Bài 1. Sinh trưởng ở thực vật – Sinh học 11
I. Khái niệm
Sinh trưởng của thực vật là quá trình tăng về kích thước (chiều dài, bề mặt, thể tích) của cơ thể do tăng số lượng và kích thước của tế bào.
– Ví dụ: Sự tăng về chiều cao và kích thước sau 5 năm của cây nhãn.
Cơ sở tế bào học của hiện tượng sinh trưởng là sự nguyên phân của các tế bào mô phân sinh.
II. Sinh trưởng sơ cấp và sinh trưởng thứ cấp
1. Các mô phân sinh
Mô phân sinh là nhóm các tế bào thực vật chưa phân hóa, duy trì được khả năng nguyên phân trong suốt đời sống của cây.
Có các loại mô phân sinh sau: mô phân sinh đỉnh, đỉnh rễ, mô phân sinh bên, mô phân sinh lóng (ở cây 1 lá mầm)
a) Mô phân sinh đỉnh
– Vị trí: Đỉnh của thân và rễ
– Chức năng: Hình thành nên quá trình sinh trưởng sơ cấp của cây, làm gia tăng chiều dài của thân và rễ.
– Nhóm thực vật: cây Một lá mầm và cây Hai lá mầm.
b) Mô phân sinh bên
– Vị trí: phân bố theo hình trụ và hướng ra phần ngoài của thân
– Chức năng: tạo ra sự sinh trưởng thứ cấp nhằm tăng đường kính của thân.
– Nhóm thực vật: Hai lá mầm
c) Mô phân sinh lóng
– Vị trí : ở vị trí các mắt của vỏ thân
– Chức năng: gia tăng sinh trưởng chiều dài của lóng
– Nhóm thực vật: một lá mầm
Ở thực vật Hai lá mầm có cả mô phân sinh bên và mô phân sinh đỉnh -> tăng trưởng chiều cao và đường kính thân.
Ở thực vật Một lá mầm chỉ có mô phân sinh đỉnh và mô phân sinh lóng -> tăng trưởng chiều cao và không tăng kích thước bề ngang (do không có mô phân sinh bên).
2. Sinh trưởng sơ cấp và sinh trưởng thứ cấp
a) Sinh trưởng sơ cấp
– Khái niệm: Sinh trưởng theo chiều dài của thân, rễ
– Nguyên nhân – cơ chế:Do hoạt động của mô phân sinh đỉnh
– Đối tượng: Cây một lá mầm và phần thân non của cây 2 lá mầm.
– Đặc điểm bó mạch: Xếp lộn xộn
b) Sinh trưởng thứ cấp
– Khái niệm: Sinh trưởng theo chiều ngang của thân và rễ
– Nguyên nhân – cơ chế: Do hoạt động của mô phân sinh bên
– Đối tượng: Cây hai lá mầm
– Đặc điểm bó mạch: Xếp chồng chất hai bên tầng sinh mạch.
III. Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng của thực vật
1. Nhân tố bên trong
– Đặc điểm di truyền: Cây một lá mầm chỉ có sinh trưởng sơ cấp, cây Hai lá mầm có cả sinh trưởng sơ cấp và sinh trưởng thứ cấp.
– Các thời kì sinh trưởng của giống loài.
– Hoocmon thực vật điều tiết tốc độ sinh trưởng.
2. Nhân tố bên ngoài
– Nhiệt độ: Ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng của thực vật, tùy từng loại cây có nhiệt độ thích hợp khác nhau.
Ví dụ: cây rau màu vụ đông thích hợp với khí hậu lạnh.
– Hàm lượng nước: Tế bào thực vật sinh trưởng thích hợp với độ ẩm cao, trên 90%.
– Ánh sáng: Ảnh hưởng tới quang hợp do đó ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây, có thể gây nên sự biến đổi hình thái của cây ( cây bị vàng lá…)
– Oxi: Oxi ảnh hưởng đến hoạt động hô hấp do đó ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây.
– Dinh dưỡng khoáng: Ảnh hưởng tới quang hợp do đó ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây, gây nên sự biến đổi hình thái của cây (cây bị còi cọc…)