Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên THPT module 1

 

BỘ GD-ĐT

TRƯỜNG………………

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

BÀI THU HOẠCH

BỒI DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN GIÁO VIÊN

Module 01 – THPT:  Đặc điểm tâm lý của học sinh trung học phổ thông

Năm học: …………..

Họ và tên: …………………………………………………………………………………….

Đơn vị: ………………………………………………………………………………………..

Ở mỗi độ tuổi khác nhau thì đặc điểm tâm sinh lý cũng có sự khác biết rõ rệt. Việc hiểu rõ đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của chất lượng giáo dục, mà trong đó giáo viên là nhân tố quan trọng nhất. Hiểu được điều đó, các cấp quản lý giáo dục đã tạo điều kiện cho giáo viên được học tập module bồi dưỡng thường xuyên số 1. Với sự chỉ bảo tận tình của thầy cô bản thân tôi đã tiếp thu được nhiều kiến thức hữu ích và rút ra bài học cho bản thân.

1.Quá trình phát triển tâm lý cá nhân của học sinh trung học phổ thông

 Tâm lý học phân chia toàn bộ quá trình phát triển tâm lý cá nhân thành các thời ký (hay các giai đoạn), mỗi giai đoạn được xác định bởi các dấu mốc tương đối về thời gian.

 Học sinh trung học phổ thông là giai đoạn cuối của tuổi vị thành niên. Để tìm ra các biện pháp phát triển năng lực hiểu biết, cần hiểu rõ hoàn cảnh xã hội của sự phát triển. Hoàn cảnh xã hội của sự phát triển được hiểu là tổ hợp các mối quan hệ và tính chất các mối quan hệ mới mà trẻ tham gia vào cũng như tính chất của sự tương tác giữa trẻ với các quan hệ xã hội[1]. Ở thời kỳ phát triển trung học phổ thông, hoàn cảnh xã hội của sự phát triển được thể hiện qua các mối quan hệ. Ở lứa tuổi này, các mối quan hệ phổ biển của cá nhân đó là quan hệ gia đình, quan hệ bạn bè, quan hệ thầy trò và các mối quan hệ xã hội khác. Tùy theo sự tương tác của học sinh và các chủ thể, hoàn cảnh xã hôi vừa thúc đẩy sự phát triển hoặc làm phát sinh các trở ngại đối với sự phát triển. Hoàn cảnh xã hội tác động đến lứa tuổi học sinh trung học phổ thông có tính mở, sự chuyển đổi vai trò và vị thế xã hội. Lứa tuổi học sinh, có sự trưởng thành nhất định về nhận thức, do đó các quan hệ trở nên thuận lợi hơn.  Học sinh trung học phổ thông vừa có sự độc lập nhất định trong tư duy, trong đối nhân xử thế, tuy nhiên các em vẫn còn phụ thuộc vào gia đình về mặt kinh tế. Trong lứa tuổi này, các em luôn mong muốn được tôn trọng và lắng nghe. Do vậy, cha mẹ cần có sự tin tưởng vào các em, tạo điều kiện cho các em được đưa ra các quyết định như lựa chọn nghề nghiệp, học hành, tình cảm. Sự tôn trọng của cha mẹ sẽ giúp cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn cần có sự thẳng thắn, giúp các em nhận thức đúng sai để các em có thể hoàn thiện hơn nữa.

Trong quan hệ bạn bè, học sinh trung học phổ thông có mối quan hệ rộng rãi và có nhiều nhóm bạn đa dạng hơn. Các nhóm hình thành dựa trên những điểm chung về sở thích, sự chia sẻ và đồng cảm với nhau. Tuy nhiên ở lứa tuổi này, cha mẹ cần có sự định hướng giúp các em lựa chọn các nhóm chơi phù hợp để phát triển theo chiều hướng tích cực.

Ở độ tuổi này, yếu tố vị thế đã được học sinh trung học cơ sở bắt đầu coi trọng hơn. Các em thường có xu hướng mong muốn được thừa nhận, được nhìn nhận tích cực từ các bạn, hay nói cách khác là mong muốn thể hiện bản thân. Do vậy, các nhóm sinh hoạt trong nhà trường cần được thiết kế các nội dung sinh hoạt hấp dẫn nhằm mục đích giúp các em thỏa mãn các nhu cầu tâm lý xã hội.

Khi trưởng thành, các em có nhiều điều kiện để tham gia vào nhiều quan hệ xã hội đa dạng và phức tạp hơn, xuất hiện nhiều vai trò xã hội mới mà trước đây các em chưa có. Học sinh ở độ tuổi trung học phổ thông bước đầu có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ nhất định, có năng lực hành vi và năng lực trách nhiệm hình sự.

2. Hoạt động học tập và hoạt động xã hội của học sinh trung học phổ thông

Hoạt động học tập của học sinh trung học phổ thông đã có sự định hướng nghề nghiệp, vì vậy các em ý thức rõ hơn động cơ học tập của mình. Học sinh có xu hướng bỏ qua, ít quan tâm đến những môn học không phục vụ trực tiếp đến mục đích thi vào các trường Đại học và Cao đẳng.

Bên cạnh hoạt động học tập, hoạt động xã hội cũng dần có vai trò lớn hơn. Học sinh trung học phổ thông tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Đây cũng là một vấn đề các nhà trường đặc biệt quan tâm trong công tác giáo dục học sinh một cách toàn diện. Các hoạt động xã hội không chỉ giúp học sinh có sự trưởng thành về ý thức công dân mà còn giúp học sinh thể hiện được các quan điểm, thái độ của bản thân trước các vấn đề xã hội. Do vậy, khuyến khích các hoạt động xã hội tích cực là cách thức hữu hiệu để phát triển và hình thành nhân cách tốt đẹp cho học sinh.

3. Ý nghĩa của giai đoạn trung học phổ thông trong toàn bộ cuộc đời của cá nhân

Ở giai đoạn này, các em đã có sự trưởng thành về mặt thể chất, tuy nhiên về mặt nhân cách chưa có sự phát triển hoàn thiện. Do vậy, học sinh chưa hoàn toàn làm chủ được hành vi của bản thân, việc chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội còn hạn chế. Tuy nhiên, các em ở lứa tuổi này phải đối mặt với những quyết định quan trọng của cuộc đời đó là lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Quả thực, đây là một thử thách lớn đối với mỗi học sinh trung học phổ thông, đòi hỏi các em phải rất nỗ lực và cố gắng.

4. Nhận thức và trí tuệ của học sinh trung học phổ thông

Trong tâm lý học hiện đại, lý thuyết đa trí tuệ được coi là có cách hiểu đầy đủ và bao quát hơn về trí tuệ.

Theo đó, có nhiều kiểu trí tuệ khác nhau, bao gồm:

(1) Trí tuệ ngôn ngữ thể hiện khả năng ngôn ngữ;

(2) Trí tuệ logic thể hiện khả năng tư duy logic – khoa học;

(3) Trí tuệ không gian thể hiện khả năng nắm bắt không gian;

(4) Trí tuệ vận động – sự thông thái của cơ thể;

(5) Trí tuệ tương tác là khả năng tương tác của con người với người khác và xã hội;

(6) Trí tuệ âm nhạc thể hiện khả năng âm nhạc;

(7) Trí tuệ nội tâm, đó là khả năng nhận thức bản thân.

Mỗi cá nhân sẽ nổi trội một kiểu trí tuệ khác nhau, vì vậy các cá nhân sẽ có khả năng hoạt động và thành công ở những lĩnh vực khác nhau. Cách hiểu này về trí tuệ cho phép nhìn nhận các năng lực đa dạng của con người, cung cấp cách hiểu và tiếp cận nhân văn, từ dó là các tác động đa dạng kích thích sự phát triển độc đáo của mỗi cá nhân.

Do vậy, giáo viên khi thực hiện công tác giảng dạy cần hiểu rõ khả năng trí tuệ của học sinh, từ đó thúc đẩy sự phát triển năng lực riêng biệt của mỗi cá nhân. Từ đó, định hướng chính xác việc lựa chọn nghề nghiệp.

Nhận thức của học sinh trung học phổ thông có những đặc điểm nổi bật sau:

Thứ nhất, về mặt phạm vi nhận thức.

Phạm vi nhận thức của học sinh trung học phổ thông tương đối rộng bao hàm các nội dung như học tập, các vấn đề xã hội, các vấn đề tự nhiên. Tuy nhiên những nhận thức này còn tương đối tản mạn, ít hệ thống.

Thứ hai, tính độc lập, sáng tạo thể hiện rõ nét, điều đó biểu hiện như sau:

– Học sinh có thể nhìn nhận, đánh giá, thậm chí phê phán một vấn đề;

– Học sinh hình thành các kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề;

– Học sinh không tiếp thu kiến thức một chiều mà có sự nghi ngờ và tính đầy đủ và đúng đắn của lời giải thích. Vì vậy, học sinh trung học phổ thông hứng thú tham gia vào việc nghiên cứu khoa học, tạo ra các sáng chế hữu ích cho cuộc sống.

Thứ ba, học sinh trung học phổ thông có sự phát triển đạt đến mức cao về trí tuệ. Có thể khẳng định rằng, trí tuệ của học sinh trung học phổ thông ngang bằng với một người trưởng thành. Các em ở lứa tuổi này có những thao tác trí tuệ ở mức cao hơn so với học sinh trung học cơ sở. Các em có khả năng phân tích, so sánh, tổng hợp, đặc biệt là thao tác trừu tượng hóa và khái quát hóa ở mức cao. Tuy nhiên, sự phát triển của học sinh ở lứa tuổi này chưa phát triển một cách toàn diện và đầy đủ.

Thứ tư, sự phát triển trí tuệ của học sinh trung học phổ thông có mối quan hệ chặt chẽ với năng lực sáng tạo. Như đã nói ở trên, sự phát triển về trí tuệ của các em đã đạt đến mức độ cao hơn. Trí tuệ phát triển mạnh dẫn đến kích thích trí tò mò và óc sáng tạo của các em. Do vậy, giáo viên cần nắm bắt được đặc điểm phát triển trí tuệ này của học sinh, từ đó phát huy tối đa năng lực của các em.

5. Đời sống tình cảm và ý chí của học sinh trung học phổ thông

5.1. Đời sống tình cảm của học sinh trung học phổ thông

Là môt giáo viên trung học phổ thông, tôi nhận thức rõ rằng, bản thân cần nắm được nhưng đặc điểm tâm lý trong đời sống tình cảm, ý chí của học sinh để có thái độ và cách ứng xử đúng đắn với các em.

Đời sống tình cảm ở trung học phổ thông bắt đầu xuất hiện những nét mới lạ và phức tạp hơn. Các quan hệ tình cảm phổ biến ở lứa tuổi này ở mức độ cao hơn, chẳng hạn như tình bạn hoặc tình yêu.

Ở độ tuổi từ 15-18, các em có sự phát triển về sinh lý với một số biểu hiện như dậy thì, thay đổi hooc môn, thiếu niên có xu hướng tăng hung phấn nhẹ hoặc căng thẳng xúc cảm. Tuy nhiên, sự thay đổi về tình cảm ở mỗi học sinh lại khác nhau. Trong khi đa phần các em đều dễ rung cảm trước hành vi đạo đức của người khác thì có một số em lại có thái độ dửng dung với các sự việc xung quanh. Đó chính là kết quả giáo dục ở các bậc học trước. Sự phát triển về sinh lý dẫn đến sự thay đổi nhất định về tâm lý. Lứa tuổi thiếu niên, các em có nhu cầu tình cảm lớn hơn so với lứa tuổi trước. Nhu cầu tình cảm của các em vô cùng đa dạng chẳng hạn như tình cảm đạo đức, tình cảm trí tuệ, tình cảm thẩm mỹ, tình cảm trách nhiệm, lòng yêu nước, tình bạn, tình yêu,…. Những tình cảm này được các em bộ lộ một cách rõ ràng. Ở các em cũng hình thành những quan điểm cứng rắn và biết cách thể hiện bản thân. Các em không chỉ chứng minh bản thân thông qua vẻ đẹp bên ngoài của cá nhân, mà còn thể hiện bản thân thông qua nét đẹp về đạo đức và trí tuệ. Hơn cả, ở lứa tuổi này các em còn hình thành những quan điểm sống riêng biệt, biết bảo vệ lẽ phải và cái đẹp; phê phán những điều sai trái.

Tình bạn là một dạng tình cảm quan trọng và không thể thiếu ở bất kỳ độ tuổi nào. Khác với các lứa tuổi khác, tình bạn của học sinh trung học phổ thông phát triển mạnh trên cả ba phương diện, đó là mức độ lựa chọn, độ bền vững và độ thân thiết. Việc lựa chọn bạn bè của các em không chỉ bị chi phối bởi sở thích mà bắt nguồn từ sự tương đồng về mục đích sống và hoàn cảnh sống. Thông thường định hướng của các nhóm bạn học sinh trung học phổ thông phát triển theo hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Có một số nhóm bạn cùng nỗ lực học tập, theo đuổi ước mơ nhưng một số nhóm khác lại hướng tới việc ăn chơi, đua đòi thậm chí lâm vào các tệ nạn xã hội. Do vậy, gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ để định hướng sự phát triển cho từng cá nhân, từ đó giúp cho các em cùng phát triển trở thành một công dân có ích cho xã hội. Nhờ vào việc các em có xu hướng lựa chọn bạn bè kỹ lưỡng hơn đã hình thành các mối quan hệ bạn bè ổn định và bền vững.

Sự phát triển về sinh lý hình thành sự phân biệt rõ ràng về giới tính. Chính sự khác biệt đó làm cho các em bước đầu hình thành những xúc cảm nhất định với người khác giới. Tình cảm đó được gọi là tình yêu. Có thể khẳng định rằng, tình yêu ở tuổi trung học phổ thông là một tất yếu của sự phát triển về cơ thể, thể chất và xã hội. Học sinh ở lứa tuổi này có nhu cầu được chia sẻ, được yêu thương và được quan tâm. Tình yêu ở lứa tuổi trung học phổ thông rất đơn thuần và trong sáng. Tình yêu có thể thay đổi các em theo chiều hướng tốt đẹp như hình thành các kỹ năng chia sẻ, biết cách yêu thương, quan tâm, thông cảm và giúp đỡ người khác. Nắm bắt được tâm lý này, giáo viên và phụ huynh cần có định hướng và lời khuyên phù hợp, một mặt cần tôn trọng tình cảm của các em mặt khác cần quan tâm sâu sát để các em giúp đỡ nhau học tập và rèn luyện.

5.2. Đặc điểm ý chí của học sinh trung học phổ thông

Ở tuổi này, hầu hết các em có xu hướng bộc lộ rõ nét nhân cách và phẩm chất ý chí, cường độ ý chí phát triển ở mức độ cao hơn. Điều đó được thể hiện qua một số biểu hiện sau:

Thứ nhất, các em nỗ lực hết mình để đạt được ước mơ, hoài bão của bản thân. Nhiều học sinh có điều kiện gia đình khó khăn hoặc thành tích học tập yếu, nhưng khi đã có được ước mơ hoài bão của riêng mình đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt được mục đích đề ra.

Thứ hai, các em có định hướng rõ ràng trong lựa chọn nghề nghiệp. Các em biết đặt mục tiêu, lên kế hoạch, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng của mình

Tuy nhiên, bên cạnh các em học sinh có ý chí học tập, ý chí quyết tâm cao vẫn tồn tạt các em học sinh thụ động và không có định hướng. Trên thực tế, nhiều em học sinh bị lôi kéo vào các nhóm tiêu cức, không tuân thủ nội quy trường lớp, các chuẩn mức đạo đức, thậm chí ngành ngược, chống đối.

Với vai trò là người cố vấn, giáo viên cần nắm rõ đặc điểm tâm lý của từng học sinh từ đó phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của mỗi cá nhẫn

6. Đặc điểm nhân cách của học sinh trung học phổ thông

Đặc điểm nhân cách của học sinh trung học phổ thông có bước đầu hình thành khả năng tự ý thức và hình thành “cái tôi”.

Tự ý thức là khả năng học sinh trung học phổ thông tự tách ra khỏi bản thân, lấy bản thân mình ra làm đối tượng để nhận thức để đánh giá, từ đó hình thành nên biểu tượng khái quát về chính bản thân. Học sinh trung học phổ thông có thể tự nhận thức bản thân và hình thành hình ảnh của bản thân ở nhiều phương diện như bên ngoài, bên trong, thân thể, năng lực, phẩm chất,… Việc tự ý thức của học sinh trung học phổ thông bắt đầu bằng việc có sự đối chiếu bản thân với các chuẩn mực xã hội và hình thành các quan điểm cá nhân. Từ đó, mong muốn bản thân mình tốt hơn.

Bên cạnh đó, quá trình hình thành nhân cách bao gồm cả việc hình thành cái tôi. Cái tôi được hiểu là những thuộc tính cá nhân và tâm thế xã hội bao gồm nhận thức về bản thân, xúc cảm với bản thân và hành vi – thái độ thực tế với bản thân.

Như vậy, ta thấy rằng học sinh trung học phổ thông có những đặc điểm tâm sinh lý vô cùng riêng biệt. Chính vậy, giáo viên cần có thái độ tôn trọng, nhạy bén trong việc nắm bắt tâm lý học sinh. Từ đó, khích lệ học sinh nỗ lực học tập, phấn đấu rèn luyện, nhằm trang bị cho các em đầy đủ hành trang vững bước vào đời.

Tải (download) Mẫu Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên THPT module 1

->>> Tham khảo thêm : Lịch thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2021