BTV Lê Thanh Huyền: ‘Điều tự hào nhất với người làm báo là sản phẩm có tác động tích cực tới xã hội’
(Ngày Nay) – Lê Thanh Huyền là gương mặt quen thuộc với khán giả VTV trong hơn 10 năm qua. Thương hiệu của cô gắn liền với các bản tin Thể thao như “360 độ Thể thao”, “Thể thao 24/7”. Sở hữu giọng nói dễ nghe, lối dẫn chương trình sắc sảo và dí dỏm, Thanh Huyền đã để lại trong lòng công chúng cũng như đồng nghiệp những ấn tượng mạnh mẽ. Khi đã đạt đến một vị trí nhất định trong địa hạt Thể thao, Lê Thanh Huyền đã quyết định rời bỏ vùng an toàn của bản thân và đón nhận những thử thách mới.
PV: Công chúng biết đến chị nhiều nhất qua vai trò của một BTV Thể thao, chị có thể chia sẻ nhiều hơn về quãng thời gian này?
BTV Lê Thanh Huyền: Tôi bắt đầu làm thể thao từ năm 2010. Khi vừa ra trường, tôi đã thử sức tại Thông tấn xã Việt Nam, rồi sau đó làm ở VTV cap, ban Thể thao. Như vậy, tôi đã có tới 11 năm gắn bó với thể thao trước khi chuyển sang một lĩnh vực mới là các chương trình chính luận.
Làm Thể thao thì ai cũng làm được, các bạn trẻ bây giờ đều rất thông minh, giỏi công nghệ, giỏi ngoại ngữ, tôi nghĩ ai yêu thích thể thao đểu có thể trở thành BTV thể thao được.
Tuy nhiên, để trở thành một BTV Thể thao giỏi, có cá tính và ghi dấu ấn với người hâm mộ thì lại cần các bạn phải làm nghề một cách nghiêm túc, tìm tòi, học hỏi và theo sát các thông tin. Đương nhiên cần phải có cái “duyên” nữa.
Cũng cần phải xác định rằng, sức khoẻ của các bạn sẽ giảm sút rất nhiều khi phải làm đêm trong một thời gian dài, nhịp sinh học đảo lộn hoàn toàn. Gắn bó lâu với thể thao đòi hỏi phải có thể lực và ý chí như một vận động viên cử tạ. Thêm một áp lực nữa là phải thay đổi hàng ngày hàng giờ để phù hợp với thị hiếu của khán giả, bởi lẽ Thể thao là một chương trình giải trí, một món ăn tinh thần.
Một trong những ấn tượng không thể quên được trong quãng thời gian làm BTV Thể thao của tôi là chuyến xuất ngoại đầu tiên. Đợt đó, tôi cùng anh chị em trong đài tới Myanmar để tham dự Paragames – Đại hội Thể thao Người Khuyết tật Đông Nam Á năm 2014. Tôi vốn là fan hâm mộ nhiệt thành của đội tuyển Arsenal từ những ngày còn ngồi ghế nhà trường. Đã quen với những trận cầu tiết tấu nhanh, mạnh mẽ và rực rỡ, trước lúc đi tôi vô cùng háo hức, tưởng tượng ra những viễn cảnh rất tưng bừng ở nước bạn.
Thế rồi, lần đầu tiên tiếp xúc với những vận động viên Paragames thực sự đã đem đến những cảm xúc lẫn lộn, bồi hồi khó tả trong tôi. Hành trình đi theo đoàn năm đó đã cho tôi được tiếp cận những góc hoàn toàn khác của Thể thao, và trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, đồng thời cũng giúp tôi học được cách không để cảm xúc chi phối để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
PV: Vậy là 11 năm làm BTV Thể thao và một năm chuyển sang chương trình chính luận. Điều gì đã khiến chị lựa chọn gắn bó với công việc BTV truyền hình lâu như vậy?
BTV Lê Thanh Huyền: Đó là những trải nghiệm.
Tôi được đi tới nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, khám phá văn hoá, phong tục tập quán của nhiều địa phương. Mỗi ngày đi làm đều là một sự mới mẻ. Tôi nghĩ rằng mình khó có thể tìm được công việc nào phù hợp với mình như là công việc của một BTV truyền hình.
Hơn 10 năm làm nghề báo tôi đã nếm trải đủ niềm vui, nỗi buồn. Được khen cũng nhiều mà bị chê cũng không ít. Tuy nhiên, điều tự hào nhất với người làm báo là những sản phẩm của mình có tác động tích cực tới xã hội.
Cách đây vài năm, tôi đã từng làm một chuyên mục về vấn đề thiếu chỗ chơi thể thao nhất là chỗ chơi cho các em nhỏ, phóng sự có phản ánh về tình trạng các sân chơi bị chiếm dụng làm bãi đỗ xe ô tô hay kinh doanh quán nước. Sau khi phát sóng, các cấp chính quyền đã vào cuộc, nhiều khu vui chơi hoạt động thể thao công cộng đã được trả lại đúng mục đích hoạt động ban đầu. Nhìn các bạn nhỏ chạy nhảy vui đùa ở nơi mấy ngày trước còn là bãi đỗ xe, tôi rất vui và tự hào… điều này khiến tôi lại càng gắn bó và yêu công việc của mình hơn.
PV: Sau khi chuyển sang Ban Thời sự, chị cảm thấy sự khác biệt lớn nhất là gì?
BTV Lê Thanh Huyền: Nhiều người hỏi tôi vì sao đang làm Thể thao quen rồi mà sang Thời sự, tôi nói vui là: “Em hết tuổi thi đấu rồi!” Làm Thể thao cần phải năng động, trẻ trung, còn Thời sự đòi hỏi sâu sắc, chín chắn, địa hạt kiến thức rộng mở.
Trước đó, ngoài Thể thao, tôi vẫn luôn quan tâm và tìm hiểu về nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, văn hoá, chính trị… Tôi không ngừng đọc, xem tin tức, tích luỹ kiến thức, ý kiến đa chiều về những mảng này. Khi tới một độ chín nhất định, tôi nghĩ rằng mình nên thay đổi sang một môi trường mới để có cơ hội gặp được nhiều người trong đa lĩnh vực, ngành nghề hơn. Trò chuyện với họ sẽ khiến tôi hiểu biết sâu sắc hơn về nhiều mặt của cuộc sống. Đây là cách để tôi thoả mãn đam mê và sự tò mò với nghề nghiệp.
Sang ban Thời sự, tần suất làm việc đêm giảm lại, chỉ duy trì 2-3 lần một tuần vào những ngày có ghi hình Chào buổi sáng. So với trước kia, một tin vắn giờ có thời lượng ngắn hơn, có khi chỉ kéo dài đúng 45 giây, làm tin ngắn bao giờ cũng khó hơn làm tin dài. Tiết tấu công việc nhanh, số lượng bản tin phải tăng lên cho vừa vặn khung thời gian 5 phút, mà vẫn chắc chắn đảm bảo được chất lượng (tính chính xác của nguồn tin, chất lượng bản tin, chất lượng hình ảnh, cách biểu đạt…), dẫn đễn nhiều khi bản thân sẽ cảm thấy bị cuốn theo guồng quay vội vã của công việc.
Tôi không có áp lực phải đưa tin nhanh như các đơn vị báo mạng hay các đơn vị truyền thông khác, vì mỗi khi làm bản tin, việc điều động phóng viên, quay phim và lái xe đã mất một thời gian rồi. Ngược lại, tin chúng tôi thực hiện phải chính xác và đầy đủ nhất có thể, bao gồm việc liên hệ các cơ quan chức năng, bộ ban ngành để phỏng vấn tìm hiểu ngọn ngành. Như bạn thấy đấy, số lượng tin tăng, mỗi tin đều phải dày công phỏng vấn, ghi hình, nhưng bản tin phải phân tích rất cô đọng, súc tích. Điều này đòi hỏi rất nhiều công sức và tâm huyết với nghề.
Đương nhiên nhiều khi “nhớ nghề” cũ, tôi vẫn làm các chương trình Thể thao của Thời sự, như đợt SEA Games 31 vừa rồi tôi đã “tranh thủ” đi làm một phóng sự để tận hưởng cảm giác sục sôi rất lâu mới có của một kỳ Đại hội.
Nhưng, tôi rất hài lòng với sự chuyển đổi này, mặc dù thay đổi một thói quen chưa bao giờ là điều dễ dàng cả.
PV: Làm cách nào để công chúng yêu thích một BTV trong những chương trình chính luận có phần nghiêm túc như Thời sự?
BTV Lê Thanh Huyền: Khán giả ngày càng đòi hỏi cao hơn ở một BTV, không những có ngoại hình ưa nhìn, giọng nói truyền cảm mà phải là kiến thức rộng. Để được công chúng đón nhận không còn cách nào khác ngoài việc phải học hỏi mỗi ngày và lắng nghe những ý kiến góp ý để hoàn thiện bản thân.
PV: Có “hình tượng” Biên tập viên nào mà chị hướng đến hoặc có ảnh hưởng đến sự nghiệp của chị không?
BTV Lê Thanh Huyền: Tôi không có một thần tượng nào cụ thể trong nghề, nhưng tôi vẫn hay xem các chương trình truyền hình của nước ngoài. Tôi rất thích cách những người dẫn chương trình của họ truyền tải thông tin tới khán giả: tự nhiên, gần gũi nhưng rất ngắn gọn, cô đọng và dễ hiểu. Tôi vẫn đang học hỏi và nỗ lực hàng ngày để trở nên tốt hơn sau mỗi lần lên sóng trực tiếp.
PV: Chị có cảm thấy mình là một người phụ nữ thành đạt trong sự nghiệp của mình?
BTV Lê Thanh Huyền: Rất khó để định nghĩa thế nào là thành đạt, tôi cũng không dám nhận mình là người thành đạt hay nổi tiếng. Tôi tự chủ được cuộc sống, yêu thích công việc đang làm và hài lòng với những gì mình có… có lẽ đây là thành tựu lớn nhất rồi.
PV: Cám ơn chị về cuộc trò chuyện.