Bài viết chi tiết

 Hiện nay tại Quảng Ninh, các rừng hồi trên địa bàn tỉnh đã có dấu hiệu già cỗi cho năng suất thấp. Bên cạnh nguyên nhân do ảnh hưởng của tuổi cây, công tác chăm sóc quản lý còn nhiều bất cập thì việc sử dụng  giống cây hồi không đảm bảo (do chưa qua chọn lọc, khảo nghiệm, cây giống chủ yếu gieo tạo từ hạt nên cây cao, khó thu hoạch) cũng là nguyên nhân quan trọng làm giảm chất lượng rừng trồng. Sử dụng cây giống hồi ghép giúp cải thiện được một số nhược điểm còn tồn tại ở những vùng sản xuất hồi hiện nay, cây giống hồi ghép nhanh cho thu hoạch, phân cành thấp sẽ khắc phục được tình trạng cây cao khó thu hái… qua đó khai thác được tiềm năng sản xuất của tỉnh.

Ảnh minh họa

 1. Phương thức trồng (có 03 phương thức)

 – Trồng thuần loài tập trung dưới tán rừng nghèo kiệt sau khai thác, rừng phục hồi hoặc đất trống có cây gỗ tái sinh.

 – Trồng thuần loài tập trung xen cây nông nghiệp (chè, gừng, lúa,…) trên đất nương rẫy.

 – Trồng phân tán trong các vườn hộ: trồng quanh nhà, trồng xen cây ăn quả.

 2. Chọn đất trồng

 Vùng đồi núi có độ dốc từ 15-30%; độ cao tuyệt đối từ 200-800m so với mực nước biển; lượng mưa hàng năm từ 1.200-1.500mm; nhiệt độ trung bình từ 20-22oC; những vùng nóng quá hồi không phát triển được. Không trồng hồi trên đất phong hóa từ đá vôi, trên đỉnh đồi và trong các khe sâu (không đủ ánh sáng, độ ẩm quá cao). Hồi là cây chịu bóng trong giai đoạn đầu (2-3 năm), độ tàn che 0,3-0,5

 3. Xử lí thực bì

 – Xử lí thực bì phải được tiến hành trước khi trồng rừng từ 2-3 tháng.

 – Phát dọn theo rạch hoặc theo hố.

 – Trồng cây theo hình Ziczac (Z) sát mép băng.

 4. Mật độ và thời vụ trồng

 – Cự li trồng: Cây cách cây trong hàng 4 m; hàng cách hàng 5m.

 – Mật độ cây trồng: 500 cây/ha.

 – Thời vụ trồng: Vụ xuân (tháng 2-3) và vụ thu (tháng 7-8). Tiến hành trồng vào những ngày râm mát, có mưa, đất ẩm, tránh trồng vào những lúc mưa lớn, những ngày trời nắng và khô hanh.

 5. Trồng cây

 (1) Chuẩn bị hố trồng

 – Khi cuốc để riêng phần đất tốt, tơi xốp ra một bên.

 – Đào hố (quy cách hố trồng) có kích thước 40x40x40cm.

 – Lấp 2/3 hố bằng đất tốt khi cuốc lên và đất xung quanh cùng với cỏ rác, thảm khô mục lấp phần đáy hố; mỗi hố bón lót 0,2 kg phân NPK 5-10-3 + 0,5 kg phân hữu cơ vi sinh; rải phân trộn đều rồi lấp đất đến miệng hố.

 – Vun đất theo hình mu rùa.

 (2) Chọn cây giống

 – Tuổi cây 24-30 tháng tuổi; chiều cao vút ngọn 60-80 cm; chiều dài cành ghép 25-40 cm; đường kính gốc 1,6-1,8 cm; kích cỡ bầu ươm 15 x 20cm.

 – Cây sinh trưởng tốt, vết ghép liền sẹo, không sâu bệnh. Cây đã qua huấn luyện đảo bầu, hạn chế tưới nước trước khi xuất vườn.

 – Cây giống sử dụng cần có hồ sơ nguồn gốc về mắt ghép rõ ràng. Mắt ghép được lấy từ vườn cây đầu dòng.

 (3) Cách trồng

 – Dùng cuốc hoặc xẻng bới 1 lỗ giữa hố sâu bằng chiều cao của bầu cây trồng (Sau khi chuẩn bị hố trồng từ 2-4 tuần). Dùng dao rạch bầu cây và không được làm vỡ bầu. Mỗi hố trồng 1 cây, đặt cây thẳng đứng trong lòng hố, miệng bầu thấp hơn miệng hố 1cm. Nén chặt xung quanh bầu, vun lấp đất mặt xung quanh cao hơn cổ rễ 2-3cm

 – Trồng xong dùng cỏ khô hoặc bẻ cành lá ở xung quanh tủ gốc hồi để giữ độ ẩm cho cây.

 – Sử dụng cây, que chằng néo thân cây để hạn chế việc làm gãy mắt ghép do gió, gia súc tác động.

 – Sau 1 tháng trồng, sử dụng dao lam để tháo dây ghép tại vị trí ghép giúp cây vận chuyển dinh dưỡng dễ dàng hơn, hạn chế việc bị thắt tại vị trí ghép.

 6. Chăm sóc, bảo vệ rừng

 (1) Chăm sóc rừng trồng

 Cây Hồi cần được chăm sóc thường xuyên để bảo đảm tỷ lệ sống và điều kiện sinh trưởng. Các nội dung chăm sóc chính gồm: Phát dọn thực bì, cắt dây leo cạnh tranh với cây trồng trên toàn diện tích; Xới cỏ, vun đất xung quanh gốc; Bón thúc (tính cho 01 gốc): 0,2 kg phân NPK 5-10-3 + 0,5 kg phân hữu cơ vi sinh.

 – Thời gian chăm sóc 2 lần/năm, thường vào đầu mùa mưa và cuối mùa khô. Biện pháp chăm sóc chủ yếu là làm cỏ xới đất quanh gốc, vun gốc để làm đất tơi xốp, giữ ẩm…

 (2) Bảo vệ rừng trồng

 Rừng hồi được bảo vệ liên tục tới khi thu hoạch, đặc biệt nghiêm ngặt trong 3 năm đầu. Chú ý phòng chống cháy rừng và không chăn thả trâu bò trong rừng.

 Một số lưu ý khi trồng:

 – Trồng cây vào những ngày có mưa nhỏ hoặc râm mát. Tránh trồng vào những lúc trưa nóng hoặc có gió mùa Đông bắc.

 – Bổ trí trồng cây từ trên đỉnh xuống chân đồi (từ trên xuống dưới).

 – Lượng cây giống dự phòng được ươm lại trong chỗ râm mát và tưới ẩm thường xuyên để tiến hành trồng dặm.

 – Đối với rừng trồng năm đầu cần trồng dặm những cây chết nhằm đảm bảo mật độ trồng rừng./.