Bài 3: Nước mắt ngọt, nước mắt đắng
(HNM) – Hành trình gian nan của những người đi tìm con yêu thật đặc biệt. Có những câu chuyện khiến ta cùng khóc với họ vì hạnh phúc. Nhưng có những câu chuyện khi đọc hết rồi vẫn đọng lại dư vị xót xa.
Hành trình chỉ có trong tiểu thuyết
Hơn 30 tuổi mới kết hôn, sau hai năm chưa có tin vui, chị Lan đi khám thì phát hiện mình bị buồng trứng đa nang. Thêm ba năm điều trị tại một trong những đất nước có nền y học tiên tiến (Anh) mà không có kết quả, chị được bác sĩ chuyển sang làm thụ tinh trong ống nghiệm. Khi đó chị đã 37 tuổi. Sau 6 lần làm IVF, trong đó có 3 lần chuyển phôi tươi, 3 lần chuyển phôi trữ, kết quả cuối cùng vẫn là số 0. Người chồng ngoại quốc vì chuyện này mà chia tay với chị. Không nhụt chí, chị quyết định sinh con một mình. Qua người nhà, qua sách báo, được biết các bệnh viện ở nhà đã làm rất thành công nhiều ca IVF cho những phụ nữ còn lớn tuổi hơn, nguyên nhân khó hơn, chị Lan về nước tìm con yêu. Hơn hai năm ròng ở TP Hồ Chí Minh với hơn 15 lần chuyển phôi, trong đó 4 lần chuyển phôi tươi, chị vẫn chưa tìm thấy hạnh phúc. Chị lại khăn gói ra Hà Nội đi tìm vận may. Nhưng, dù thêm 4 lần chuyển phôi nữa, nước mắt vẫn chảy dài trên khuôn mặt chị. 25 lần chuyển phôi đều không thành công, chị lại quay về quê hương thứ hai với quyết tâm làm lại từ đầu cho đến khi tuổi tác không cho phép.
Trong số những chị em chờ hút trứng và chuyển phôi hôm ấy, Mai là trường hợp đặc biệt, vì cô là người đi… giảm thiểu thai. Mai chuyển 4 phôi thì đậu cả 4. Để bảo đảm an toàn cho cả mẹ và con, các bác sĩ quyết định giảm thiểu số thai xuống còn 2. Thấy mọi người xúm hỏi chia vui, Mai buồn buồn kể: “Có thai đáng là phải thật vui, nhưng em lại thấy lo lắng. Năm 19 tuổi, tự nhiên kinh nguyệt của em thất thường, lúc có lúc không. Em đi khám, bác sĩ nói em bị hội chứng suy giảm buồng trứng sớm, khả năng có con tự nhiên là rất thấp. Lúc này em chuẩn bị cưới. Em cũng nói với ông xã chuyện này và anh ấy vẫn quyết tâm, còn nói không có con cũng không sao. Chúng em ở với nhau được ba năm, bố mẹ hai bên giục có cháu suốt vì anh ấy là con một, mặc dù trước đó chúng em xin phép phấn đấu cho sự nghiệp trước khi sinh con. Gần đây em thấy thái độ của nhà anh ấy khang khác. Bọn em giấu gia đình lên Hà Nội khám bệnh, nhờ các bác sĩ tìm giải pháp giúp chúng em. Sau thăm khám, các bác sĩ khuyên em nên xin trứng của người khác. Hai vợ chồng em quyết định xin trứng của chị gái em. May mắn là làm lần đầu lại có thai luôn. Lạy Trời Phật cho em mẹ tròn con vuông, chứ nếu lần này kết quả không tốt, có nghĩa là cơ hội làm mẹ của em rất khó thành hiện thực, em sẽ chia tay để giải phóng cho anh ấy”. Nghe những lời tâm sự già dặn của cô gái 22 tuổi, không khí trong phòng đặc quánh lại. Không ít người lúc trước còn “ghen tị” với khuôn bụng tròn tròn của Mai giờ lặng lẽ chấm nước mắt.
Đã 8 năm nay, ngày nào chị Bùi cũng bị mẹ chồng cạnh khóe, vì trong mắt bà, chị như cây cau điếc ở góc sân. Bà đâu biết, chính cậu con trai yêu của bà mới là “thủ phạm”, vì tinh trùng khỏe của anh chỉ trên “ria-rô” một chút. Nuốt nước mắt vào trong, chị Bùi ra sức tẩm bổ cho chồng. Nhưng công sức ấy cũng chỉ giúp anh chị có con nếu nhờ y học can thiệp. Lần làm IVF đầu tiên, do không dám nói với mẹ, sau chuyển phôi chị vẫn phải đi cấy, chăm cả đàn lợn thịt gần 30 con, nên chị bị sảy thai sau một tháng. Thấy con dâu héo hắt, mặt mũi thất thần, mẹ chồng đã không hỏi một câu, lại còn đòi họp gia đình để bắt anh bỏ chị. Lần làm IVF sau anh chị quyết định nói với mẹ. Nghe chuyện, mẹ chồng chị khóc lóc không chấp nhận, vì “biết nó có phải con bay hay con thằng nào”, và dọa nếu không nghe lời bà sẽ từ. Anh chị đành làm trái lời mẹ. Khi chị sinh, mẹ chồng chị vẫn không nhận cháu. Nhưng rồi, nhìn thằng cu kháu khỉnh giống hệt con trai mình, bà lân la thăm hỏi, rồi một mực đòi đón cháu về. Giờ thì bà cưng cháu hơn vàng và cứ giục anh chị sinh thêm bé nữa cho chúng có anh, có em.
Còn rất nhiều những số phận, những câu chuyện về hành trình gian nan đi tìm con yêu tưởng chỉ có trong tiểu thuyết.
Gắn kết những phận người
Cũng như những người không được số phận ưu ái khác, cộng đồng những người hiếm muộn cần có một sự đồng cảm, sẻ chia đặc biệt.
Chị Hoài (Nghệ An), người đã 4 lần chuyển phôi, cho biết: “Lần đầu tiên làm IVF mình có biết gì đâu. Quy trình thì bác sĩ hay y tá chỉ hướng dẫn một hai lần, mà muốn hỏi những thứ tỉ mỉ cũng không được. Lúc ấy mình sợ lắm. May, có chị Hòa, chị Lê có “thâm niên” chỉ bảo cho mình những điều nhỏ nhất, giải thích cả những thắc mắc ngớ ngẩn nhất của mình. Đêm hôm ấy về phòng trọ mình đã khóc rất nhiều. Khóc vì thương mình vất vả. Khóc vì cảm động trước sự ân cần của những người không quen. Sau này “chinh chiến” nhiều, kinh nghiệm thực tế cũng nhiều, mình và những người như mình đều trở thành “hướng dẫn viên” của các thành viên mới”.
Điều trị hiếm muộn không chỉ mất thời gian mà còn tốn kém rất nhiều tiền bạc. Mỗi ca thụ tinh nhân tạo IUI (lấy tinh chất của chồng, lọc rửa rồi bơm thẳng vào tử cung người vợ) chi phí cho tiền xét nghiệm, thuốc tiêm, thuốc uống, dịch vụ khác cũng lên tới chục triệu đồng. Một lần làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) chi phí gấp hơn 4 đến 6 lần làm IUI. Số tiền này với nhiều người là cả một gia tài chắt bóp nhiều năm trời. Không ít người phải bán nhà, bán đất, vay mượn khắp nơi, chắt chiu từng đồng để kiếm tìm hạnh phúc. Thế mà, dù buổi sáng chỉ dám ăn cái bánh mỳ “không người lái” 2 ngàn đồng, họ vẫn rất sẵn lòng tặng người bạn không quen biết ống thuốc tiêm chung cả trăm ngàn, chỉ với lời giải thích rất giản dị: “Mình chưa dùng đến, mà chị ấy lại chỉ thiếu nửa ống. Nếu mua cả ống thì phí nhiều tiền quá, thôi cứ để chị ấy dùng trước, đến lượt mình thì tính sau vậy”.
Không chỉ tặng nhau thuốc, sẻ chia từng cốc sữa đậu nành, chăm sóc nhau khi cùng ở trọ, giúp nhau tìm hiểu những kiến thức về sức khỏe sinh sản, về hạnh phúc gia đình… nhiều người còn tình nguyện tặng người bạn mới quen một phần máu thịt của họ – đó là những nang trứng, phôi thai khỏe mạnh. Chị Thu Hà đang mang thai đứa con thứ hai bằng phương pháp IVF giản dị chia sẻ: “Cả hai đứa con của em đều là nhờ làm IVF. Đứa đầu là chuyển phôi tươi, còn thằng cu này là chuyển phôi trữ. Lần làm trước em được 10 nang trứng, trong khi chị bên cạnh em chỉ được 1, mà chị ấy làm đã 5 lần rồi. Em quyết định tặng chị ấy 2 nang. Khi quyết định tặng trứng cho chị ấy, em chỉ nghĩ, đời mình đã vất vả thế rồi mà có người còn khổ hơn mình. Nếu thành công, mình yêu con mình thế nào thì chắc chắn chị ấy sẽ yêu con như thế, có khi còn hơn thế. Lần ấy cả em và chị ấy cùng đậu thai. Vui không gì sánh được”.
Rất nhiều người sau một thời gian làm IUI, làm IVF đã tìm được thêm người bạn, người chị, người em thân thiết. Không phân biệt giàu – nghèo, thành thị – nông thôn, họ tự nguyện gắn kết với nhau chỉ với mục đích san bớt gánh nặng mà số phận đang chất trên đôi vai của mỗi người.
Nguồn lửa ấm cho những người hiếm muộn chính là những kiến thức, những lời động viên, khích lệ, quan tâm ân cần của rất nhiều y, bác sĩ trong suốt quá trình họ tham gia trị bệnh. Chị Lê (Hà Nội) vẫn thường xuyên kể cho các bạn mình nghe câu chuyện: “Hai vợ chồng tôi làm IUI 7 lần, làm IVF 5 lần nhưng không thành công. Theo chỉ định của bác sĩ điều trị, ngay sau khi chuyển phôi lần thứ 4 được một ngày, tôi liên lạc với BS H. để làm xét nghiệm xem mình có bị máu đặc hơn bình thường (khiến cho lượng máu đến tử cung không đủ, việc đậu thai sẽ khó thành công hơn) hay không. BS H. hẹn buổi sáng hôm đó sẽ đến nhà lấy máu làm xét nghiệm cho tôi, nhưng chờ mãi tới tối vẫn không thấy tới. Ngày hôm sau cũng không thấy đâu. Tôi rất giận và nhắn tin nói chị đừng tới nữa, vì đằng nào cũng muộn rồi, có đến làm cũng không có tác dụng gì. Chị H. vội vàng xuống nhà tôi vừa xin lỗi, vừa kể câu chuyện khiến chị thất hẹn với tôi. Thì ra, trong hai ngày qua chị vừa phải đảm nhiệm công việc ở cơ quan, vừa phải chăm sóc mẹ chồng bị cảm nặng, lại phải chạy đôn chạy đáo làm xét nghiệm cho 3 bệnh nhân có thai tuần thứ 4 dọa sảy, cộng với 5 bệnh nhân chuyển phôi trước tôi 3 ngày. Trời hôm ấy rất rét, lại có mưa phùn, nhìn chị uống cốc nước nóng cho ấm người “để không bị run khi lấy máu cho em”, tôi thấy mình thật bé nhỏ. Biết hoàn cảnh của tôi, chị cương quyết không lấy tiền thù lao, tiền xét nghiệm, còn an ủi tôi: “Cố gắng lên em ạ. Trời không bao giờ phụ lòng người có tâm”. Sau khi có kết quả xét nghiệm (tôi bị dương tính 2/3 xét nghiệm), chị còn cẩn thận hướng dẫn tôi mua thuốc tiêm ở đâu cho rẻ lại có chất lượng tốt; tiêm vào thời gian nào để đạt kết quả cao nhất. Cứ vài ba ngày chị lại hỏi thăm sức khỏe của tôi thế nào, có bị phản ứng gì với thuốc không…”.
Chính sự sẻ chia ấm áp ấy của các thầy thuốc và những người cùng cảnh ngộ giúp cho những người phụ nữ khát khao làm mẹ bớt đi buồn lo và mặc cảm để vững tin hơn trong hành trình đầy cam go phía trước.