Bác Hồ – tấm gương sáng về rèn luyện sức khỏe.

[

Điểm đánh giá

5

/5 ]

1

người đã bình chọn

Không chỉ kêu gọi toàn dân rèn luyện sức khỏe, Bác Hồ còn là một tấm gương sáng về tinh thần tự giác rèn luyện sức khỏe một cách tích cực và sáng tạo để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Bác Hồ - tấm gương sáng về rèn luyện sức khỏe.

Sinh thời Bác Hồ từng nói: “Mỗi một người dân yếu, tức là cả nước yếu, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Việc rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước”.

Ngay từ những năm sống tại Pháp, Bác Hồ đã có ý thức lo giữ gìn sức khỏe để hoạt động cách mạng lâu dài. Vào mùa đông lạnh giá, trước khi đi làm, Bác đã lấy hai viên gạch đặt vào lò bếp của khách sạn nơi thuê trọ để chiều về lấy viên gạch ra, bọc báo cũ làm tấm lót nệm nằm cho đỡ rét.

Trong thời gian ở nước Nga, vào mùa Đông rét mướt, Bác Hồ vẫn đều đặn dậy sớm tập thể dục tay không, kết hợp với tập các loại tạ và dây thun… Còn ở Vân Nam (Trung Quốc), trong những nơi ở chật chội của người dân lại phải hoạt động bí mật ở nhiều địa điểm, Bác Hồ vẫn tập thể dục, vận động thường xuyên kết hợp với dọn dẹp trong nhà,trong vườn.

Bác Hồ từ Trung Quốc về nước ngày 8/2/1941 và lưu lại trong vùng rừng núi Cao Bằng. Lúc ở hang PắcPó, lúc ở lán Khuổi Nậm, khi vào vùng rừng núi căn cứ du kích Lam Sơn, bất cứ ở đâu Bác đều duy trì nếp ăn, ở, sinh hoạt,học tập đều đặn.

Bác Hồ tập võ cùng các cảnh vệ.

Bác có thói quen tránh ăn quá no, rèn luyện thân thể vào buổi sáng, không ngủ trưa, và buổi chiều Người đi làm vườn, vác củi cho đồng bào trong xóm… Các vị lão thành cách mạng còn kể lại, thời kỳ chuẩn bị Hội nghi Trung ương Đảng lần thứ 18 năm 1941, sáng nào, Cụ Hồ cũng đi đến các lán gọi mọi người cùng dậy tập thể dục bên dòng Khuổi Nậm, rồi dành một lúc tăng gia và đi tắm suối rồi sau đó mới bắt tay vào công việc nghiên cứu, viết lách tài liệu.

Lúc ở Liễu Châu (Trung Quốc) Bác Hồ vẫn tập luyện thể dục đều đặn, nhiều hôm Bác tập Thái Cực quyền và chạy bộ 4-5 km, rồi xuống sông tắm cho dù có nhiều hôm trời rất giá rét. Nhờ rèn luyện sức khoẻ thường xuyên như vậy, nên Bác đã qua được cơn hiểm nghèo trong lần ốm nặng trước khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 nổ ra. Khi về Hà Nội thời kỳ 1945 – 1946, mặc dù công việc quá bề bộn, Bác Hồ vẫn giữ nề nếp dậy sớm tập thể dục.

Bác Hồ chơi bóng chuyền với các chiến sĩ bảo vệ.

Nhận rõ tầm quan trọng và thiết thực của TDTT nên trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam độc lập, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14 ngày30/1/1946 thành lập Nha Thể dục Trung ương trong Bộ Thanh Niên, Người hiểu rõ vấn đề thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khoẻ quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”.

Cuối tháng 3/1946 tự tay Bác Hồ viết lời kêu gọi toàn dân tập thể dục. Lời kêu gọi này lần đầu tiên được đăng trên báo Cứu Quốc số ra ngày 27/3/1946. Đó là cội nguồn khởi phát của phong trào “khoẻ vì nước” được Nha thể dục Trung ương phát động sôi nổi khắp đất nước ta trong năm 1946.

Trong lời kêu gọi, Bác Hồ căn dặn chúng ta: “Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục. Ngày nào cũng tập, khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe… Tự tôi, ngày nào cũng tập”. Chính Bác là tấm gương sáng về tập thể dục để mỗi chúng ta noi theo. Bác thường xuyên cùng cán bộ, chiến sĩ rèn luyện thể lực bằng cách chạy, đi bộ, bơi lội, leo núi, đánh bóng chuyền…

Bác không chỉ thường xuyên luyện võ, chơi bóng chuyền mà còn chăm chỉ tập bơi.

Nhiều lần, Người đến các địa điểm tập luyện ở Nha Đảo xảo (Cung văn hóa Hữu nghị hiện nay), Quảng trường Nhà hát Lớn, SVĐ SEPPO (Sân Hàng Đẫy hiện nay)… ngay từ sáng sớm để động viên các lớp huấn luyện thể thao-quân sự phổ thông. Ngày 8/3/1946, Bác đã đá quả bóng danh dự, mở màn trận đấu giữa đội Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu và Đội Vệ quốc Đoàn.

Trong thời kỳ 1954-1975, Bác đã dành nhiều thời gian quan tâm đến thể dục thể thao: xem thi đấu bóng đá hữu nghị giữa hai đội Hà Nội và Khmer tại SVĐ Hàng Đẫy (6/1957), dự Lễ khánh thành sân Hàng Đẫy và trận đấu bóng đá giữa ĐT Phnom Penh (Campuchia) và Hà Nội (24/8/1958), tới dự ĐH Bơi lội thiếu niên miền Bắc lần I (1958, bể bơi Ba Đình), dự lễ bế mạc Đại hội thể dục thể thao Thủ đô lần I (1961), tiếp các đoàn thể thao nước ngoài…

Dù là một người lãnh đạo, là người đứng đầu nhà nước nhưng Bác cũng chăm chỉ cần mẫn rèn luyện thể chất như những người bình thường. Chính những hành động đó đã khiến Bác trở nên gần gũi giản dị với chúng ta hơn rất nhiều.

Ngày 19/12/1966, khi tiếp các đoàn VĐV đoàn TTVN tham dự GANEFO châu Á thắng lợi trở về (có các danh thủ Trần Oanh-bắn súng, Trần Hữu Chỉ-điền kinh, Vũ Thị Sen-bơi…), Bác đã căn dặn: “Đánh giặc Mỹ gian khổ khó khăn như vậy, nhưng quân và dân ta có quyết tâm đánh thắng. Các cháu phải quyết tâm đặt thành tích, cao hơn nữa. Muốn vậy phải đoàn kết, giúp đỡ nhau trong tập luyện và thi đấu, phải cố gắng thật nhiều để xứng đáng là những VĐV của dân tộc anh hùng”.

Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên một nền thể thao Việt Nam mang tính hiện đại, khoa học, tiên tiến và giàu bản sắc dân tộc, đồng thời thành quả ấy đã tạo nên vị thế của thể thao Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Đặc biệt, không chỉ kêu gọi toàn dân rèn luyện sức khỏe, Bác Hồ còn là một tấm gương sáng về tinh thần tự giác rèn luyện sức khỏe một cách tích cực và sáng tạo để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Việc tập luyện thể dục, thể thao của Bác luôn là tấm gương mẫu mực nhất cho chúng ta hôm nay và các thế hệ con cháu noi theo.

Thái Bình

(Nguồn:http://baonghean.vn)