Bài thu hoạch xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân
Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn học tập chuyên đề năm 2019“Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Sau đây hãy cùng Luật Minh Khuê tìm hiểu mẫu bài thu hoạch chuyên đề này nhé.
BÀI THU HOẠCH
Chuyên đề: “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
Qua học tập và nghiên cứu chuyên đề “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tôi xin trình bày những nhận thức, kết quả thực hiện cụ thể của bản thân trong bài thu hoạch như sau:
Xây dựng ý thức, tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân là nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo động lực to lớn cho công cuộc đổi mới, đồng thời là giải pháp quan trọng, cấp bách trong xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị hiện nay. Thực hiện có hiệu quả chủ đề xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân là thực hiện tốt chỉ thị của Đảng về đẩy mạnh học tập là làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Mục Lục
1. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân
1.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân
Đầu tiên, tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân được thể hiện ở việc có thái độ đánh giá cao vai trò, vị trí của nhân dân. Theo Bác, muốn thật sự tôn trọng nhân dân thì phải hiểu dân. Chính tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, lòng dân, sự khôn khéo, hăng hái, anh hùng đã tạo nên “cái gốc” của dân. Cùng với thái độ đánh giá cao vai trò của dân, ý thức tôn trọng nhân dân còn phải đặc biệt chú ý đến không xâm phạm quyền lợi hợp phát hay xúc phạm nhân dân. Phải luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công, của dân. Theo Hồ Chí Minh, “vô luận việc gì đều do người làm ra, từ nhỏ đến to từ gần đến xa đều thế cả”. Người chỉ ra rằng: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ.” Theo Người, “nếu không có nhân dân thì chính phủ không đủ lực lượng… Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Đồng thời, Người cũng cho rằng: “Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Trong xã hội, không gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”.
Tư tưởng này được xuất phát từ những bài học lớn được rút ra từ chiều sâu của lịch sử, như Nguyễn Trãi đã kết luận: Lật thuyền mới rõ dân như nước. Đồng thời đó là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác-Lênin khi các nhà kinh điển khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, nhân dân đóng vai trò quyết định trong sự nghiệp cách mạng. Từ đây, phạm trù “ý thức tôn trọng nhân dân” mới thật sự có ý nghĩa khoa học, cách mạng và nhân văn. Theo Hồ Chí Minh, người cách mạng “yêu nước” là phải “thương dân”, “trung với nước” là phải “hiếu với dân”.
Về vấn đề “phát huy dân chủ”, đây là một khía cạnh biểu hiện ý thức tôn trọng nhân dân, Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, làm sao cho họ có năng lực làm chủ, biết sử dụng quyền dân chủ, dám nói, dám làm.
“Dân chủ” được Người giải thích ngắn gọn, súc tích là “dân làm chủ và dân là chủ”. Trong nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, dân là quý nhất, lực lượng nhân dân là mạnh nhất. Phát huy dân chủ là phát huy tài dân. Muốn vậy, phải chịu khó lắng nghe dân, gặp dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân. Học hỏi dân để dãnh đạo dân. Theo Hồ Chí Minh: “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm trò học dân, mới làm được thầy học dân”. Mối quan tâm hàng đầu của Người là xây dựng một nhà nước dân chủ – nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nước dân chủ, chế độ dân chủ thì bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, công việc đổi mới là trách nhiệm của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.
Khi người dân chưa hiểu dân chủ là gì thì không thể thực hành dân chủ thật sự. Vì vậy, phát huy dân chủ là phải cùng nhân dân bàn bạc, giải thích cho dân hiểu rõ, “được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm”. Như vậy mới là biểu hiện của phát huy dân chủ.
Về chăm lo đời sống nhân dân, theo tư tưởng Hồ Chí Minh là: “vì con người, do con người, trước hết là vì dân và do dân”. Người đã từng có một câu nói thể hiện quan điểm như sau: “tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, làm làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, một ngày sau Tuyên ngôn độc lập, Người đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách giải quyết những vấn đề về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Muốn có sức dân, lòng dân thì phải chăm lo đời sống của dân. Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì”. Cả khi trước lúc đi xa, Người vẫn quan tâm và căn dặn trong Di chúc rằng: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”.
1.2. Đạo đức Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân
Đạo đức Hồ Chí Minh về ý thức tôn trọng nhân dân thể hiện ở sự thống nhất giữa tư tưởng đạo đức và tư tưởng chính trị của Người. Nho giáo nhấn mạnh đạo đức, cường điệu tác dụng của đạo đức là cốt trừ hại cho giới cầm quyền hơn là vì lợi ích của nhân dân. Đó là học thuyết để phong kiến trị dân. Hồ Chí Minh không thể chấp nhận lòng trung thành tuyệt đối của nhân dân bị áp bức đối với chính kẻ áp bức mình là nhà vua và chế độ phong kiến, mà là trung thành với sự nghiệp cách mạng của nhân dân, lên án chế độ phong kiến. Điều sâu xa trong mối quan hệ đạo đức với chính trị chính là Hồ Chí Minh đã lật ngược học thuyết Nho giáo, đưa quần chúng nhân dân chỉ là tầng lớp thấp kém đáng khinh rẻ theo quan niệm của Nho giáo lên địa vị người làm chủ đất nước, thực hiện quyền dân chủ nhân dân.
Ý thức tôn trọng nhân dân ở khía cạnh đạo đức cần phải khai thác ở việc coi trọng, đề cao nhân dân như Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”. Tôn trọng nhân dân trong đạo đức Hồ Chí Minh là đề cao ý dân, sức dân, bởi “dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Đạo đức nói chung, liên quan đến tôn trọng nhân dân nói riêng thì phải nêu gương về trong sạch, đề cao chữ “liêm”. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức về tôn trọng nhân dân là không xâm phạm đến nhân dân, một trong những biểu hiện rõ nhất là thực hành chữ “liêm”, tức là trong sạch, không tham ô, tham nhũng. Đồng thời “liêm” phải đi đôi với “kiệm”, có kiệm mới liêm được. Tôn trọng nhân dân là trách nhiệm của Đảng, Chính Phủ, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, những người “ăn lương của dân, làm việc cho dân, phải được dân tin cậy”, nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân.
Đạo đức Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ. Dân chủ như đã nói ở trên, có thể hiểu ngắn gọn là dân là chủ và dân làm chủ. Từ chỗ nâng cao dân trí, bồi dưỡng ý thức, năng lực làm chủ, phát triển văn hoá chính trị và tính tích cực công dân, khuyến khích nhân dân tham gia công việc của Đảng, Chính Phủ, thì một điều quan trọng là tạo điều kiện cho dân “dùng quyền dân chủ của mình, dám nói dám làm”. Nhận thức khoa học và giải quyết tốt mối quan hệ giữa cán bộ với nhân dân trong chế độ dân chủ là một nội dung chủ yếu của đạo đức trong phát huy dân chủ. Sự vi phạm đạo đức về mặt dân chủ có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên là nhận thức không đúng tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của cán bộ, dẫn đến độc quyền, mệnh lệnh, áp đặt kiểu quan chủ. Đây là tình trạng mà Hồ Chí Minh cho rằng nhất định phải loại bỏ.
Đạo đức Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân được thể hiện rất rõ ở quan điểm khi Người nói về một trong những điều tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: “Đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích cá nhân mình”. Vì Đảng vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Điểm thể hiện rõ nét nhất về đạo đức chăm lo đời sống nhân dân là trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc. Trăn trở về đời sống nhân dân, trong di chúc, Người không quên nhắc nhở Đảng, Nhà nước chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.
1.3. Phong cách Hồ Chí Minh tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân
Phong cách Hồ Chí Minh tôn trọng nhân dân xuất phát một cách tự nhiên từ nhân, cuộc đời, cái tâm, cái đức vì nước vì dân của Người. Hồ Chí Minh là con người sinh ra từ nhân dân, sống giữa lòng dân và cuộc đời lại muốn trở về với dân. Phong cách tôn trọng nhân dân của Người được thể hiện qua nhiều cách. Người chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình mình. Theo Hồ Chí Minh, lãnh đạo quần chúng, đồng thời không ngừng học hỏi quần chúng, vì “quần chúng chính là những người chịu đựng kết của của sự lãnh đạo của ta”. Người không bao giờ tự đặt mình cao hơn người khác để đòi hỏi một sự tâng bốc, suy tôn; không bao giờ tỏ ra vì đại để đòi hỏi nhân dân thừa nhận mình vĩ đại.
Phong cách Hồ Chí Minh phát huy dân chủ, xuất phát từ chỗ tôn trọng nhân dân, đề cao vai trò, vị trí của nhân dân. Hàng trăm lần Hồ Chí Minh đi về cơ sở không đơn thuần chỉ là tác phong quần chúng mà còn chứa đựng trong đó là phong cách phát huy dân chủ. Bởi vì Người đến với quần chúng là để lắng nghe và thấu hiểu, thấu cảm cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân. Người muốn nghe được tiếng dân, đi vào lòng dân, hiểu được nhịp đập của cuộc sống xung quanh. Phong cách ấy làm cho lãnh tụ và quần chúng hoà nhập với nhau trong sự đồng cảm sâu sắc nhất.
Phong cách Hồ Chí Minh chăm lo đời sống cho nhân dân: trên cơ sở nhận thức “dân dĩ thực vi thiên”, phong cách Hồ Chí Minh thể hiện đậm nét việc chăm lo đời sống nhân dân. Theo Người, nếu dân đói, Đảng và Chính Phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính Phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính Phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính Phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền đều phải hết sức quan tâm đời sống của nhân dân. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng đưa ra mới dễ thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay đến mấy cũng không thực hiện được.
2. Chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn hiện nay
2.1. Chủ trương của Đảng
a. Về xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân:
Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đẩy mạng đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiếu dân, học dân, có trách nhiệm cao trong công việc, có bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức cách mạng tốt, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng.
b. Về phát huy dân chủ:
Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thể chế hoá và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, đồng thời đẩy mạnh dân chủ hoá xã hội để phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Quan tâm điều chỉnh hài hoà lợi ích giữa các giai tầng xã hội, các vùng miền, các lĩnh vực, gắn nghĩa vụ với quyền lợi, cồng hiến với hưởng thụ, lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể và cộng đồng xã hội.
c. Chăm lo đời sống nhân dân:
- Tiếp tục hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người, tạo điều kiện trợ giúp tầng lớp yếu thế, dễ bị tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống.
- Đổi mới các chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả và tiếp cận phương pháp đo lường nghèo đa chiều nhằm bảo đảm an sinh xã hội, tổ chức tốt hơn việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản.
2.2. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật
- Kịp thời thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật phù hợp thực tiễn và đáp ứng lợi ích của nhân dân.
- Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quy chế bảo đảm phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng nhân dân, chăm lo đời sống của nhân dân.
2.3. Một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể
a. Đối với tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội:
- Quán triệt đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ của nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân trong các ngành, địa phương, cơ quan đơn vị, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Tập trung chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất của nhân dân tự do sản xuất, kinh doanh theo pháp luật, góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.
b. Đối với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu:
- Chủ động, tích cực trong thực hiện chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, bảo vệ môi trường; phát huy sức dân, huy động nhân dân tham gia thực hiện các mục tiêu đề ra vì lợi ích nhân dân.
- Nói đi đôi với làm, tạo uy tín tốt nhất trong nhân dân, làm gương để nhân dân noi theo, tiền phong, gương mẫu, có trách nhiệm và chịu trách nhiệm cao nhất.
- Tích cực giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài.
c. Đối với cán bộ, đảng viên, công chức trong hệ thống chính trị:
- Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái trong đội ngũ cán bộ
- Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, tự giác thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
>> Xem thêm Mẫu Bài Thu hoạch về vấn đề dân tộc tôn giáo năm 2022
Trên đây là toàn phần trình bày của Luật Minh Khuê về Bài thu hoạch xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho quý bạn đọc những thông tin hữu ích.
Trân trọng cảm ơn!