Bài thu hoạch môn Chương trình tổng thể – Trường Tiểu học Thủ Lệ

Bài thu hoạch môn Chương trình tổng thể là mẫu bài thu hoạch chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Sau đây là nội dung chi tiết bài thu hoạch chương trình giáo dục tổng thể 2018, mời các bạn cùng theo dõi.

Bạn đang xem: Bài thu hoạch môn Chương trình tổng thể

Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, bạn đọc không nên sao chép.

    BÀI THU HOẠCH CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI

    Môn: Chương trình GD tổng thể.

    Họ tên: ………………………..

    Đơn vị: ………………………..

    Câu 1: Đồng chí hãy phân tích đặc điểm, những điểm mới của chương trình các môn học và hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

    Câu 2: Nhận thức về vai trò, trách nhiệm của bản thân đồng chí trên cương vị công tác khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

    Bài làm.

    Câu 1: Phân tích đặc điểm, những điểm mới của chương trình các môn học và hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

    Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tuy nhiên những thành tựu về kinh tế của nước ta chưa vững chắc, chất lượng nguồn nhân lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, môi trường văn hóa còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa hội đủ các nhân tố để phát triển nhanh và bền vững. Mặt khác, những biến đổi về khí hậu, tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường mất cân bằng sinh thái và những biến đổi về chính trị, xã hội cũng đặt ra những thách thức có tính toàn cầu. Để đảm bảo phát triển bền vững, nhiều quốc gia đã không ngừng đổi mới về giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho các thế hệ tương lai nền tảng văn hóa vững chắc và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội. Đổi mới giáo dục đã trở thành nhu cầu cấp thiết và xu thế mang tính toàn cầu.

    Trong bối cảnh đó, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 29/NQ- TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH 13 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngày 27/3/2015 Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ- TTg phê duyệt đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

    Mục tiêu của đổi mới được Nghị quyết 88/2014/QH 13 quy định: Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông, kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp, góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

    Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hòa cả về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kĩ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời, có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.

    1. Chương trình giáo dục phổ thông là văn bản thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, quy định các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, làm căn cứ quản lí chất lượng giáo dục phổ thông, đồng thời là cam kết của Nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục phổ thông.

    2. Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, kế thừa và phát triển những ưu điểm của các chương trình giáo dục phổ thông đã có của Việt Nam, đồng thời tiếp thu thành tựu nghiên cứu về khoa học giáo dục và kinh nghiệm xây dựng chương trình theo mô hình phát triển năng lực của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, gắn với nhu cầu phát triển của đất nước, những tiến bộ của thời đại về khoa học – công nghệ và xã hội, phù hợp với đặc điểm con người, văn hoá Việt Nam, các giá trị truyền thống của dân tộc và những giá trị chung của nhân loại cũng như các sáng kiến và định hướng phát triển chung của UNESCO về giáo dục, tạo cơ hội bình đẳng về quyền được bảo vệ, chăm sóc, học tập và phát triển, quyền được lắng nghe, tôn trọng và được tham gia của học sinh, đặt nền tảng cho một xã hội nhân văn, phát triển bền vững và phồn vinh.

    3. Chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hoà đức, trí, thể, mĩ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên; thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh, các phương pháp đánh giá phù hợp với mục tiêu giáo dục và phương pháp giáo dục để đạt được mục tiêu đó.

    4. Chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học với nhau và liên thông với chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học.

    5. Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo hướng mở, cụ thể là:

    a) Chương trình bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động &trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.

    b) Chương trình chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết, để tạo điều kiện.

    Chương trình bảo đảm tính ổn định và khả năng phát triển trong quá trình thực hiện cho phù hợp với tiến bộ khoa học – công nghệ và yêu cầu của thực tế.

    6. Giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.

    7. Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục do nhà giáo dục định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học khác nhau để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi; thông qua đó, chuyển hoá những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai. Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12; ở cấp tiểu học được gọi là Hoạt động trải nghiệm, ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được gọi là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

    Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của học sinh trong các mối quan hệ với bản thân, xã hội, môi trường tự nhiên và nghề nghiệp; được triển khai qua bốn mạch nội dung hoạt động chính: Hoạt động hướng vào bản thân, Hoạt động hướng đến xã hội, Hoạt động hướng đến tự nhiên và Hoạt động hướng nghiệp.

    Nội dung Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

    – Giai đoạn giáo dục cơ bản: Ở cấp tiểu học, nội dung Hoạt động trải nghiệm tập trung vào các hoạt động khám phá bản thân, hoạt động rèn luyện bản thân, hoạt động phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh cũng được tổ chức thực hiện với nội dung, hình thức phù hợp với lứa tuổi. Ở cấp trung học cơ sở, nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tập trung hơn vào các hoạt động xã hội, hoạt động hướng đến tự nhiên và hoạt động hướng nghiệp; đồng thời hoạt động hướng vào bản thân vẫn được tiếp tục triển khai để phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh.

    – Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Ngoài các hoạt động hướng đến cá nhân, xã hội, tự nhiên, nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cấp trung học phổ thông tập trung hơn vào hoạt động giáo dục hướng nghiệp nhằm phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp.

    Câu 2: Nhận thức về vai trò, trách nhiệm của bản thân đồng chí trên cương vị công tác khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

    Ngày nay, “Tri thức đã trở thành yếu tố hàng đầu để phát triển kinh tế, tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới, các quốc gia đều ý thức rõ về vai trò của giáo dục trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy lao động sản xuất, tạo động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững”. Nhận thức về vai trò, trách nhiệm của bản thân đồng chí trên cương vị công tác khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

    Thứ nhất, giáo viên là nhà giáo dục. Điều này khẳng định vai trò của của nhà giáo dục chuyên nghiệp, thực hiện sứ mệnh cải tạo xã hội và phát triển toàn diện học sinh bằng năng lực tư duy và năng lực hành động trên những luận cứ khoa học và nhân văn. Ở đây, nhấn mạnh đến hoạt động chuyên biệt trong nghề nghiệp của giáo viên. Giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục với hai nhiệm vụ cốt lõi, giáo dục và giáo dưỡng. Điều này nhấn mạnh trách nhiệm trang bị cho học sinh kiến thức, cách học để học sinh không ngừng phát triển nhận thức, trí tuệ, có thế giới quan khoa học. Đồng thời, tạo ra những cơ hội hoạt động và giao lưu trong đời sống lớp học, nhà trường và trong cộng đồng để xây dựng sức khỏe thể chất và tinh thần, những xúc cảm và kỹ năng cần thiết, cơ bản cho nhân sinh quan và thế giới quan.

    Thứ hai, giáo viên là người học suốt đời. Mục đích là để nâng cao hiểu biết về xã hội và khoa học trong các lĩnh vực công tác của mình, vừa phát triển năng lực cá nhân và năng lực nghề nghiệp của bản thân để ngày càng nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục học sinh. Mặt khác, sự phát triển thành thạo nghề sẽ mang lại cho chính giáo viên sự hài lòng, thỏa mãn, tự tin và được sự tín nhiệm. Năng lực tự học của giáo viên như một chuyên gia trong lĩnh vực học để tự bồi dưỡng và hướng dẫn học sinh, người khác học tập.

    Thứ ba, giáo viên là một người nghiên cứu. Giáo viên chính là người nghiên cứu và giải quyết những vấn đề của thực tiễn giáo dục. Nói cách khác, giáo viên là người lao động sáng tạo, xây dựng những kiến thức mới về nghề trên cơ sở quan sát, phân tích, suy ngẫm và tổng kết những kinh nghiệm từ thực tiễn giáo dục và hoạt động nghề nghiệp của bản thân và tập thể sư phạm của nhà trường.

    Thứ tư, giáo viên là nhà văn hóa – xã hội. Điều này nhấn mạnh trách nhiệm đóng góp của giáo viên trong cộng đồng nơi cư trú và cộng đồng địa phương, nơi trường đóng như một công dân có ý thức trách nhiệm xây dựng môi trường văn hóa và gương mẫu trong tác phong, lối sống lành mạnh, giản dị và thiện chí.

    Nói cách khác, giáo viên sẽ tự giác tham gia vào các phong trào xây dựng văn hóa của địa phương và động viên gia đình, làng xóm, cộng đồng cùng tham gia.

    Nguồn: Cô giáo Nguyễn Thị Lan Phương

    Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết hữu ích khác trên chuyên mục Biểu mẫu giáo dục của hoatieu.vn.

    Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ

    Chuyên mục: Bài thu hoạch