Bản Quyền – Vision & Associates

1

Bản Quyền

6.1 Tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả

Bảo hộ quyền tác giả được trao cho tác giả, người trực tiếp sáng tạo ra toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học và người sáng tạo ra tác phẩm phái sinh từ các tác phẩm của người khác, bao gồm các tác phẩm được dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, hoặc tuyển chọn.

Ngoài tác giả của tác phẩm, chủ sở hữu hợp pháp của tác phẩm cũng được bảo hộ quyền tác giả. Chủ sở hữu tác phẩm có thể là một trong những người sau đây:

(1) Tác giả hoặc đồng tác giả của tác phẩm;
(2) Cơ quan hoặc tổ chức giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng sáng tạo với tác giả;
(3) Người thừa kế của tác giả; hoặc
(4) Người được chuyển giao quyền sở hữu tác phẩm từ chủ sở hữu tác phẩm; hoặc
(5) Nhà nước Việt Nam, trong một số trường hợp nhất định.

Theo quy định của Luật SHTT Việt Nam, tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả được định nghĩa là (i) Tổ chức và cá nhân Việt Nam có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả; (ii) Tổ chức và cá nhân nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam; (iii) Tổ chức và cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam; và (iv) Tổ chức và cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo Điều ước Quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.

6.2 Các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

Bảo hộ quyền tác giả được trao cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật hoặc khoa học thuộc bất kỳ hình thức sau đây:

(1) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
(2) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
(3) Tác phẩm báo chí;
(4) Tác phẩm âm nhạc;
(8) Tác phẩm sân khấu;
(9) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự;
(10) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
(11) Tác phẩm nhiếp ảnh;
(12) Tác phẩm kiến trúc;
(13) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học;
(14) Tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian;
(15) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu;
(16) Tác phẩm phái sinh.

Để đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, một tác phẩm phải là nguyên gốc. Các quy định hiện hành liên quan đến bảo hộ quyền tác giả tuyên bố bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm kể từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo dưới một hình thức vật chất nhất định mà không cần phải công bố hay đăng ký. Việc bảo hộ như vậy đối với tác phẩm bất kể tác phẩm được tạo ra dưới hình thức thể hiện nào và chất lượng ra sao.

Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

6.3 Các tác phẩm không được bảo hộ quyền tác giả

Pháp luật hiện hành từ chối bảo hộ đối với những tác phẩm thuộc hình thức sau đây:

(1) Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin;
(2) Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó;
(3) Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.

6.4 Quyền nhân thân và quyền tài sản của chủ sở hữu tác phẩm và/hoặc Tác giả

Tác giả và/hoặc chủ sở hữu tác phẩm có những quyền tài sản và quyền nhân thân nhất định, tuỳ từng trường hợp cụ thể.

Quyền nhân thân bao gồm:

(1) quyền đặt tên cho tác phẩm;
(2) quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, phổ biến, sử dụng;
(3) công bố hoặc cho người khác công bố tác phẩm của mình;
(4) bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, cho phép hoặc không cho phép người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Quyền tài sản bao gồm:

(1) làm tác phẩm phái sinh;
(2) biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
(3) sao chép tác phẩm;
(4) phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
(5) truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
(6) cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Tổ chức, cá nhân muốn khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản nêu trên hoặc công bố tác phẩm phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác.

6.5 Sử dụng hợp lý

Một cá nhân hoặc tổ chức có thể sử dụng tác phẩm đã công bố “không vì mục đích thương mại” mà không cần sự cho phép của tác giả và không phải trả tiền bản quyền với điều kiện việc sử dụng đó không làm ảnh hưởng bất lợi tới việc khai thác bình thường của tác phẩm và không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm. Tuy nhiên, tên của tác giả, nguồn gốc và xuất xứ của tác phẩm phải được nhắc đến.
“Không vì mục đích thương mại” được định nghĩa là những hành vi sau đây:

(1) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giản dạy của cá nhân;
(2) Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai lạc ý của tác giả để bình luận hoặc minh hoạ trong tác phẩm của mình;
(3) Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai lạc ý của tác giả để viết báo, để dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;
(4) Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai lạc ý của tác giả để giảng dạy trong nhà trường, không nhằm mục đích thương mại;
(5) Sao lại tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;
(6) Biểu diễn các tác phẩm sân khấu và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thứcnào;
(7) Ghi âm, ghi hình trực tiếp các buổi biểu diễn với tính chất đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;
(8) Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng trưng bày ở nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của các tác phẩm đó;
(9) Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;
(10) Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.

Tuy nhiên, những hành vi như sử dụng tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình và chương trình máy tính sẽ không được coi là các hành vi sử dụng không vì mục đích thương mại.

6.6 Thời hạn bảo hộ

Nói chung, quyền tác giả được bảo hộ suốt đời tác giả cộng thêm 50 năm sau khi tác giả qua đời. Một số quyền nhân thân (ví dụ như quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, và quyền bảo hộ sự toàn vẹn của tác phẩm) được kéo dài vô thời hạn.
Đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm phát thanh, truyền hình, vi-đi-ô, tác phẩm di cảo, thì các quyền tác giả sẽ được bảo hộ trong thời hạn 50 năm, kể từ ngày tác phẩm được công bố lần đầu tiên.

6.7 Đăng ký quyền tác giả

Mặc dù việc bảo hộ đối với tác phẩm không yêu cầu tác phẩm phải được đăng ký, tuy nhiên việc đăng ký tác phẩm sẽ đưa ra chứng cứ về quyền tác giả hoặc quyền sở hữu tác phẩm. Để đăng ký một tác phẩm, tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả phải nộp đơn đăng ký lên Cục Bản quyền tại Hà Nội. Đơn đăng ký phải tuân theo hình thức do Bộ Văn hoá Thông tin quy định và có kèm theo giấy tờ chứng minh quyền tác giả/quyền sở hữu tác phẩm, và phải nộp phí đăng ký. Trong trường hợp Cục Bản quyền chấp thuận đơn đăng ký thì tổ chức hoặc cá nhân sở hữu giấy chứng nhận đăng ký tác phẩm sẽ đương nhiên được coi là chủ sở hữu hợp pháp đối với tác phẩm trong trường hợp có tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu tác phẩm.

6.8 Chuyển nhượng Quyền tác giả và Chuyển Quyền sử dụng tác phẩm

Tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm, hoặc cho phép người khác sử dụng các quyền đối với tác phẩm này dưới hình thức văn bản, hoặc chuyển quyền sử dụng cho người khác để sử dụng quyền tác giả hoặc quyền liên quan. Bên nhận chuyển quyền sử dụng đối với quyền tác giả hoặc quyền liên quan đối với tác phẩm có thể chuyển giao lại các quyền sử dụng đối với tác phẩm này với điều kiện có sự đồng ý của tác giả (hoặc của chủ sở hữu tác phẩm).
Trong trường hợp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có đồng chủ sở hữu thì việc chuyển nhượng hoặc chuyển quyền sử dụng phải có sự thoả thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu. Nếu có đồng chủ sở hữu nhưng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có quyền chuyển quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác.

6.9 Hợp đồng Chuyển nhượng và Sử dụng Tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

Hợp đồng chuyển nhượng hoặc chuyển quyền sử dụng tác phẩm phải được lập thành văn bản và phải bao gồm những nội dung chủ yếu sau: Tên và địa chỉ đầy đủ của Bên chuyển nhượng/Bên được chuyển nhượng và Bên chuyển quyền/Bên được chuyển quyền; Căn cứ chuyển nhượng; Giá, phương thức thanh toán; Quyền và nghĩa vụ của các bên; Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Những hợp đồng này không cần phải qua thủ tục đăng ký mới phát sinh hiệu lực pháp lý. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là quyền nhân thân không là đối tượng của việc chuyển nhượng/chuyển quyền sử dụng tác phẩm, trừ quyền công bố tác phẩm.

6.10 Hành vi vi phạm quyền tác giả và Thực thi quyền tác giả

Tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm có quyền yêu cầu bảo hộ đối với bất kỳ hành vì nào dưới đây được thực hiện mà không có sự cho phép của mình:

(i) Chiếm đoạt quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng;
(ii) Mạo danh người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
(iii) Công bố, sản xuất và phân phối cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
(iv) Sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào đối với cuộc biểu diễn gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.
(v) Sao chép, trích ghép đối với cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
(vi) Dỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.
(vii) Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện để bảo vệ quyền liên quan của mình.
(viii) Phát sóng, phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng cuộc biểu diễn, bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm, ghi hình khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử đã bị dỡ bỏ hoặc đã bị thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.
(ix) Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó giải mã trái phép một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
(x) Cố ý thu hoặc tiếp tục phân phối một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá khi tín hiệu đã được giải mã mà không được phép của người phân phối hợp pháp.

Trong trường hợp quyền tác giả bị vi phạm, tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm có quyền thực hiện các biện pháp sau đây để bảo về quyền tác giả của mình:
(i) áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
(ii) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
(iii) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
(iv) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

6.11 Bảo hộ quyền tác giả đói với các tác phẩm nước ngoài

6.11.1 Công ước quốc tế và điều ước quốc tế

Đến nay, Việt Nam đã là thành viên của các công ước quốc tế sau đây về bảo hộ quyền tác giả:

(i) Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm Văn học Nghệ thuật;
(ii) Công ước Brussels liên quan đến việc phân phối tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh;
(iii) Công ước Gênva bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống việc sao chếp không được phép bản ghi âm của họ;
(iv) Công ước Rome bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng;
(v) Thảo thuận TRIPS về những khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ.

Theo đó, tác phẩm của thể nhân và pháp nhân nước ngoài sẽ được bảo hộ tại Việt Nam nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
(i) Tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác;
(ii) Tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam;
(iii) Tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

6.11.2 Hiệp định về quyền tác giả Việt – Mỹ

Ngày 27 tháng 6 năm 1997, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký một Hiệp định song phương về bảo hộ quyền tác giả (Hiệp định). Hiệp định này có hiệu lực từ ngày 23 tháng 12 năm 1998 với những trao đổi ngoại giao đáng chú ý giữa hai bên. Hiệp định đã tạo cơ sở pháp lý cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm của Hoa Kỳ tiến hành các hành vi pháp lý chống lại các hành vi sao chép bất hợp pháp các tác phẩm của mình ở Việt Nam. Tác giả và chủ sở hữu tác phẩm Việt Nam cũng có các quyền tương tự ở Hoa Kỳ.

Hiệp định bảo hộ đối với: (i) các tác phẩm được bảo hộ hoặc ở Việt Nam hoặc ở Hoa Kỳ; (ii) các tác phẩm lần đầu tiên được công bố hoặc ở Việt Nam hoặc ở Hoa Kỳ; và (iii) các tác phẩm được công bố lần đầu tiên ở một trong các nước thành viên của Hiệp định song phương về quyền tác giả mà Việt Nam hoặc Hoa Kỳ là thành viên, miễn là chủ sở hữu quyền tác giả của các tác phẩm này yêu cầu Chính phủ Việt Nam hoặc Hoa Kỳ bảo hộ các tác phẩm của mình trong vòng 1 năm kể từ ngày tác phẩm được công bố lần đầu tiên.

Hiệp định cũng quy định rằng tác phẩm của Hoa Kỳ hoặc Việt Nam lần đầu tiên được công bố ở Việt Nam hoặc Hoa Kỳ, trước khi Hiệp định này có hiệu lực, cũng được bảo hộ quyền tác giả, miễn là những tác phẩm này chưa trở thành tài sản công cộng. Tuy nhiên, bất kỳ một hành vi vi phạm quyền tác giả nào được thực hiện trước ngày Hiệp định này có hiệu lực thì không bị coi là hành vi vi phạm quyền tác giả.

Hiệp định cũng đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với các bên, thông qua hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia, trong việc thực thi quyền tác giả trong phạm vi lãnh thổ của mình bằng cách:

(1) ban hành các biện pháp xử lý mang tính bước đầu và lâu dài trong phạm vi thủ tục dân sự lệnh đình chỉ tạm thời, lệnh đình chỉ vô thời hạn, việc bồi thường thiệt hại, tịch thu và tiêu huỷ hàng vi phạm, vật liệu và máy móc được sử dụng để tạo ra chúng;
(2) ban hành các quy định về thủ tục hình sự và các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn người vi phạm quyền tác giả khỏi việc sao chép quyền tác giả vì mục đích thương mại, bao gồm việc áp dụng các biện pháp xử phạt và phạt tù thích đáng nhằm ngăn chặn, tịch thu và tiêu huỷ hàng vi phạm, vật liệu và máy móc được dùng để tạo ra chúng; và
(3) ban hành các biện pháp thực thi quyền có hiệu quả tại vùng biên giới của mình, đưa ra quy định về tịch thu và tiêu huỷ hàng hoá vi phạm đang trong quá trình quá cảnh hoặc chuẩn bị xuất khẩu hoặc nhập khẩu.

Với những biện pháp thực thi quyền như trên, Hiệp định này đã đem lại cho chủ sở hữu quyền tác giả Hoa Kỳ mức độ bảo hộ quyền tác giả cao hơn so với chủ sở hữu quyền tác giả Việt Nam theo pháp luật Việt Nam.

6.11.3 Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA)

Sau Hiệp định song phương về bảo hộ quyền tác giả, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết một Hiệp định song phương về quan hệ thương mại giữa hai nước (BTA), đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ kinh tế-thương mại song phương giữa hai nước. Việc ký kết Hiệp định BTA tạo điều kiện cho Việt Nam hội nhập vào kinh tế khu vực và toàn cầu, và được coi là một bước tiến lớn của Việt Nam nhằm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hiệp định này được ký kết ngày 13 tháng 7 năm 2000 và có hiệu lực vào ngày 10 tháng 11 năm 2001.

Hiệp định có một chương về sở hữu trí tuệ trong đó ghi nhận các điều khoản về quyền tác giả và các quyền liên quan, với những quy định khá toàn diện và đầy đủ trong lĩnh vực quyền tác giả và dựa trên cơ sở Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật. Cụ thể:

(1) Đưa ra định nghĩa cụ thể về tác phẩm được bảo hộ, theo đó Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ bảo hộ mọi tác phẩm có sự thể hiện nguyên gốc theo định nghĩa quy định tại Công ước Berne;
(2) Bổ sung quyền đối với tác phẩm cho người được hưởng quyền tác giả, cụ thể là tác giả hoặc người được thừa kế quyền tác giả có quyền cho phép hoặc cấm:
– Nhập khẩu bản sao tác phẩm vào lãnh thổ nước mình;
– Phân phối công khai lần đầu bản gốc và mỗi bản sao tác phẩm dưới hình thức bán, cho thuê hoặc các hình thức khác;
– Truyền đạt tác phẩm tới công chúng; và
– Cho thuê bản gốc hoặc bản sao chương trình máy tính nhằm mục đích thương mại.
(3) Quy định về thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm (trong trường hợp không căn cứ theo đời người) là không ít hơn 75 năm kể từ khi kết thúc năm lịch mà tác phẩm được công bố hợp pháp lần đầu tiên, hoặc không ít hơn 100 năm kể từ khi kết thúc năm lịch mà tác phẩm được tạo ra (trong trường hợp tác phẩm không được công bố hợp pháp trong vòng 25 năm kể từ khi tác phẩm được tạo ra).
(4) Quy định cụ thể về vấn đề thực thi quyền tác giả theo các thủ tục và chế tài trong tố tụng dân sự và hành chính, các thủ tục tố tụng hình sự và hình phạt cũng như áp dụng các biện pháp tạm thời để ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền tác giả, thực thi quyền tác giả tại biên giới và hợp tác kỹ thuật để tăng cường chế độ bảo hộ và thực thi quyền tác giả.

Trong trường hợp có xung đột giữa các quy định của BTA và Hiệp định song phương về quyền tác giả, thì các quy định của BTA được ưu tiên áp dụng.

Với sự ra đời của Hiệp định BTA cùng các điều khoản về quyền tác giả và các quyền liên quan, hoạt động bảo hộ và thực thi quyền tác giả ở Việt Nam sẽ được tăng cường và điều này là phù hợp với xu hướng quốc tế.

6.11.4 Bản ghi nhớ

Ngoài các công ước quốc tế và hiệp định song phương về bảo hộ quyền tác giả nêu trên, Việt Nam cũng đã ký kết một số Bản ghi nhớ sau đây với các quốc gia về vấn đề bảo hộ quyền tác giả:

(i) Bản ghi nhớ giữa Cục Sở hữu Trí tuệ Vương quốc Thái Lan và Cục bản quyền Việt Nam về hợp tác trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan;
(ii) Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan giữa Cục bản quyền Tác giả Việt Nam và Cục bản quyền quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa;
(iii) Bản ghi nhớ giữa Cục Sở hữu Vương quốc Thái Lan và các cơ quan liên quan của Việt Nam về hợp tác thúc đấy và bảo hộ sở hữu trí tuệ.