Bài 3: Bàn về triết lý giáo dục Việt Nam Nghiên cứu thấu đáo và nghiêm túc

Sau gần một tháng, Diễn đàn “Bàn về triết lý giáo dục Việt Nam” đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục trong và ngoài nước. Các bài viết phân tích cụ thể, toàn diện, từ khái niệm, những nhầm lẫn thường thấy, cho đến vai trò, bản chất của triết lý giáo dục… từ đó có nhiều gợi mở cho việc xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

Đã có “triết lý giáo dục Việt Nam”

Khẳng định vai trò là kim chỉ nam, định hướng cho toàn bộ nền giáo dục, “không có triết lý, không thể phát triển”, nên cho dù cụm từ “triết lý giáo dục” chưa được đề cập trong các văn kiện của Đảng hay chính sách của Nhà nước, song qua các bài viết có thể khẳng định, đã có cái gọi là “triết lý giáo dục Việt Nam”.

Từng viết cuốn sách “Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam”, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Minh Hạc cho rằng, triết lý mở đầu của giáo dục nước ta từ sau Cách mạng Tháng Tám là câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, sau đó được phát triển thành: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phục sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại” như Người ghi trong sổ vàng của trường Nguyễn Ái Quốc năm 1949. Còn theo nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục Đặng Quốc Bảo, “triết lý giáo dục đầu tiên của nước ta kể từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công là Dân chủ, dân tộc, khoa học” (theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ trương của nền giáo dục cách mạng non trẻ).

Một số ý kiến cho rằng, triết lý giáo dục của chúng ta hiện nay chính là tư tưởng Nghị quyết số 29 – NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH – HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Trong đó có yêu cầu về “năng lực và phẩm chất”…

Và như thế, “chúng ta đã có một triết lý giáo dục, một mục tiêu giáo dục đúng đắn, rõ ràng, nếu còn lúng túng thì có lẽ là phương pháp giáo dục chưa hợp lý trong tình hình hiện nay”, như tác giả Phùng Văn khẳng định.

 

“CON NGƯỜI trí thức Việt Nam”

Mỗi thời kỳ có triết lý giáo dục khác nhau nhằm đào tạo ra những con người với phẩm chất, năng lực cụ thể, tương ứng với giai đoạn phát triển đó. Như ý kiến của TS. Giáp Văn Dương, triết lý giáo dục không là gì khác ngoài câu trả lời cho câu hỏi mấu chốt: Toàn bộ hoạt động của hệ thống giáo dục hướng đến đào tạo ra con người nào, và vì sao lại như vậy? Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, con người cần có những phẩm chất và năng lực như thế nào để thích ứng và đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập?

Nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục Đặng Quốc Bảo đề xuất, đó “nên theo triết lý giáo dục Nhân văn, dân chủ, sáng tạo”. TS. Giáp Văn Dương đồng tình, một triết lý giáo dục cho thời đại mới phải nhân văn và khai phóng, hướng đến tạo ra những con người tự do, có khả năng đương đầu với thay đổi mà chính người làm giáo dục thế hệ này còn chưa thể hình dung được.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình khái quát, đó phải là “CON NGƯỜI trí thức Việt Nam”. CON NGƯỜI tức là sống một cách đàng hoàng, biết trước, biết sau, giàu tính nhân văn, hòa nhập với cộng đồng, với môi trường.Trí thức sẽ tự nhận biết mình ở đâu, trách nhiệm đối với đất nước, với cộng đồng ra sao, ứng xử trong cuộc sống thế nào, từ đó tự biết điều chỉnh mọi việc. Và đó phải là con người thấm nhuần văn hóa, lịch sử, truyền thống của Việt Nam…

Có cần luật hóa không?

“Triết lý giáo dục là một tuyên ngôn nêu rõ những niềm tin, giá trị, và nhận thức căn bản của chúng ta về mục tiêu của giáo dục. Nếu được minh định trong Luật Giáo dục, thì đó là cơ sở quan trọng để xây dựng những chính sách cụ thể, và là cơ sở để đấu tranh với những gì đi ngược lại tuyên ngôn ấy” – TS. Phạm Thị Ly kiến nghị. Tất nhiên, “Luật Giáo dục chỉ có thể đưa ra những nguyên tắc cơ bản, còn thể hiện trong thực tiễn giáo dục như thế nào thông qua chương trình, phương pháp giảng dạy, thì phải có một quá trình dài, nhất là phải có một chính sách hỗ trợ phù hợp”. Dẫn chứng triết lý giáo dục được Nhật Bản quy định trong Luật Giáo dục cơ bản hiện hành, tác giả Nguyễn Quốc Vương thì cảnh báo: “Cải cách giáo dục vẫn được tiến hành; chương trình, sách giáo khoa vẫn được thay đổi, trong khi tranh luận về triết lý giáo dục chưa ngã ngũ, bản thân triết lý giáo dục không được luật hóa, là một thực tế tiềm ẩn nhiều rủi ro bất lợi cho cải cách”.

Tuy vậy, từ nghiên cứu của mình, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm – Chủ nhiệm đề tài “Triết lý giáo dục Việt Nam – từ truyền thống đến hiện đại” – khẳng định, triết lý giáo dục theo nghĩa hẹp như thế không tồn tại trên thực tế ở bất cứ quốc gia nào. Ngay cả trong Luật Giáo dục của Nhật Bản cũng chỉ nói đến mục đích và nguyên lý giáo dục. Hay Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1967 chỉ nói đến văn hóa giáo dục và những nguyên tắc căn bản của giáo dục (dân tộc, khoa học và nhân bản)… Nhưng triết lý giáo dục theo nghĩa rộng, chắt lọc từ các tư tưởng giáo dục để đúc kết thành những khái niệm cốt lõi mang tính triết lý thì phổ biến hơn. Nó thường có nhiều biến thể cho phép thể hiện các khía cạnh khác nhau và luôn gắn với toàn bộ các thành phần của nền triết học giáo dục mà nó đại diện.

Luật Giáo dục hiện hành của nước ta cũng đã quy định về mục tiêu giáo dục (Điều 2) và tính chất, nguyên lý giáo dục (Điều 3), song bị đánh giá là còn nhiều khiếm khuyết. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho biết, trong Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này chắc chắn cũng có phần thể hiện quan điểm giáo dục, nói được mục tiêu, tính chất và phương thức giáo dục. Song ông cho rằng, cái khó không nằm ở triết lý mà là triển khai có đúng hay không. “Chúng ta đang đào tạo những con người giống nhau. Trong khi giáo dục bây giờ phát triển năng lực, tôn trọng sự khác biệt, để mỗi người là chính mình, tồn tại như bản thể, rồi mới có tri thức”.

Thực tế, triết lý giáo dục không đơn giản, mà như Chủ nhiệm Phan Thanh Bình phân tích, bao gồm từ quan điểm, đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, thậm chí cả môi trường triển khai… Vì thế, có lẽ đã đến lúc phải nghiên cứu thấu đáo và nghiêm túc về vấn đề này, để tạo được sự đồng thuận cao cũng như niềm tin trong xã hội và có định hướng hiệu quả cho hoạt động giáo dục thời gian tới.