Bài thu hoạch cần kiệm liêm chính chí công vô tư mới nhất 2023
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học, nhiều lời dạy bảo ngắn gọn mà sâu sắc về phẩm chất, đạo đức của người cách mạng, người lao động và đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Trong đó có điển hình là lời di huấn về bốn đức tính Cần – Kiệm – Liêm – Chính, chí công vô tư.
1. Tư tưởng chủ tịch Hồ Chí Minh về “tứ đức”
Có lẽ, trong mỗi chúng ta – mỗi người con của dân tộc Việt Nam đều đã từng nghe tới những lời bác dạy sau đây:
“Trời có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Thiếu một mùa, thì không thành trời
Thiếu một phương, thì không thành đất
Thiếu một đức, thì không thành người” [1]
Khi học tập, nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, phẩm chất đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là thông qua các tác phẩm, những lời di huấn mà Bác để lại, chúng ta có thể thấy rằng, các nội dung xuyên suốt trong từng tác phẩm đều mang nặng niềm trăn trở về việc rèn luyện bồi dưỡng phẩm chất của người làm cách mạng. Trung với nước, hiếu với dân, trung – hiếu là hai phẩm chất quan trọng nhất của người làm cách mạng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Bác cũng nhấn mạnh gốc rễ tạo lên phẩm chất của người cách mạng đó là “tứ đức”: Cần – Kiệm – Liêm – Chính. Người đã dùng những ngôn từ đơn giản và dễ hiểu nhất để giải thích nội hôma của từng đức như sau:
Cần – là cần cù, siêng năng, chăm chỉ, chịu khó, bền bỉ dẻo dai. Con đường làm cách mạng là con đường lâu dài, gian khổ và lắm chông gai. Người làm cách mạng, phải cần cù, năng rèn luyện, học tập để nâng cao nhận thức cách mạng, chịu khó, chịu khổ, nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng bền bỉ để giữ được sức lực, lâu dài, trí tuệ dẻo dai nhằm đạt được mục tiêu cách mạng đề ra. Cần cũng có nghĩa là ở đâu cần thì dù việc khó cũng không quản ngại xông pha.
Kiệm – là tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí. Tuy nhiên, không được đánh đồng kiệm với bủn xỉn, keo kiệt, hà tiện. Con người có đức tính kiệm là người biết quản lý, tổ chức và sử dụng hợp lý thời gian, tiền bạc, công sức của mình tránh lãng phí cho bản thân, cho người khác.
Liêm – là liêm khiết – trong sạch, không tham lam. Không tham tiền tài, quyền chức. Sống phải giữ tâm trọng sạch, không bị vấy bẩn bởi ham muốn tầm thường.
Chính – là chính nghĩa, thẳng thắn, không sợ sệt, e ngại quyền thế, thế lực tà ác. Không tư tâm, tư lợi cá nhân, sống và làm việc theo lẽ phải. Bác đã từng dạy rằng, muốn Chính được thì bản thân mỗi người không được tự kiêu, tự đại. Phải luôn luôn cầu tiến, dũng cảm phê bình và sẵn sạng tự kiểm điểm phê bình đồng thời phải biết học tập cái tốt, cái tiến bộ và sửa chữa những khuyết điểm của mình và sẵn sàng tiếp thu các ý kiến phê bình, đóng góp tích cực của người khác để mau tiến bộ. Đối với người khác thì phải yêu quý kính trọng, giúp đỡ. Không được xem thường người dưới, nịnh hót người trên. Đối xử với người khác phải chân thành, khiêm tốn, phát huy tinh thần bác ái, lá lành đùm lá rách, đoàn kết, gắn bó. Đối với công việc, phải nỗ lực hết mình, không ngại khó ngại khổ. Việc thiện dù là nhỏ đến mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ đến mấy cũng nhất quyết không được làm.
Chí công, vô tư: Chí công là tính từ chỉ sự công bằng không một chút thiên vị. Vô tư thể hiện thái độ đường đường chính chính, làm việc ngay thẳng, phân minh, không một chút tư tâm.
2. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Bác Hồ kính yêu của dân tộc Việt Nam là một vị lãnh tụ mẫu mực, luôn nhất quán giữa lời nói và hành động. Bác không chỉ để lại những lời dạy sâu sắc cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về việc học tập, rèn luyện những phẩm chất cần – kiệm – liêm – chính, chí công vô tư để phụng sự tổ quốc và nhân dân mà bản thân Bác chính là tấm gương sáng, là hiện thân của người cộng sản mẫu mực hội tụ đầy đủ những phẩm chất cao quý đó. Bác “thực hành” triệt để những gì bác quan niệm. Không những vậy, còn làm nhiều hơn những gì bác nói.
Hình ảnh Bác Hồ kính yêu xuất hiện nổi bật với bộ quần áo kaki, đôi dép cao su, dùng túi vải và đội mũ cát khi thăm đồng chí, đồng bào hoặc đi công tác nước ngoài. Dù là trong những năm tháng đang bôn ba ở ngoài tìm đường cứu nước hay tới khi trở thành Chủ tịch nước thì bác cũng luôn nỗ lực làm việc và không ngừng học tập, tiếp thu những cái mới, tiến bộ, tinh hoa của kiến thức nhân loại. Bác chi tiêu tiết kiệm, không ưa nghi thức đón tiếp linh đình, lãng phí, thích các món ăn dân dã, không thích ở dinh thư cao cấp, đủ tiện nghi mà lựa chọn sống trong căn nhà sàn giản dị, thân thương, sống chan hoa cùng thiên nhiên, gặp gỡ và thăm nom những nơi người dân còn nghèo, còn khổ.
Bác luôn cần – kiệm – liêm – chính, chí công vô tư từ trong suy nghĩ cho đến hành động. Để góp phần chống nạn đói năm 1945, bản thân Bác đã đi đầu trong chiến dịch chống giặc đói bằng lạc quyên cứu đói. Bác nêu ra biện pháp cứu đói bằng cách mười ngày một lần, tất cả đồng bào sẽ nhịn ăn một bữa, gạo tiến kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo. Và chính bản thân Bác cũng nghiêm túc tực hiện. Bác Định, chính trị viên đại đội 1 – làm nhiệm vụ bảo vệ Bắc Bộ phủ thời gian sau cách mạng tháng tám và quốc khánh 2/9/1945 đã kể lại rằng: Khi Bác xuống thăm hỏi sức khoẻ của các cán bộ, chiến sĩ đúng giờ cơm trưa, thấy trong mâm cơm của các chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ ở Bắc Bộ phủ chỉ có đĩa rau muống luộc, vài miếng đậu phụ kho tương và bát nước rau luộc. Lo các chiến sĩ không đủ cơm no, không đủ sức khoẻ, Bác dặn dò các chiến sỹ làm nhiệm vụ không phải nhịn ăn trong khi đó, bếp nấu ăn cho Bác vẫn tắt lửa đều mỗi chiều thứ 6 vì Bác vẫn làm gương nhịn ăn cứu đói cho đồng bào[2].
Là tấm gương mẫu mực phục vụ nhân dân, Bác ý thức được phải nói đi đôi với làm, và thậm chí, Bác còn làm nhiều hơn cả những gì Bác nói. Bác là tấm gương sáng về cần – kiệm – liêm – chính, chí công vô tư. Bác cần mẫn với công việc nhưng không quên việc học tập, rèn luyện để nâng cao tri thức. Bác không ngại khó, ngại khổ ngay cả khi bị gông cùm tù đày, bác vẫn kiên nghị quyết tâm trên con đường cứu dân cứu nước. Bác đi đầu trong thực hành lối sống tiết kiệm, giản dị, không xa hoa, lãng phí. Là vị lãnh tụ rất lực liêm – chính, chí công vô tư. Bác luôn giữ minh trong sạch, kiên quyết đấu tranh không mệt mỏi trước cái ác – u nhọt, sâu mọt- gây hại cho dân cho nước. Bác sống trung thực, chân thành và luôn yêu thương, tôn trọng mọi người.
3. Thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư trong bối cảnh hiện nay
Dù Bác đã đi xa nhưng những điều Bác nói, những việc Bác làm và tư tưởng của Bác vẫn luôn là kim chỉ nam cho lớp lớp cán bộ, Đảng viên học tập và noi theo. Cần kiệm liêm chính là bốn đức tính tất yếu mà mỗi cán bộ, Đảng viên phải có và thường xuyên rèn luyện để xứng đáng với trọng trách và tín nhiệm của Đảng, Nhà nước, niềm tin yêu của quần chúng nhân dân. Bên cạnh nhiều tấm gương tập thể và cá nhân điển hình trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đang dần suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Để kiện toàn bộ máy nhà nước và làm trong sạch đội ngũ Đảng viên, Đảng và nhà nước đã có nhiều Chỉ thị nhằm thực hiện di huấn của Bác về thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Trong đó, phải tập trung vào các mục tiêu:
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của “đầu não” các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các bộ ban ngành về thấm nhuần tư tưởng của Bác và tầm quan trọng của việc thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng trong toàn hệ thống chính trị.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, sống, học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh từ cấp lãnh đạo tới các cán bộ, công chức, đảng viên. Nâng cao trách nhiệm và phat huy vai trò gương mẫu đi đầu trong thực hành của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, đặc biệt là phải tự giác, trong sạch từ đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, người đứng đầu của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức. Chức vụ càng cao, trọng trách càng lớn thì càng phải giữ phẩm chất, đạo đức tốt, gương mẫu rèn luyện đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, trong sạch cả về đời tư lẫn công việc.
Thứ ba, vận dụng, phát huy vài trò của nhân dân, tạo cơ chế pháp lý công khai, minh bạch và hiệu quả để nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện công vụ. Dựa vào nhân dân để phát hiện, sửa chữa, chấn chỉnh cán bộ, đảng viên, kiên quyết đưa khỏi Đảng, miễn nhiệm, bài trừ, thau thế các cán bộ, công chức suy thoái, bất liêm, bất chính, tư lợi cá nhân, tham ô, tham nhũng,… làm mất uy tín của Nhà nước và của Đảng.
Bên cạnh đó, không phải chỉ có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Đảng viên mà toàn thể nhân dân cả nước cũng đều nên học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu mỗi người dân đều là công dân tốt thì đất nước ta sẽ thực sự vững mạnh!
[1] Trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập của Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật năm 2011, tập 6 trang 117.
[2] Theo sưu tầm