lượng mưa ứ lại trong bão gây ra sự ngập lụt. Trẻ em dễ bị chết đuối ở vào thời điểm này.
Vậy có thể dự báo bão được không?
Tất nhiên là được, vì theo kinh nghiệm dân gian “trông trời, trông đất, trông mây” người xưa cũng đã biết sẽ có bão hay không. Khoa học hiện đại lại càng làm được điều đó với độ chính xác khá cao. Tuy nhiên, không phải những dự báo bao giờ cũng đúng, cho dù đó là cơ sở khí tượng hiện đại nhất. Sự đỏng đảnh, thất thường của không ít cơn bão đã đánh lừa được tất cả cơ quan khí tượng. Nhưng đáng sợ hơn là khi nó đột ngột tăng tốc, từ một cơn bão nhỏ bỗng chốc biến thành trận bão lớn.
Vậy nên, cơ quan khí tượng không bao giờ dám nói chắc “như đinh đóng cột” về một cơn bão. Và như thế, chúng ta hãy cảnh giác.