Bài 20: Tạo Giống Nhờ Công Nghệ Gen (Chương IV, Phần V: Di Truyền Học)
Mục Lục
Chương IV: Ứng Dụng Di Truyền Học – Sinh Học Lớp 12
Bài 20: Tạo Giống Nhờ Công Nghệ Gen
Nội dung Bài 20: Tạo Giống Nhờ Công Nghệ Gen thuộc Chương IV: Ứng Dụng Di Truyền Học môn Sinh Học Lớp 12. Giúp các bạn giải thích được các khái niệm cơ bản như: công nghệ gen, ADN tái tổ hợp, thể truyền, plasmit. Trình bày được các bước cần tiến hành trong kỹ thuật chuyển gen. Nêu được khái niệm sinh vật biến đổi gen và các ứng dụng của công nghệ gen trong việc tạo ra các giống sinh vật biến đổi gen. Mời các bạn theo dõi ngay dưới đây.
– Công nghệ gen là quy trình công nghệ dùng để tạo ra các sinh vật biến đổi gen hoặc chuyển gen. Trong đó, chuyển gen từ tế bào này sang tế bào khác là quy trình then chốt.
– Công nghệ gen đã góp phần tạo ra các sinh vật biến đổi gen có những đặc tính quý hiếm có lợi cho con người.
– Sinh vật biến đổi gen là sinh vật mà hệ gen của nó đã được con người làm biến đổi cho phù hợp với lợi ích của mình.HocTapHay.Com
I. Công Nghệ Gen
1. Khái niệm công nghệ gen
Công nghệ gen là quy trình tạo ra những tế bào hoặc sinh vật có gen bị biến đổi hoặc có thêm gen mới. Kĩ thuật tạo ADN tái tổ hợp để chuyển gen từ tế bào này sang tế bào khác (được gọi là kĩ thuật chuyển gen) đóng vai trò trung tâm của công nghệ gen.
2. Các bước cần tiến hành trong kĩ thuật chuyển gen
a. Tạo ADN tái tổ hợp
Trong công nghệ gen, để đưa một gen từ tế bào này sang tế bào khác, người ta thường phải sử dụng một phân tử ADN đặc biệt được gọi là thể truyền (còn gọi là vectơ). Kĩ thuật gắn gen cần chuyển vào thể truyền được gọi là kĩ thuật tạo ADN tái tổ hợp. ADN tái tổ hợp là một phân tử ADN nhỏ được lắp ráp từ các đoạn ADN lấy từ các tế bào khác nhau (thể truyền và gen cần chuyển).
Thể truyền thực chất là một phân tử ADN nhỏ có khả năng nhân đôi một cách độc lập với hệ gen của tế bào cũng như có thể gắn vào hệ gen của tế bào. Thể truyền có thể là các plasmit, virut (thực chất là ADN của virut đã được biến đổi) hoặc thậm chí là một số NST nhân tạo (như đã làm ở nấm men). Plasmit là phân tử ADN nhỏ, dạng vòng, thường có trong tế bào chất của nhiều loài vi khuẩn. Plasmit có khả năng nhân đôi độc lập với hệ gen của tế bào. Trong một tế bào, mỗi loại plasmit thường có nhiều bản sao.
Để tạo ADN tái tổ hợp, chúng ta cần phải tách chiết được thể truyền và gen cần chuyển ra khỏi tế bào. Khi có được 2 loại ADN thì cần phải xử lí chúng bằng một loại enzim giới hạn (restrictaza) để tạo ra cùng một loại “đầu dính” có thể khớp nối các đoạn ADN với nhau và sau đó dùng một loại “keo dính” là enzim ligaza để gắn chúng lại thành ADN tái tổ hợp.
b. Đưa ADN tái tổ hợp vào trong tế bào nhận
Để đưa ADN tái tổ hợp vào trong tế bào, người ta có thể dùng muối \(\)\(CaCl_2\) hoặc dùng xung điện để làm dãn màng sinh chất của tế bào, làm cho phân tử ADN tái tổ hợp dễ dàng đi qua màng.
c. Phân lập dòng tế bào chứa ADN tái tổ hợp
Khi chuyển ADN tái tổ hợp vào tế bào nhận, ta rất khó nhận biết được tế bào nào đã nhận được ADN tái tổ hợp, tế bào nào không nhận được. Để làm được điều này, các nhà khoa học phải chọn thể truyền có gen đánh dấu. Nhờ có các gen đánh dấu, người ta có thể biết được các tế bào có ADN tái tổ hợp, vì sản phẩm của các gen đánh dấu có thể dễ dàng được nhận biết bằng các kĩ thuật nhất định.
II. Ứng Dụng Công Nghệ Gen Trong Tạo Giống Biến Đổi Gen
1. Khái niệm sinh vật biến đổi gen
Sinh vật biến đổi gen là sinh vật mà hệ gen của nó đã được con người làm biến đổi cho phù hợp với lợi ích của mình. Người ta có thể làm biến đổi hệ gen của một sinh vật theo 3 cách sau:
– Đưa thêm một gen lạ (thường là gen của một loài khác) vào hệ gen. Sinh vật có được gen của loài khác bằng cách này được gọi là sinh vật chuyển gen.
– Làm biến đổi một gen đã có sẵn trong hệ gen. Một gen nào đó của sinh vật có thể được làm biến đổi cho nó sản xuất nhiều sản phẩm hơn (ví dụ, tạo ra nhiều hoocmôn sinh trưởng hơn bình thường) hoặc làm cho nó được biểu hiện một cách khác thường (ví dụ, biểu hiện ở những mô mà bình thường nó không được biểu hiện).
– Loại bỏ hoặc làm bất hoạt một gen nào đó trong hệ gen. Một gen không mong muốn nào đó của sinh vật được loại bỏ hoặc làm cho bất hoạt, ví dụ cà chua biến đổi gen có gen làm chín quả bị bất hoạt, vì thế quả cà chua có thể được vận chuyển đi xa hoặc bảo quản lâu dài mà không bị hỏng.
2. Một số thành tựu tạo giống biến đổi gen
a. Tạo động vật chuyển gen
Để tạo ra một con vật chuyển gen, người ta thường lấy trứng ra khỏi con vật nào đó rồi cho thụ tinh trong ống nghiệm. Sau đó, tiêm gen cần chuyển vào hợp tử và hợp tử phát triển thành phôi. Tiếp đến, cấy phôi đã được chuyển gen vào trong tử cung của con vật khác để nó mang thai và sinh đẻ bình thường. Nếu gen được chuyển gắn thành công vào hệ gen của hợp tử và phối phát triển bình thường thì sẽ cho ra đời một con vật chuyển gen. Hình 20.1a tóm tắt quy trình chuyển gen prôtêin người vào cừu và hình 20.1b cho thấy chuột bạch chuyển gen có gen hoocmôn sinh trưởng của chuột cống nên có khối lượng gần gấp đôi so với con chuột bình thường cùng lứa. Đây là một trong những thử nghiệm chuyển gen thành công đầu tiên trên động vật.
b. Tạo giống cây trồng biến đổi gen
Nhờ công nghệ gen, người ta có thể tạo ra nhiều giống cây trồng quý hiếm. Ví dụ, các nhà khoa học đã chuyển gen trừ sâu từ vi khuẩn vào cây bông và đã tạo được giống bống kháng sâu hại. Khi sâu ăn lá cây bông này, chất độc do gen của vi khuẩn tạo ra sẽ giết chết sâu. Các nhà khoa học cũng tạo được giống lúa “gạo vàng” có khả năng tổng hợp β – carôten (tiền chất tạo ra vitamin A) trong hạt.
Tạo giống cây biến đổi gen có sản phẩm được bảo quản tốt hơn cũng được các nhà khoa học quan tâm.
c. Tạo dòng vi sinh vật biến đổi gen
Công nghệ gen có thể được ứng dụng để tạo ra các dòng vi khuẩn mang gen của loài khác như gen insulin của người. Những dòng vi khuẩn này với khả năng sinh sản cao nên có thể nhanh chóng sản sinh ra một lượng lớn insulin làm thuốc chữa bệnh tiểu đường. Hiện nay, nhiều dòng vi sinh vật biến đổi gen đã được tạo ra nhằm phục vụ các mục đích khác nhau của con người, trong đó có việc làm sạch môi trường như phân huỷ rác thải, dầu loang,…
Câu Hỏi Và Bài Tập
Hướng dẫn giải bài tập SGK Bài 20: Tạo Giống Nhờ Công Nghệ Gen thuộc Chương IV: Ứng Dụng Di Truyền Học môn Sinh Học Lớp 12. Các bài giải có kèm theo phương pháp giải và cách giải khác nhau.
Hãy chọn phương án trả lời đúng.
Người ta phải dùng thể truyền để chuyển một gen từ tế bào này sang tế bào khác là vì
A. nếu không có thể truyền thì gen cần chuyển sẽ không chui vào được tế bào nhận.
B. nếu không có thể truyền thì gen có vào được tế bào nhận cũng không thể nhân lên và phân li đồng đều về các tế bào con khi tế bào phân chia.
C. nếu không có thể truyền thì khó có thể thu được nhiều sản phẩm của gen trong tế bào nhận.
D. nếu không có thể truyền thì gen sẽ không thể tạo ra sản phẩm trong tế bào nhận.
Hệ gen của sinh vật có thể được biến đổi bằng những cách nào?
Trình bày phương pháp tạo động vật chuyển gen và những thành tựu tạo giống động vật biến đổi gen.
Trình bày những thành tựu tạo giống cây trồng và vi sinh vật biến đổi gen.
Trong việc thay thế các gen gây bệnh ở người bằng các gen lành, tại sao các nhà khoa học lại nghiên cứu sử dụng virut làm thể truyền mà không dùng thể truyền là plasmit?
Tóm Tắt Lý Thuyết
Lý thuyết Bài 20: Tạo giống nhờ công nghệ gen ngắn gọn, đầy đủ, dễ hiểu, và sơ đồ tư duy tạo giống nhờ công nghệ gen.
I. Công Nghệ Gen
1. Khái niệm công nghệ gen
– Công nghệ gen là quy trình tạo ra những tế bào hoặc sinh vật có gen bị biến đổi, có thêm gen mới, từ đó tạo ra cơ thể với những đặc điểm mới.
– Trung tâm của công nghệ gen là kĩ thuật tạo ADN tái tổ hợp (kỹ thuật chuyển gen).
2. Các bước cần tiến hành trong kĩ thuật chuyển gen
a. Tạo ADN tái tổ hợp
– ADN tái tổ hợp là 1 phân tử ADN nhỏ được lắp ráp từ các đoạn ADN lấy từ các tế bào khác nhau.
– Thể truyền là 1 phân tử ADN nhỏ có khả năng nhân đôi một cách độc lập với hệ gen của tế bào và có thể gắn vào hệ gen của tế bào.
– Các loại thể truyền: plasmit, virut, NST nhân tạo, thể thực khuẩn.
– Các bước tạo ADN tái tổ hợp:
- Tách thể truyền và hệ gen cần chuyển ra khỏi tế bào.
- Dùng Restrictaza để cắt ADN và Plasmid tại những điểm xác định, tạo đầu dính.
- Dùng Ligaza để gắn ADN và Plasmid lại thành ADN tái tổ hợp.
b. Đưa ADN tái tổ hợp vào tế bào nhận
Dùng \(CaCl_2\) hoặc dùng xung điện để làm giãn màng sinh chất của tế bào nhận.
– Phân tử ADN tái tổ hợp dễ dàng chui qua màng vào tế bào nhận.
* Tải nạp: Trường hợp thể truyền là phagơ, chúng mang gen cần chuyển chủ động xâm nhập vào tế bào chủ (vi khuẩn).
c. Phân lập (tách) dòng tế bào chứa ADN tái tổ hợp
Nhận biết tế bào có ADN tái tổ hợp bằng cách chọn thể truyền có gen đánh dấu.
II. Ứng Dụng Công Nghệ Gen Trong Tạo Giống Biến Đổi Gen
1. Khái niệm sinh vật biến đổi gen
– Khái niệm: Là sinh vật mà hệ gen của nó được con người làm biến đổi phù hợp với lợi ích của mình.
– Cách để làm biến đổi hệ gen của sinh vật:
- Đưa thêm một gen lạ vào hệ gen của sinh vật
- Làm biến đổi 1 gen đã có sẵn trong hệ gen
- Loại bỏ hoặc làm bất hoạt một gen nào đó trong hệ gen
2. Một số thành tựu tạo giống biến đổi gen
a. Tạo động vật chuyển gen
b. Tạo giống cây trồng biến đổi gen
c. Tạo dòng vi sinh vật biến đổi gen
Ở trên là nội dung Bài 20: Tạo Giống Nhờ Công Nghệ Gen thuộc Chương IV: Ứng Dụng Di Truyền Học môn Sinh Học Lớp 12. Trong bài học này, các bạn được học các kiến thức như: khái niệm công nghệ gen, tạo ADN tái tổ hợp, đưa ADN tái tổ hợp vào tế bào nhận, phân lập dòng tế bào chứa ADN tái tổ hợp, khái niệm sinh vật biến đổi gen, một số thành tựu tạo giống biến đổi gen, từ những thành tựu trong tạo giống vật nuôi, cây trồng, bằng công nghệ gen các bạn xây dựng được niềm tin vào khoa học về công tác tạo giống. Chúc các bạn học tốt Sinh Học Lớp 12.
5/5 (1 bình chọn)