Bác sĩ tại nhà: “Mẹo” xử lý khi bị dị ứng thực phẩm

(HNMCT) – Hỏi: Con tôi dễ bị dị ứng khi ăn hải sản… Mỗi lần ăn phải thực phẩm gây dị ứng, cháu bị nổi mề đay từng vùng hoặc khắp người, cơ thể nôn nao, ngứa ngáy khó chịu. Xin hỏi bác sĩ về cách xử lý khi bị dị ứng? Nguyễn Tuyết Mai (Đông Anh, Hà Nội)

Đáp: Khác với dị ứng thời tiết, dị ứng hải sản là phản ứng quá mức của hệ miễn dịch đối với protein có trong một số loại hải sản, đặc biệt là các loại hải sản có vỏ như tôm, cua, nghêu, sò…

Dị ứng hải sản thường gặp ở những người có cơ địa nhạy cảm và có các bệnh lý do cơ địa như viêm da cơ địa, thường xuyên nổi mề đay, hen suyễn, viêm xoang dị ứng… Mức độ dị ứng ở mỗi người là khác nhau, một số người có phản ứng với tất cả các loại hải sản, nhưng có người chỉ phản ứng với một số loại nhất định.

Người bị dị ứng hải sản nếu có các triệu chứng nhẹ thì có thể chữa tại nhà, thường chỉ ngừng dùng loại thức ăn gây dị ứng vài ba ngày là hết. Có thể kích thích gây nôn để loại bỏ phần thức ăn còn sót lại trong dạ dày.

Nếu tiêu chảy, nôn nhiều thì có thể dùng thuốc cầm tiêu chảy, thuốc chữa nôn. Nếu nôn và tiêu chảy quá nhiều, gây mất nước thì buộc phải vào viện. Những ban đỏ trên da hay các triệu chứng dị ứng nhẹ có thể hết sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu mẩn ngứa ban đỏ để lại những nốt phỏng nước thì cần phải vào viện. Đặc biệt, nếu xuất hiện những cơn khó thở co rút cơ liên sườn, co rút hõm ức, khó thở kiểu hen tím tái, mạch nhanh, huyết áp tụt… thì phải nhập viện ngay lập tức.

Nhìn chung, những ai bị dị ứng rồi thì phải luôn ghi nhớ để tránh xa các loại thực phẩm đó; luôn chuẩn bị sẵn một ít thuốc chữa phản ứng quá mẫn (theo sự chỉ dẫn của bác sĩ) đề phòng khi ăn phải đồ ăn gây dị ứng.

PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng
Nguyên Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai