Ban Nha Nong
1. Khái niệm về phân hữu cơ:
Phân hữu cơ là loại phân chứa những chất dinh dưỡng ở dạng những hợp chất hữu cơ.
2. Các loại phân hữu cơ chủ yếu:
Phân chuồng: bao gồm các loại phân của gia súc (Trâu, Bò, Heo, Ngựa …)
Phân bắc: là loại phân bón do con người thải ra.
Phân gia cầm: là những loại phân do gia cầm thải ra (Gà, Vịt, Cút, Chim …)
Phân xanh: là những sản phẩm thu được từ xác của các cây xanh mục nát.
Than bùn: là những loại phân chế biến từ than bùn.
Phân rác: là những sản phẩm thu được từ rác thành phố.
Các phụ phẩm công nghiệp (các phụ phẩm từ công nghiệp sản xuất đường và bột ngọt).
3. Hiệu quả của các loại phân hữu cơ:
a. Hiệu quả của phân chuồng:
Bón phân chuồng có thể cung cấp trực tiếp chất dinh dưỡng cho cây, làm tăng năng suất và phẩm chất cây trồng. Sau khi phân giải trong đất, chất hữu cơ sẽ sinh ra một chất gọi là keo mùn. Trong đất keo mùn có tác dụng liên kết các hạt đất lại biến thành một kết cấu vững bền – nhờ đó làm tăng khả năng giữ nước và giữ các chất màu có trong đất, làm cho đất tơi xốp và thoáng khí.
Đặc biệt, bón phân hữu cơ làm tăng số lượng và cường độ hoạt động của vi sinh vật trong đất, góp phần làm tăng thêm hàm lượng các chất dinh dưỡng dễ tiêu cho cây trồng.
Bón phân chuồng có tác dụng cải thiện tính chất vật lý của đất, có hiệu quả rất rõ đối với các loại đất xám bạc màu, đất chua mặn, đất mặn và các loại đất bị rửa trôi xói mòn.
b. Hiệu quả của phân bắc:
Rất có hiệu quả với nhiều loại cây trồng, nhưng cần chú ý ủ cho thật hoai để bảo đảm vệ sinh.
c. Hiệu quả của phân gia cầm:
Phân giải nhanh trong khi ủ và sau khi bón vào đất. Hàm lượng dưỡng chất cao hơn so với các loại phân hữu cơ khác. Đặc biệt trong phân gia cầm có nhiều nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho cây trồng. Phân gia cầm làm tăng nhanh năng suất và chất lượng nông sản.
d. Hiệu quả của phân xanh:
Cung cấp dinh dưỡng, làm tăng năng suất cây trồng (sau khi cày vùi các loại cây phân xanh).
Có tác dụng tăng vụ canh tác (ví dụ trồng thêm các loại cây họ đậu …)
Cải thiện đất đai.
Trồng cây phân xanh có tác dụng phủ đất chống xói mòn.
e. Hiệu quả của phân than bùn:
Than bùn có tác dụng tăng năng suất cây trồng và cải tạo được tính chất lý hóa của đất.
Tùy theo phương pháp chế biến than bùn sẽ có hiệu lực khác nhau đối với cây trồng.
Phân chế biến từ than bùn có thể tăng năng suất từ 10 – 25%.
f. Hiệu quả của phân rác:
Phân rác có hiệu lực chậm hơn so với các loại phân hữu cơ khác, nhưng có tác dụng cải thiện tính chất vật lý của đất, cung cấp thêm chất mùn cho đất.
g. Hiệu lực của các loại phân phụ phẩm công nghiệp :
Cung cấp thêm hàm lượng chất hữu cơ và dinh dưỡng cho cây trồng.
B/ PHÂN VI SINH
1. Khái niệm về phân vi sinh:
Phân vi sinh vật (VSV) là chế phẩm có chứa một hoặc nhiều chủng VSV sống, có ích cho cây trồng đã được tuyển chọn, có sức lao động cao, sử dụng bón vào đất hoặc xử lý cho cây để cải thiện hoạt động của VSV trong đất vùng rễ cây nhằm tăng cường sự cung cấp các chất dinh dưỡng từ đất cho cây trồng, cung cấp chất điều hòa sinh trưởng, các loại men, vitamine có lợi cho các quá trình chuyển hóa vật chất, cung cấp các chất kháng sinh để giúp cho cây trồng có khả năng chống chịu các loại sâu bệnh hại, góp phần nâng cao năng suất, phẩm chất nông sản và tăng độ màu mỡ của đất.
2. Các loại phân vi sinh chủ yếu:
a. Phân vi sinh vật cố định đạm (N):
Khái niệm: đó là các loại chế phẩm có chứa VSV cố định N sống được đưa vào đất hoặc rễ cây để tăng cường sự cố định N của khí trời nhằm cung cấp thêm đạm cho cây trồng.
Có 3 loại phân VSV cố định đạm (N):
Loại 1: Phân VSV cố định đạm cộng sinh với cây họ đậu.
Ví dụ: Phân Nitragin, Rhidafo… có tác dụng 1) làm tăng khả năng xâm nhập của các VSV vào hệ rễ của các cây họ đậu; 2) làm tăng khả năng cố định N của cây, cung cấp nhiều N cho cây trồng.
Loại 2: Phân VSV cố định N sống tự do.
Ví dụ: Phân Azotobacterin có tác dụng 1) xử lý hạt giống; 2) làm tăng năng suất từ 5 – 10%;
Loại 3: Các vi khuẩn Lam cố định đạm (Tảo Lam).
b. Các loại phân vi sinh vật phân giải lân:
Khái niệm: các loại phân có chứa các chủng VSV có khả năng phân giải các hợp chất hữu cơ có chứa lân (Phosphore), phân giải chất lân khó tan thành dễ tan cho cây trồng có khả năng hấp thu được.
Tác dụng:
o Tăng cường cung cấp thêm lân (P) dễ tiêu cho cây trồng.
o Tăng cường sức hoạt động của các loại VSV khác trong đất.
o Cung cấp các chất điều hòa sinh trưởng.
o Cung cấp các chất kháng sinh phòng chống sâu bệnh hại.
c. Phân vi sinh vật phân giải Kali:
Khái niệm: là phân hay chế phẩm có chứa các chủng VSV có khả năng phân giải các hợp chất chứa kali (ví dụ: Silicat) thành các muối kali dễ tan cây có thể sử dụng được.
Tác dụng:
o Cung cấp chất kali dễ tiêu cho cây trồng, góp phần tăng năng suất và phẩm chất nông sản.
o Cung cấp chất điều hòa sinh trưởng và chất kháng sinh cho cây trồng.
o Phối hợp với các loại phân VSV khác để cải thiện tính chất đất.
d. Phân vi sinh vật phân giải Xenluloza:
Khái niệm: là loại phân hay chế phẩm có chứa nhiều loại nấm và xạ khuẩn có khả năng phân giải mạnh chất xenluloza.
Tác dụng:
o Chế biến phân rác, ủ phân chuồng.
o Tăng cường quá trình phân giải các xác bã thực vật trong đất.
o Cung cấp các dưỡng chất dễ tiêu cho cây trồng, cải thiện độ màu mỡ của đất.
Vietnamese Website