Bài thu hoạch về quy định những điều đảng viên không được làm
Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc. Đây là bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam, đưa cuộc đấu tranh của dân tộc vào thời kỳ phát triển mới. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, là đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.
Đảng viên là những người nắm giữ các cương vị chủ chốt trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong Di chúc của Hồ Chí Minh có viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của Đảng viên, Quyết định số 115-QĐ/TW ngày 07/12/2007 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã quy định 19 điều đảng viên không được làm. Để hiểu rõ hơn, bài thu hoạch về quy định những điều Đảng viên không được làm. Quý độc giả có thể tham khảo bài viết sau đây.
Điều thứ nhất: Đảng viên không được Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép.
Là một Đảng viên, lời nói đã phần nào thay mặt cho Đảng, cho nhà nước, đại diện cho nhân dân và có sức ảnh hưởng đến nhiều người. Do đó, cần chú trọng hình tượng của bản thân, khi nói, phát ngôn, trả lời phỏng vấn, viết bài cho báo chí (kể cả báo chí nước ngoài) bất kỳ một điều gì hay một vấn đề nào cần hết sức cẩn trọng và rõ ràng, đúng chuẩn mực. Ngôn từ hay nội dung lời nói không trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời không làm những việc pháp luật không cho phép. Ngoài những việc pháp luật cấm, pháp luật không cho phép làm thì đảng viên không được làm. Bên cạnh đó, những điều mà pháp luật không cấm nhưng ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đến Nhà nước, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục hoặc trái đạo đức con người thì Đảng viên tuyệt đối không làm.
Điều Thứ hai: Đảng viên “Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.
Một trong những nguyên tắc mà người đảng viên cần tuân thủ là bảo đảm bí mật Nhà nước, lợi ích Đảng, Quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Do đó, khi chưa được phép hoặc chưa có thông báo chính thức từ các cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng, Đảng viên tuyệt đối không cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố. Việc làm trên gây hoang mang, nhiễu loạn dư loạn và có thể ảnh hưởng rất xấu đến danh dự Đảng.
Bên cạnh đó việc tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoàn toàn gây ảnh hưởng xấu đến Đảng, trái sự thật và gây ảnh hưởng rất lớn mà người Đảng viên cần tránh.
Điều Thứ ba: Đảng viên không được “Viết bài, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định. Sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh, mang tính kích động gây ảnh hưởng xấu trong xã hội; tán phát bài viết, hồi ký không đúng sự thật”.
Việc đảng viên tự ý viết bài, cho đăng tải tin, ảnh, bài không đúng như vấn đề xảy ra trong thực tế; vu cáo, bịa đặt những nội dung liên quan đến vụ án mà Nhà nước đang xử lý hoặc đã xử lý, hoặc tuỳ tiện quy kết về tội danh, mức án trước khi toà án đưa ra xét xử; không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định sẽ đưa ra cái nhìn không đúng đắn, tích cực hoặc thông tin sai trái đến công dân, nông dân- bộ phận dễ bị kích động, mua chuộc. Từ đó có thể gây ra những cuộc bạo động, phản động xấu.
Bên cạnh đó, Đảng viên không được phép sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh dưới mọi hình thức mang nội dung xấu đối với Đảng, Nhà nước như: kích động chống phá Nhà nước-Đảng-Chính quyền; Kích động bạo lực, gây xung đột và xảy ra các cuộc chiến tranh ở từng địa phương gây mất an toàn trật tự và hòa bình vốn có của đất nước; Tuyên truyền, truyền bá lối sống cơ hội, thực dụng, trái đạo lý, truyền bá tư tưởng đạo đức trái thuần phong mỹ tục của đất nước; Xuyên tạc lịch sử, phản ánh không đúng sự thật về Đảng, Nhà nước, dân tộc Việt Nam, vai trò lãnh đạo của Đảng và cá nhân lãnh tụ đối với sự nghiệp cách mạng hay bí mật đời tư của cá nhân của các vị lãnh tụ, những người cầm quyền hiện nay; Phản ánh những vấn đề về lịch sử của Đảng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công khai hoặc công bố…
Điều thứ tư: Đảng viên không được “Tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, chia rẽ, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ; Lợi dụng việc phát ngôn, nhân danh việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng để đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tuỳ tiện đối với người khác. Đe doạ, trù dập, trả thù người tố cáo, phê bình, góp ý”.
Đảng viên đứng ra chủ trì hoặc tham gia vào các tổ chức xấu, hoặc Đảng viên vận động, lôi kéo, tập hợp đảng viên, quần chúng gây mâu thuẫn, chia rẽ nội bộ hay mục đích tranh giành lợi ích kinh tế, chính trị trong quá trình mình đảm nhận vị trí công tác.
Không chỉ vậy, Đảng viên không được lợi dụng quyền phê bình, tự do ngôn luận, báo chí, diễn đàn, câu lạc bộ để phát ngôn hoặc nhân danh việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng để nhận xét, bình luận, đánh giá ngoài phạm vi tổ chức cho phép; đả kích, vu cáo, xúc phạm đối với tập thể và cá nhân.
Khi phát hiện hoặc biết những cá nhân hay tập thể tố cáo, phê bình hay góp ý đối với việc làm hay hành vi chưa phù Đảng viên tuyệt đối không đe dọa, trả thù, trù dập dưới mọi hình thức đối với cá nhân hay tổ chức đó.
Điều thứ năm: “Tố cáo mang tính bịa đặt; viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên. Cùng người khác tham gia viết, ký tên trong một đơn tố cáo. Tổ chức, tham gia kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác khiếu nại, tố cáo. Cố ý gửi hoặc tán phát đơn khiếu nại, tố cáo đến những nơi không có thẩm quyền giải quyết”.
Việc khiếu nại, tố cáo cần tuân thủ theo quy định pháp luật, theo Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành.
Những việc làm sau của Đảng viên tuyệt đối không được làm như:
Tố cáo mang tính bịa đặt do ghen ghét, đố kỵ, thù hằn cá nhân, bịa đặt hay xuyên tạc vụ việc để hại người gây phiền phức đến cá nhân, cơ quan có thẩm quyền.
Thực hiện những hành động viết đơn tố cáo giấu tên tức đơn không có tên tuổi hay mạo tên- sử dụng tên giả, không đúng tên, tố cáo dưới dạng tờ rơi, đưa lên mạng, nhắn tin để loan tin nhằm hạ uy tín của tổ chức hoặc cá nhân.
Tham gia kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác khiếu nại, tố cáo.
Cố ý gửi hoặc tán phát đơn khiếu nại, tố cáo dưới mọi hình thức đến những nơi không có thẩm quyền giải quyết.
Có các hành vi vi phạm quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Điều Thứ sáu: “Tổ chức, tham gia các hội trái quy định của pháp luật; biểu tình, tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự”.
Việc Đảng viên đứng ra tổ chức hay tham gia vào các hội trái quy định pháp luật hay biểu tình tập trung đông người đều bị cấm. Những việc làm trên gây ảnh hưởng xấu đến Đảng, giảm uy tín của Đảng đối với quần chúng nhân dân, công nhân.
Điều Thứ bảy: “Đảng viên (kể cả cấp uỷ viên và đảng viên là cán bộ diện cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ quản lý) tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội (theo quy định phải do tổ chức đảng giới thiệu) khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép”.
Đảng viên cần tuân thủ theo quy định của tổ chức Đảng. Các chức danh của Đảng viên từ Trung ương đến cơ sở phải được tổ chức Đảng có thẩm quyền giới thiệu hoặc cho phép. Đảng viên không tự ý đứng ra đẻ ứng cử, nhận đề cử hoặc đề cử vào chức danh đó.
Điều Thứ tám: “Quan liêu, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật, lạm quyền, nhũng nhiễu khi thực hiện nhiệm vụ”.
Là một Đảng viên chân chính, khi làm việc cần làm việc linh hoạt, phù hợp, tránh phức tạp vấn đề hóa hay xử lý vấn đề một cách cứng nhắc và không hiệu quả. Đồng thời làm sai dám nhận, có trách nhiệm với công việc của mình, có trách nhiệm với cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách. Tránh vì cá nhân, vì thiếu trách nhiệm mà xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, thất thoát tài sản và các tiêu cực khác.
Khi biết cá nhân, tổ chức sai hay vi phạm nhưng có quan hệ mà không xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng; bao che, bảo kê, dung túng, tiếp tay cho cấp dưới vi phạm. Lợi dụng chức quyền, chức vụ để bao che, che giấu khuyết điểm, vi phạm của tổ chức hoặc cá nhân. Hoặc phản ánh không đúng hoặc giảm nhẹ, không phản ánh tình hình cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc sự việc xảy ra ở nơi mình trực tiếp phụ trách trên các lĩnh vực.
Lạm quyền, nhũng nhiễu người dân, cá nhân tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ, thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao để trục lợi cho cá nhân là hành vi bị nghiêm cấm thực hiện.
Điều Thứ chín: Đảng viên “Làm trái quy định trong những việc: quản lý nhà, đất, tài sản, vốn, tài chính của Đảng và Nhà nước; huy động vốn và cho vay vốn tín dụng; thẩm định, phê duyệt, đấu thầu dự án; thực hiện chính sách an sinh xã hội, cứu trợ, cứu nạn; công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, các quy định trong hoạt động tố tụng.
Việc làm trái quy định của Đảng và pháp luật về quản lý nhà, đất, tài sản, vốn, tài chính của Đảng và Nhà nước; huy động vốn và cho vay vốn tín dụng; thẩm định, phê duyệt, đấu thầu dự án; thực hiện chính sách an sinh xã hội, cứu trợ, cứu nạn; công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, các quy định trong hoạt động tố tụng của Nhà nước hoàn toàn bị cấm.
Điều Thứ mười: Đảng viên không được “Can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, đi học, đi nước ngoài trái quy định”.
Đảng viên cần thực hiện đúng “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, không được lợi dụng chức vụ được giao mà có những hành vi can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, đi học, đi nước ngoài trái quy định
Điều mười một: Đảng viên không “”Chủ trì, tham mưu, đề xuất, tham gia ban hành các văn bản trái quy định. Tạo điều kiện hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình nhằm trục lợi”.
Là Đảng viên, cần tuân thủ và làm theo Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Không chủ trì, tham mưu, thẩm định, đề xuất, phê duyệt, tham gia ban hành hoặc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, quyết định của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của cấp trên, xâm hại đến lợi ích quốc gia hoặc quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, không lợi dụng chức quyền gây sức ép đến cá nhân tổ chức khác, không lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình nhằm trục lợi để làm lợi cho gia đình,
Điều thứ mười hai: “Đưa, nhận, môi giới hối lộ; môi giới làm thủ tục hành chính hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới hưởng thù lao dưới mọi hình thức trái quy định đưa, nhận hoa hồng hoặc môi giới đưa, nhận hoa hồng trái quy định”.
Khi có chức quyền người Đảng viên không được nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ hay thực hiện các hành vi tiếp tay, bao che, dung túng cho việc đưa, nhận, môi giới hối lộ. Bản thân cần giữ vững lập trường, quan điểm, có lối sống trong sạch, liêm chính, không gợi ý, đòi hỏi, ép buộc tổ chức, cá nhân để trục lợi hay nhận hoặc quyết định chi hoa hồng giao dịch, môi giới trái quy định của pháp luật.
Điều thứ Mười ba: Đảng viên “Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực; kê khai tài sản, thu nhập không đúng, quy định; mở tài khoản ở nước ngoài trái quy định; tham gia hoạt động rửa tiền”.
Khi báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, lịch sử bản thân cần khai báo trung thực, kê khai đúng, đầy đủ, cụ thể, rõ ràng thông tin cá nhân và gia đình. Không thực hiện che giấu, tẩy xoá, thêm bớt, thay đổi tài liệu, thông tin trong hồ sơ, hoặc kê khai không đúng quy định về nội dung, thời gian, thời điểm, người và nơi quản lý hoặc thủ tục xác nhận.
Khi kê khai tài sản, thu nhập cần kê khai đúng và đủ theo quy định pháp luật hiện hành, không mở tài khoản ở nước ngoài trái quy định hay tham gia vào các hoạt động rửa tiền dưới mọi hình thức.
Điều thứ mười bốn: Đảng viên không được “Tổ chức du lịch, tặng quà, giải trí để lợi dụng người có trách, nhiệm dẫn đến việc ban hành quyết định sai, có lợi riêng cho bản thân hoặc tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp mà mình tham gia”.
Việc làm trên là hành động mua chuộc trái pháp luật và người Đảng viên cần tránh, không được phép thực hiện.
Điều thứ mười lăm: Đảng viên “Dùng công quỹ để thăm viếng, tiếp khách, tặng quà, xây dựng công trình, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc, đi lại, thông tin liên lạc vượt quá tiêu chuẩn, định mức hoặc trái quy định”.
Trong quá trình làm việc, Đảng viên cần tiết kiệm, những khoản chi cần được kê khai sử dụng đúng mục đích. Sử dụng tài sản công sao cho hợp lý và tiết kiệm nhất. Tránh sử dụng tài sản công lãng phí, vượt mức tiêu chuẩn và trái quy định của pháp luật
Điều thứ mười sáu: “Tự mình hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột đi du lịch, tham quan, học tập, chữa bệnh ở trong nước hoặc ngoài nước bằng nguồn tài trợ của tổ chức trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền”.
Đảng viên không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột đi du lịch, tham quan, học tập, chữa bệnh ở trong nước và ngoài nước bằng nguồn tài trợ của tổ chức trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. Việc làm trên gây lãng phí, ảnh hưởng đến cơ quan tổ chức.
Điều thứ mười bảy: Đảng viên không “Tổ chức, tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức; cho vay trái quy định của pháp luật; sử dụng các chất ma tuý; uống rượu, bia đến mức bê tha và các tệ nạn xã hội khác”.
Đã là một Đảng viên, đứng trong đội ngũ của Đảng, những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức hay lẽ phải, luân thường đạo lý của dân tộc như tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức; cho vay nặng lãi; sử dụng các chất ma túy dưới mọi hình thức; uống rượu, bia tới mức bê tha,… hay vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, sống chung với người khác như vợ chồng; có hành vi bạo lực trong gia đình; hành vi xấu xâm hại về thể chất, tinh thần, tình dục đến người khác.. thì tuyệt đối không được làm.
Điều thứ mười tám: Đảng viên không “Mê tín, hoạt động mê tín (đốt đồ mã, hành nghề đồng cốt, thầy cúng, thầy bói). Lập đền, miếu, nơi thờ tự của các tôn giáo trái phép; ủng hộ hoặc tham gia tôn giáo bất hợp pháp; tham gia các tổ chức do tôn giáo lập ra chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi”.
Những hành động Mê tín, hoạt động mê tín (đốt đồ mã, hành nghề đồng cốt, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường không cần thiết đồng thời hoạt động mê tín như thầy cúng, thầy bói lừa bịp để trục lợi đều nghiêm cấm khi bản thân là Đảng viên.
Bên cạnh đó, những hành động của Đảng viên như chủ trì, tham gia hoặc vận động, ủng hộ cho cá nhân, tổ chức lập mới và xây dựng đền, chùa, miếu thờ, điện thờ, nơi thờ tự của các tôn giáo khi chưa được phép hoặc trái phép cũng không được phép thực hiện. Hay lợi dụng tín ngưỡng dưới mọi hình thức để trục lợi đều là hành vi không được làm.
Điều cuối cùng: Đảng viên không “Tổ chức việc cưới, việc tang, các ngày lễ, tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới; mừng thọ, mừng nhà mới, lên chức, lên cấp, chuyển công tác xa hoa, lãng phí hoặc nhằm trục lợi”.
Việc cưới, việc tang, các ngày lễ, tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới; mừng thọ, mừng nhà mới, lên chức, lên cấp, chuyển công tác là những hoạt động, sinh hoạt bình thường của người dân cũng như cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, việc tổ chức những hoạt động này cần bảo đảm yêu cầu thực hiện nếp sống văn hóa mới, phù hợp phong tục, tập quán, đời sống chung trong xã hội, tiết kiệm, chống lãng phí
Không nhận tiền mừng, biếu, tặng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị quá cao ( Đất đại, nhà cửa, ô tô, …)