Bài 3: Cần hiểu đúng về khái niệm xâm hại tình dục
Khái niệm xâm hại tình dục được hiểu rất rộng chứ không chỉ là có hành vi quan hệ tình dục
Nói về khái niệm “xâm hại tình dục”, ông Trần Thành Nam – Tiến sĩ Tâm lý học trẻ em và vị thành niên cho biết, xâm hại tình dục trẻ em là tất cả các hành vi dụ dỗ, xúi bẩy, lôi kéo, ép buộc trẻ em thực hiện một số hành vi mang tính chất tính dục không phù hợp với lứa tuổi của các em.
Hành vi nhìn chỗ kín (thị dâm), nói chuyện về vấn đề liên quan đến hoạt động tình dục, bộ phận sinh dục (khẩu dâm), nghe, động chạm, ôm đều có thể được xem là xâm hại tình dục. Khái niệm xâm hại tình dục được hiểu rất rộng chứ không chỉ là có hành vi quan hệ tình dục như nhiều người vẫn nghĩ.
Hậu quả lớn nhất khi trẻ bị xâm hại đó là tổn tương về tinh thần và ảnh hưởng đến tương lai. (Ảnh minh họa)
Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng An – Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, từ trước đến nay, nước ta hay dùng từ “lạm dụng tình dục”. Tuy nhiên, ở Việt Nam nghĩa của từ “lạm dụng” không sát nghĩa với khái niệm của quốc tế sử dụng cho nên sau này đã có thay đổi thành “xâm phạm tình dục”.
Trong quá trình sử dụng, cụm từ này tiếp tục không phù hợp cho nên sau khi Quốc hội quyết định thay đổi thì cụm từ “xâm hại tình dục” được sử dụng từ năm 2010. Từ đó đến nay, cụm từ “xâm hại tình dục” nhằm nói lên một số hiện tượng từ nhìn, sờ mó vào các chỗ kín của trẻ, rồi đến các việc dụ dỗ, cho trẻ xem phim khiêu dâm, dụ dỗ trẻ không mặc quần áo và cuối cùng là dâm ô, giao cấu, hiếp dâm với trẻ. Tất cả các hình thức đó được định nghĩa là xâm hại tình dục trẻ em.
Ông An cho rằng, hiện nay, ngay bản thân các bậc cha mẹ cũng chưa hiểu hết về hành vi xâm hại và càng chưa nhận biết được nguy cơ cao con mình sẽ bị xâm hại. Bản thân các em cũng chưa được nhà trường và cha mẹ trang bị những kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình.
Cũng theo ông An, vấn đề xâm hại tình dục ở nước ta theo báo cáo chỉ là “phần nổi của tảng băng”, cho nên xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề xã hội rất nặng nề, cần có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện sớm để bảo vệ trẻ em.
Bố, mẹ có con bị xâm hại nên im lặng hay lên tiếng?
Trước vấn đề được nhiều người quan tâm, đó là nếu bạn là người trong cuộc, có con cái không may trở thành nạn nhân của việc xâm hại tình dục, bạn sẽ làm gì? Nhà báo Phạm Gia Hiền cho rằng, phụ huynh cần lên tiếng, nhưng phải vô cùng cẩn trọng.
“Trong thời gian qua, trong xã hội ai cũng quan tâm tới những vụ việc xâm hại tình dục. Theo tôi, đây là một niềm đau mà toàn xã hội phải chịu sự tổn thương từ nó. Các ông bố, bà mẹ phải cẩn trọng hơn khi lựa chọn hướng giải quyết khi là nạn nhân của việc xâm hại tình dục”, nhà báo Phạm Gia Hiền nói.
Nhà báo Phạm Gia Hiền cho biết, nếu con anh bị tấn công bởi một kẻ bệnh hoạn, anh sẽ không im lặng, nhưng cuộc đấu tranh phải diễn ra theo nhiều cách để bảo vệ con của mình. Đấu tranh ngay cả khi điều xấu nhất chưa xảy ra đối với mình, cần phải đặt tương lai của cháu bé lên đầu tiên. Bất kể chúng ta có lên tiếng, phẫn nộ, đấu tranh thì tương lai của cháu bé là do chúng ta quyết định bây giờ.
Nhà thơ Lữ Mai lại lưu ý tới việc cha mẹ thường nhanh chóng “hài lòng” với câu trả lời của con trẻ khi có những sự việc bất thường, xâm hại xảy ra với trẻ mà ít khi tìm hiểu, đào sâu để hiểu được chân tướng vấn đề.
“Người lớn cần phải để ý tới những chi tiết nhỏ nhất, lời nói vu vơ nhất của con trẻ để nhận biết được cạm bẫy, nguy cơ hay những xâm hại mà trẻ đã trải qua. Tôi cho rằng ở một xã hội phức tạp như hiện tại, quan điểm im lặng là có thể hiểu được, nhưng với tôi, tôi vẫn chọn lên tiếng. Cách nào để lên tiếng mới là điều quan trọng. Chúng ta cần phải tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện”, nhà thơ Lữ Mai nhận định.
Bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên kể lại một câu chuyện về bà mẹ đã theo đuổi vụ việc con gái mình bị xâm hại trong vòng 4 năm, thế nhưng kẻ thủ ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật dù cho cơ quan điều tra đã nhiều lần lật lại vụ án.
Bà Vân Anh cho rằng: “Nếu các vụ án cứ tiếp tục xử lý như vậy, cứ chìm vào quên lãng thì sự nguy hiểm là không ai muốn nhắc lại những quán khứ đau buồn nữa. Chúng ta cần phải khích lệ, tạo ra những điều kiện để cái sự “nói ra” đó được dễ dàng hơn cho các nạn nhân”.
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, chính ý thức của cộng đồng chưa được đầy đủ, văn hóa Á Đông dễ dãi trong việc âu yếm, cưng nựng trẻ em, đã khiến một số kẻ biến thái lạm dụng và nhân sự cả nể không muốn làm lớn chuyện, kẻ biến thái càng có cơ hội lấn tới.
Để hạn chế những hậu quả do xâm hại tình dục gây ra, việc quan tâm của cha mẹ hoặc người giám hộ để phòng ngừa và phát hiện kịp thời những biểu hiện xâm hại tình dục ở trẻ là điều đặc biệt quan trọng. Cha mẹ và người giám hộ nên lưu ý những biểu hiện bất thường của trẻ như rối loạn giấc ngủ, ăn uống, lo âu, ám sợ, tâm trạng dễ thay đổi, cáu giận bất thường, trốn học hoặc nghỉ học, hay trẻ bỗng dưng có nhiều tiền, quà tặng, điện thoại,… mà không rõ nguồn gốc. Những dấu hiệu này có thể không khẳng định trẻ đang bị xâm hại, nhưng các bậc phụ huynh cần trò chuyện nhiều hơn với trẻ để tìm hiểu nguyên nhân hoặc nắm bắt kịp thời tâm lý các em đang cần tìm kiếm sự trợ giúp của cha mẹ, người giám hộ từ những biểu hiện trên. Đồng thời, khi phát hiện con đã bị xâm hại tình dục, điều cần thiết trước hết là cha mẹ hay người giám hộ hãy hỗ trợ giúp trẻ lấy lại tinh thần và vượt qua nỗi sợ hãi tâm lý. Mặt khác, cha mẹ cần tìm hiểu rõ sự việc, từ đó nhanh chóng tố giác tội phạm hay gọi ngay vào đường dây nóng để được tư vấn bảo vệ trẻ em miễn phí.
(Còn nữa)