Bài học: Giới & Bình đẳng giới – Giáo Dục Giới Tính

Các khái niệm liên quan đến giới, giới tính, bình đẳng giới?

  • Giới tính: giới sinh học được quy định bằng bộ nhiễm sắc thể. Nhiễm sắc thể XX quy định giới tính nữ (âm vật, âm đạo, tử cung, buồng trứng, hóc môn sinh dục nữ) và bộ nhiễm sắc thể XY quy định giới tính nam (tinh trùng, dương vật, hóc môn sinh dục nam). Giới tính của một người là cố định, không thay đổi trong quá trình lớn lên.
  • Giới: chỉ sự khác biệt giữa nam và nữ về vai trò, trách nhiệm của họ có được từ quá trình học hỏi trong gia đình, nhà trường và giao tiếp xã hội. Ví dụ: người nữ phải đáp ứng tiêu chí công dung ngôn hạnh, nam giới thì phải tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Các quan niệm về giới thay đổi, khác biệt giữa các giai đoạn lịch sử cũng như các đất nước, dân tộc khác nhau.

Hình minh họa về Định kiến giới (Nguồn Internet)

  • Định kiến giới: nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của người nam hoặc người nữ, ví dụ: nữ khéo nuôi con, nam giới thì không ủy mị, độc lập, tài ba, xốc vác…
  • Bình đẳng giới: là việc nam, nữ có vị trí vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát triển năng lực ngang nhau trong cộng đồng và được thụ hưởng như nhau về thành quả. Ví dụ: tiền làm ngoài giờ của nam và nữ là như nhau không có sự phân biệt giữa người nam và người nữ.
  • Công bằng giới: Là sự đối xử một cách hợp lý đối với cả nam và nữ dựa trên sự khác biệt của nam và nữ (bao gồm cả các nhóm riêng: nhóm nam nữ dân tộc thiểu số, nam nữ khuyết tật, nam nữ sống chung với HIV/AIDS) để đảm bao cho nam và nữ được tham gia và hưởng lợi ích một cách phù hợp và công bằng dựa trên các điểm khác biệt về giới của họ.
  • Ví dụ về công bằng giới: Luật lao động quy định nữ lao động được nghỉ 30 phút/ ngày (trong thời kỳ kinh nguyệt) và 60 phút/ ngày trong thời kỳ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. những quy định này đảm bảo cho phụ nữ có thêm thời gian vệ sinh và cho con bú. Luật lao động cũng quy định, trong tuyển dụng người nam và nữ có trình độ ngang nhau thì người nữ sẽ được ưu tiên tuyển dụng.

Các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới là gì?

  1. Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình
  2. Nam nữ không bị phân biệt đối xử vì họ có khác biệt về giới
  3. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, chính sách bảo vệ và hỗ trợ cho phụ nữ không bị coi là phân biệt đối xử về giới: ví dụ, tăng thời gian nghỉ ngơi cho phụ nữ
  4. Bảo đảm lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật, quy chế, quy định của cơ quan/ đơn vị, nhà máy, trường học
  5. Thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân.

 

Nguồn Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (C.CIHP)

Các nguyên tắc về bình đẳng trong lĩnh vực SKSS – hôn nhân và gia đình?

  1. Nam và nữ bình đẳng trong quan hệ dân sự và quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình
  2. Nam và nữ có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn lực, thu nhập chung của gia đình và quyết định liên quan đến nguồn lực của gia đình.
  3. Nam nữ bình đẳng trong việc quyết định và lựa chọn biện pháp tránh thai, kế hoạch hóa gia đình phù hợp, sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con.
  4. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.
  5. Các thành viên nam nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.

Chúng ta cùng nghe một bài nói về Nhạy cảm giới và Bình đẳng giới:



Nguồn Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (C.CIHP)