Bám biển

Khi tiếp xúc, phỏng vấn nhiều nguồn tin, từ thân nhân của những người gặp nạn, cơ quan chức năng, chúng tôi được biết, tàu cá BTh-97478TS của ông Toàn bị nạn từ ngày 10.7, nhưng đến 12.7, người nhà mới hay tin. Lúc bị nạn, trên tàu có 15 thuyền viên.

Thông tin này đã gây rúng động làng biển Phan Thiết và tối 12.7, hàng trăm ngư dân, trong đó có người nhà của các thuyền viên ngồi ở cửa biển Cà Ty nghe ngóng tin người thân trở về. Khuya ấy, không thấy bóng dáng ngư dân nào về bờ! Người dân ở khu Văn Thánh, P.Phú Tài, nơi hầu hết các ngư dân sống tại đây, đều thất vọng vì đã 4 – 5 ngày nhưng các lực lượng tìm kiếm vẫn chưa có tin tức gì về người bị nạn.

Ngày thứ 6, một tàu cá Bình Định tìm thấy một thuyền thúng vẫn còn 4 người sống sót. Thông tin đến với ngư dân vỡ òa khi tên tuổi những người còn sống được công bố. Ngày thứ 12, lại có tin tìm thấy 5 người còn sống. Hạnh phúc đến với những gia đình khi có người thân còn may mắn sống sót, bên cạnh nỗi đau hằn sâu trong lòng của những gia đình người thân không qua khỏi.

Quảng cáo

Vì nhiều lý do, ngư dân ở Phan Thiết nói riêng, Bình Thuận nói chung đã chuyển đổi nghề. Nhưng vẫn có những gia đình, nhiều đời vẫn tiếp nối với nghề biển truyền thống. Tuy vậy, điểm chung ở họ là… nghèo, như gia đình ông Nguyễn Thanh Là (66 tuổi, P.Phú Tài), gia đình có 4 người là chú cháu cùng bị nạn. Ông Là có một người em ruột, một đứa con lớn tử vong ngay trên chiếc thuyền thúng do kiệt sức. Nhưng may mắn, biển cả đã “trả về” cho ông 2 người con trai là Nguyễn Thành Luyến và Nguyễn Thành La. Cả nhà ông Là đều đi biển. Các con ông bị nạn lần này là lần thứ 2. Vào sinh ra tử như vậy, nhưng khi hỏi ông còn đi biển nữa không, ông dứt khoát “đi chứ”. Ông kể, ngay cả khi thoát chết năm 2014. Các con ông làm bờ tới 2 năm, nhưng rồi nhớ biển, lại ra khơi.

Trước những hiểm nguy nêu trên, cần có cơ chế đặc thù để chăm lo, khuyến khích ngư dân bám biển. Vì biển không chỉ là nhà, mà biển còn là Tổ quốc, là quê hương.