Bài 1: Khái quát về lễ hội – HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA NGHỆ THUẬT
Bài 1: KHÁI QUÁT VỀ LỄ HỘI
1. Khái niệm
– Lễ hội là một dạng sinh hoạt văn hóa tổng hợp của con người, là nhu cầu văn hóa chính đáng của một cộng đồng người, là dịp để mọi người “thăng hoa” một cách bay bổng nhất những phẩm chất, tài năng tốt đẹp của mình, hòa nhập “cái tôi cá nhân” vào ”cái ta chung” của cộng đồng để tạo thành niềm vui chung, sức mạnh chung cho cả cộng đồng.
– Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa tổng hợp bao gồm các yếu tố:
+ Tinh thần và vật chất
+ Tôn giáo – tín ngưỡng và văn hóa – nghệ thuật
+ Linh thiêng và đời thường
– Có thể nhận thấy rằng, lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa tổng hợp được cấu thành bởi hai yếu tố lễ và hội, tương ứng với các mặt sau đây:
+ Mặt thứ nhất: Tinh thần, Tôn giáo-Tín ngưỡng, Linh thiêng là yếu tố lễ.
+ Mặt thứ hai: Vật chất, Văn hóa-Nghệ thuật, đời thường là yếu tố hội.
Cả hai yếu tố được gắn bó, hòa quyện với nhau không thể bỏ đi một yếu tố nào mà không làm mất đi bản thân nó.
– Lễ hội cổ truyền của người Việt chính là hội làng-hội làng là nơi biểu hiện tập trung tư tưởng và tâm lý của dân làng bao gồm lòng sùng kính những bậc có công với làng, nước, ý thức cộng đồng, nguyện vọng, ước mơ về một cuộc sống thanh bình, thịnh vượng.
– Lễ hội là “cuộc vui chơi đông người” được tổ chức nhân dịp kỷ niệm một sự kiện xã hội quan trọng liên quan đến sự tồn tại của một cộng đồng.
2. Tính chất của lễ hội
– Tính quần thể: lễ hội là sự cố kết với nhau một cách tự nguyện giữa mọi người trong cộng đồng với tinh thần “một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc nhà” từ đó vì quyền lợi của cộng đồng mà mỗi thành viên có thể làm tất cả để “phụng sự”.
– Tính hoành tráng: sự rộng lớn về không gian, thời gian tổ chức hội hòa cùng với những âm thanh rộn ràng, hấp dẫn của Trống, Chiêng, Kèn … sự hân hoan, nô nức của cư dân trong làng đi trẩy hội đã tạo nên một bức tranh hoành tráng, phấn khởi, vui tươi, thắng lợi của làng xã, đất nước.
– Tính biểu dương và hiệu triệu: lễ hội là dịp thể hiện sự thống nhất ý chí, làm tiền đề cho sự thống nhất hành động tạo nên sức mạnh của cả cộng đồng. Đồng thời cũng là nơi để mỗi cá nhân tự nguyện hòa nhập giữa “cái tôi vô danh” với “cái ta chung” mà không cần một lời hô hào, thúc ép nào.
3. Chức năng của lễ hội
– Chức năng liên kết cộng đồng
– Chức năng giáo dục
– Chức năng phản ánh, bảo lưu và truyền bá các giá trị văn hoá truyền thống
– Chức năng đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần, tâm linh
– Chức năng hưởng thụ và giải trí
– Chức năng kinh tế văn hóa
Đến với lễ hội mọi người “được ăn, được nói, được gói mang về” nghĩa là được hưởng thụ những lễ vật mà mình dâng cúng, được vui chơi, giải trí (cũng là một dạng hưởng thụ), được “hóa thân” đóng một vai trong hội hay “nhập thân” vào một trò chơi… Người đi hội không cảm thấy mình là người ngoài cuộc, chính điều đó đã đem lại niềm an ủi, sự xúc động thật sự và là nguồn động viên sâu sắc cho những thân phận nhỏ bé ngày thường trong xã hội phong kiến xưa. Niềm hạnh phúc thoáng qua đó đã trở thành một chất keo gắn bó thêm con người vào cộng đồng xã hội.
4. Vai trò của lễ hội
– Lễ hội là một dạng sinh hoạt văn hóa tổng hợp của con người, phục vụ nhu cầu văn hóa chính đáng của một cộng đồng người, là dịp để mọi người “thăng hoa” một cách bay bổng nhất những phẩm chất, tài năng tốt đẹp của mình, hòa nhập “cái tôi cá nhân” vào “cái ta chung” của cộng đồng để tạo thành niềm vui chung, sức mạnh chung của cả cộng đồng.
– Bằng nội dung của mình, lễ hội bao giờ cũng chứa đựng trách nhiệm nhắc nhở cho mọi thành viên của cộng đồng những bài học cổ điển và cần thiết về lịch sử và đạo lý, về lao động sản xuất và lao động kỹ thuật, về tinh thần thượng võ và nếp sống tài hoa…
– Lễ hội là sức sống, là tài sản văn hóa truyền thống của dân tộc, được trao truyền giữa các thế hệ, giữa các thời đại, trải qua nhiều thế kỷ; đồng thời cũng là đầu mối của công cuộc giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các miền, các dân tộc, các quốc gia trên thế giới.
5. Ý nghĩa của việc nghiên cứu lễ hội
– Việc nghiên cứu lễ hội giúp chúng ta nhận thức được bộ mặt đích thực, cả phần mạnh và phần yếu của lễ hội. Lễ hội đã bảo lưu giá trị văn hóa truyền thống, nền văn minh nông nghiệp, biểu hiện ở nếp sống với những ý thức cơ bản như:
+ Ý thức về cội nguồn
+ Ý thức về đồng loại
+ Ý thức về mỹ tục
+ Ý thức về tài năng văn hóa-nghệ thuật, thể thao, kỹ thuật cổ truyền.
Trịnh Đăng Khoa