Bài 1: Phận đời 30 năm cư ngụ tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa
Cuộc sống giữa bạt ngàn mộ phần
Ở TP HCM có những nghĩa trang thuộc dạng cực kỳ lớn và tồn tại hàng mấy chục năm như Bình Hưng Hòa (Bình Tân), Gò Dưa (Thủ Đức)… Tại đó, mộ phần lớn nhỏ, mới cũ xếp hàng dài dằng dặc, rộng ngút ngát tựa như mê cung. Người dân một số địa phương khác, vì lý do này hay lý do kia, “nhảy dù” vào sống giữa nghĩa địa, thế là thành “cư dân” của nghĩa địa, chung sống với người quá cố.
Cũng tại mảnh đất Sài Gòn hoa lệ, một phần do tập quán hoặc do thiếu đất xây mồ mả, người dân lại an táng thân nhân ngay trong vườn, bên cạnh nơi sinh hoạt. Thành ra, người chết ở cùng người sống. Sự đan xen, “cộng sinh” này mang lại không ít câu chuyện lạ lùng, vừa lạnh sống lưng vừa hết sức thú vị.
Ông Trần Văn Hẹn sống tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa gần 30 năm
Nhân vật đầu tiên mà phóng viên tìm gặp là ông Trần Văn Hẹn (65 tuổi), “thường trú” tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Nằm trong khoảng đoạn giao giữa đường Tân Kỳ Tân Quý và đường Bình Long (thuộc quận Bình Tân), Bình Hưng Hòa là nghĩa trang chính, lớn nhất của TP HCM trong cả nửa thế kỷ qua.
Nghĩa trang này tồn tại từ trước năm 1975, mãi đến năm 2008, TP HCM mới quyết định giải tỏa, song, hiện tại, công việc vẫn diễn ra tương đối chậm chạp. Ước tính, trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa thời điểm này có khoảng 100.000 ngôi mộ, trải rộng trên diện tích khoảng 440.000m2.
Khi phóng viên tới nơi, ông Hẹn đương mắc võng giữa hai cột của nhà mồ đổ nát để hóng gió. Kế bên ông Hẹn là một ngôi mộ đã bị đào toang hoác, thân nhân hẳn là mới di chuyển hài cốt ra khỏi nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Ông Hẹn nói về việc ấy như đang kể về một người bạn lâu năm: “Họ đưa “ông ấy” đi hồi giữa năm. “Ông ấy” ăn Tết với tôi gần 20 năm. Bây giờ thì “ông ấy” chuyển chỗ ở mới rồi, chỉ còn tôi ở đây…”.
Nghĩa trang trở thành nơi cư trú của gia đình ông Hẹn
Ông Trần Văn Hẹn đã ở ngay trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa từ năm 1993, “hồi đó còn trống trơn, toàn ruộng với mộ, làm gì phố xá như bây giờ”. Năm nay, ông Hẹn bước sang tuổi 63, thì phần nửa cuộc đời gắn với nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Ông cởi trần suốt ngày, diện độc chiếc quần cộc màu đen đã bạc, phơi tấm lưng sạm nắng với bộ ngực toàn xương sườn. Thấy khách lạ, ông lật đật mặc thêm tấm áo mỏng và phân trần: “Ở đây, hiếm gặp người lạ lắm, toàn người chết không à”.
Kiếm sống dựa vào người đã khuất
Đời ông Hẹn khổ lắm. Sau khi đất nước thống nhất, ông làm việc một thời gian tại công ty điện phía Nam. Cuộc đời đưa đẩy, ông dần dà mất hết mọi thứ. Mấy chục năm trước đã không còn nhà cửa, cha xứ thương tình đưa ông vào nghĩa trang Bình Hưng Hòa, khu vực Thanh Minh Tương Tế, để trông coi các phần mộ.
Ngôi nhà tạm bợ của ông nằm sâu trong nghĩa trang, chung với hàng ngàn ngôi mộ. Ông ở riết trong nghĩa trang từ bấy đến nay, sống nhờ tiền “thuốc nước” từ nhân thân của người nằm dưới mộ, đồng thời kiếm thêm bằng việc buôn bán đèn cầy, hương hoa… và chạy xe ôm. Sống cùng với mồ mả lâu quá, thành ra nụ cười của ông cũng trở nên lạnh lẽo và giọng nói rề rà thê lương.
Một góc nghĩa trang Bình Hưng Hòa
Vén bờ môi xám xịt, ông Hẹn nhả từng lời: “Tôi ở đây đã 29 năm, ngày xưa trống trơn, tối thui, chẳng có ai quản lý gì cả. Nên nghĩa trang này trở thành đại bản doanh của bọn cướp, bọn gái, và cả bọn tội phạm có tổ chức nữa. Gái thì không nói rồi, sợ nhất là mấy tay cướp. Tôi nhớ mấy vụ tụi nó kêu xe ôm vào nghĩa địa, nhằm đoạn đường vắng, nó giết người ta đặng lấy xe.
Dân tình trước đây cứ đi ngang qua khúc Bình Long, Tân Kỳ Tân Quý là chạy cho nhanh, ai gọi cũng không dám ngoảnh lại. Chưa hết, bọn tội phạm giết người thường chọn nghĩa trang Bình Hưng Hòa để phi tang sau mỗi vụ thanh toán.
Suốt mấy chục năm tôi ở đây, cũng không ít lần công an đến nghĩa trang để tìm kiếm thi thể nạn nhân dựa vào lời khai của bọn tội phạm sau khi bị bắt. Thế nên, ở nghĩa trang này, tôi chỉ sợ người sống, chứ người chết họ hiền khô. Nói thực, từng ấy năm mà chưa thấy ma quỷ bao giờ, có lẽ mình không đụng họ, thì họ cũng ngại đụng mình. Hồi trước còn khỏe, tôi chạy xe ôm ban đêm mà có thấy gì đâu!”.
Chăm sóc mồ mả là công việc chính của những “cư dân” trong nghĩa trang
Không chạy xe ôm được nữa, ông Hẹn và vợ, con sống nhờ vào chăm sóc mộ. Thân nhân của những người nằm dưới đất lạnh thường thuê ông Hẹn lau dọn, sửa soạn phần mộ của người đã khuất. Mỗi ngôi mộ sạch sẽ tinh tươm, ông Hẹn được cảm ơn vài chục nghìn, có khi, người ta hoan hỉ, còn cho ông cả trăm bạc. “Tôi sống dựa vào người âm nên họ là bạn với tôi”, ông Hẹn cười hì hì, nói nửa đùa nửa thật.
(Còn tiếp)