Bài thu hoạch BDTX module GVMN 4: Sinh hoạt chuyên môn ở cơ sở GDMN
Bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên trực tiếp làm công tác giảng dạy tại các trường mầm non luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, được các trường mầm non quan tâm thực hiện, với nội dung và hình thức phong phú. Trong các hình thức bồi dưỡng chuyên môn, sinh hoạt chuyên môn (SHCM) là 1 hoạt động được thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng cho giáo viên mầm non, được trường ..............quan tâm thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng cho toàn thể đội ngũ giáo viên nhà trường, đáp ứng nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ trong giai đoạn đổi mới giáo dục hiện nay.
Hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo truyền thống trong những năm qua nhìn chung đã mang lại những hiệu quả to lớn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Từ việc nâng cao năng lực quản lý và năng lực hoạt động chuyên môn cho CBQL và GV trong nhà trường, giúp CBQL, GV MN đổi mới trong tư duy và sinh hoạt chuyên môn theo hướng tăng cường hình thức trải nghiệm trong tổ chức các hoạt động cho trẻ ở trường mầm non; Phát huy rõ nét tính tích cực của học sinh trong khám phá, lĩnh hội tri thức.
Tuy nhiên, sinh hoạt chuyên môn tại trường mầm non ...........cũng không tránh khỏi 1 số hạn chế chung mà đa số các trường mầm non đều mắc phải, đó là:
- Việc thực hiện sinh hoạt chuyên môn còn nặng về hình thức, thể hiện trên hồ sơ sổ sách, đảm bảo đủ số lượng buổi sinh hoạt theo quy định, chưa có sự đổi mới nâng cao chất lượng trong nội dung sinh hoạt.
- Các hoạt động SHCM mang tính biểu diễn, làm mẫu, được tập duyệt nhiều lần trước khi cho giáo viên dự giờ, dẫn đến đa số trẻ mất đi sự hứng thú, tự nhiên trong hoạt động.
- Giáo viên thường coi hoạt động tổ chức trong buổi SHCM là hoạt động mẫu, lý tưởng, ít có nội dung thảo luận, phản biện vấn đề đề tìm giải pháp ưu việt hơn.
- Đôi khi, chính sự tham gia của những người dự giờ làm ảnh hưởng đến hoạt động của trẻ. Đa số giáo viên dự tập trung soi xét đánh giá hoạt động của người dạy, theo các khuôn mẫu nhất định, ít quan tâm đến quá trình hoạt động của trẻ và hiệu quả hoạt động trên trẻ.
SHCM theo nghiên cứu bài học là hoạt động giáo viên cùng nhau học tập từ thực tế việc học của trẻ tại lớp. Ở đó, giáo viên cùng nhau thiết kế hoạch bài học, cùng dự giờ quan sát, suy ngẫm và chia sẻ (tập trung chủ yếu vào việc học của trẻ) bài học. Đồng thời đưa ra những nhận xét về sự tác động của lời giảng, các câu hỏi, các nhiệm vụ học tập mà giáo viên đưa ra,... có ảnh hưởng đến việc học của trẻ. Việc tìm hiểu việc học của trẻ là để nhận diện được tình trạng học tập của mỗi trẻ khác nhau, những khó khăn, sai lầm và các yếu tố đang cản trở (hay thúc đẩy) việc học tập của trẻ và tìm ra cách thức để tác động phù hợp, hiệu quả hơn.Trên cơ sở đó, giáo viên được chia sẻ, học tập lẫn nhau, rút kinh nghiệm và điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học vào bài học hàng ngày một cách hiệu quả.
Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học đảm bảo cơ hội học tập và phát triển cho mọi trẻ em mang lại ý nghĩa to lớn trong quá trình bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đảm bảo cơ hội phát triển chuyên môn cho mọi giáo viên, góp phần xây dựng mỗi nhà trường trở thành cộng đồng học tập
SHCM theo nghiên cứu bài học không nhằm đánh giá, xếp loại giờ dạy mà ở đó giáo viên được khuyến khích học tập lẫn nhau, cùng nhau tìm nguyên nhân tại sao trẻ học/không học, trẻ có hứng thú- không có hứng thú với hoạt động của cô, đồng thời đề xuất các biện pháp để giúp tất cả trẻ học tập thực sự. Qua quá trình đó giáo viên sẽ có khả năng tự điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học một cách linh hoạt, phù hợp với đối tượng trẻ của lớp mình.
Trong quá trình thực hiện, chúng tôi rút ra 1 số bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất: Đổi mới SHCM theo nghiên cứu bài học phải chú trọng từ việc thay đổi nhận thức, hành vi của các bên tham gia, từ CBQL chỉ đạo chuyên môn trong cách thức hướng dẫn giáo viên dạy, đến nhận thức của giáo viên dự giờ trong cách thức nhận xét đánh giá chất lượng giờ dạy, sau đó mới có thể thay đổi tư duy của người dạy SHCM, giúp người dạy SHCM tự tin trong thể hiện. Bên cạnh đó, cần tạo cơ hội cho tất cả giáo viên được tham gia dạy SHCM, bao gồm cả giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm, không chỉ tập trung ở 1 vài giáo viên khá tốt thường xuyên tam gia dạy.
- Thứ hai: Đổi mới sinh hoạt chuyên môn phải bắt đầu từ việc đổi mới về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động trong Kế hoạch sinh hoạt chuyên môn của trường, tổ chuyên môn:
+ Về nội dung, nội dung SHCM theo hướng NCBH cần đa dạng, phong phú, kế hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực hành, lấy lý luận về hình thức, nội dung, phương pháp tổ chức các hoạt động trải nghiệm làm cơ sở lý luận cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục, đồng thời tăng cường các hoạt động thực hành làm minh chứng cho lý luận. Các nội dung đưa vào SHCM cần bắt nguồn từ nhu cầu của giáo viên, của học sinh chứ không chỉ là chỉ đạo một chiều theo mong muốn chủ quan của Ban giám hiệu nhà trường. Mặt khác, cần mở rộng nội dung sinh hoạt tới tất cả các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ như hoạt động ăn, ngủ, lao động, vệ sinh, vui chơi, không gói gọn trong các hoạt động học ở trên lớp.
+ Về phương pháp, cần linh hoạt, tránh gò bó, khuôn mẫu, áp đặt giáo viên theo lối mòn. Khuyến khích giáo viên thử nghiệm những đề tài mới, phương pháp mới, trên những đồ dùng, thiết bị mới. Cần xác định hoạt động tổ chức trong buổi SHCM là hoạt động minh họa chứ không phải là hoạt động mẫu, lý tưởng, khuyến khích giáo viên trao đổi, thảo luận dân chủ để tìm ra những hướng đi đúng, những cách làm hay. Sinh hoạt chuyên môn cần phải thay đổi và đi vào chiều sâu như coi trọng sinh hoạt cho giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học, cập nhật và chia sẻ những kinh nghiệm về tổ chức các hoạt động dạy học, giải quyết các tình huống trong dạy học; kĩ năng dự giờ, đánh giá giờ dạy; Dành thời gian nhiều hơn cho việc phân tích, đánh giá và rút kinh nghiệm các giờ dạy đã được giáo viên trong tổ, nhóm chuyên môn dự giờ. Khi thảo luận cần quan tâm đến quá trình hoạt động của trẻ ra sao, thái độ của trẻ với hoạt động như thế nào, việc tác động của giáo viên tới hoạt động của trẻ có hợp lý hay khôngchứ không chỉ quan tâm đến phương pháp tổ chức đặc trưng của từng hoạt động.
+ Về hình thức, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chuyên môn và nhà trường, để sinh hoạt chuyên môn các cấp tổ, trườngkhông bị chồng chéo về nội dung và thời gian tổ chức. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bồi dưỡng chuyên môn. Chẳng hạn: lập hòm thư tổ/trường để cùng chia sẻ thông tin, hướng dẫn chia sẻ kinh nghiệm khai thác tài nguyên phục vụ bồi dưỡng chuyên môn trên mạng (violet, trang web của Bộ, Sở,...). Các buổi sinh hoạt chuyên môn nên giảm tính hành chính (họp hành, đánh giá, triển khai... có thể đưa lên hòm thư nội bộ hoặc dán/thông báo lên bảng tin), dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm, lên chuyên đề,... tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho giáo viên trong chuyên môn.
- Thứ ba: Cần chú trọng bồi dưỡng năng lực tổ chức điều hành cho đội ngũ tổ trưởng những người chủ trì các buổi SHCM vì thực tế cho ta thấy buổi sinh hoạt chuyên môn thành công phụ thuộc rất nhiều vào khả năng và chuyên môn của người chủ trì. Tổ trưởng tổ chuyên môn phải nêu được vấn đề cần thảo luận, như vị trí, vai trò, các hình thức tăng cường hoạt động trải nghiệm cho trẻ, xây dựng môi trường hoạt động trải nghiệm cho trẻ, các tác động của giáo viên đối với hoạt động của trẻ thế nào là phù hợp và hiệu quả, hướng giáo viên đến các tình huống có vấn đề và thống nhất quan điểm chung với vấn đề đưa ra thảo luận. Cần tăng cường quản lý chặt chẽ của BGH nhà trường tới các hoạt động sinh hoạt chuyên môn để định hướng, giúp đỡ tổ chuyên môn khi cần.
- Thứ tư: Cần xây dựng một nề nếp sinh hoạt chuyên môn ổn định, chất lượng. Trong đó, việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn cần thường xuyên, đúng kế hoạch. Có sự điều chỉnh, bổ sung trong suốt năm học và năm sau để sinh hoạt chuyên môn hiệu quả và phong phú hơn.
Qua tổ chức thực hiện SHCM theo hình thức nghiên cứu bài học, cùng với việc triển khai có hiệu quả mô hình xây dựng môi trường GD lấy trẻ làm trung tâm, chất lượng đội ngũ giáo viên nói riêng, chất lượng CSGD trẻ của nhà trường nói chung đã có nhiều khởi sắc. Đa số giáo viên trong nhà trường đã mạnh dạn, tự tin hơn trong xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động. Các buổi SHCM của nhà trường không còn là những “màn biểu diễn điêu luyện” của 1 vài giáo viên cốt cán, mà thực sự là không gian cho tất cả giáo viên giao lưu, trao đổi, chia sẻ tri thức, góp phần hình thành nên một môi trường học tập tích cực tại nhà trường.