Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên giáo viên 2023 mới nhất

Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên áp dụng đối với giáo viên đang giảng dạy tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trong bài viết dưới đây, Luật Minh Khuê sẽ cung cấp một số bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên để các quý giáo viên có thể tham khảo khi làm bài thu hoạch.

 

1. Mục đích và đối tượng của chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông

Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông nhằm bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm đối với giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông; là căn cứ để quản lý, chỉ đạo, tổ chức và biên soạn tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, nâng cao mức độ đáp ứng của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông đối với yêu cầu phát triển giáo dục phổ thông và yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.

Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông áp dụng đối với giáo viên đang giảng dạy ở trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường trung học phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú (gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông).

 

2. Nội dung của bài thu hoạch chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông

Theo bản Chương trình Bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 17/2019/TT-BGDĐT ngày 01/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương tình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm những nội dung sau đây:

1. Chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học đối với các cấp học của giáo dục phổ thông: bồi dưỡng về đường lối, chính sách phát triển giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục phổ thông, nội dung các môn học, hoạt động giáo dục thuộc chương trình giáo dục phổ thông.

2. Chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục phổ thông theo từng thời kỳ của mỗi địa phương: bồi dưỡng về phát triển giáo dục phổ thông của địa phương, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục địa phương; phối hợp với các dự án để triển khai kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên (nếu có).

3. Chương trình bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp theo yêu cầu vị trí việc làm: Giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông tự chọn các mô đun bồi dưỡng nhằm phát triển phẩm chất, năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm. Các mô đun bồi dưỡng cụ thể như sau:

*Chủ đề Phẩm chất nhà giáo:

  • GVPT 01: Nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay
  • GVPT 02: Xây dựng phong cách của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông trong bối cảnh hiện nay

*Chủ đề Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ:

  • GVPT 03: Phát triển chuyên môn của bản thân
  • GVPT 04: Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh
  • GVPT 05: Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh
  • GVPT 06: Kiểm tra, đánh giá học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh
  • GVPT 07: Tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động dạy học và giáo dục

*Chủ đề Xây dựng môi trường giáo dục

  • GVPT 08: Xây dựng văn hóa nhà trường trong các cơ sở giáo dục phổ thông
  • GVPT 09: Thực hiện quyền dân chủ trong nhà trường trong các cơ sở giáo dục phổ thông
  • GVPT 10: Thực hiện và xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục phổ thông

*Chủ đề Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội:

  • GVPT 11: Tạo dựng mối quan hệ hợp tác với cha mẹ học sinh và các bên liên quan tỏng hoạt động dạy học và giáo dục học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông
  • GVPT 12: Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để thực hiện hoạt động dạy học cho học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông
  • GVPT 13: Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông

*Chủ đề Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục:

  • GVPT 14: Nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc đối với giáo viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông
  • GVPT 15: Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông

 

3. Một số mẫu bài thu hoạch chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông

3.1. Mẫu bài thu hoạch Module GVPT 01: Nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay

Đạo đức nhà giáo là chuẩn mực cho những hành xử, nhận thức, thái độ của người giáo viên, đặc biệt là trong môi trường giáo dục. Theo quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo đã chỉ rõ:

Về phẩm chất chính trị, người giáo viên cần phải chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thi hành nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật. Không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ lý luận chính trị để vận dụng vào hoạt động giảng dạy, giáo dục và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm sự điều động, phân công của tổ chức; có ý thức tập thể, phấn đấu vì lợi ích chung. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội.

Về đạo đức nghề nghiệp, người giáo viên phải có sự tâm huyết với nghề, có ý thức gữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ dông nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng. Tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trường, của ngành. Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.

Tuy nhiên, hiện nay bên cạnh những nhà giáo ngày đêm âm thầm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục thì đã bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều những trường hợp giáo viên tha hóa về đạo đức nhà giáo tại một số cơ sở giáo dục phổ thông, ví dụ như trường hợp thầy giáo Trần Thế Vinh – giáo viên môn Mĩ thuật trường THCS Hương Bình (Hương Khê, Hà Tĩnh) đánh học sinh đến mức thủng màng nhĩ vào năm 2014, hay trường hợp các giáo viên vì lòng tham mà tiếp tay cho vấn nạn “mua điểm” ở kỳ thi THPT Quốc gia gây rúng động cả nước vào năm 2018. Những trường hợp này đã làm xấu đi hình ảnh của các nhà giáo trong nhận thức của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.

Để khắc phục tình trạng này, ta có thể áp dụng một số những biện pháp sau:

Thứ nhất, ngành Giáo dục và Ban Giám hiệu các cơ sở giáo dục phổ thông cần phải tăng cường và thường xuyên quan tâm công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ giáo viên nhà trường; khơi dậy lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp trong mỗi nhà giáo.

Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và tôn vinh, khen thưởng những tấm gương nhà giáo tận tụy, mẫu mực, có thành tích trong giảng dạy; đồng thời cũng là để phát hiện những trường hợp giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo để khiển trách, kỷ luật.

Thứ ba, đối với bản thân mỗi nhà giáo cần phải thường xuyên tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời phải tự kỷ luật với bản thân để không bị làm mờ mặt bởi các hành vi tiêu cực trong xã hội.

 

3.2. Mẫu bài thu hoạch Module GVPT 04: Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục …

Hiện nay, để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông được thay đổi theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hóa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kĩ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hòa và cách mạng công nghiệp mới.

Theo Chương trình tổng thể được ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt những yêu cầu sau:

Về phẩm chất, học sinh cần có những phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

Về năng lực cốt lõi, học sinh cần có năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo được hình thành, phát triển thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục; năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ, năng lực thể chất được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định. 

Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực cốt lõi, chương trình giáo dục phổ thông còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu học sinh.

Để thực hiện được mục tiêu đó, mỗi giáo viên trước hết cần phải tự trau dồi phẩm chất, năng lực của bản thân; nâng cao sự nhiệt huyết, tận tụy đối với nghề giáo và khả năng truyền lửa kiến thức đến với học sinh.

Tiếp theo đó, mỗi giáo viên, mỗi cơ sở giáo dục cần rà soát nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tinh giảm những nội dung dạy học không còn thực sự phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay, đồng thời cập nhật, bổ sung những nội dung kiến thức mới phù hợp thay cho những nội dung kiến thức cũ, lạc hậu. Tích cực sắp xếp các bài học để tích hợp lại thành một bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn, tạo điều kiện cho học sinh có thể vận dụng linh hoạt kiến thức các môn học để giải quyết vấn đề một cách khoa học nhất.

Cuối cùng, mỗi nhà trường, mỗi cơ sở giáo dục cũng cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về phương pháp và kỹ thuật giảng dạy để đáp ứng các nhu cầu dạy học với chương trình mới; tăng cường phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác, độc lập, sáng tạo của học sinh. Hướng dẫn và rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự nghiên cứu để tiếp nhận kiến thức một cách chủ động.

Các bước xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh:

Bước 1: Nghiên cứu tài liệu, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành và các điều kiện để xây dựng kế hoạch dạy học

Bước 2: Xác định những phẩm chất, năng lực chung năng lực đặc thù cần hình thành và phát triển ở học sinh qua từng nội dung dạy học và giáo dục.

Bước 3: Xác định các hoạt động học tập, hoạt động tự giáo dục của học sinh

Bước 4: Triển khai xây dựng kế hoạch dạy học, kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục theo định hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh

Bước 5: Tổ chức đánh giá hoạt động học tập của học sinh theo định hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Trên đây là bài viết của Luật Minh Khuê về chủ đề: Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên giáo viên. Hy vọng những nội dung trên đã giúp ích cho quý thầy, cô giáo trong việc hoàn thành bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông của mình.