Bài văn nghị luận về đồng cảm và chia sẻ chọn lọc hay nhất

Đồng cảm và sẻ chia là một trong những đức tính tốt đẹp của người Việt Nam. Đó là một đức tính cần thiết để cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, đáng sống hơn. Dưới đây là những bài văn mẫu nghị luận về đồng cảm và chia sẻ được Luật Minh Khuê chọn lọc hay nhất.

1. Bài số 1

Một nhà văn Nga đã từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương.” Tình yêu thương là sợi dây gắn kết người với người và để cho tình yêu thương còn mãi thì trong cuộc sống cần phải có sự đồng cảm và sẻ chia. 

“Đồng cảm” là cùng có chung một lối cảm xúc, cảm nghĩ. Người đồng cảm là người biết rung cảm trước những vui buồn của người khác, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu và cảm thông với họ. Còn “sẻ chia” là cùng chia sẻ với nhau những niềm vui, những nỗi buồn. Một người biết sẻ chia là người biết cùng người khác san sẻ vui buồn, tình cảm, tâm hồn với nhau, đặc biệt là sẻ chia những lúc gặp khó khăn, gian nan. 

Đồng cảm và sẻ chia có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Người ta thường sẽ phải đồng cảm trước rồi mới sẻ chia với nhau, đó không phải là điều gì đó xa vời với cuộc sống của chúng ta. Đồng cảm không phải thứ quá cao thượng, đôi khi đồng cảm đơn giản chỉ là một ánh mắt, một nụ cười khích lệ, một cái siết tay thật nhẹ, một cái ôm và một lời nói. Bất kỳ ai cũng có thể đồng cảm sẻ chia với người khác dù cho có là người xa lạ đi chăng nữa. Khi rời xa gia đình để đến một thành phố xa lạ nhập học, nỗi nhớ nhà khiến người ta đồng cảm với nhau và xích lại gần nhau hơn. Đồng cảm sẻ chia sẽ kéo gần khoảng cách giữa người với người và là khởi nguồn cho những điều tốt đẹp. Trong gia đình, sự thấy hiểu những lo lắng yêu thương của ba mẹ và hành động dù rất nhỏ là giúp đỡ sẻ chia với ba mẹ nhất định sẽ đem đến niềm vui. Đồng cảm, sẻ chia trong các mối quan hệ là chất keo dính bền chặt, lâu dài. Có đồng cảm, sẻ chia với nhau thì mới thấu hiểu cho nhau, tin tưởng và sẵn sàng đồng hành. 

Được đồng cảm sẻ chia, con người sẽ có thêm sức mạnh và niềm tin để vượt qua trở ngại, khó khăn. Có thể bạn không biết nhưng một hành động rất nhỏ thôi cũng có thể cứu vớt một tâm hồn đang tuyệt vọng. Tuy có thứ này với bạn không là gì cả nhưng với người khác lại là ước mơ mà cả đời sẽ không bao giờ có được. Hãy đặt mình vào vị trí của những người bất hạnh hơn, bạn sẽ không chỉ cảm thông với số phận của họ mà còn biết yêu quý, trân trọng những gì mà mình đang có. 

Khi bạn biết yêu thương, sẻ chia bạn sẽ trở nên bao dung hơn, chín chắn và trưởng thành hơn. Cuộc đời của người được nhận tươi sáng hơn, cuộc đời của người cho đi lại càng tươi sáng hơn nữa. Bởi lẽ “Yêu thương cho đi là yêu thương giữ được mãi mãi.” Bên cạnh việc làm cho cuộc đời mỗi cá nhân trở nên tốt đẹp, đồng cảm sẻ chia còn tạo nên sức mạnh cộng đồng. Chúng ta không thể khống chế thiên tai, lũ lụt nhưng sự sẻ chia của tất cả mọi người có thể chống lại hậu quả mà nó gieo rắc. Những chi phí và lương thực cứu trợ gửi đi mỗi năm cho đồng bào thiên tai chính là biểu hiện cụ thể của sự đồng cảm sẻ chia, là sợi dây gắn kết anh em ba miền Bắc – Trung – Nam của dân tộc Việt Nam. 

Nếu không có đồng cảm sẻ chia thì bạn bè sẽ chẳng bao giờ thấy vui trước thành công của nhau, thay vào đó sẽ là sự ghen ghét đố kị. Người thầy chỉ lên lớp để hoàn thành công việc của mình mà không quan tâm chia sẻ với học sinh, hay người bác sĩ không bao giờ đồng cảm, sẻ chia với bệnh nhân của mình. Xung quanh ta có biết bao người luôn sẵn sàng đồng cảm, sẻ chia với người khác. Những chương trình “Trái tim cho em”, “Thắp sáng niềm tin”, Hiến máu tình nguyện: Những món quà trao đi cho những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh chính là biểu hiện chân thực cảm động nhất của những tấm lòng đẹp biết đồng cảm sẻ chia trong cuộc sống hiện nay. 

Nhưng đâu đó vẫn có những người chỉ ích kỷ lo cho lợi ích của riêng mình. Họ từ chối và tìm cách biện minh cho sự thờ ơ vô cảm của bản thân. Như vậy, cuộc đời của họ trở nên vô nghĩa, họ sống mà chỉ như đang tồn tại. 

Mỗi chúng ta không thể sống mà cô độc một mình. Hãy tập cho mình thói quen lắng nghe để đồng cảm, sẻ chia. Hãy dành một khoảng thời gian để bước chậm lại giữa thế gian vội vã, để dừng chân bên đời cuộc đời, dành cho nhau một chút ấm áp ngọt ngào. Sẻ chia nỗi buồn và sẻ chia cả niềm vui để cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn. Bởi “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. 

 

2. Bài số 2

Ngày nay xã hội đang trong thời kỳ hội nhập và phát triển, cuốn theo nhiều sự thay đổi. Từ nhịp sống bề bộn, bon chen cho đến những truyền thống, đạo lý làm người cũng đang bị xoay vần. Trong xã hội ấy con người dường như đã trở nên thờ ơ, ít quan tâm với cuộc sống của người khác, song cuộc sống vốn không có gì tuyệt đối bởi vậy bên cạnh đó cũng có hàng triệu trái tim đã cất lên tiếng nói yêu thương, đang lắng mình để nhìn quanh, đồng cảm sẻ chia với những người kém may mắn hơn, để phát huy truyền thống tốt đẹp mà xưa nay cha ông ta vẫn luôn gìn giữ. 

Đồng cảm, sẻ chia là những cảm xúc xuất phát từ trái tim con người, nhưng làm sao để có thể hiểu được nhịp đập của từng trái tim, cho nên mọi cách hiểu về nó chỉ mang tính khái quát mà thôi. Có thể hiểu đơn giản đồng cảm là biết rung cảm trước những vui buồn của người khác, hiểu và cảm thông với những gì đang diễn ra xung quanh cuộc đời họ và luôn đặt mình trong hoàn cảnh của người khác để nhìn nhận vấn đề, từ đó thể hiện thái độ quan tâm của mình. 

Từ lâu tinh thần đồng cảm và sẻ chia đã trở thành nhu cầu của con người Việt Nam nhân ái, nồng hậu. Đến ngày nay, điều đó vẫn luôn thường trực trong nếp sống của người Việt. Lúc trước, dân ta còn trong cảnh thiếu thốn lương thực thực phẩm, họ vẫn san sẻ cho nhau từng miếng cơm, hạt muối. Ngày nay nét đẹp ấy vẫn còn được bảo tồn và phát huy, nhiều ngôi nhà tình nghĩa được mọc lên, nhiều trường học dành riêng cho các trẻ em khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn trong học tập và phát triển. 

Để thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam một tổ chức chính trị có vai trò tập hợp, tăng cường khối đoàn kết toàn dân cũng đã đứng ra phát động và thành lập quỹ “Vì người nghèo” để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, bức bách, đời sống cơ cực vượt lên số phận để sống một cuộc đời như những người bình thường khác, thậm chí đã vực dậy không biết bao nhiêu cảnh đời đen bạc mà chính họ cũng cảm thấy gần như mọi thứ đã quay lưng lại với cuộc đời họ. Từ ngày được thiết lập, tài khoản của quỹ ngày càng nhận được nhiều đóng góp của những cá nhân, tập thể, từ những em bé học mẫu giáo cho đến những cụ già về hưu, từ những người dân trong nước đến những người Việt kiều xa quê hương. Mang thông điệp yêu thương, phong trào ấy đã trở thành nguồn động lực để người nghèo phấn đấu thoát nghèo, rũ bỏ cuộc sống cơ hàn, vươn lên xây dựng cuộc sống tươi mới hơn, tốt đẹp hơn. 

 

3. Bài số 3

“Sống trên đời cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…” (Trịnh Công Sơn). Hiện tại, cuộc sống của mỗi người thật ngắn ngủi bởi những lo toan, bộn bề, nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại mỗi ngày đã và đang cuônc con người vào vòng xoáy của nó. Gánh nặng cơm áo gạo tiền đang ghì chúng ta khiến chúng ta trở nên sống khép kín hơn, thậm chí nhiều khi là vô cảm. Tuy nhiên, chúng ta không nên quên rằng chúng cần phải có hơi ấm tình thương, mà tình thương ấy được biểu hiện qua sự đồng cảm, sẻ chia mà con người dành cho nhau. 

Đồng cảm là đặt bản thân mình vào vị trí của người khác để vui với niềm vui và buồn cùng nỗi buồn của họ. Dùng tấm lòng và trái tim để cảm nhận ta sẽ thấy đồng cảm không hề là một điều gì đó xa vời mà thực ra rất gần gũi đến mức ai cũng có thể bắt gặp trong đời sống hằng ngày. Sẻ chia là sự cho đi, quan tâm hay giúp đỡ người khác về vật chất và tinh thần bằng tất cả khả năng của mình, giúp họ vượt qua khó khăn hoạn nạn. Chỉ cần chúng ta có một tấm lòng thì dù sự chia sẻ của chúng ta dù nhỏ bé nhưng cũng được người khác trân trọng. 

Đồng cảm và sẻ chia có mỗi quan hệ chặt chẽ với nhau. Đồng cảm là biết rung cảm trước những vui buồn của người khác, là hiểu, cảm thông và luôn đặt mình trong hoàn cảnh của người khác để nhìn nhận vấn đề, từ đó thể hiện thái độ, sự quan tâm của mình. Đồng cảm xuất phát từ con tim xui khiến, mách bảo chúng ta hành động, tạo nên sự sẻ chia cùng người khác, san sẻ niềm vui, nỗi buồn, sẵn sàng có mặt khi người khác cần mình, không vô cảm, thờ ơ trước nỗi đau của họ, cũng không ganh ghét, đố kị với thành công, hạnh phúc. Khi ta học được cách đồng cảm và chia sẻ nghĩa là biết sống vì người khác cũng chính là lúc bản thân nhận được niềm vui, ta cảm thấy cuộc đời nời tươi đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. 

Ngày nay, bên cạnh bức tranh phát triển tươi sáng, đời sống nhân dân no đủ, vẫn còn đó những bức tranh có nhiều mảng tối, đồng bào ta ở nhiều nơi vẫn còn cảnh ăn đói mặc rét, trẻ em không có điều kiện đến trường, thiên tai lũ lụt, mất mùa liên miên khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, bệnh tật hoành hành. Lúc này, sự đồng cảm sẻ chia thể hiện qua các hành động thiết thực như nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân cùng lực lượng vũ trang đã chỉ đạo và trực tiếp tham gia phòng tránh thiên tai, kịp thời khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra. Nhiều nghĩa cử cao đẹp của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an nhân dân đã kịp thời sơ tán, cứu hộ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, thể hiện trách nhiệm, tình thương yêu, đùm bọc giúp đỡ đối với nhân dân vùng bị bão lũ tàn phá. 

Tuy nhiên bên cạnh những trái tim nhân ái, những tấm lòng thơm thảo một lòng muốn giúp đỡ, chia sẻ với đồng bào mình trong cơn khó khăn hoạn nạn thì vẫn còn không ít những kẻ cơ hội, lợi dụng tấm lòng, sự ủng hộ của nhân dân với đồng bào vùng thiên tai, đồng bào nghèo để biển thủ tiền ủng hộ đút túi riêng, hoặc nhân dịp này mà tranh thủ đánh bóng tên tuổi của mình. Chúng ta phải lên án mạnh mẽ những con người và việc làm như vậy và cũng cần sáng suốt để tránh bị lợi dụng, để sự giúp đỡ của chúng ta đến được với những người cần giúp. 

Trong cuộc sống, chúng ta không nên tự cô lập bản thân trong thế giới riêng nhỏ bé của mình. Hãy mở rộng tấm lòng, chia sẻ với người khác những niềm vui, nỗi buồn của mình, học cách lắng nghe, đồng cảm, sẻ chia với những buồn vui, khó khăn của người khác. Khi đó, ta sẽ thấy yêu đời và yêu người hơn, cuộc sống này ấm áp yêu thương và đáng sống biết bao. Vì ở đời “người với người sống để yêu thương nhau.” 

 

4. Bài số 4

Sự đồng cảm và sẻ chia trong xã hội hiện nay là những điều đem lại nhiều ý nghĩa to lớn và giá trị nhất cho con người, mỗi chúng ta đều có thể thấy như hiện nay xã hội ngày càng phát triển nhu cầu về sự hiểu biết và cũng chứa đựng nhiều những điều vô cùng phức tạp chính vì vậy sự đồng cảm và sẻ chia giữa con người với con người trong xã hội hiện nay là vô cùng quan trọng. 

Sự đồng cảm và thông cảm đều là những cung bậc cảm xúc của con người, mỗi chúng ta đều có thể thấy được điều đó, qua cách chia sẻ và những sự đồng cảm sâu sắc nhất, sự đồng cảm có thể được hiểu đó là sự cảm thông, thấu hiểu đối với con người với nhau, còn chia sẻ đó là đồng cam cộng khổ, và chia sẻ cay đắng ngọt bùi trong cuộc sống, đây chính là những điều đem lại nhiều ý nghĩa to lớn và quan trọng nhất của con người.

Sự đồng cảm và sẻ chia giúp cho con người rất nhiều trong cuộc sống này, những điều đó giúp cho họ thấu hiểu và cảm thông cho nhiều số phận trong cuộc đời này, giá trị đó đã đem lại nhiều những niềm tin to lớn đối với toàn nhân loại, cuộc sống của chúng ta đang ngập tràn và mang lại nhiều sự sống và mang tầm ảnh hưởng to lớn đối với mỗi cá nhân trong toàn xã hội. Sự đồng cảm giúp cho cuộc sống của chúng ta nhiều sự yêu thương và có sự san sẻ giữa con người với con người, nhưng điều đó không chỉ để cho chúng ta nhiều suy ngẫm mà cần phải thức tỉnh chúng ta học hỏi và cần phải phát huy được điều đó, luôn biết đồng cảm và yêu thương đối với mọi người xung quanh đó là những điều có ý nghĩa và da diết nhất cho con người. Sự đồng cảm và chia sẻ đều là những phạm trù rất hữu ích của mỗi người trong xã hội, đó là tiền đề và điều kiện sống mạnh mẽ giúp chúng ta vững bước trên cuộc sống và đường đời. 

Trong cuộc sống chúng ta thấy rất nhiều những tấm gương sáng họ luôn biết đồng cảm và sẻ chia cho những con người nghèo khổ, sẵn lòng giúp đỡ người khác như chủ tịch Hồ Chí Minh, và bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều người chỉ biết đến bản thân mình, sống cuộc sống không có nhiều ý nghĩa, đó là những điều cực kỳ không tốt và có thể ảnh hưởng đến nhiều người. 

Chúng ta cần biết san sẻ và đồng cảm với con người, cần mở rộng trái tim ra để yêu thương và chia sẻ cho nhiều số phận trong xã hội. 

 

5. Bài số 5

“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Chính tình thương, sự đồng cảm, đùm bọc, sẻ chia cho nhau những lúc khó khăn hoạn nạn sẽ giúp con người vượt qua được những nghịch cảnh trong cuộc sống. Đặc biệt, giữa cuộc sống xô bồ và hối hả như hiện nay, việc dành cho nhau những tình thương chân thành, trao cho nhau những ánh mắt yêu thương, những hành động vỗ về ấm áp lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. 

Đồng cảm là việc đặt mình vào vị trí của người khác, cảm nhận và thấu hiểu những niềm vui, nỗi buồn và tâm tư của họ. Chia sẻ chính là sự cho đi, khi người cho đồng cảm với những thiếu thốn vật chất và tinh thần của người gặp hoạn nạn, họ san sẻ mong góp phần giúp đỡ nạn nhân vượt qua những thử thách, vơi bớt phần nào bế tắc nơi họ. Những người biết đồng cảm và chia sẻ là những người có tấm lòng nhân hậu và chân thành nhất, biết yêu thương và nghĩ suy cho người khác. 

Mỗi người ai cũng có một trái tim yêu thương và muốn được yêu thương, bởi vậy mà sự đồng cảm sẻ chia cũng được thể hiện muôn hình vạn trạng. Xã hội sẽ đi về đâu nếu không có sự sẻ chia, mà khi trái tim con người không thổn thức trước cái đẹp, thờ ơ với những khó khăn trớ trêu của cuộc đời, xã hội vắng đi sự yêu thương nhau. Chính điều này sẽ bào mòn xã hội, bào mòn giá trị sống và nhân cách con người. Vì đồng tiền mà nhiều người vụ lợi, thu lợi nhuận trên mồ hôi công sức lao động của người khác, thậm chí buôn bán hàng giả, thực phẩm bẩn mà không quan tâm đến cảm xúc, nỗi lo lắng, thậm chí cả tính mạng của người tiêu dùng. 

Tình yêu thương, đồng cảm, sẻ chia luôn là bài ca ngọt ngào của cuộc sống, là những mầm non cho cây đời mãi xanh tươi. Cho đi và nhận lại luôn là hai kết quả trên một hành trình, mà ở đó kẻ cho và người nhận đều cảm thấy được sẻ chia, an lòng và hạnh phúc. Giữa con người với con người, hãy trân trọng và dành cho nhau cái tâm của tình người. 

 

6. Bài số 6

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi..” Thật ý nghĩa, bởi trong cuộc sống của chúng ta, việc bạn trao gửi tình yêu thương tới người khác sẽ giúp người nhận được hạnh phúc và giúp bạn trở thành một người tốt. Vì vậy hãy luôn sẻ chia, đồng cảm với mọi người, vì nếu bạn làm vậy với người khác thì họ cũng sẽ làm vậy với bạn. 

Sẻ chia là sự san sẻ, giúp đỡ, trao gửi những điều tốt đẹp từ bản thân đến người khác, đó có thể là sự trao gửi sự yêu thương, sự an ủi, là trao gửi những món quà, những niềm tin, hạnh phúc tới người khác, là trao cho họ sự lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống. Đồng cảm là sự cảm thông, trân trọng của bản thân đối với người khác, là cảm thông trước những khó khăn, bất hạnh trong cuộc đời họ, là cảm thông với những người đang cần sự an ủi từ bạn, là bạn sẵn lòng khuyên bảo, giúp đỡ họ khi họ gục ngã. 

Trong cuộc sống của chúng ta, sự sẻ chia và đồng cảm sẽ giúp con người xích lại gần nhau, giúp sợi dây của tình yêu thương được lan tỏa đến mọi người, đối với sự sẻ chia, trong cuộc sống bao đời nay của con người, nó luôn là sợi dây gắn kết mãnh liệt. Sự sẻ chia trong cuộc sống, giúp bạn tạo dựng mối quan hệ thân thiết với mọi người xung quanh, giúp bạn có thể sẵn sàng một lòng giúp đỡ, tôn trọng người khác. Trong học tập, sự sẻ chia giúp bạn trở thành một người được mọi người tôn trọng và yêu quý.

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có những kẻ không biết chia sẻ, đồng cảm với người khác. Những kẻ thấy người gặp khó khăn mà thờ ơ, vô cảm. Những người này đáng bị xã hội lên án, phê phán. Chúng ta phải tích cực học tập, rèn luyện tình yêu thương đối với con người trong mỗi chúng ta. Để cuộc sống của chúng ta tràn đầy tình yêu thương, sự giúp đỡ lẫn nhau. 

 

7. Bài số 7

Đồng cảm và biết sẻ chia là hai đức tính tốt đẹp truyền thống của người Việt Nam ta. Để cuộc sống trở nên có ý nghĩa và đáng sống, chúng ta cần có sự đồng cảm và sẻ chia. 

Đồng cảm là biết rung cảm trước những vui buồn của người khác, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu và cảm thông với họ, còn sẻ chia là cùng người khác san sẻ nỗi buồn, những trạng thái tình cảm, tâm hồn với nhau, cả sự chia sẻ những khó khăn về vật chất, giúp nhau trong hoạn nạn… Con người biết đồng cảm mới biết sẻ chia. 

Cuộc sống này luôn tồn tại những khó khăn, không phải ai cũng được sống sung sướng, hạnh phúc. Chính vì vậy, chúng ta luôn cần những sự đồng cảm đến từ trái tim, kể cả sự đồng cảm ấy có nhỏ bé đến thế nào đi chăng nữa. Nhưng dù là sự sẻ chia vật chất hay tinh thần cũng đều cần có sự xuất phát thật tâm từ tấm lòng của người giúp đỡ. Khi nhận được sự đồng cảm và sẻ chia đến từ người khác sẽ tiếp thêm sức mạnh để chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách hay những nghịch cảnh của cuộc đời. Một lời nói ấm áp có thể sưởi ấm cả mùa đông lạnh giá, giúp cho con người tưởng chừng như đang rơi vào đáy của vực sâu có thể mạnh mẽ bước tiếp và vươn đến thành công, hạnh phúc. Nhờ vậy, xã hội sẽ ngày một tốt đẹp, nhân văn hơn. 
Qua những phân tích trên, chúng ta nhận ra rằng cuộc sống chắc chắn sẽ ngày một tốt đẹp hơn khi con người biết chia sẻ và đồng cảm. 

 

8. Bài số 8

Biết đồng cảm và sẻ chia là yếu tố giúp bạn có thể nâng tầm được giá trị của cuộc sống, giúp bạn sống có ý nghĩa hơn, sống không chỉ tồn tại nữa. 
Đồng cảm là quên đi bản thân trong niềm vui hay nỗi buồn của người khác, nhiều đến mức bạn thực sự thấy rằng niềm vui hay nỗi buồn mà người khác đang trải qua cũng chính là niềm vui hay nỗi buồn của chính bạn. 

Đồng cảm xuất phát từ những cử chỉ, hành động đơn giản trong cuộc sống hằng ngày. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu ta biết đau với nỗi đau của người khác, vui với niềm vui của người khác. Chia sẻ là sự cho đi, quan tâm hay giúp đỡ người khác về vật chất và tinh thần bằng tất cả khả năng của mình, giúp họ vượt qua khó khăn hoạn nạn. 

Nếu thử tưởng tượng, cuộc sống này mà không có sự đồng cảm sẻ chia thì thế giới sẽ như thế nào? Thế giới sẽ trở nên lạnh lẽo, con người sống với nhau thờ ơ, mỗi khi chúng ta gặp khó khăn lại chẳng được nhận bất kì sự giúp đỡ nào. Đồng cảm và sẻ chia sẽ làm cho thế giới này nhiều màu sắc hơn, con người sống đúng với mục đích và ý nghĩa hơn, khiến cho việc sống không chỉ đơn giản là tồn tại, mà còn hơn thế. 

Hiện nay có rất nhiều người đã thể hiện đúng tinh thần đồng cảm và sẻ chia ấy. Chẳng hạn như ba chàng trai trẻ lập trang web để kêu gọi người khác nhau chung sức giúp đỡ những người nghèo khó vì họ có tấm lòng đồng cảm với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đồng cảm và sẻ chia đã và đang là nếp sống tốt đẹp cần được giùn giữ. Có đồng cảm và sẻ chia ta sẽ không phải hổ thẹn khi được là con người. Nếp sống tốt đẹp đó không chỉ sưởi ấm lòng người khác mà còn đem lại hạnh phúc cho chính mình. 

 

9. Bài số 9 

Tình yêu thương giữa con người với con người là vô cùng thiêng liêng, nó thể hiện sự gắn bó, sự sẻ chia và đồng cảm trước những mảnh đời bất hạnh. Ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển con người đang dần phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ cuộc sống thì sự đồng cảm sẻ chia chính là chìa khóa giúp đỡ con người tiếp tục tiến về phía trước. 

Đồng cảm là sự chia sẻ, thấu hiểu và quan tâm sâu sắc đối với mọi người xung quanh, luôn luôn có một thái độ biết yêu thương và cảm thông sâu sắc trước mọi hoàn cảnh cuộc sống. Sẻ chia là sự chia sẻ những nỗi đau, niềm vui, nỗi buồn cùng với mọi người xung quanh, sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình, sống luôn phải biết cho đi và bản thân sẽ nhận được những điều tốt lành nhất, đó là một tình cảm tinh thần phong phú và giàu có, bản thân sẽ làm nên được những điều tốt nhất. 

Đồng cảm và chia sẻ có mối liên hệ với nhau, có sự đồng cảm, hiểu được hoàn cảnh và con người của đối phương, thì từ đó chúng ta mới có những sẻ chia sâu sắc và có ý nghĩa nhất, đó là niềm vui sống là chính mình, được sống trong một xã hội ngập tràn tình yêu thương. Hiện nay khi xã hội ngày càng phát triển nhiều người chỉ chạy theo đồng tiền, mà dường như quên đi các mối quan hệ từ cuộc sống, mỗi quan hệ giữa con người với con người, để từ đó họ có những suy nghĩ lệch so với cuộc sống. Không nên chạy đua theo lợi nhuận và nhu cầu của xã hội để mà quên đi những giá trị như tình cảm, sự chân thành, tình yêu thương. 

Cần phải học cách xây dựng cho mình những thói quen và những phẩm chất tốt, bởi đồng cảm, sẻ chia là một phẩm chất quý báu mà dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay luôn chú trọng và phát huy nó một cách hiệu quả nhất. Mỗi chúng ta cần phải biết yêu thương, chia sẻ với mọi người xung quanh để từ đó có được tình cảm chân thành và da diết nhất mà mọi người dành cho mình. 

 

10. Bài số 10

Con người có một trái tim nhỏ bé nhưng tình yêu thương giữa con người với người lại thật là vô biên. Cuộc sống luôn tiềm ẩn những thử thách, khó khăn khiến chúng ta mỏi mệt, tuy nhiên nếu biết đồng cảm, sẻ chia với nhau sẽ vượt qua mọi thử thách khó khăn của cuộc sống. 

Đồng cảm là cảm xúc chỉ có ở con người, là sự cảm thông, cùng vui cùng buồn giữa một hay nhiều người với nhau, họ có cùng cảm xúc, cùng suy nghĩ với nhau. Cảm thông còn thể hiện lòng nhân hậu giữa những con người với nhau, có thể đó là chuyện mà họ đã trải qua, đã tự mình nếm trải nên bản thân họ cũng hiểu rõ được sự mất mát, được nỗi đau đơn đó, nhưng không phải chỉ có trải qua rồi con người ta mới có thể đồng cảm cho nhau. Sẻ chia có nghĩa là san sẻ, là chia sẻ với người khác nhằm xoa dịu nỗi đau của họ. Sẻ chia không nhất thiết phải là vật chất. 

Đồng cảm và sẻ chia không chỉ bó hẹp trong phạm vi giữa những người gặp khó khăn mà nó còn mở rộng hơn nữa. Chúng ta yêu thương và san sẻ giúp đỡ nhau, nhiều tổ chức tình nguyện với những mục đích cao cả được thành lập ra. Đó là những hoạt động quyên góp giúp đỡ trẻ em nghèo, nhân dân miền núi gặp khó khăn, san sẻ nỗi đau với những thương binh, những bà mẹ Việt Nam anh hùng. 

Đồng cảm sẻ chia có vai trò rất lớn đối với cá nhân và xã hội. Đồng cảm sẻ chia giúp cho mỗi cá nhân thêm hiểu nhau hơn từ đó tạo nên những mối quan hệ bền vững, đồng cảm sẻ chia tiếp thêm nghị lực để con người vượt qua khó khăn, thể hiện được truyền thống tương thân tương ái cao đẹp của dân tộc. Với một xã hội, đồng cảm và sẻ chia là điều không thể thiếu. 

Trong mỗi chặng đường, mỗi cuộc hành trình của cuộc đời đều ẩn chứa những điều mới lạ. Có thể là khó khăn, tổn thương mất mát nhưng cũng có thể là thành công và hạnh phúc không ngờ. Đằng sau thành công của mỗi người luôn có sự đồng cảm và sẻ chia để tiếp thêm sức mạnh giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn và thử thách.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho quý bạn đọc những kiến thức hữu ích. Trân trọng cảm ơn.