Bài 1: Sứ mệnh của cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược

                            TS. Nhị Lê – Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Hơn bao giờ hết, một cách tự nhiên, nhất là trong điều kiện một đảng cầm quyền hiện nay, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các thành viên của hệ thống chính trị Việt Nam tự nó duy nhất giữ vị thế, vai trò đi tiên phong hết sức căn bản và quan trọng đối với việc khẳng định vị thế, vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, cũng một cách tự nhiên, vấn đề quyền lực và kiểm soát quyền lực trong sự phát triển của Nhà nước pháp quyền, đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội, càng trở nên quan thiết và hệ trọng. 

Tinh hoa của tinh hoa

Đặc biệt, trên lộ trình đổi mới, xây dựng một nền chính trị Việt Nam pháp quyền hiện đại càng không thể không nhấn mạnh trước hết tới đội ngũ các nhà chính trị, nhất là các thủ lĩnh chính trị ở tầm chiến lược, với tư cách là chủ thể quyết định mô hình thể chế chính trị, sự vận hành và sức mạnh của nền chính trị quốc gia. Họ là những nhà chiến lược và có ảnh hưởng tới vị thế, sức mạnh và uy tín quốc gia một cách chiến lược. Họ được coi là là tinh hoa của tinh hoa đội ngũ cấp chiến lược. Nhưng, thực tiễn nhiều năm qua, đã và đang trầm trọng tình trạng vừa tha hóa, thoái hóa, sở hữu quyền lực vừa “siêu quyền lực”, “quyền lực bất khả tri”, thậm chí cả thứ “quyền lực của quyền lực” nằm ngoài vòng kiểm soát, gây những hệ lụy không nhỏ, thậm chí gây rối ren và nguy hiểm ở không ít cấp, không ít lĩnh vực và không ít nơi. Vì thế, đổi mới quyền lực và đột phá kiểm soát quyền lực trước hết ở đây đối với họ càng trở thành một đại sự mệnh hệ tới vận hội và tương lai quốc gia, dân tộc, trên con đường XHCN.

Xét về bản chất và tính chất, sự lãnh đạo là khái niệm rộng hơn sự quản lý. Về sự lãnh đạo, cũng có thể vì mục tiêu của chính người lãnh đạo (hoặc những mục tiêu của ban lãnh đạo) hoặc những mục tiêu của đối tượng hoặc nhóm đối tượng, và những mục tiêu này cũng có thể “đồng dạng” hoặc không “đồng dạng” với mục tiêu của tổ chức. Sự quản lý được áp dụng cho các tổ chức (dù đó là doanh nghiệp, cơ quan giáo dục hay tổ chức chính trị, quân đội…); và để thành công, các tổ chức này đòi hỏi những nhà quản lý phải có những kỹ năng giữa cá nhân con người với nhau. Do đó, sự khác nhau quan trọng giữa hai khái niệm lãnh đạo và quản lý là ở chỗ mục tiêu của tổ chức. 

Song, xét theo một ý nghĩa nào đó, sự quản lý là một loại hình lãnh đạo chuyên biệt, trong đó việc đạt được những mục tiêu của tổ chức có ý nghĩa quan trọng nhất. Nói cách khác, việc đạt được các mục tiêu của tổ chức thể hiện và thông qua sự lãnh đạo chính là sự quản lý. Theo đó, mỗi người trong tổ chức đều là một nhà quản lý trong một số hoạt động nhất định.

Nói một cách hình ảnh, nếu lãnh đạo là dẫn lối, là thu phục, là truyền cảm hứng, là chiến lược… tức là đức trị thì quản lý là tổ chức, là thực thi, là sách lược… tức là pháp trị. Nếu dùng đức trị có thể quản được mười dặm, dùng pháp trị có thể quản được trăm dặm, thì kết hợp cả đức trị với pháp trị, nhất định quản được cả muôn dặm sơn hà xã tắc. Đây chính là điều làm nên và khu biệt tương đối vị thế, tư chất của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý mà chúng ta hướng tới và xây dựng. Và, xuất phát từ đây, tiếp tục lựa chọn, xây dựng từng loại cán bộ để thực thi chức năng, nhiệm vụ đó một cách phù hợp trong tổng thể thực thi mục tiêu phát triển chiến lược quốc gia.         

Tầm nhìn – Năng lực – Tỏa sáng – Dẫn dắt – Cống hiến

Đối với mọi quốc gia và nước ta, người đứng đầu quốc gia và các cấp chiến lược có vị thế, vai trò hết sức quan trọng, thậm chí quyết định sự phát triển hay suy vong của cả quốc gia, tổ chức. 

Thực tiễn lịch sử nước ta yêu cầu: “Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo”. Công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, hơn bao giờ hết, hiện nay “… đòi hỏi cao đối với cán bộ lãnh đạo, nhất là các đồng chí giữ cương vị trọng trách trong bộ máy của Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, bí thư tỉnh ủy, thành ủy, bộ trưởng, người đứng đầu các ngành, các địa phương, đơn vị và các cán bộ lãnh đạo khác phải tự giác rèn luyện, nêu gương cho cấp dưới về sự giác ngộ chính trị, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, sự hy sinh phấn đấu vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của Nhân dân”. “Quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu…”. 

Do đó, hiện nay, việc kiến tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nói chung, cấp chiến lược nói riêng… với quyền lực được trao và ủy quyền ngang tầm trọng trách là một trong những việc căn bản của Đảng và Nhà nước ta.  

Có thể nói khái quát về sứ mệnh của cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược: “Lý do tồn tại của tổ chức đảng, và các lãnh tụ xứng đáng với danh hiệu đó là, ngoài nhiều điểm khác, đảng và lãnh tụ còn phải thông qua một công tác lâu dài, kiên cường, thiên hình vạn trạng nhiều mặt của tất cả các đại biểu giác ngộ của giai cấp mình mà thu hoạch được những kiến thức cần thiết – ngoài kiến thức và kinh nghiệm là tính nhạy bén chính trị cần thiết để giải quyết một cách chính xác và mau lẹ những vấn đề chính trị phức tạp”. Điều đó càng cho thấy rằng, đó là một ý tưởng lớn để đạt được một mục tiêu lớn; rằng, một ý tưởng lớn đi lên và là sự tổng hòa từ hàng nghìn ý tưởng nhỏ; và rằng, một mục tiêu lớn khó đạt nếu không tích lũy từng bước một từ các mục tiêu nhỏ trong việc xử lý vấn đề quyền lực, phân chia quyền lực trên cơ sở thống nhất quyền lực và quyền lực thống nhất trong công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ. Tuy nhiên, nếu xem từng ý tưởng nhỏ, từng mục tiêu nhỏ đều là chiến lược lại là một sự nhầm lẫn cần đoạn tuyệt. Vì, nếu hành động chỉ vì từng hoạt động đơn lẻ thì khó có cách nhìn và hành động toàn cục mang tầm chiến lược về quyền lực. Không nhìn được mục tiêu chiến lược về quyền lực thì cho dù thành công ở một thời gian, lĩnh vực có ý nghĩa sách lược, chiến thuật cũng rất khó bảo đảm sự thành công mang tầm chiến lược, càng không thể nói tới việc kết thúc thành công chiến lược trong việc thủ pháp cầm quyền của Đảng nhằm kiến tạo và phát triển Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Thực thi chiến lược thế nào và kiểm soát quyền lực lại tùy thuộc vào xác định mục tiêu của chiến lược, ở từng thời đoạn, từng không gian cụ thể luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Tất cả bảo đảm vị thế và vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước ngang tầm đòi hỏi của Đất nước, phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế.  

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược là đội ngũ được quản lý, đo lường và định lượng theo nhiệm kỳ (về thời gian) trong thực thi chiến lược tổng thể. Nói khái lược, người đứng đầu lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược (cấp ủy tổ chức đảng dù ở các cơ quan đảng hay cấp ủy ở cơ quan quản lý, ở Trung ương hay địa phương, ở khu vực hành chính hay doanh nghiệp…) rõ ràng, là người lãnh đạo chính trị, người khai phá con đường mới mẻ và dẫn đường, là hạt nhân của cơ quan lãnh đạo, quản lý, là tấm gương soi, phản chiếu và thể hiện trực tiếp, hiệu ứng tức thì vị thế, vai trò, trách nhiệm chính trị trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Họ lãnh nhiệm sứ mệnh dẫn dắt và quản trị quốc gia. Sự mạnh yếu của thể chế, sự thành bại của đất nước một phần tùy thuộc vào họ.

Diễn đạt một cách hình ảnh, tầm nhìn, khả năng dẫn dắt và năng lực truyền cảm hứng là điều tạo ra sự khác biệt giữa người lãnh đạo, quản lý và người phục tùng. Nói một cách khác, bài sát hạch tối thượng cho một người lãnh đạo, quản lý là, để lại sau mình trong những người khác niềm tin và ý chí để đi tiếp con đường chính trị đã vạch ra. Sứ mệnh đó càng thách thức và đòi hỏi cần xác lập đầy đủ quyền lực mà họ được ủy quyền và giao phó và kiểm soát nghiêm nhặt quyền lực đối với họ trên đường phát triển XHCN của Đất nước.

Ở đây, những tố chất cần, chung đúc 5 phẩm chất: Tầm nhìn – Năng lực – Tỏa sáng – Dẫn dắt – Cống hiến. Phẩm chất đó phải được thể hiện bằng hành động thực tế và được đánh giá bằng kết quả cụ thể của những hành động đó. Chỉ có nghiêm khắc với bản thân, không ngừng rèn luyện và hiểu rõ bản thân, gương mẫu, khiêm cung mới có thể làm tốt việc khác, mới tạo niềm tin và dẫn dắt. Khi có nhân phẩm tốt, thì tự đã có hào quang, đi tới bất kỳ nơi đâu đều sẽ tỏa sáng rực rỡ. Đây là thước đo uy tín, tín nhiệm của họ với Nhân dân. 

Năng lực lãnh đạo, quản lý giữ vai trò cực kỳ quan trọng, nếu không nói là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định. Đó là niềm tin, lòng trung thành, tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm…, và cần có là, trình độ pháp luật và nghiệp vụ. Điểm sau cùng này là hết sức quan trọng, vì không có khả năng am hiểm công việc, không thành thạo chuyên môn, không có năng lực pháp lý thì “không thể lãnh đạo được”, không thể quản lý trong nhà nước pháp quyền được.  

Họ là tấm gương thống nhất giữa lời nói và việc làm, linh hoạt và mềm dẻo, tháo vát, chủ động, đặc biệt là cần có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước tập thể trên cơ sở nắm bắt trúng thực tế; tập hợp, xử lý kịp thời thông tin, ra quyết định đúng, trúng, có khả năng thực thi cao và phù hợp với pháp luật. Giữ chức vụ càng cao, càng phải kỷ cương, liêm khiết, thành thực, tiên phong, gương mẫu; làm tấm gương quy tụ và tập hợp Nhân dân. Nhân cách quyết định tính cách, phẩm chất của họ khi làm cán bộ lãnh đạo, quản lý tốt thì tự thân có suy nghĩ và hành động đúng đắn, tuân thủ quy tắc đạo đức và luật pháp; và, theo đó, đòi hỏi họ phải lãnh đạo, quản lý bằng đạo lý và pháp luật.

Nói khái quát, cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược thể hiện và chung đúc: Tầm nhìn viễn kiến; Năng lực sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý bộ máy và dùng người; Được mến yêu, kính phục và tôn vinh; Cam kết, truyền cảm hứng và tạo động lực làm việc cho mọi người; Không ngừng đổi mới, dũng cảm và đột phá. Từ toàn bộ những tố chất đó, có thể khái lược thành 22 chữ: Vinh dự – Cam kết – Gương mẫu – Trí tuệ – Dũng khí – Dân chủ – Liêm sỉ – Trách nhiệm – Trong sạch – Kỷ luật – Nhân văn. 

Đó là cơ sở, là nền tảng đồng thời là quyền lực được Nhân dân ủy thác và giao phó bảo đảm đội ngũ người đứng đầu lãnh đạo, quản lý mang tầm chiến lược chủ động đón nhận sự ủy thác quyền lực từ Nhân dân và hoàn thành việc thực thi quyền lực của Nhân dân một cách xứng đáng và ngang tầm, theo phương châm minh bạch, dân chủ, đúng chức năng, nhiệm vụ và thống nhất chỉnh thể bảo đảm Đảng thủ pháp cầm quyền, lãnh đạo dẫn dắt Dân tộc phát triển, Nhà nước pháp quyền quản trị đất nước, Nhân dân tự do pháp quyền, Quốc gia vươn tới hùng cường, tất cả vì hạnh phúc của Nhân dân.